Nghệ thuật tổ chức không gian:

Một phần của tài liệu Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại (Qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam) (Trang 86 - 93)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3.1 Nghệ thuật tổ chức không gian:

Trong Dẫn luận thi pháp học Pênêlôpđã chỉ ra:“Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có nhân vật nào tồn tại ngoài một nền cảnh nào đó”. Vì thế, mỗi tác phẩm văn học bao giờ cũng có một không gian riêng, mỗi nhà văn bao giờ cũng có kiểu không gian tương thích của riêng mình, và một thời kì văn học bao giờ cũng tồn tại những mẫu không gian đặc trưng, tạo thành nét riêng cho văn học thời đại đó.

Trước 1975, các nhà văn thường xây dựng không gian sử thi hoành tráng, rộng lớn mở rộng hết chiều kích để tỏa sáng vẻ đẹp anh hùng lí tưởng của nhân vật. Ngoại cảnh luôn được miêu tả trong sự bao bọc, che chắn cho con người nên không có sự đơn độc giữa cá thể với môi trường. Sau 1975, cảm hứng sáng tác trong văn xuôi đương đại đã thay đổi tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong việc tạo dựng không gian của tác phẩm. Để thể hiện nhân vật cô đơn, các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Chu Lai, Tạ Duy Anh và Nguyễn Danh Lam đã chú tâm xây dựng những không gian nghệ thuật phù hợp: Không gian riêng tư gia đình, không gian xã hội bên ngoài, không gian thiên nhiên lý tưởng...

Không gian riêng tư: Đặt nhân vật vào không gian này, các nhà văn phát hiện được chiều sâu cảm xúc, tâm hồn, sự phức tạp của con người giữa cuộc sống gia đình. Nếu không gian chiến trận là nơi để con người vượt lên hoàn cảnh, thể hiện chất sử thi thì trong không gian gia đình, con người được bộc lộ tất cả những mặt mâu thuẫn, những cảm xúc, suy nghĩ và độ chênh về ý thức. Đó là không gian căn phòng, căn gác xép, căn hộ độc thân, ngôi nhà khuất xa sự ồn ào của phố thị. Cuộc sống của cá nhân như bị phong kín ở bên trong, tách biệt với môi trường bên ngoài, ở đó con người phải sống lặng lẽ cô đơn. Trong không gian ấy, con người được sống trọn vẹn là mình với những buồn vui được mất của một cá nhân thành thật nhất. Ở trong không gian của chính mình, nhân vật có điều kiện đối diện với nỗi cô đơn, sự trống vắng của tâm hồn.

Trong Tướng về hưu, ông Thuấn từ không gian chiến trận về với không gian

gia đình. Trong không gian này, ông phải chứng kiến những toan tính ích kỉ, vụ lợi, lạnh lùng của cô con dâu và ông Bổng – em trai ông. Cũng trong không gian gia đình, ông một mình phải đối diện với những việc ông chưa từng biết, chưa từng nghĩ đến. Ông ghê sợ khi cô con dâu mỗi ngày đem rau thai về nấu cho chó, cho lợn. Những trò bát nháo ầm ĩ trong đám tang vợ, trong đám cưới của đứa cháu làm ông chếnh choáng. Không gian gia đình tưởng ấm cúng, thân mật, lại hóa thành sư xa cách, khiến nhân vật rơi vào trạng thái cô đơn “Sao tôi cứ mãi lạc loài”. Bởi nó quá khác so với không gian chiến trận ông đã từng sống trải:

Linh trong Vòng tròn bội bạc cũng từ không gian chiến trường về không gian gia đình rồi lại di chuyển lên “căn cứ ở ẩn”, “cái lều vịt trên cao , rộng 2m, dài 2,5m, đủ để kê một cái giường và cái bàn học trò…” [31, tr.87]. Ở không gian gia đình anh không tìm thấy niềm vui, sự gần gũi với các thành viên. Mọi người như có một khoảng cách lớn với anh, xa cách anh, ngại gần anh. Và cái không gian “lều vịt trên cao” nhỏ bé, chật chội ấy càng tách xa anh hơn với mọi người, càng khắc đậm hơn nỗi cô đơn của anh.

Không gian của “tôi” trong Bến vô thường “cái hộp vuông gần bốn mét bề ngang, bốn mét bề dọc, bốn mét bề cao”[32, tr.20] cộng với một căn phòng phụ

“rộng hai mét vuông. Tính ra hết thảy thế giới của tôi là mười tám mét vuông”]32, tr.20-21]. Ở không gian đó, nhân vật không có điều kiện tiếp xúc với thế giới, cuộc sống lặp lại một cách đơn điệu tẻ nhạt với những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi người mẹ trong những lúc bà mang thức ăn lên.

