6. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Nhân vật cô đơn vì lạc lõng giữa cộng đồng, gia đình
Không chỉ có những người trút bỏ áo lính trở về hiện tại thời bình mới phát hiện ra sự xa lạ, lạc lõng, cô đơn, không thể hòa nhập với hoàn cảnh thực tại mà ngay cả những con người sống ở thời bình, sinh ra từ thời bình cũng luôn thấy khối cô đơn của kiếp người cứ đè nén cuộc sống, khiến họ nghẹt thở, chới với, lạc lõng giữa mênh mông cõi người. Khảo sát qua văn xuôi đương đại, người đọc có thể tìm thấy kiểu nhân
vật này trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Danh Lam,… Cũng vẫn là kiểu nhân vật cô đơn vì thấy mình như người thừa giữa cuộc đời, không thể hòa nhập với cộng đồng và không được cộng đồng chấp nhận, họ muốn lẩn tránh, trốn chạy khỏi thực tại đó để tìm đến một thế giới khác.
Trong Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh), tồn tại trong một xã hội thiếu tính liên kết, nhốn nháo, xô bồ và nhiều bất trắc khiến con người cảm thấy cô đơn. Nhân vật “tôi” “sống một mình tẻ nhạt và cô độc”. Nơi “tôi” ở là “chiếc chuồng chim” , “tôi là người thích sống lánh mình, có thể do mặc cảm thời niên thiếu”, những nỗi buồn còn đọng lại thời niên thiếu từ những va chạm, xung đột của cha mẹ, đến sự ra đi của con bé hủi khiến trái tim non nớt của tôi đã thổn thức đau đớn, rồi biến ”Tôi thành đứa trẻ câm lặng, đầy mặc cảm, luôn trốn tránh đám đông, luôn bị ám ảnh về cái chết”[52]. Qua lời giới thiệu ấy, cho biết nhân vật là người cô đơn và luôn ám ảnh tuổi thơ, cùng những nỗi sợ hãi. Điều đó khiến cho nhân vật tự tìm một thế giới khác- nhân vật ra đi. Tuy nhiên, trên hành trình tìm thế giới khác ấy, nhân vật cũng không khỏi thoát khỏi nỗi sợ hãi và cô đơn.
Trong suốt hành trình đi tìm nhân vật của mình, “tôi” đã gặp rất nhiều người nhưng mỗi người là một thực thể riêng biệt, họ dù tồn tại cùng một khu phố nhưng dường như đều không biết gì về nhau và về “tôi”. Họ có nói chuyện cùng nhau nhưng trong mỗi câu chuyện không có nhu cầu được chia sẻ, được giao tiếp, điều này được thể hiện thông qua những cuộc đối thoại rời rạc, hoặc thậm chí đối thoại bị từ chối. Mỗi người như một thế giới cô lập trong cuộc đối thoại đó.
“ Một đám đông cứ ngày căng phình rộng ra ùn lại trước mặt tôi. Mọi người hỏi nhau rối rít mà không thấy ai trả lời.
Từ bao giờ? – Một gã đàn ông hỏi một chị phụ nữ. Từ bao giờ? – Chị này hỏi lại một người khác.
Từ bao giờ? – Ông già cạnh tôi giật áo một bà nội trợ. Cái gì từ bao giờ? – Bà này hất tay một cách khó chịu. Có chuyện gì thế? – Tôi tò mò hỏi một cô bé.
Chính cháu hỏi đến ba câu “có chuyện gì thế” mà chưa biết có chuyện gì đây,…[52]
Càng tìm thì “tôi” lại càng không có được tiếng nói chung, khiến tôi phải “co mình lại, tự thu nhỏ, khép mình vào trong một ốc đảo của sự cô đơn để từ đó phóng chiếu đôi mắt dò xét cuộc đời, hoài nghi cuộc đời và hoài nghi ngay cả sự tồn tại của chính mình” Suốt chiều dài tác phẩm, nhân vật luôn phải tự tranh đấu một mình, và rồi tôi nhận ra “một sự trống rỗng cứ loang dần ra. Dòng người vẫn chảy miết, như một cảnh trong phim câm. Bởi vì giữa tôi và họ là một khoảng cách lạnh lùng. Họ là hàng trăm thứ khuôn mặt, loa lóa vụt qua trước mắt tôi. Tôi tự hỏi: Không biết khi nhìn tôi mỗi người trong số họ suy nghĩ gì nhỉ?”,…[52]. Hoặc cũng có thể, chính cái đám đông trong đó thích lôi người ta vào mọi chuyện phiếm tập thể hơn là sự cô lập, ruồng bỏ. Tôi thấy mình xa lạ,, cô đơn, nhiều khi không xác định được “mình còn là mình nữa hay không, bắt đầu tin vào sự tan loãng về mặt bản thể”.
