6. Cấu trúc của luận văn
1.3. Cảm hứng cô đơn trong văn xuôi Việt Nam sau 1975
Cảm hứng được xem là một yếu tố của bản thân nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học, của thái độ, tư tưởng cảm xúc của người nghệ sĩ đối với thế giới được mô tả.
Cùng với cảm hứng bi kịch, cảm hứng thế sự đời tư… có thể nói cô đơn là nguồn cảm hứng khá đậm trong văn học Việt Nam. Nhìn lại các chặng đường vận
động và phát triển của văn học nước nhà có thể thấy văn học Việt Nam trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỉ XX, đặc biệt là khuynh hướng văn học lãng mạn, trong đó Thơ mới là nơi thể hiện dạt dào cảm hứng cô đơn. Khi người nghệ sĩ không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội, khi con người thoát ly khỏi cuộc đấu tranh giai cấp nhưng lại không hòa hợp được với cuộc sống nhố nhăng “ối a ba phèng” (Vũ Trọng Phụng) đương thời, họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng, thoát khỏi thực tại để theo đuổi thế giới riêng, cảm giác cô đơn đến với họ là điều tất yếu. Nỗi cô đơn ấy khiến nhà thơ Vũ Hoàng Chương phải thốt lên:“Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ/ Một đời người u uất nỗi chơ vơ”. Hay đó là nỗi cô đơn rợn ngợp của cái tôi bé nhỏ giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận trong thơ Xuân Diệu: “Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có ai bạn bè nổi cùng ta”.
Thông qua nhân vật, các cây bút văn xuôi đương đại đã thể hiện đa dạng những dạng thức cô đơn của con người. Trong cái thế giới phức tạp của đời sống nhân sinh, xã hội, con người hôm nay phải đối diện với nhiều vấn đề thế sự. Họ không chỉ buồn, cô đơn vì quá khứ đã qua, mà còn là nỗi cô đơn ngay giữa cuộc sống, chính trong gia đình, giữa những người thân. Trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người luôn ẩn chứa những nỗi niềm, tâm sự cả ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Các nhà văn đương đại trong đó có Nguyễn Huy Thiệp,Tạ Duy Anh, Chu Lai, Nguyễn Danh Lam và nhiều nhà văn, nhà thơ đã khai thác thể hiện nỗi cô đơn của con người lên trang viết thông qua các nhân vật của mình. Đó có thể là nỗi cô đơn khi không thể hòa nhập với cuộc sống, luôn thấy mình như bị gạt ra bên lề xã hội, như một người chậm bước khó thích nghi thậm chí không thể thích nghi với cuộc sống vẫn chảy trôi bên mình. Nếu trong sáng tác của Chu Lai, nhân vật cô đơn, không thể hòa nhập được với cộng đồng, với đời sống hiện tại là bởi họ đã dành hết niềm tin, lý tưởng ở quá khứ thì ở Nguyễn Huy Thiệp, đó là nhân vật cô đơn trong hành trình đi tìm cái thiện, cái đẹp hay nỗi cô đơn của những người bình dân giữa đời sống. Ở Tạ Duy Anh, đó là nhân vật cô đơn, phân vân từ khi còn chưa chào đời hay là nỗi cô đơn của
con người lạc bước vào hành trình đi tìm nhân vật của mình, càng đi càng thấy mình chơi vơi, lạc lõng, cô đơn. Đó còn là nỗi cô đơn của những con người phải sống trong một làng quê chất đầy những hủ tục, những cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các dòng họ, những mối thù truyền kiếp. Ở Nguyễn Danh Lam, đó là những “lạc thể” vô danh lạc bước giữa dòng đời, đi bên ngoài cuộc đời. Đó còn là những con người cô đơn vì họ không thể chen nổi vào đời sống, không thể tìm thấy tiếng nói chung với những người xung quanh, sống giữa nhiều người, sống giữa cộng đồng, giữa biển người mênh mông nhưng luôn có cảm giác bị bỏ rơi trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Đó còn là con người cô đơn vì không biết chăm sóc đời sống tinh thần, chỉ mải miết tìm kiếm giá trị vật chất trong sáng tác của Ma Văn Kháng và trong nhiều sáng tác của các nhà văn đương đại,…
Có thể nói, bằng những tìm tòi và những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, các nhà văn đương đại đã thể hiện khá sâu sắc những vấn đề nhức nhối, nóng rát hàng ngày. Trong đó, con người phải đối diện với bao vấn đề mà quan trọng hơn nhất là cảm xúc cá nhân. Những suy tư, sự buồn đau, hay là nỗi cô đơn luôn thường trực như một trạng thái tâm lý không thể tránh khỏi.