Chương 1: ĐỔI MỚI TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ CẢM HỨNG CÔ ĐƠN
1.2. Những chuyển đổi tƣ duy nghệ thuật từ sau 1975
Nhìn lại lịch sử văn học, theo lệ thường, một khi lịch sử đã chuyển đoạn thì văn học nghệ thuật tất yếu cũng phải chuyển theo. Điều kiện lịch sử xã hội với những chuyển đổi cơ bản sau giải phóng, đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ VI đã tác động mạnh mẽ đến ý thức xã hội, kéo theo nó là những chuyển đổi mạnh mẽ trong ý thức của nhà văn về sáng tạo nghệ thuật. Nền kinh tế thị trường với tất cả tính chất phức tạp, gai góc của nó khiến con người không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như những năm trước chiến tranh. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ giờ đây khi cọ xát với đời sống xô bồ, phức tạp của thời hiện đại dần mất đi tính tuyệt đối của nó. Những vấn đề mới đặt ra trong cuộc sống thời hậu chiến tất yếu đi vào sáng tác cùng nỗi ưu tư day dứt của người nghệ sĩ. Và đối tượng phản ánh của văn xuôi sau 1975 thuộc về số phận cá nhân với những trăn trở của họ về đời sống vật chất và tinh thần. Hiện thực đó đòi hỏi văn học phải gắn bó hơn với cuộc sống, đi sâu khám phá con người một cách đa diện, sâu sắc hơn: Văn học phải tham gia tích cực vào “Cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người – một
cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống.” (Nguyễn Minh Châu). Văn học phải khám phá được con người trong chiều sâu bí ẩn trong tâm hồn, trong sự bề bộn của cuộc sống.
Như được khích lệ, các nhà văn đã không ngần ngại bày tỏ quan niệm của mình về hiện thực cuộc sống, đặc biệt là về con người một cách sâu sắc và toàn diện nhất. Văn học trước 1975, văn học thường nhìn con người chủ yếu ở tư cách con người công dân, con người giai cấp, con người dân tộc. Vì thế mà những bình diện khác của con người, những tư cách khác của con người thường ít được văn học chú ý, nếu có được quan tâm thì cũng dùng hệ qui chiếu của các giá trị cộng đồng. Nhà văn thường lấy lí tưởng, hành động cách mạng làm thước đo giá trị, phẩm chất của con người, vì thế, con người trong giai đoạn ấy được tái hiện trong khuôn mẫu của lí tưởng cộng sản, hành động anh hùng, khát vọng vì Tổ quốc. Sau 1975, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của toàn dân tộc đã kết thúc, con người được trở về với đời sống thường nhật cùng những bộn bề lo toan và hơn hết con người còn phải đấu tranh với chính bản thân để hoàn thiện mình, để hòa hợp với cuộc sống, với gia đình, với tập thể. Con người “hôm qua” thuộc về cộng đồng, số đông đã nhường chỗ cho con người “hôm nay” thuộc về cá thể, hiện lên với tư cách cá nhân, trong nhiều tầng quan hệ . Thực tế đó, đòi hỏi văn học phải thay đổi, thay đổi từ quan niệm, đến cách viết.