Không chỉ “tôi” nhận ra nỗi cô đơn của chính mình, đơn độc lạc bước trong cái thế giới của mình mà qua ghi chép của ông Bân, Chu Quý, Tôi, hay là Hắn như khẳng định thêm về nỗi cô đơn của “tôi”: “Phố G là toàn bộ thế giới, từ sự kiện thằng bé đánh giày bị giết. “ Từ đây hắn bắt đầu cuộc phiêu lưu đơn độc”, “nhưng ngay lập tức hắn rơi vào một tình cảnh thê thảm: Trở thành đứa bé mù lòa lạc giữa rừng sâu. Trong khi cố gắng tìm kiếm lối ra hắn không những lạc sâu thêm mà còn bị quỷ sứ tạo ra những ảo ảnh để đánh lừa”,…[52]. Họ không biết hắn là ai, bản thân hắn cũng không còn đủ tự tin để khẳng định hắn vẫn là hắn. “Hắn buộc phải dừng lại để cảm nhận về bi kịch tương lai: Đó là sự vong bản của con người. Mất quê hương tất yếu thành lưu lạc.”. ,…[52].
Chương trong Con gái thủy thần (Nguyễn Huy Thiệp) cũng là nhân vật tự tách mình ra khỏi cộng đồng, hiện thực để đi tìm con gái thủy thần. Là một thanh
niên nông thôn có gia đình, làng xóm với những công việc nghề nông đơn thuần nhưng Chương bị ám ảnh bởi huyền thoại về Mẹ Cả. Anh dấn thân vào cuộc hành trình tìm kiếm không biết mệt mỏi và hành trình ấy tưởng chừng như còn kéo dài mãi mãi, kể cả khi thiên truyện đã khép lại. Trong ba câu chuyện, có những lúc Chương tưởng mình đã tìm được con gái thủy thần qua sự hiện diện của những người phụ nữ anh từng gặp: Cô giáo Phượng (Truyện thứ nhất), cô Phượng con ông trùm xứ đạo (Truyện thứ hai) và cô chủ Phượng (Truyện thứ ba). Song rút cục, anh ngộ ra rằng tất cả đều không phải và mãi mãi không phải là người anh kiếm tìm. Vượt qua biết bao nhiêu khó khăn vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để ra đi, Chương vẫn tin rằng con gái thủy thần đang đợi anh, đang vẫy gọi anh ở một chốn xa xôi nào đó. Đốt lòng Chương là câu hỏi: “Nàng là ai? Nàng ở đâu?”. Và quyết tâm ra đi để tiếp tục được kiếm tìm: “Tôi cứ đi, đi mãi … Vì cái gì? Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi?” [61].
Ngay lời giới thiệu, nhân vật hiện lên đã là một thực thể cô đơn tuyệt đối:
“Tôi không có tiền bạc, công danh, không có gia đình để yêu thương, lo nghĩ, không có bạn bè… Ngay cả giấy tờ tùy thân cũng không có nốt. Tôi là con số không. Tôi vui một mình, tôi buồn một mình, mơ mộng một mình…[61]. Tôi chỉ có “nỗi cô đơn và sự bất lực của mi nào ai thấy được ngoài mi” và tôi chỉ có con gái thủy thần.” Chương vin vào mẹ Cả, hi vọng vào con gái thủy thần, coi đó là “chỗ dựa cuối cùng cho sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng tôi”. Chương tự nhận thấy “Tuổi thơ của tôi u buồn và bề bộn, mà việc nào cũng vất vả, tôi chẳng có thì giờ để ý đến chuyện người dưng”.[61].
Cuộc sống của Chương trôi đi trong sự lặp lại đơn điệu, tẻ nhạt, quanh quẩn hết làm ruộng lại đi đào đá ong, lột giang đan mũ…lầm lũi một mình với đầy ắp những công việc trong một ngày. Song tâm trí thì lại luôn bị ám ảnh bởi huyền thoại về Mẹ Cả. Khi giấc ngủ kéo đến thì hình ảnh của mẹ Cả lại kéo đến chen vào không còn chỗ hở. Sống giữa làng quê, gia đình, nhưng Chương tự tách mình là một thực
thể riêng biệt: “Tôi không vướng những mối liên hệ nào đấy với con người”, nó chẳng mảy may mang lại cho tôi một nụ cười nào, ở đấy tôi không có hy vọng. Vì “trái tim tôi đã thuộc về mẹ Cả, thuộc về nàng, thuộc về con gái thủy thần”. Chương quyết định ra đi, mải miết tìm kiếm, cồn cào, đau đáu, khắc khoải. Chương không còn nghĩ đến sự tồn tại của mình, đến gia đình, đến xóm làng anh đã từng tồn tại. “Kể từ ngày tôi bỏ nhà ra đi, tôi rất ít khi nghĩ ngợi về mình. Những khao khát của tôi nhấc lên khỏi mặt đất. Những ý nghĩ của tôi không gắn gì với đời sống và sự tồn tại của bản thân tôi. Hôm nay tôi sống như một con vật hay một ông hoàng có gì quan trọng? Trái tim tôi đã khô héo và cằn cỗi…”[61]. Mải mê tìm kiếm và khát vọng “Tôi đi… Tôi đã khao khát tình yêu đến thế nào, như thể người đi trong sa mạc khát nước?”
