Chương 2: CÁC KIỂU DẠNG NHÂN VẬT CÔ ĐƠN TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
2.1. Nhân vật cô đơn từ bản thể
Nỗi cô đơn của con người có nhiều dạng thức, nhưng có khi cô đơn cũng trở thành thuộc tính người, như định mệnh đã an bài: Trót sinh ra làm người tất phải nếm trải, gánh chịu trạng thái cô đơn. Ngay từ thuở lọt lòng, con người đã phải đối mặt với sự cô đơn đã được ấn định từ trước, cho đến khi lớn lên phải đối mặt với cuộc sống với biết bao vấn đề nhân sinh thế sự phức tạp, cùng bao nhiêu tai họa luôn rình rập, bủa vây, sẵn sàng ập đến bất cứ lúc nào. Ngay cả khi chết đi, con người cũng
không tránh khỏi nỗi cô đơn đến rợn ngợp. Nỗi cô đơn là một trạng thái tâm lý, luôn xuất hiện thường trực trong con người.
Đọc Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), nhân vật “thai nhi” – một đứa bé còn nằm trong bụng mẹ đã phải tự đấu tranh để đưa ra quyết định có ra làm người, có ra để sống hay không? Nó phân vân từ khi còn trong bụng mẹ. Một mình nó với những dòng suy nghĩ, cảm xúc riêng mà thế giới ngoài kia chẳng thể nào biết đến, ngay cả mẹ nó cũng không thể nào hiểu được.
Ở những dòng đầu tác phẩm, người đọc cũng có thể nhận thấy sự háo hức, trông ngóng, mong chờ được ra đời để thành người, để được hòa nhập vào cộng đồng người đó: “Tôi đếm từng giờ. Còn bảy mươi hai giờ nữa tôi mới hết giai đoạn bào thai. Sau đó chỉ còn là một việc giãy đạp, gào thét mà chui ra. Thế là thành người. Tôi khao khát chờ đến cái ngày vĩ đại ấy” [52]. Thế nhưng, niềm mong mỏi, hào hứng, ấy của “tôi” bỗng gặp phải nhiều ngăn cản. Trước cái ý định muốn được chui ra cho thỏa niềm ước ao, để mẹ đỡ lo lắng, mệt mỏi thì bao nhiêu sự kiện dồn đến, khiến nhân vật phân vân, do dự. Cuối cùng, sau khi đã nán lại và nghe ngóng qua nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện thẩm thấu được qua người mẹ, nhân vật thấy cuộc đời ngoài kia có quá nhiều điều nó không thể nào hiểu nổi, thậm chí, thấy có nhiều bất trắc và nguy hiểm: “Cái cuộc đời ngoài kia cũng bất trắc và nguy hiểm lắm nhỉ. Có biết bao tai vạ khó lường mình còn chưa cắt nghĩa được bằng từ ngữ. Vậy thì dại gì mà chui vào rọ khi mình có toàn quyền quyết định.”[53].
Với cương vị là thiên sứ nhỏ đến từ thiên đường, bản thân nó tự phán xét cuộc đời ngoài kia, nó làm phép thử cho những bậc sinh thành, xem họ có xứng đáng với tên gọi là “cha” là “mẹ”. Hai lần định chui ra cất tiếng chào thế giới thì hai lần nó co lại vì những biến cố bị cắt ngang, cuộc sống ngoài kia thật tăm tối độc ác với biết bao vấn đề khiến “tôi” nghi ngờ, ngần ngại. Một mình “tôi” với những suy nghĩ, quyết định mà không ai có thể nhìn thấy, không ai có thể hiểu, thậm chí cả người mẹ đang
“đèo bòng” “tôi”. Và nó muốn tiếp tục cuộc chơi của riêng mình để khám phá, trải
nghiệm. Vì một câu hỏi lớn: “Cuộc sống có đáng hay không?”. Bản thân những suy nghĩ, sự phân vân do dự, quyết định ấy là của riêng mình nhân vật. Không ai hiểu, không ai chia sẻ, khiến thai nhi cô đơn với chính suy tưởng của mình.