Đó là không gian của nhân vật Anh (Giữa dòng chảy lạc) một “căn nhà chỉ thực sự mình anh nếu không tính con mèo”. Một mình trong không gian đó, nhân vật đã trải qua biết bao ưu tư dằn vặt đấu tranh tâm hồn, mỗi đêm phải mượn đến bia mới tìm được giấc ngủ, rồi cô đơn, thất vọng. Cũng ở không gian đó, anh càng cô đơn hơn khi bao đêm hai vợ chồng nằm xoay lưng lại với nhau, hai người như hai cái bóng lặng lẽ, không thể cùng nhau xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Cuộc đời ngoài cửa, sau những mất mát buồn tủi trong cuộc đời, nhân vật ông lủi thủi trong cái “khu nhà trọ có phần ô hợp”, mỗi đêm ông lặng lẽ đi về “căn phòng tối đen, lạnh lẽo hơi người, mang mang mùi ẩm mốc”, “Những chiếc vali, ba lô xếp đầy sàn nhà. Những bộ đồ nhăn nhúm, treo trên mấy hàng đinh đóng quanh tường, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, lược chải đầu… cắm trên chiếc ly để trên thành cửa sổ. Tất cả đều mang dấu ấn tạm bợ, dạt phiêu, buồn tủi” [33, tr.30]. Trong

không gian đó, mỗi đêm ông phải mượn đến men bia và mùi thuốc lá để có thể chìm vào giấc ngủ. Không gian đó như một minh chứng cho sự cô đơn của ông. Và ông đã chọn giải thoát ra đi để tìm niềm vui, tìm lại mình.

Trong Đi tìm nhân vật “tôi” cũng “sống độc thân trong gian nhà nhỏ ở tít tầng trên cùng của một khu tập thể.” “Ngày ngày, ngoài giờ đi làm, tôi chui vào chiếc "chuồng chim" và thêu dệt những giấc mơ sực mùi nước cống rãnh. Tôi tự coi tôi như một anh hùng bị sa vào chiếc lưới thời mạt vận.”[ 52]

Nhưng có lẽ cái không gian chật chội và bí bách nhất là không gian mà nhân vật thai nhi trong tiểu thuyết Thiên thần sám hối cư trú. Một mình ở trong không

gian đó để lắng nghe, cảm nhận và suy xét cuộc sống bên ngoài mà chẳng ai có thể thấu hiểu được.

Còn không gian riêng tư của của mẹ con chị góa, Lão Cóc, Mụ, cô con gái mụ, chị mặt rỗ… trong Bến vô thường; của lão Mị trong Luân hồi; Không gian của hai mẹ con cô gái (Giữa vòng vây trần gian), cũng là nơi Thữc tồn tại trong một thời gian là một căn nhà “tối đen”, “xung quanh hầu như không có cửa sổ”, “nằm giữa một khoảng sân đầy cát” đều như cô đơn, bị tách biệt, bị đóng kín, nằm biệt lập cách xa cộng đồng. Ở trong không gian ấy, nhân vật đối diện với những bi kịch riêng tư của cá nhân, nó là nỗi buồn, là sự lạc lõng. Miêu tả những khoảng không gian nhỏ bé này, các nhà văn đã tạo được sự ám ảnh cho người đọc về sự chật chội, bức bối, tù túng, thiếu tự do cũng như âm hưởng lạnh lẽo, buồn tẻ, vắng lặng tựa như thân phận của những kiếp người cô đơn tồn tại trong nó. Cảm thấu nỗi cô đơn, sự đau đớn âm thầm từ bên trong căn gác, gian phòng, ngôi nhà nhỏ, các nhà văn đã chạm tới được nỗi buồn lặng lẽ đè nặng lên tâm hồn, số phận của những con người.

Không gian xã hội: Từ không gian riêng tư chật chội, bức bối, đến với không gian xã hội bên ngoài, con người cũng phải đương đầu với những bi kịch không kém phần đau đớn, trước hết là sự lạc lõng, không thể hòa nhập. Đặt trong không gian này con người được soi chiếu từ nhiều góc độ, được khai thác trong nhiều chiều khía và những nỗi buồn, sự trầm tư, lặng lẽ cô đơn cũng như bám riết lấy họ.

