Nhân vật cô đơn vì không thể hòa nhập với cuộc sống thực tại

Một phần của tài liệu Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại (Qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam) (Trang 47 - 61)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2. Nhân vật cô đơn vì không thể hòa nhập với cuộc sống thực tại

Đây là kiểu nhân vật cô đơn phổ biến trong văn xuôi đương đại. Nhân vật sống giữa gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người thân; sống giữa xóm làng, cộng đồng, giữa xã hội nhưng luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi, như bị loại ra khỏi cộng đồng do có sự chênh lệch nên không thể hòa nhập. Cá nhân tự ý thức về mình và tự tách mình, tự đứng lệch ra khỏi chuẩn chung. Họ là nạn nhân của nỗi cô đơn, bị cô đơn.

2.2.1.Nhân vật cô đơn vì lạc thời

Kiểu nhân vật cô đơn giữa cộng đồng xuất hiện trong văn học nhân loại từ sớm với những kiệt tác như: Người xa lạ, Huyền thoại Sisyphe của A. Camus; Hóa thân, Vụ án của F.Kapka; Buồn nôn của J.P. Sartre… Đó là những con người thuộc “thế hệ bỏ đi”, bị ném vào lò lửa của hai cuộc thế chiến trở ra là những con người lầm lì, sống không hy vọng, không niềm tin và trở nên xa lạ với tất cả. Một số tác giả văn xuôi đương đại cũng đã khai thác và thể hiện kiểu nhân vật này như: Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp,… thông qua kiểu nhân vật này để các nhà văn muốn phản ánh một sự thật: Khi kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp mở ra, lối sống thực dụng như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của cuộc sống, con người trở nên bơ vơ, lạc loài vì không thể thích ứng được với nó. Đặc biệt những người lính trở về sau cuộc chiến, thực tế cuộc sống hiện tại khiến họ cảm thấy bất an, lạc loài, cô độc như đi giữa sa mạc mênh mông, cảm thấy cuộc sống đó như không dành cho mình. Xa lạ với đời, với người, họ đi chậm hơn, thậm chí đi bên lề cuộc sống, nhận ra mình như “người thừa”, kẻ “lạc thời”.

Những người lính bước ra từ cuộc chiến đã phải mang trong mình vết thương cả thể xác và tâm hồn chẳng thể bù đắp nổi, trở về với cuộc sống thời bình họ lại vấp phải nỗi cô đơn lạc lõng giữa gia đình, người thân, đồng nghiệp và sự vận động của xã hội. Cuộc sống thời bình đã luôn là ước mơ, khát khao trong những năm tháng ở chiến trường. Cả một thời trai trẻ dành cho trận mạc với lí tưởng cao đẹp, không ít máu xương của bản thân và đồng đội đã đổ xuống, những tưởng trong cuộc sống thời bình họ sẽ được bù đắp, được hạnh phúc và sẽ có được chỗ đứng cho bản thân. Vậy nhưng, hạnh phúc, niềm vui ấy lại là một khái niệm xa vời. Họ loay hoay, chới với, hụt hẫng trước những đổi thay ngổn ngang bề bộn của hiện thực, cuộc sống đã đổi thay, và dường như cuộc sống ấy đã đi xa hơn họ cả một chặng đường dài, bỏ lại họ rơi rớt lại phía sau mà khi càng cố đuổi cho kịp thì họ càng cảm thấy hụt hơi, đuối sức, cuộc sống ấy như không phải dành cho họ nữa. Chậm chân trong cuộc bươn trải kiếm kế sinh nhai, họ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, hụt hẫng và ưu phiền. Nhưng trạng thái cô đơn, lạc lõng của họ còn biểu hiện ngay trong quan hệ với đồng loại, với người thân. Trong cuộc sống hiện tại họ đang từng ngày đối diện đó, họ giống như người khách qua đường, đôi khi họ còn cảm thấy mình như một người thừa. Những người lính chiến thắng trở về sau cuộc chiến chung của toàn dân tộc, nay lại “đơn thương độc mã trong việc duy trì cuộc sống thời bình cho cá nhân, cho gia đình cho xã hội.” (Tôn Phương Lan). Những điều đó khiến họ phải đối diện với nỗi dằn vặt trong tâm tư, tình cảm, họ cảm thấy khó khăn và gần như bế tắc trong việc hòa nhập được với cuộc sống đương diễn ra, bởi thế họ rơi vào cảm giác buồn bã, cô đơn, cảm thấy “lạc lõng”, “ngơ ngác”, “lơ ngơ” giữa mọi người.