“Trẻ em vốn là sự cứu rỗi cái cô đơn của người lớn”, là đấng thiên thần đích thực của kiếp người. Mỗi con người được sinh ra là từ sự ân sủng thăng hoa của tình yêu. “Khi còn là thiên thần ở trên trời, tôi và những linh hồn khác đều thuộc những bài hát ca ngợi tình yêu và sự mầu nhiệm. Tình yêu tạo ra sự mầu nhiệm và được tạo bởi sự mầu nhiệm. Trong niềm ngây ngất, một mầu nhiệm lớn lao nhất được tạo ra, ấy là sự có mặt của chúng tôi, như một sự gia ân của đấng tối linh không hiện hình nhưng hiện hữu ở khắp nơi.”[52]. Thế mà sao, giữa những cuộc gặp, những câu chuyện mà “tôi” nghe được ở thế giới bên ngoài thông qua mẹ thì trẻ con luôn bị người ta chối bỏ bằng hình thức này hay hình thức khác. Khiến cho “tôi” hoài nghi, thậm chí là thất vọng, Ở cõi nhân sinh, có những “Chiếc thai đã đủ tư cách làm người nhưng không có tư cách công dân và từ kiếp trước đã bất hợp pháp. Người ta không cảm thấy có nghĩa vụ phải chăm sóc nó. Nó là hiện thân của điều đáng tởm nhất mà con người phạm phải. Việc cần phải làm là hãy để cho nó chết. Chỉ khi đó lương tâm mới thanh thản và không còn ai vì nó mà bị ám ảnh về tội lỗi”. [53]. Và có một điều buồn đau mà “tôi” cũng cảm thấy thấm thía khi biết chính “Mẹ đã từng từ chối sự có mặt của con để giờ đây điều đó trở thành niềm mong ước thắt ruột. Giờ đây thì mẹ thấm thía được một điều quan trọng: Để có tình yêu thực sự, không thể sống theo ý muốn thuần túy của con người". [53]. Khiến cho tâm hồn, suy nghĩ “tôi”
lạc đi, và cái sự kiện trọng đại muốn chào đón cuộc đời, giờ đây chẳng còn là niềm háo hức nữa. Sau những gì đã biết, đã phán xét về cõi đời, nó tin rằng có “một cô, cậu bạn đồng niên nữa của tôi không muốn làm người. Có thể đó là quyết định sáng suốt”.[53].
Rồi cũng đến thời điểm “Vào cái ngày cuối cùng đáng nhớ so với thời hạn tôi cần phải đưa ra quyết định có nên ra đời hay không.” với biết bao câu chuyện thật
khó tin của cuộc đời thì xuất hiện những âm thanh vẫy gọi như những bài thánh ca chào đón một hài đồng ra đời trên cỏ. Điều đó đã đưa đến cho tôi quyết định “tôi chấp nhận sống, còn bởi một sự thật ngàn lần khó tin hơn: Con người chẳng làm được gì hơn ngoài sự chuẩn bị đến nơi đến chốn. Còn biết bao người không có cơ hội này và có thể coi đây là bí mật cuối cùng mà vì thế tôi cần phải đến, thay vì bỏ đi.”
[53].
Ở đây nhân vật cô đơn là bởi một mình đối diện với suy nghĩ, với những quyết định cùng những bí mật cuộc đời mà “Vĩnh viễn chẳng ai trong số những người đến cuộc đời trước tôi hiểu được bí mật này.” Quyết định cuối cùng của thai nhi chấp nhận đến với cuộc sống đồng nghĩa với việc thai nhi đã chủ động đương đầu với cuộc thách đấu dai dẳng và quyết liệt. Mà ở đó, cái thiện, cái ác, cái chết luôn ở trên bờ vực. Nhân vật thai nhi như một biểu tượng về một sự nghiệm sinh trong cõi người từ trong tiền kiếp, quá trình nhọc nhằn, gian khổ nhưng đầy hạnh phúc của sự sống.
Nhân vật được kể với giọng khách quan lạnh lùng cái hiện thực nghiệt ngã và phi lý được tô đậm và rõ nét. Qua đó, gieo nỗi buồn hoang mang về kiếp người.