Bằng sự nhạy bén của mình, các nhà văn đương đại đã khắc phục những hạn chế của “thời xa vắng” nhanh chóng bắt kịp thời cuộc. Nhìn thẳng vào sự thật, viết về
“cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, màu đỏ với màu đen đầy rẫy những biến động bất ngờ.” (Nguyễn Khải). Bên cạnh việc phản ánh những đổi thay của hiện thực thì việc khắc họa số phận cá nhân trong văn xuôi đương đại là vấn đề lớn được các cây bút quan tâm. Bởi như Nguyễn Minh Châu đã nói “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm nhưng tâm điểm là con người.”. Con người là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích đến cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm qui chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố
lịch sử. Ở cuộc sống mới, con người trong tổng hòa của những mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên cảm hứng thế sự đời tư nổi lên như một vấn đề trung tâm của mọi “nỗ lực sáng tạo” trong văn xuôi đương đại. Ngay cả những sáng tác viết về nhiều đề tài khác như nông thôn, thành thị, nông dân, công nhân, trí thức, người vợ, người mẹ, … nhà văn vẫn xoáy thật sâu vào những vẫn đề cốt yếu thông qua tâm điểm nhân vật. Những niềm vui, nỗi buồn, sự sướng khổ, được mất,… đi vào văn chương một cách chân thực và rõ nét hơn bao giờ và được xem như một kiểu “tư duy thời đại”. Cũng là lính, cũng là công nhân, nông dân, người phụ nữ, trí thức,… nhưng giờ đây, họ được soi chiếu từ nhiều góc độ và đặc biệt họ được đặt vào giữa vòng xoáy cuộc đời, kể cả những vòng xoáy nghiệt ngã nhất. Bằng cách ấy, các nhà văn thời kì này đã để nhân vật của mình được đối diện với mọi vấn đề phức tạp của cuộc sống. Từ đó, con người có thể bộc lộ mình thông qua những lời thoại, tình huống, hoàn cảnh, qua các mối quan hệ và qua cả những suy tư thầm kín của riêng mình bằng những lời tự vấn. Các nhà văn đã không đơn giản nhìn họ bằng nhãn quan thuần khiết một chiều, dễ dãi; càng không có ý nhân nhượng hay thỏa hiệp để chỉ thấy những điểm tốt, mặt lí tưởng của họ. Ngược lại các nhà văn đã miêu tả họ với đầy đủ màu sắc khác nhau, ở nhiều vị trí, trên nhiều bình diện, xấu có tốt có, vui có buồn có, hạnh phúc có khổ đau có, có mất mát, tổn thương, sám hối và có cả ước mơ; thậm chí, nhân vật được đặt vào những “góc tăm tối nhất”. Ở họ không có những
“bất ngờ may rủi”, không mờ nhạt mà “đầy những vết dập xóa trên thân thể và tâm hồn”. Vì thế, nhân vật trong văn xuôi đương đại không còn một chiều, đơn điệu mà có sự kết hợp giữa ngoại hình và nội tâm, giữa ý thức và vô thức, giữa dục vọng và bản năng ước mơ thánh thiện,…
Chính những thay đổi về tư duy nghệ thuật, đã dẫn đến những đổi thay quan trọng trong quan niệm nghệ thuật về con người, sự đa dạng về bút pháp, giọng điệu, ngôn ngữ, nghệ thuật trần thuật. Nhưng trước hết, việc thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người là điều kiện để văn xuôi đương đại tạo nên sự phong phú về các kiểu
dạng nhân vật mà văn xuôi giai đoạn trước chưa có hoặc có nhưng còn mờ nhạt. Nếu văn xuôi giai đoạn trước với quan niệm về con người anh hùng gắn liền nới nó là kiểu nhân vật sử thi thì văn xuôi đương đại với sự đổi mới về tư duy nghệ thuật, đã khuyến khích, cổ vũ người cầm bút được lựa chọn, mở rộng và sáng tạo tự do đối với nhân vật của mình. Theo đó, họ có cơ hội nhìn lại, làm mới quan niệm nghệ thuật về con người theo trường thẩm mĩ mới phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của công chúng.
Các nhà văn tập trung vào đời sống riêng tư, đào xới tận cùng bản thể con người trên mọi bình diện, tầng bậc, mạnh dạn bày tỏ thế giới tâm thức bí ẩn trong con người.