Ông tướng Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp là một nhân vật cô đơn như thế. Cả đời gắn với súng đạn, nhập ngũ từ năm hai mươi tuổi, bảy mươi tuổi về hưu “với hàm thiếu tướng”, là một vị chỉ huy mẫu mực, một tấm gương sáng trong mắt mọi người: “Ở trong gia đình, cha tôi bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha tôi cũng được mọi

người ngưỡng vọng.”[61]. Rèn luyện trong quân đội, ông có một lối sống trong sạch, ngay thẳng, không vụ lợi, là vị tướng được cấp trên tin tưởng, cấp dưới kính nể. Sau khi cống hiến gần hết cuộc đời cho đất nước, giã từ con đường binh nghiệp để trở về cuộc sống đời thường, những tưởng ông sẽ tìm được sự bình yên trong những năm tháng cuối đời trong một căn biệt thự sang trọng giữa lòng thủ đô cùng gia đình. Thế nhưng, cuộc sống không xuôi chiều như vậy, ông phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề ngang trái của hiện thực: Người vợ của ông một đời tận tụy hi sinh cho chồng con nay đã lú lẫn, không còn tỉnh táo để bầu bạn cùng ông. Đứa con trai độc nhất lại bạc nhược, an phận đến mức dường như không có khả năng chia sẻ. Cô con dâu thực dụng toan tính đến lạnh lùng. Những đứa cháu nội bận rộn với bài vở và sống với ông bằng khoảng cách của nhiều thế hệ. Người giúp việc thì quê mùa, cục mịch, cả tin ngờ nghệch,… Ông muốn đọc mà không có cái gì dễ đọc, muốn làm cái gì đó cho khuây khỏa và có ích mà chẳng được làm, muốn ở trong một căn phòng giản đơn, bình thường mà cũng không được đáp ứng,... Tất cả tạo nên khoảng lặng trong tâm hồn, nỗi cô đơn không thể chia sẻ của vị tướng già khi đã về hưu: Không một ai có thể giúp ông thích nghi với cuộc sống nghiệt nghã, phức tạp, đầy sự toan tính diễn ra hằng ngày. Ông cứ dần im lặng, rồi dần thấy mình cô đơn, ngay chính giữa gia đình của mình, thấy mình lạc loài ngay giữa đời thường xô bồ huyên náo. Không thể chấp nhận được cái lạnh lùng của lối sống thực dụng, khiến ông cay đắng tự hỏi: “Sao tôi cứ mãi lạc loài”. Cuộc sống, dường như không còn chỗ cho ông, khiến ông cảm thấy mình như trở thành người thừa, xa lạ với chính những người thân trong gia đình. Một khối cô đơn khổng lồ đè nặng lên tâm hồn vị tướng một thời lửa đạn. Ông bàng hoàng, khi chứng kiến các rau thai nhi trong nồi cám để rồi phải chua xót thốt lên

“Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Ông “luống cuống, khổ sở” sau đó là kinh hãi và đau đớn trong một đám cưới ngoại ô thô thiển, ô hợp và dung tục . Ông ngán ngẩm trước việc đứa con dâu ngoại tình. Ông nhận ra một sự thật cay đắng rằng: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục… tâm càng lớn càng nhục”. Nỗi cô đơn

của tướng Thuấn xuất phát từ sự mâu thuẫn của lý tưởng cao đẹp một thời binh biến và sự thật trần trụi của thời hiện đại. Phải chăng, một người từng được đặt trong “bầu không khí vô trùng” của thời trước như ông không còn đủ sức đề kháng để đối chọi với hiện thực xô bồ của cuộc sống hôm nay. Để rồi, chính khối cô đơn khổng lồ không một ai có thể cùng chia sẻ, cũng không thể hòa mình trong cuộc sống thực tại, nó dự báo một sự xoay chuyển: Từ đơn vị trở về gia đình rồi từ gia đình ông trở lại đơn vị. Xoay chuyển để mong xóa nỗi cô đơn, thế nhưng đáng buồn thay vị tướng về hưu từ giã cõi đời lại trong cảnh thiếu vắng người thân.