Đến với Luân hồi, người đọc sẽ thấy, không chỉ bản thân nhân vật mới mang trong mình nỗi cô đơn như một tiền định mà đó còn là nỗi cô đơn của dòng máu huyết thống, được di truyền từ đời này qua đời khác, “từ các cụ tổ tiên đến bố tôi đều cô đơn”[1, tr.201], một lời dự báo rằng thế hệ con cháu sau này cũng sẽ cô đơn. Và đến đời tôi cũng tự thấy “tôi rất cô đơn”, không thể tránh khỏi. Nỗi cô đơn ấy tự bản thể đã có, như thứ gen di truyền mà thế hệ trước trao lại cho thế hệ sau, nỗi cô đơn của con người đã mang tính dự báo, cô đơn là trạng thái tâm lý không thể tránh khỏi đối với mỗi con người.
Không chỉ được dự báo về một nỗi cô đơn có sẵn được di truyền lại, qua lời giới thiệu, có thể thấy, nỗi cô đơn của “tôi” càng không có điều kiện để thoát khỏi:
“Tôi sinh ra từ những cơn mưa. Vào một đêm sâu thẳm nào đó. Trong nỗi cô đơn khủng khiếp, cha tôi lang thang đi tìm một miền khô ráo. Ông đã nằm mơ thấy
trước tất cả những gì sẽ diễn ra. Trong cơn dập vùi của trời đất ông thấy tôi mang hình một quả cầu lửa. Mẹ tôi khi ấy giống như một cọng cỏ úa vàng vì ẩm ướt đã giơ tay cầu nguyện. Chiếc giường tre nấc lên bởi cuộc báo thù số phận, bởi nỗi đau đớn triền miên không thể giải thoát. Bà tiên cảm đến một cuộc sinh nở sẽ rất quằn quại và điều đó bắt đầu làm nên số phận tôi”[1, tr.193]. Lời giới thiệu của “tôi” như một dự cảm cho thấy sự mất mát về tình yêu thương, nỗi cô đơn đã gắn với nhân vật ngay từ khi sinh ra. Chào đời giữa khung cảnh mùa mưa buồn bã, ủ dột, dầm giề, ẩm ướt.
“Tôi” lại không được sự chào đón từ cha, hơn thế, tôi còn là một sự ám ảnh ghê gớm đối với cha. Vậy nên “Hễ thấy tôi, cha tôi thường nghiến răng trèo trẹo”. Và tuổi thơ của “tôi” cũng chẳng êm đềm như những đứa trẻ khác, tôi không được cha yêu thương, thậm chí còn bị cha căm thù “Chính ông đã cho tôi một kí ức ẩm ướt. Sau này đã là người, bao giờ tôi cũng đau khổ đi tìm lời giải thích về mối quan hệ không mấy suôn sẻ với những người thân nhất của mình.” [1, tr.193-194]. Tất cả những chi tiết ấy đều nhằm nhấn mạnh hơn nỗi cô đơn mà nhân vật phải chịu đựng.
Tôi đã đến với cuộc đời mà không được chào đón như thế, tôi đã tồn tại trong một gia đình thiếu tình yêu thương như vậy, tự mình tôi thầm lặng tồn tại, lặng lẽ quan sát, tìm kiếm câu trả lời vì sao tôi lại bị cha ghét bỏ, thù hằn. Và “Cuối cùng
“tôi” cũng đã lý giải được cái nguyên nhân khiến cha tôi căm thù tôi. Khi nhặt tôi từ giấc mơ của mẹ tôi, ông biết trước dòng máu hùng mạnh cô độc chảy đến ông là hết.
Ông là tiếng hú hạ màn của một tấn bi kịch không có chuyển cảnh.”.[1, tr.199].
Cái nỗi cô đơn của nhân vật còn được thể hiện qua những cơn mơ, những giấc chiêm bao hay là sự huyễn hoặc, ảo tưởng. Một mình nhân vật bước vào giấc mơ ấy để mong tìm được sự giải thoát hiện tại, trốn chạy vào một thế giới của hư ảo để đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Theo đuổi một hình ảnh không có thực trong những cơn mộng mị ấy để tìm kiếm hạnh phúc. Điều này chứng tỏ nhân vật quá cô đơn.