Chương tê tái, buồn khổ, day dứt khi tự nhận ra “Mà Chương ới, nỗi cô đơn và sự bất lực của mi nào ai thấy được ngoài mi?”. Thời gian cứ trôi theo tự nhiên, chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu. Và cuối cùng Chương đau đớn tự hỏi, cũng là câu hỏi không khỏi khiến bản thân mỗi người chúng ta phải tìm câu trả lời: “ Tại sao cuộc sống lại nhiều xiềng xích và gông cùm đến thế?” Con người cứ mãi đi tìm sự ảo tưởng để rồi mãi mãi bơ vơ, lạc lõng: “ Trước mắt tôi dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi đã sống nửa cuộc đời rồi đấy… Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thủy thần”. [61].
Cũng có một chuyến đi dài đầy nỗi sợ hãi và cô đơn, nhưng Thữc trong tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian của Nguyễn Danh Lam không đi tìm giấc mơ huyền thoại như Chương (Con gái thủy thần), cũng không đi tìm nhân vật nửa thực nửa hư
giữa cuộc đời như “tôi” (Đi tìm nhân vật), Thữc đã trải qua một chuyến đi dài trong một thế giới vô thức mà ở đó, nhân vật đã phải thấp thỏm lo sợ, nhiều nỗi kinh hoàng, hơn hết là một nỗi cô đơn rợn ngợp bao trùm. Chuyến hành trình đó, những con người anh gặp tất thảy đều kì lạ và cũng đều cô đơn.
Cái tên của nhân vật - Thữc như một dự cảm của gánh nặng, của sự mất thăng bằng, và hơn hết là sự khác lạ không giống ai. Thữc rời khỏi cuộc sống văn minh
hiện đại sau một trận mưa. Anh mất hút vào vòng xoáy của dòng nước sông đen ngòm ngay dưới căn phòng anh sinh sống. Bắt đầu đi vào thế giới khác trong những cảnh giới chính mình tạo ra với đầy rẫy nỗi sợ hãi vô lý.
Trong cuộc hành trình đó, anh là một thực thể hoàn toàn cô đơn. Anh luôn bị chối bỏ quyền được gia nhập vào cộng đồng, ban đầu là người tài xế đã bỏ anh lại giữa một miền đất xa lạ, sau đó là hai cụ già và sau cùng là những người ở ngôi làng kì quái. Những con người anh gặp trong cuộc hành trình này tất cả đều mơ hồ, nửa hư nửa thực, với những câu thoại nhát gừng hoặc im lặng. Anh càng cố gắng tìm sự giúp đỡ, tìm tiếng nói của đồng loại, tìm một sự liên kết với con người thì những người anh gặp lại càng tỏ ra thờ ơ, vô cảm “coi như khôngcó sự hiện diện của anh”. Không ai muốn biết lý do anh xuất hiện, lại càng không muốn lắng nghe anh trình bày, không muốn hiểu anh và chính anh cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Anh như con thú lạc bầy, rơi vào vực sâu của nỗi hoang mang, sợ hãi, kinh hoàng, “Vũ trụ đen đặc huyền bí. Mặt đất cũng hoang vu, đầy đe dọa. Đống lửa như sự níu kéo cuối cùng. Quá đỗi nhỏ nhoi. Ngay cả hai lão già nằm bên Thữc cũng không phải đồng minh” [35, tr.39]. Anh cô đơn thực sự, điều đó khiến “Thữc có cảm giác anh đã vô hình”. Thậm chí “Tôi không còn thấy mình tồn tại”.
Thữc hoang hoải, rệu rã dấn bước trong cuộc hành trình với bao nguy hiểm luôn rình rập. Anh không còn tìm được tiếng nói chung của đồng loại. Ngay cả đôi giày, “chứng tích ít ỏi cuối cùng của một nền “văn minh” xa lắc mà anh từng tồn tại trong đó. Chỉ mới mấy ngày thôi” cũng đã rách tướp, tuyệt nhiên rời bỏ anh sau những lần chìm nổi, kể “từ cái đêm bên dòng nước đen? Từ phút lạc đường trong sương mù khi rời khỏi chiếc xe? Tự cú đánh té nhủi xuống dòng sông? Và gần đây là cơn lũ kinh hoàng.”