Không gian làng Đồng trong Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Vòng trầm luân trần gian, Luân hồi,… thưa vắng, nghèo đói và lạc hậu, trì trệ, trói buộc con người trong những xiềng xích của tội ác, quẩn quanh trong vòng hận thù… Cái Làng Đồng bé nhỏ, tồn tại cô lập hiện lên trong cái xa vắng, cũ kĩ của thời gian, khiến người đọc có liên tưởng đến ngôi làng ven biển huyền ảo trong thành phố của G.marquez. Ở trong không gian đó, từ nhà ra ngõ, không khí ảm đạm, thù hằn luôn bao bọc con người. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ đều bị bao bọc bởi nỗi sợ, lòng thù hận, những tai họa luôn rình rập, sự ám ảnh và cuối cùng là nỗi cô đơn. Họ thu

mình lại, không giám chuyện trò bàn tán, không giám giao tiếp vì lo sợ .Tạo nên không khí căng thẳng bao trùm lên không gian làng Đồng nhỏ bé.

Đó còn là không gian “xóm ga xưa nay sống hỗn hào dữ dội” (Bến vô thường) chất chứa bao nhiêu mảnh đời, bao kiếp người không tên; biết bao phận người nghèo khổ, nhếch nhác .Và hơn hết“Xóm ga tự cô lập mình như một rẻo đất bị nguyền rủa với tất cả cái thế giới xung quanh. Mỗi mái nhà trong xóm ấy lại tự cô lập mình.”[132, tr.260]. Mỗi mảnh đời, mỗi nhân vật tồn tại trong không gian đó chịu sự chi phối của cái không khí tù túng, ngột ngạt của nỗi buồn, sự nghèo khổ và hơn hết là nỗi cô đơn.

Không gian khu phố G dường như bị ảo hóa “G là một trong những khu trung tâm của thành phố”, với nhiều từ phiếm chỉ “tại đó”, “đúng chỗ đó”,… cùng những ngóc ngách, siêu thị, các ki -ốt, nhà hàng, nhà thổ,… như để thấy cái mênh mông vô định của không gian. Và trên hành trình Đi tìm nhân vật đó, người tìm kiếm giống như một người thủy thủ lênh đênh giữa biển khơi mà trong tay chẳng có la bàn.

Căn phòng trọ của Thữc trong Giữa vòng vây trần gian chỉ được gợi lên

một cách mờ nhạt, tạm bợ. Thế nhưng, từ không gian ngoằn nghoèo của đường phố đến không gian của dòng sông, của một bãi vắng, một làng nhỏ khép kín, một cái rẫy cũng vắng bóng người. Tất cả không gian đều vắng lặng, u mịch, đơn điệu buồn bã như làm nền cho nhân vật, để anh chìm ngập trong nỗi sợ bủa vây, chới với trong những hi vọng được hòa nhập cùng cộng đồng người, nhưng tất cả mong ước ấy của anh đều bị chối bỏ, anh cô đơn trong đó không thể nào thoát ra được.

Cuộc hành trình của nhân vật “ông” trong Cuộc đời ngoài cửa cũng đã đi qua nhiều không gian: Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, qua nhiều con đường, nhiều trạm dừng chân. Nhưng tất cả đều buồn, đều cô đơn, con người sống ở mỗi vùng miền ông qua đều lặng lẽ và cũng mang nỗi cô đơn không thể chối bỏ mà cuộc đời đã trao cho. Ông không thể tìm thấy niềm vui mà làm lại cuộc đời như dự định. Mỗi ngày ông thêm suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời, về thế thái nhân

tình. “Đứa con gái, niềm tin yêu, chỗ dựa tinh thần cuối cùng cũng đang tuột khỏi tầm tay. Ông cô đơn trọn vẹn giữa mảnh đất quen mà lạ này” [32, tr.222]

Giữa môi trường xã hội có nhiều biến động, đổi thay thời thị trưởng mở cửa, các nhà văn đã dựng lên từ cái nền không gian đó nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, đan xen chồng lớp tạo nên cảm giác ngột ngạt, chật chội, khó chịu bởi những toan tính, sự lên ngôi của đồng tiền và bởi nỗi bon chen nhọc nhằn của con người trong cuộc mưu sinh. Đặc biệt những người bước ra từ khói lửa đạn bom như Hai Hùng, Tám Tính trong Ăn mày dĩ vãng, Sáu Nguyện, Bảy Thu, Ba Đẩu trong Ba lần và một lần, Linh trong Vòng tròn bội bạc, Tướng Thuấn trongTướng về hưu, Quang trong