Không chỉ có tôi, trong Luân hồi, các nhân vật trong gia đình tôi đều là hiện thân của nỗi cô đơn bản thể, cô đơn như một tiền định, bám đuổi mọi kiếp người từ
khi sinh ra đến khi chết. Qua lời kể và “phát hiện” của “tôi”, ở đó, mỗi thành viên trong gia đình giống như là một ốc đảo riêng biệt, lạnh lùng, không chuyện trò, không có sự chia sẻ, đồng cảm : “Ròng rã ba tháng trời, bà nội tôi, cha tôi, mẹ tôi và tôi trở thành những vai diễn nhàm tẻ trong một màn kịch câm khủng khiếp.” [1, tr194]. Còn “Cha tôi tự chôn sống mình trong một không gian sống như nấm mồ.”[1, tr.194] với một thói quen rất lạ: “Bao giờ ông cũng ngồi đúng cái chỗ của ông, với tư thế đơn điệu đến khó chịu.”[1, tr.194]. “Bà nội tôi suốt mùa mưa không mở miệng…
Bà chỉ có mỗi việc đu đưa cái chân phải khi chân trái co lên và ngược lại”[1, tr.195].
“ Mẹ tôi tìm cách giết những con bọ chó nhảy lách tách khắp nơi”[1, tr.195]. Mỗi người một thói quen nhàm tẻ, lặp lại. Mỗi nhân vật là một cá thể riêng biệt, dường như sống chỉ với thế giới của riêng mình, cùng một mái nhà nhưng không ai có sự liên kết với những người xung quanh, dù đó có là những người gần gũi, thân thiết nhất. Cuộc sống tẻ nhạt, mỗi người thu mình trong ốc đảo riêng, không ai xâm phạm, không muốn bị xâm phạm. “Toàn bộ cuộc đối thoại của chúng tôi qua nhiều ngày cộng lại chỉ gồm:
Bà tôi: đu đưa chân phải khi chân trái co lên.
Bố tôi, vặn vẹo phần từ vai trở xuống.
Mẹ tôi: đùa với bọ chó và nhìn mưa thở dài Tôi: Mơ một thiếu nữ,…” [1, tr.195-196]
Việc giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình được hạn chế một cách tối đa. Họ không muốn giao tiếp hoặc không có nhu cầu được trao đổi. Với mỗi người, dường như họ sống trọn đời với nỗi cô đơn ấy. Và như đã nói ở trên, bản án cô đơn ấy như một thứ gen di truyền mà thế hệ trước đã truyền lại cho hậu thế, nên mỗi người tự nhiên sẽ tiếp nhận sự di truyền như một điều tất yếu. Bản thân nhan đề - Luân hồi như gắn chặt với những thân phận cô đơn có từ kiếp trước và còn kéo dài triền miên ở kiếp sau. Đi hết cuộc đời mà nhân vật vẫn không đủ tuổi để sống với nỗi cô đơn.
Mỗi cư dân trong Luân hồi đều mang trong mình nỗi cô đơn của kiếp người.
Đó là chị Giáo góa “chiều tối nào cũng đi đắp mộ chồng”, là lão Vọ cất vó ở đầu làng. Trong đó, lão Mị là nhân vật chịu nỗi cô đơn khủng khiếp nhất. Cả cuộc đời làm người của lão là một khối cô đơn khổng lồ, nửa đời lão cô độc, không có sự giao tiếp với đồng loại, lão “ăn cá sống”,“sống trong một túp lều gần khu nghĩa địa.
Chẳng ai dám đến gần lão bởi cơ thể lão bốc mùi rất khẳn”[ 1, tr.197]. Vì quen sống nguyên thủy, lạc bầy, không còn nhận ra mình còn là một con người, mình còn cả một cộng đồng đang ở xung quanh. Nên một ngày kia, có người đến gần và cất tiếng chào, lão không khỏi bàng hoàng ngơ ngác, như một bản năng, lão hú lên một tiếng kinh rợn “lão quay bốn phương tám hướng và tru lên như một con sói già của thuở khai thiên lập địa, trước khi từ giã đồng loại. Tiếng hú chín tầng trời, vừa hùng tráng vừa thê thảm. Tôi cảm thấy như đang nghe tiếng vọng của một thời xa xưa của tiền kiếp, của những số phận quằn quại ra đời trong vực thẳm âm u của thời gian”.[1, tr.198].Tiếng hú của lão như là tiếng vọng của thời tiền sử và dường như trong khoảnh khắc của tiếng hú. Sau khi “đã phóng tất cả sinh lực vào tiếng hú” “vĩnh viễn lão không dậy nữa” . Lão đã được trở về là người, được sống cả đời người.