Với bản chất tốt đẹp được tôi luyện từ những năm tháng sống ở chiến hào, có những người lính trở về không chịu nhuộm đen mình, đành chấp nhận là một kẻ lạc thời hoặc bị coi là “dở hơi”, “hâm hấp” như Linh trong Vòng tròn bội bạc(Chu Lai). Trở về sau hơn mười năm chiến đấu Linh cũng là người cô đơn giữa gia đình, giữa cuộc sống đời thường. Tuổi trẻ tươi đẹp đã dành cho cuộc chiến, anh trở về trong niềm vui đoàn tụ của gia đình, sự mong mỏi của người thân. Có lẽ, đó là niềm hạnh phúc to lớn không phải chỉ của riêng Linh mà của tất cả những ai đã từng là lính được trở về giữa tình thân gia đình. Sau những năm tháng chiến trường gian khổ, khốc liệt, Linh may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, anh được trở về với Hà Nội, với gia đình – hai hình ảnh thiêng liêng, hai nỗi nhớ luôn đau đáu, khắc khoải trong lòng. Nhưng trớ trêu thay, niềm vui đoàn tụ và cảm giác của người chiến thắng trở về trong Linh không kéo dài được lâu, phải chăng quãng đời trận mạc đã vô hình tạo nên một khoảng cách giữa anh và những người thân. Anh thấy mình lạc bước, cô đơn giữa cuộc sống đang chảy trôi hàng ngày. Trước kia anh đào hoa bao nhiêu, “anh tỏa ra một cái mùi gây gây khen khét gì đó khiến các cô gái bâu lại” thì bây giờ, anh cảm thấy rõ ràng mình không còn biết cách yêu mấy cô gái thành thị thế nào cho phải. Đau đớn và phũ phàng hơn, anh cảm thấy lạc lõng ngay trong chính gia đình mà anh yêu thương, gắn bó. Người em trai đã từng tha thiết ôm chầm lấy Linh khóc ngày anh trở về “Em sẽ làm tất cả những gì có thể được để đền bù cho anh” thì giờ đây

thẳng thừng phê phán: “ Anh tụt lại phía sau cuộc đời một thế kỉ” [31, tr.12] kèm một lời phán quyết thật cay đắng: “Sự trở về của anh làm không khí gia đình nặng nề hơn” [31, tr.49]. Đứa cháu gái anh vô cùng thương yêu và “mỗi khi nhớ về Hà Nội là cứ nhớ về nó”, thậm chí có lúc anh đã nghĩ, lỡ như sau này trở về không còn lành lặn thì anh không xây dựng gia đình mà sẽ tìm một nghề gì đó làm rồi mỗi buổi chiều sẽ cùng con bé ấy “đi chầm chậm qua công viên vào mùa lá rụng”. Thế mà, bây giờ cứ mở miệng ra là nó lại gọi anh là “ông già đau khổ”, “ông chú hấp tỉ độ”. Anh phải định thần, tự hỏi: “Chả lẽ mình đã cũ kỹ, già nua đến thế rồi ư?” [31, tr.232].Người cha anh kính trọng có những lúc chán ngán tất cả đã muốn từ giã cõi đời nhưng vẫn cố chịu đựng để chờ tin anh thì giờ đây sự có mặt của anh có lúc lại khiến ông cụ chán ngán và thất vọng, luôn tránh mặt anh. Còn mẹ anh, người phụ nữ cả đời nhẫn nhịn chồng con và thương anh vô cùng, nhưng giờ đây, đối diện với anh cũng có khi mẹ có những dấu hiệu của ngại ngần với anh, sợ anh và thậm chí xa anh. Tất cả những điều đó dẫn Linh đến sự thất vọng khi nhận ra mình lạc lõng giữa các thành viên trong ngôi nhà thân thuộc. Gia đình vốn là nơi Linh yêu thương gắn bó, là nơi những năm tháng chiến tranh khi từng phút từng giờ đối mặt với cái chết Linh luôn khao khát được quay về. Nhưng tại sao giờ đây cũng chính gia đình lại trở thành nơi không còn phù hợp, không còn dành cho Linh nữa. Điều gì đã tạo nên khoảng cách giữa anh và những người thân? “Nhiều khi anh muốn ôm lấy mẹ, muốn nói với mẹ một câu gì đó thật dịu ngọt, thật trẻ thơ nhưng không nói được. Cứ sợ nó ngẩn ngơ, nó mềm yếu thế nào ấy. Chả lẽ những trận đánh liên miên, những mệnh lệnh chết chóc, những năm tháng khốc liệt quen lèn chặt tình cảm để gồng lên từng giờ, để đừng cúi mặt gục ngã, để đương đầu với tất cả đã làm méo mó tâm hồn, tính tình lẫn khẩu khí của mình đi đến thế? Hay là do chính những năm tháng nghiệt ngã đời thường nhào nặn nên?” [31, tr.20]. Có lẽ đây là nỗi day dứt âm ỉ và dai dẳng nhất trong lòng Linh. Cho dù có trở về với con người nguyên vẹn thì Linh cũng đã không còn là Linh ngày trước. Những năm tháng trận mạc đã rèn cho Linh cái thói quen