Bãi bờ hoang lạnh,Nam, Bình Lãm trong Phố,…được dựng trên cái nền không gian này. Đi từ không gian trận mạc đến không gian thời bình trong sự bung ra của các thành phần kinh tế cạnh tranh, xã hội biến động của cơ chế thị trường thời mở cửa, chưa được chuẩn bị hành trang cho cuộc sống khiến họ như “một con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đầy giông bão”, cô đơn, lạc lõng, chơi vơi giữa sự chảy trôi của xã hội, trở thành cái bóng nhợt nhạt giữa vô số thân phận cô đơn khác của cuộc đời. Trong sự vận hành của cơ chế mới, nảy sinh những hạn chế, sự phức tạp trong nhiều mối quan hệ xã hội, những toan tính ích kỷ, sự lên ngôi của đồng tiền và nỗi bon chen nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh luôn tạo cảm giác ngột ngạt, chật chội. Những người lính bước ra từ chiến trận không dễ dàng gì tìm được sự hòa nhập, tìm được tiếng nói chung đồng cảm. Họ rơi vào bi kịch cô đơn giữa đồng loại, họ “lạc thời”, thất thế trong xã hội hiện tại đó. Đặt nhân vật của mình vào kiểu không gian này, nhà văn đã cho người đọc thấm thía nỗi cô đơn của con người giữa cuộc sống mưu sinh hiện tại nhiều vất vả, nguy hiểm.

Không gian thiên nhiên lý tưởng: Những con người cô đơn luôn hướng đến một không gian đẹp đẽ của riêng mình. Thiên nhiên như một vị thần chở che, an ủi cho họ. Tìm đến với không gian này, phần nhiều là những người lính trở về từ sau trận chiến. Sáu Nguyện, Ba Đẩu và nhiều đồng đội (Ba lần và một lần) hướng về

rừng xanh núi đỏ, cùng giấc mơ lập một đại gia đình sống bình thản yên bình. Linh

(Vòng tròn bội bạc) mệt mỏi với những bon chen, cơ hội, với những cơm áo, gạo tiền nhọc nhằn cũng tìm lên biên giới với những đồng đội của mình. Ở đó rừng núi, cỏ cây, con người đều thấm đẫm khí chất trong lành nguyên thủy có thể tiếp thêm sức mạnh cho họ bước tiếp. Quang (Bãi bờ hoang lạnh) đã phải từ bỏ hẳn cái ồn ào của phố thị để là một cư dân trên đỉnh núi. Một con người nham hiểm như Ba Thành (Ba lần và một lần), cũng phải tìm đến với ngôi nhà khu vườn rợp bóng cây trái hoàn toàn tách biệt với mọi ồn ào của phố thị,… “Tôi” (Bến vô thường) vì cô đơn giữa thực tại, bị đóng trong “khung khép kín”, nên tôi đã ước mong được hòa nhập cùng với thiên nhiên, cùng với ánh trăng. Đó là mảnh vườn mà mỗi đêm lão Khổ (Lão Khổ) vẫn thường ra đó để tư lự, để trải lòng, để uống rượu và suy nghĩ về cuộc sống, về kiếp người. Đó là không gian của một dòng sông, một bến đò mơ màng và cô liêu trong Chảy đi sông ơi; là một cánh rừng “xanh ngắt và ẩm ướt” đang độ xuân về trong Muối của rừng; là bạt ngàn rừng núi một sắc trắng hoa ban (Những người thợ xẻ);… Các nhân vật đã tìm đến, hướng đến những nơi đó để tự vấn, độc thoại với chính mình và được thả hồn vào đó.

Tìm đến với những không gian thiên nhiên trong lành này, con người hy vọng sẽ tìm được mối tương giao, có thể tìm thấy cho mình hạnh phúc, sự cân bằng, thiên nhiên sẽ làm dịu đi cái ngổn ngang, những nỗi khổ đau, bức bối trong long họ. Vậy nhưng chính giữa không gian thiên nhiên lý tưởng đó con người càng cảm thấy cô đơn, càng thấy bất lực hơn trong việc thực hiện khát vọng tìm được sự hòa nhập với cộng đồng, với cuộc đời. Chính cái không khí trong lành mát dịu đó càng làm nhân vật nhớ lại kỉ niệm tuổi trẻ, với những kí ức, khiến họ càng như những cái bóng nhỏ nhoi đi bên lề cuộc đời, không bao giờ hết cô đơn. Có thể nói, đặt nhân vật vào thế đối diện với thiên nhiên bao la, vĩnh hằng, các tác giả càng như để con người nhận ra thân phận bé nhỏ, cô đơn, mong manh và phù du của nhân sinh trước dòng chảy tự nhiên vĩnh cửu.

Một phần của tài liệu Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại (Qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam) (Trang 86 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)