Bởi thế văn xuôi đương đại xuất hiện nhiều kiểu dạng nhân vật mới được phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau: Đó có thể là kiểu nhân vật sám hối đầy những suy tư, dằn vặt, thức tỉnh như trong một số sáng tác của Nguyễn Minh Châu; cũng có thể là kiểu nhân vật vừa đáng ghét, vừa đáng thương trong một số sáng tác của Ma Văn Kháng; hay là kiểu nhân vật kiếm tìm trong một số sáng tác của Tạ Duy Anh, Chu Lai,… cũng có thể là kiểu nhân vật cô đơn trong một số sáng tác của Dạ Ngân, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Danh Lam,… Sự đa dạng về các kiểu nhân vật đã đem đến cho văn xuôi đương đại sức hấp dẫn riêng đặc biệt, qua đó cũng khẳng định phạm vi phản ánh hiện thực cũng như quan niệm nghệ thuật về con người đã có nhiều đổi mới, phong phú hơn.
Qua tìm hiểu, có thể nhận thấy mỗi nhân vật trong văn xuôi đương đại đều có những đoạn đời sóng gió, gập ghềnh và cả những nỗi niềm trắc ẩn, những mất mát, tổn thương, hơn hết là cảm giác cô đơn luôn thường trực. Con người đời tư pha lẫn sự cô đơn, ưu tư, dằn vặt, đau đớn, day dứt, sám hối. Họ dằn vặt trước thời cuộc, sống trong sự tự bộc bạch, tự mổ xẻ chính mình như Chị Nhân, Hạnh (Bến không chồng), Giang Minh Sài (Thời xa vắng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), chị Cả Thuần (Dòng sông Mía), Hai Thìn (Lời nguyền hai trăm năm), Thuần (Giời cao đất dày)… Con người với những nỗi niềm đắng cay, xa xót bộc lộ ra sự sai trái của mình bởi nhiều lúc con người đã để mình rơi vào những khoảng tối. Hạnh (Bến không chồng) luôn
mang nỗi day dứt, khổ đau và cô đơn để rồi cuối cùng Hạnh nhận ra “trên đời này không có ai tốt như chú Vạn và không có ai khổ cô đơn như chú Vạn”. Lão Khổ trong tiểu thuyết cùng tên mãi chìm đắm trong hận thù, cuối đời khi không còn đủ sức để dằn vặt, để thù hận nữa mới thú nhận “Bố cảm thấy cô đơn quá”; Con người cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời như là Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) phải lội ngược quá khứ làm một kẻ “ăn mày”; Là cảm giác lạc lõng, cô đơn của Linh (Vòng tròn bội bạc) sống giữa gia đình nhưng anh luôn thấy mình là “người thừa” để rồi phải day dứt tự hỏi: “Hay lại khoác ba lô lên mà đi?”; Là ông Thuấn (Tướng về hưu) không thể thích nghi, hòa nhập cùng gia đình, để phải đau đớn tự hỏi: “Sao tôi cứ mãi lạc loài”,… Dù vậy, cùng với những mất mát trong cuộc sống, những cảm xúc bị đè nén, nỗi cô đơn thường trực thì ở trong mỗi nhân vật luôn ẩn chứa sự thức tỉnh, muốn thay đổi, muốn nhập cuộc và luôn hướng tới sự hoàn thiện, bảo vệ nhân cách của mình.
Như vậy, đổi mới tư duy nghệ thuật là sự vận động hợp quy luật phát triển của lịch sử. Nó mở ra nhiều ngã đường cho văn học nói chung, văn xuôi nói riêng đi sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống thời bình để kiếm tìm, phát hiện tận cùng những nét đẹp cũng như mọi khổ đau, ẩn ức… của số phận người. Sự đóng góp đó đã đem lại sức sống mới, chiều sâu mới cho văn xuôi đương đại bằng những trang văn rất riêng, khẳng định tiếng nói, tâm hồn, bản lĩnh mà các nhà văn đã miệt mài sáng tạo. Xây dựng nhân vật cô đơn, các nhà văn như muốn gửi đi bức thông điệp của mình đến độc giả. Trong cuộc sống, mỗi người cần biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu, quan tâm nhau nhiều hơn, để mỗi người đừng bị rơi vào tình trạng cô đơn.