Chọn mẫu trong chương trình kiểm toán tài sản dài hạn

Một phần của tài liệu CHỌN MẪU TRONG KIỂM TOÁN (Trang 37 - 40)

2. Thực tế phương pháp chọn mẫu áp dụng trong kiểm toán báo cáo tài chính do công ty TNHH kiểm toán và kế toán AAC thực hiện.

2.6. Chọn mẫu trong chương trình kiểm toán tài sản dài hạn

Khi tiến hành thử nghiệm kiểm toán các tài sản dài hạn như tài sản cố định, chi phí xây dựng cơ bản dở dang và các khoản đầu tư tài chính dài hạn, kiểm toán viên thường chọn và kiểm tra toàn bộ các khoản phát sinh liên quan đến các khoản mục này. Theo giải thích của kiểm toán viên thì các khoản mục này được đánh giá là các khoản mục trọng yếu và số lượng các nghiệp vụ phát sinh tương đối ít. Đặc biệt đối với các khoản đầu tư tài chính thì khó có thể áp dụng phương pháp chọn mẫu trong thử nghiệm kiểm toán còn vì một số lí do sau:

 Kiểm soát nội bộ đối với các khoản đầu tư này còn chưa có tính chuyên nghiệp cao do đó không thể đánh giá rủi ro kiểm soát là thấp. Do vậy phải đặt mức rủi ro phát hiện có thể chấp nhận ở mức thấp nhất hay có thể nói là nên tăng phạm vi thử nghiệm chi tiết lên mức cao nhất có thể.

 Thị trường tài chính rất phức tạp, có thể cùng là một công cụ đầu tư, hay là cùng một khối lượng giao dịch như nhau nhưng bản chất sẽ có thể rất khác nhau tùy vào loại hình giao dịch và thời điểm giao dịch. Do vậy sẽ rất khó khăn để đánh giá và đưa ra một mẫu mang tính chất đại diện cho cả tổng thể.

Trong năm, doanh nghiệp X chỉ mua sắm hai máy điều hoà nhiệt độ, thanh lý một giàn máy vi tính và chuyển quyền sử dụng đất 30 Phan Đình Phùng. Còn chi phí xây dựng cơ bản và khoản đầu tư tài chính trong năm không có nghiệp vụ kinh tế phát sinh và năm trước kiểm toán viên đã thực hiện 100% các phần tử của tổng thể. Do đó, kiểm toán viên chỉ tiến hành thử nghiệm kiểm toán tài sản cố định.

Chúng ta có thể tham khảo một số thủ tục kiểm toán kiểm toán viên đã thực hiện khi tiến hành thử nghiệm kiểm toán các khoản tài sản cố định tại doanh nghiệp X:

 Kiểm tra các tài sản cố định tăng trong kỳ:

o Kiểm tra tính chính xác trên các hóa đơn mua TSCĐ, xác minh những chi tiết của TSCĐ với hóa đơn, hợp đồng hoặc các tài liệu liên quan đến quyền sở hữu TSCĐ.

o Kiểm tra việc thanh toán TSCĐ. Đồng thời kiểm tra phiếu yêu cầu mua TSCĐ đã được chấp thuận bởi cấp có thẩm quyền. Kiểm tra xem các tài sản này có được ghi chép vàp sổ sách có liên quan không.

 Xem xét việc thanh lý, chuyển nhượng TSCĐ trong kỳ:

o Đối chiếu các khoản thu từ thanh lý TSCĐ với sổ quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng. Đảm bảo số tiền thu được từ thanh lý, nhượng bán tài sản là hợp lý (không quá thấp).

o Kiểm tra biên bản thanh lý TSCĐ do những người có thẩm quyền trong đơn vị thông qua.

 Kiểm tra khấu hao tài sản cố định:

o Kiểm toán viên kiểm tra phương pháp khấu hao áp dụng vào tất cả các loại tài sản có phù hợp với quy định hiện hành và nhất quán với những năm trước hay không. Doanh nghiệp X sử dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng đối với tất cả các loại tài sản.

o Thực hiện tính toán lại việc trích lập khấu hao toàn bộ tài sản cố định trong năm của đơn vị.

 Kiểm toán viên kiểm tra sự tồn tại của tài sản thông qua biên bản kiểm kê tài sản cố định do khách hàng cung cấp.

Nhìn chung, kiểm toán viên thường chọn kiểm tra 100% đối với tài sản cố định. Riêng đối với một số khách hàng như bưu điện, viễn thông thì số lượng tài sản cố định rất nhiều, đến hàng nghìn tài sản cố định nên do hạn chế về thời gian, kiểm toán viên thường chọn mẫu để thực hiện các thử nghiệm kiểm toán. Em xin giới thiệu phương pháp chọn mẫu do AAC thực hiện khi thực hiện các thử nghiệm kiểm toán tại Công ty viễn thông Y.

