Chỉ số về giáo dục

Một phần của tài liệu nghiên cứu chất lượng cuộc sống của dân cư vùng đông bắc việt nam (Trang 29 - 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.1.2.4. Chỉ số về giáo dục

Chỉ số về giáo dục là một trong 3 thành phần cơ bản phản ánh sự phát triển của con người. Nó bao gồm tỷ lệ người lớn biết chữ và tỷ lệ nhập học tổng hợp các cấp hoặc số năm đi học ở trường. Thông qua các chỉ số này chúng ta có thể đánh giá được trình độ văn hoá, mức độ phát triển của xã hội cũng như CLCS của nhân dân mỗi nước trên thế giới.

- Tỷ lệ người lớn biết chữ (theo UNDP): là tỷ lệ phần trăm (%) số người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết (và hiểu được những câu ngắn, đơn giản trong cuộc sống hàng ngày của họ) so với tổng số dân.

- Tỷ lệ nhập học tổng hợp các cấp: là tỷ lệ phần trăm (%) số người học ở tất cả các bậc học trên tổng số dân chính thức trong độ tuổi đi học của các cấp giáo dục (tiểu học, THCS, THPT và đại học, cao đẳng).

- Số năm đến trường: là số năm bình quân đã được nhận đến trường học của những người từ 25 tuổi trở lên.

Các chỉ số này có liên quan nhiều đến mức sống và thu nhập. Ở các nước kém phát triển, có thu nhập thấp thường có số năm đi học ít (3,4 năm thậm chí là 1,6 năm), tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ nhập học tổng hợp cũng rất thấp thường là dưới 60% - chủ yếu tập trung ở Châu Phi. Các nước có thu nhập trung bình thường có tỷ lệ biết chữ chiếm hơn 80%, tỷ lệ nhập học tổng hợp trên 70% và số năm đi học trung bình là 5,3 năm. Còn các nước có thu nhập

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

cao, tỷ lệ biết chữ thường rất cao xấp xỉ 100%, tỷ lệ nhập học tổng hợp trên 80% và có số năm đi học trung bình là 10,6 năm (ở khu vực Bắc Mỹ là 12,4 năm, cộng đồng Châu Âu là 11,1 năm). Ngoài ra, ở hầu hết các nước số năm đi học của nữ đều ít hơn nam giới, nhưng với các nước kém phát triển và đang phát triển thì sự chênh lệch này còn lớn hơn.

Bên cạnh các chỉ số nêu trên, người ta còn quan tâm đến tỷ lệ mù chữ - tức là tỷ lệ% số người không biết chữ trong tổng số dân ở một độ tuổi nhất định. Tỷ lệ mù chữ không chỉ do đói nghèo mà còn do chính sách xã hội của từng nước. Chính vì vậy, có nhiều nước thu nhập chưa cao như Cu Ba, Việt Nam... tỷ lệ người biết chữ lại cao hơn một số nước có thu nhập cao (khoảng 93% số người trên 15 tuổi biết chữ, chỉ còn khoảng 7% số người mù chữ). Theo Báo cáo thế giới toàn cảnh năm 2003 của RAMSES thì chỉ số phổ cập giáo dục của Việt Nam là 97%, xếp hàng các quốc gia có tỷ lệ học vấn khá cao, trong khi mức thu nhập GDP/người của chúng ta vẫn ở mức thấp.

Giáo dục là một trong những chỉ tiêu cơ bản phản ánh CLCS, trình độ học vấn, mức độ phát triển xã hội cũng như trình độ văn minh của mỗi dân tộc. Bởi trong thời đại hiện nay, muốn tiếp cận được với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế thị trường thì điều đầu tiên phải tính đến là trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn nghề nghiệp của người lao động trên cơ sở một nền giáo dục toàn dân, toàn diện. Do đó, nếu như nền kinh tế còn thấp kém cộng với sức ép gia tăng dân số quá nhanh sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình giáo dục cả về chất lượng lẫn số lượng.

Một phần của tài liệu nghiên cứu chất lượng cuộc sống của dân cư vùng đông bắc việt nam (Trang 29 - 30)