phải biết nén cảm xúc vào lòng và những bộn bề thời hậu chiến cũng đã ít nhiều làm cho tâm hồn anh xơ cứng đi phần nào. Vì thế, không ít lần Linh đã làm cho mẹ phải buồn lòng. Anh cô đơn, muốn trốn tránh thực tại và tự hỏi: “Hay lại xách ba lô đi?... Nhưng đi đâu? Làm gì còn đại đội nữa mà về! Đến tòa soạn nằm ư? Không ổn! Chật chội thế, nằm ở đâu? Chưa nói đến sự khinh thị của mọi người. Hay đến tạm trú nhà bạn bè? Cũng không ổn nốt. Biết mỗi nhà thằng Khâm nhưng bản thân nó đã không xong còn nói chi đến chuyện chứa thêm mình. Thuê một chỗ cốt để có cái nơi chui ra chui vào vậy? Ngớ ngẩn nốt. Hà Nội chật hẹp, những đôi vợ chồng mới cưới còn chưa có chỗ để hưởng tuần trăng mật với nhau kia kìa, trong khi toàn bộ tài sản vốn liếng của mình chỉ có chiếc xe đạp bó lốp đến kẻ trộm cũng chê. Vậy là tận đường rồi chăng?” [31, tr.52]. Những câu hỏi như thế cứ nhảy múa trong đầu Linh. Anh phải đi đâu? Làm gì bây giờ? Chả lẽ không còn một sự lựa chọn, không còn một con đường nào để Linh hòa nhập vào gia đình, vào cái cuộc sống với quá nhiều đổi thay vẫn đang diễn ra mỗi ngày? Mà theo như lời nói của em Linh thì: “Cuộc sống cứ trôi chảy cuồn cuộn với tất cả những cái nhố nhăng, cao đẹp và xô bồ của nó. Riêng anh anh cứ thích dừng lại trên bờ gặm nhấm những giá trị cũ và sau đó chua cay nói: Hỏng! Tất cả đều hỏng, hỏng từ trong ra ngoài.” [31, tr.243].

Ở ngay chính nhà mình, nhưng Linh vẫn có cảm giác cô đơn, lạc lõng. Để rồi không ít lần Linh đã băn khoăn tự đặt câu hỏi về sự trở về của mình, phải chăng điều đó là một sai lầm?: “Liệu mình có nên trở về như thế này khong nhỉ? Và sự vội vàng tháo bỏ áo lính như vậy có ngu xuẩn quá chăng?”. [31, tr.51]. Phải chăng, mười năm khoác áo lính ở chiến trường đã vô tình tạo nên khoảng trống vô hình ngăn cách anh và những người thân trong gia đình, để giờ đây, giữa hiện tại đang hiện hữu anh như một khách thể bị bắn ra bên ngoài, không thể hòa hợp. Anh chua chát, cay đắng nhận ra: “Mất hết tất cả những gì có thể mất trong đời thường: Mất tuổi trẻ, mất tình yêu, mất trắng. Mất sự hòa hợp với gia đình, mất lòng tin cậy của bạn bè, xã hội,… Mất nhiều quá, mất đến roãng cả người.” [31, tr.51]. Vì thế, anh bước đi giữa những bộn

bề tạp nham của cuộc sống , nhưng va vào đâu anh cũng thấy tuồng như mình bị chối bỏ“ …va vào gia đình, gia đình bỗng thành xa lạ, va vào tình yêu, tình yêu luôn phản trắc, va vào cơ chế, cơ chế lúc có lúc không; va vào cơ quan đoàn thể gặp phải những người như lão Quách.” [31,tr.136] không còn nơi để Linh có thể vịn vào. Thế nên, không khỏi khiến Linh rơi vào nỗi cô đơn.Mọi người đã không còn hiểu anh và bản thân anh đã ghìm nén, hạn chế trong việc thể hiện tình cảm của mình. Anh quyết định tách mình ra một thế giới riêng với“căn cứ ở ẩn” trên tầng thượng quạnh quẽ, để có không gian riêng và có điều kiện suy nghĩ về cuộc đời: “Thời trận mạc, anh đã cầm súng hết mình,…để rồi ngày giải phóng đầu tiên anh đi giữa Sài Gòn xa lạ như đi trên đất khách quê người,… Trở về, gia đình bỗng thành xa lạ” [31, tr.126], Hiện tại khiến anh hụt hẫng, ngơ ngác “Cho nên anh phải leo tít lên chuồng cu để gặm nhấm sự u uất một mình”. Bởi “Từ nhỏ anh đã thích sống cô đơn” [31, tr.135] nên cái không gian riêng trên tầng thượng tạo nên sự cô đơn tuyệt đối“ Chà! Đúng là một con sói độc thân, một sự cô độc thiên thần.” [31, tr.260]. Anh cô đơn, trốn chạy

Một phần của tài liệu Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại (Qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam) (Trang 47 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)