Công ty Viễn thông Y có giá trị tổng thể khoản mục “tài sản cố định (thuần)” là 4.128 triệu đồng tương ứng với tổng thể của mẫu là 154 đối tượng ghi tài sản cố định.

Kiểm toán viên chọn cỡ mẫu là 25. Đối với khoản mục này, kiểm toán viên đánh giá rủi ro tiềm tàng cao do khoản mục này một phần chịu ảnh hưởng của phương pháp tính khấu hao, đây là một khoản ước tính kế toán thường được thực hiện trên cơ sở xét

đoán chủ quan của người quản lý và điều hành doanh nghiệp. Còn rủi ro kiểm soát được đánh giá trung bình, do đó, kiểm toán viên đặt rủi ro phát hiện ở mức thấp và mức trọng yếu phân bổ cho khoản mục này là 2.000.000 đồng.

Kiểm toán viên thực hiện lựa chọn các phần tử của mẫu theo hệ thống. Theo đó, từ một điểm xuất phát ngẫu nhiên được chọn, kiểm toán viên chọn các phần tử cách nhau một khoảng cách nhất định là 6 (154 : 25 = 6,16 làm tròn là 6). Kiểm toán viên chọn một điểm xuất phát ngẫu nhiên trong khoảng từ đối tượng ghi tài sản thứ nhất đến đối tượng ghi tài sản thứ 6. Trong trường hợp này, kiểm toán viên chọn đối tượng ghi tài sản thứ 3, các đối tượng ghi tài sản khác lần lượt được chọn vào mẫu là đối tượng ghi thứ 9 (3 + 6), đối tượng ghi thứ 15 (9 + 6)…Các phần tử được chọn có tổng giá trị là 1.250 triệu đồng.

Kiểm toán viên thực hiện các thử nghiệm chi tiết số dư tương tự như doanh nghiệp X. Kết quả các thử nghiệm này phát hiện được tổng giá trị sai sót của các phần tử là 650.000 đồng. Khi đó giá trị sai sót dự kiến của tổng nhóm này được xác định như sau:

(650.000 : 1.250.000) * 4.128.000.000 = 2.146.560 (đồng).

Mức trọng yếu đã phân bổ cho khoản mục TSCĐ là 2.000.000 đồng. Mức trọng yếu này được xác định dựa trên phương pháp chung về việc phân bổ mức ước lượng ban đầu về mức trọng yếu của tổng thể báo cáo tài chính cho từng khoản mục của AAC. Đó là phân bổ theo qui mô về giá trị của từng khoản mục, theo kết quả của việc đánh giá mức độ rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát, theo kinh nghiệm kiểm toán và chi phí kiểm toán dự kiến cho khoản mục đó.

Mức sai sót dự kiến cho khoản mục này đã được xác định là 2.146.560 đồng. Như vậy, mức sai sót dự kiến cho khoản mục vượt quá sai sót có thể bỏ qua, nên phải mở rộng thêm cỡ mẫu. Lúc này, trưởng nhóm quyết định mở rộng thêm 20 mẫu, khoảng cách 154 : 20 = 7,7 làm tròn là 8. Qui ước: Nếu phần tử nào trùng lặp với thủ nghiệm lần thứ nhất sẽ lấy mẫu kế tiếp để thay thế. Các phần tử được chọn có giá trị là 2.140 triệu đồng và kết quả thử nghiệm cơ bản phát hiện được tổng giá trị sai sót của các phần tử là 150.000 đồng, thì khi đó giá trị sai sót dự kiến của tổng thể nhóm này được xác định như sau:

(650.000 + 150.000) : (1.250.000 + 2.140.000) * 4.128.000 = 974.159 (đồng). Như vậy, mức sai sót này có thể bỏ qua, vì giá trị thấp hơn “mức sai sót có thể bỏ qua” đã được thiết lập là 2 triệu đồng. Điều đó có nghĩa rằng: kiểm toán viên không cần thiết phải mở rộng thêm các phần tử để kiểm tra và tổng số sai sót đã phát hiện thực tế 800.000 đồng phải đề nghị đơn vị điều chỉnh cho thích hợp.

Phương pháp chọn mẫu do AAC thực hiện đối với thử nghiệm chi tiết số dư khoản mục tài sản cố định tại công ty Viễn thông X có một số ưu điểm. Thứ nhất, kiểm toán viên đã sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên (cụ thể là chọn mẫu hệ thống) nên rất dễ dàng trong việc lựa chọn các phần tử của mẫu. Thứ hai, kiểm toán viên đã sử dụng công thức toán học để suy ra kết quả của tổng thể từ kết quả của mẫu. Tuy nhiên, cách đánh giá kết quả mẫu này chỉ thích hợp khi có nghi ngờ rằng những mục lớn hơn có khả năng có những sai sót nhiều hơn.

Chương III. BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP CHỌN MẪU ÁP DỤNG TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH DO CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ KẾ TOÁN AAC THỰC HIỆN

Một phần của tài liệu CHỌN MẪU TRONG KIỂM TOÁN (Trang 37 - 40)