Hai Duy (Lão Khổ) sinh ra giữa trận mưa khủng khiếp, cha nó – Lão Khổ bận tối ngày chuyện học hành, thảo luận,…mỗi lần đi về chỉ kịp ghé qua ngó mặt con rồi lại đi liền. Nó thiếu hơi ấm của cha ngay từ khi sinh ra; nó lạnh lùng, xa lánh cha từ khi còn là một đứa trẻ “ốm nhách, đen đủi và nhút nhát”. Từ nhỏ nó đã quen “tha thẩn chơi một mình trong cái góc khuất nhất.” [3, tr.103]. “Trong tâm hồn trinh bạch của cậu đã manh nha những tình cảm phức tạp thường ít thấy ở bọn trẻ cùng lứa” [3, tr.113]. Trong khi những đứa trẻ khác cũng học thuộc lòng những bài học hận thù từ cha mẹ, dòng họ truyền lại thì Hai Duy lại không muốn nhớ và nghĩ về điều ấy. Chính sự khác biệt đó đã tạo nên nỗi cô đơn riêng có của nhân vật. Giữa hai cha con luôn có một khoảng cách vô hình không thể nối kết được. Cậu bé không muốn ở cạnh bố, thậm chí đã từng ước“Giả sử không có bố thì hay biết mấy!”. Lão Khổ là một ám ảnh, một sự
xa cách khủng khiếp mà nó chẳng muốn tới gần, muốn thân thiết. Cậu sợ cha cậu sẽ phá tan giấc mơ của cậu.
Nỗi cô đơn của nhân vật còn được thể hiện qua những câu hỏi ám ảnh suốt thời thơ ấu: “Vì sao có nó và khi chết người ta thành gì?”. Nó không biết, không ý thức được vì sao nó lại được hiện diện trên cõi đời. Một người hay nghĩ vẩn vơ, thích trốn mình trong bóng tối, đắm chìm trong những giấc mơ. Trong thế giới ấy chỉ có bầu trời đầy huyền bí, “cậu dệt lại tấm thảm cổ tích bằng những sợi tơ đẹp tuyệt trần rút từ trí tưởng tượng của cậu”. Nỗi cô đơn của nhân vật ngày càng được thể hiện rõ trong sự khác biệt về suy nghĩ, về những tưởng tượng khiến cậu được đẩy xa hơn với gia đình, đồng loại. Cậu muốn rời khỏi hiện tại để đi đến một xã hội khác, thoát khỏi không khí ngột ngạt, tù túng mà đầy thù hận đó. Điều ấy chứng tỏ cậu quá cô đơn.
Đó là nỗi cô đơn của “tôi” trong Bến vô thường (Nguyễn Danh Lam), sinh ra đã không được lành lặn như những đứa trẻ khác: “Tôi bẩm sinh không có cái người ta gọi là chân[…], “tôi quái thai dị dạng” [32, tr.20]. Bởi thế, cả cuộc đời của “Tôi” tồn tại khép kín, bị nhốt chặt trong “cái hộp vuông gần bốn mét bề ngang, gần bốn mét bề dọc, gần bốn mét bề cao.” [15, tr.20] cộng với căn phòng phụ rộng hai mét vuông
“Tính ra hết thảy thế giới của tôi là gần mười tám mét vuông.” [32, tr.21]. Tôi không có mối liên hệ với cộng đồng bên ngoài. Không thể làm những việc người bình thường khác có thể làm ở thế giới ngoài kia. Thế giới bên ngoài chỉ được cảm nhận bằng âm thanh. Trong “cái khung xám xịt” đó nhân vật tự ý thức được sự cô đơn của mình: “từ khi sinh ra đã không có khái niệm về một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.” [32, tr.23], “tôi điềm nhiên chấp nhận như một sự tất nhiên phải thế.” [32, tr.280]. Những lời tự thú đó như minh chứng hơn nữa cho nỗi cô đơn của nhân vật.
Nỗi cô đơn ấy càng đậm đặc hơn khi Mẹ - người thân duy nhất trong gia đình còn lại cũng không chuyện trò, cũng dường như bỏ mặc tôi một mình. Như một lập trình, cứ đến giờ bà mang đồ ăn lên, thỉnh thoảng đưa lên cuốn sách… Còn lại, một mình tôi trong cái gian phòng cuộc đời đó. Cuộc sống của nhân vật được đóng khung