Chương 1: ĐỔI MỚI TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ CẢM HỨNG CÔ ĐƠN
1.4. Khái quát về kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn học và văn học Việt Nam
1.4.1. Cô đơn – một trạng thái tâm lý bản thể
Mỗi người là một thực thể sống khác nhau, tự trong bản thân mỗi người đều có bảy cung bậc cảm xúc của: Hỉ, nộ, ái, ố, bi, ai, lạc. Tuy nhiên, trong bảy cung bậc cảm xúc đó, bản thân mỗi người lại có cái buồn riêng, có cái vui riêng. Cũng như vậy, bên trong mỗi bản thể nhỏ bé ấy, nỗi cô đơn lại tồn tại ở nhiều dạng thức, mức độ khác nhau, có người chỉ thoáng thấy mình cô đơn, có người cứ thấy mình cô đơn triền miên, có người thì dai dẳng mang trong mình nỗi cô đơn từ khi sinh ra đến khi mất đi,… Con người cô đơn bởi nhiều lí do, có thể vì họ quá khác biệt với thế giới xung quanh, có thể họ không thể tìm được tiếng nói chung, không được chia sẻ,
không thể hòa nhập với cộng đồng, họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng ấy. Cũng có thể, nỗi cô đơn của con người như một mặc định theo họ đi suốt cuộc đời. Như vậy, cô đơn là một trạng thái tâm lý bản thể của con người.
Theo Từ điển tiếng Việt : Cô đơn là “chỉ có một mình, không có người thân, không nơi nương tựa (cảnh cô đơn, con người cô đơn)” [41].
Trong Từ điển tâm lý học, cô đơn được định nghĩa là “một trong những yếu tố căn nguyên tâm lý ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của con người khi ở vào tình huống không quen thuộc (bị thay đổi) hoặc hoàn cảnh bị cách ly với người khác. Khi rơi vào trạng thái cô đơn do sự cách ly thực nghiệm, địa lý, xã hội hay do bị tù, các mối quan hệ trực tiếp với những người khác bị cắt đứt gây ra những phản ứng cảm xúc cấp tính trong một loạt các trường hợp xuất hiện sự sốc tâm lý với các biểu hiện chính: lo âu, trầm cảm và rối loạn thần kinh thực vật…”[41]. Cô đơn có những cảm xúc tương ứng của chủ thể là xa lánh. “Xa lánh biểu hiện trong những mối quan hệ sống của chủ thể với thế giới xung quanh. Trong đó cá nhân tự tách mình ra khỏi những cá nhân khác, coi họ đối lập với bản thân mình. Xa lánh thể hiện trong những cảm xúc tương ứng của chủ thể: cảm giác bị tách biệt, cô đơn, bị ruồng rẫy, mất cái tôi” [41].
Từ góc độ triết học, cô đơn thuộc về vô thức. Tức là “cô đơn tồn tại như một bản năng của con người.”. Con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nỗi cô đơn, tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh chứng tỏ điều đó. Nó là nỗi cô đơn bản thể, cô đơn tiền định, không thể lý giải vì sao nó cô đơn, bởi nó là “sự sai khiến của dòng chảy thần thánh trong từng huyết quản của con người”. Nó thuộc về cội nguồn bản thể, tự cô đơn.
Theo Các Mác “Con người là tổng hòa các mối quan hệ”. Nhưng khi sự tổng hòa đó bị phã vỡ, một mối quan hệ nào đó bị đứt gãy, thì sẽ xuất hiện trạng thái cô đơn. Và nếu xét về mặt tâm lý, cô đơn là trạng thái con người cảm thấy lẻ loi, hụt hẫng khi bị cắt đứt sợi dây liên hệ với cộng đồng, xã hội xung quanh. Con người cô
đơn là bị loại ra khỏi cộng đồng do có sự chênh lệch. Cá nhân tự ý thức về mình và tự tách mình, loại trừ mình và tự đứng lệch ra khỏi chuẩn chung.
Từ góc độ khoa học nhân văn, cô đơn là trạng thái đáng thương của con người, đồng thời cũng là ý thức đặc biệt về giá trị của mỗi cá nhân.
Có thể nói, với mỗi cá nhân, hầu hết chúng ta đều phải trải nghiệm nỗi cô đơn trong cuộc sống của mình. Nỗi cô đơn ấy có thể “là trạng thái hoang mang, lạc lõng và khó chịu khi không có ai ở bên mình” [41]. Vì vậy, có thể xem, cốt lõi của sự cô đơn là nỗi sợ bị bỏ rơi, nỗi sợ rằng cuộc sống dường như cũng đã lãng quên mình, cùng với đó là nỗi sợ hãi rằng sự cô đơn đó – cảm giác không ai muốn có mình, không được công nhận, không được thấu hiểu và đồng cảm – sẽ kéo dài mãi mãi chẳng có ai đến chia sẻ cùng mình.
Octavio Paz – nhà văn lớn của Mêxicô trong chuyên luận Thơ văn và tiểu luận của mình cho rằng: “Cái cô đơn là đặc trưng cuối cùng của thân phận con người.”[41]. Nỗi cô đơn, vốn là chính bản thể của cuộc sống chúng ta, xuất hiện trước chúng ta như một thử thách, như một sự gột rửa với mục đích cuối cùng là mất đi mọi đau đớn và thất thường. Sự hoàn thiện, sự tụ hội vốn là sự nghỉ ngơi và hạnh phúc, sự hòa hợp với thế giới chờ đón chúng ta ở điểm nút ở mê lộ cô đơn.
Cá nhân là riêng tư, không trộn lẫn với ai và không có phiên bản khác. Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ bí ẩn. Không ai hoàn toàn hiểu nó, và bản thân nó cũng không thể hiểu được người khác dù luôn có ý thức muốn được hiểu và hiểu được người khác. Nhu cầu hiểu và được hiểu này thể hiện qua nhu cầu giao tiếp, tự thể hiện, nhu cầu nhập cuộc với xã hội để trưởng thành, để tồn tại. Nhưng trong quá trình nhập cuộc, dấn thân, con người luôn phải trượt từ môi trường này sang môi trường khác, từ môi trường quen thuộc sang môi trường xa lạ để tìm thấy sự quen thuộc, hơi ấm của bầy đàn, để hóa giải sự cô đơn, cô độc. Hành trình đó có sự chi phối của bản năng vô thức vì theo E.Fromm “Con người luôn hoài nhớ một cách vô thức thời kì bào thai của mình, thời kì nó nằm trong Thiên đường bụng mẹ, nay không còn nữa,
nó phải tìm đến tình bạn, tình yêu, tình dục nhằm thấy lại sự thanh bình, ấm áp và an toàn đã mất.”[50].
Như vậy, có thể xem, cô đơn là bản chất, một trạng thái cảm xúc cố hữu của con người. Đã là con người, chúng ta không thể tránh khỏi nỗi cô đơn.