[35, tr.72] . Anh bị chối bỏ hoàn toàn, không còn sợi dây liên hệ nào với cuộc sống anh đã từng tồn tại. Anh lạc bước vào một thế giới khác không có tính cố kết cộng đồng.
Sau bao ngày thất lạc, Thữc nghe được tiếng chó sủa vọng lại từ ngôi làng vô danh nào đó. Anh giống một kẻ chết đuối vớ được cọc, hạnh phúc tưởng như sắp
được trở về với cuộc sống, sắp được gặp đồng loại. “Lâng lâng trong cảm giác kẻ trôi dạt nhiều ngày giữa đại dương, lần đầu tiên tìm thấy một hòn đảo”.[35, tr.75].
“Anh khao khát được trở lại với sự sống.” [35, tr.76]. Thế nhưng, cái ngôi làng ấy cũng là một thế giới cô đơn, biệt lập hoàn toàn, không có sự cố kết cộng đồng, một ngôi làng khép kín, đóng khung chắc chắn, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ sống như thủa còn hồng hoang, hàng hóa đổi hàng hóa và đặc biệt họ không thích người lạ đến làng - đồng nghĩa với việc anh lại bị từ chối cơ hội trở về với cộng đồng. Anh rơi vào trạng thái cô đơn hơn. Trong ngôi làng ấy anh chỉ biết đến cô gái, đến bà mẹ của cô,…Anh khao khát được trở về làm người, được giao tiếp với con người, nhưng vô vọng, “ba cái bóng lặng lẽ dưới một mái nhà nhưng mỗi kẻ một khoảng tối dày đặc riêng tư”[35, tr.121]. Không chỉ có anh mà hai mẹ con cô gái cũng là những thực thể cô đơn khủng khiếp. Cứ lầm lũi, âm thầm với cái thế giới riêng của chính mình. Không cần giao tiếp, không muốn giao tiếp, thậm chí sợ giao tiếp. Tất cả đều kì lạ, khiến anh không còn tin vào chính mình và phải tự hỏi” mình có còn ở trong cõi người không?” [35, tr.118]. Cuộc hành trình của anh mỗi lúc một dấn sâu hơn vào vòng xoáy của nỗi cô đơn, anh không còn biết mình là ai, không còn nhận ra sự tồn tại của mình “Trong anh chẳng biết là thứ cảm xúc gì. Cứ bàng bạc, mù mờ như khói. Có lẽ gần nhất là sự cô đơn.” [35, tr.134]. Cô gái trong làng, con người duy nhất còn lắng nghe anh nói, cung ứng cho anh lương thực để tồn tại, người vạch cho anh con đường để nối dài chuỗi ngày lẩn trốn, người anh chịu ơn cưu mang nhưng cũng cứ nửa thực nửa mơ, như một vị thần cũng lại vừa như một bóng ma, một thứ ảo ảnh anh chẳng thể nào nắm giữ được, lại càng không thể hiểu. Anh đã từng có những cảm xúc cá nhân, muốn có một sự hòa hợp ít nhất là với cô để tìm thấy tiếng nói chung giữa những sinh thể người. Nhưng anh và cô “như hai mẩu gỗ dạt vào nhau trên một dòng sông ngầu bọt. Bị va đập, cuốn trôi. Vô tình trong cùng một quỹ đạo như nhau. Nhưng hai mẩu gỗ vẫn hoàn toàn là là hai mẩu gỗ. Không một mảy may có cơ duyên nhập làm một” [35, tr.242]. “cô như một vũ trụ mênh mông”, “một thế
giới kín bưng”. Anh hoàn toàn cô đơn giữa thế giới ấy, giữa nơi anh tồn tại. Chỉ còn con chó – người bạn thân thiết, đáng tin cậy, cũng là người truyền cho anh động lực để anh tiếp tục hi vọng sống . Sau nhiều sự kiện đã xảy ra, anh nhận ra “một sự cộng hưởng nguyên sơ” giữa anh và con vật. “Trên hai mỏm vực cô đơn, những tiếng tru của đôi sinh thể lạc loài đã lấp đầy khỏang vực sâu giữa người và chó” [35, tr.141] . Anh không thể tìm được sự liên kết với những con người anh đã và đang gặp, thậm chí họ còn luôn là những ám ảnh sợ hãi dành cho anh, chỉ còn sinh thể duy nhất là con chó mới khiến anh an lòng, nó quan trọng với anh hơn bất cứ thứ gì, anh sợ hãi