6. Cấu trúc của luận văn
3.2. Chú trọng tới cảm giác, nội tâm của nhân vật
L.Tônxtôi đã từng nói: "Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được". Ðể làm được điều đó, nhà văn tất yếu phải hiểu sâu sắc cuộc sống và
con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật.
Để xây dựng nhân vật cô đơn, các nhà văn rất chú tâm sử dụng và sử dụng hiệu quả biện pháp nghệ thuật này, nhờ vậy đã tái hiện được đời sống nội tâm, những cảm xúc, sự liên tưởng của các nhân vật về các vấn đề của đời sống. Nhân vật luôn sống với những dòng hồi tưởng, dòng ý thức, những suy nghĩ miên man, những dằn vặt và đau khổ của chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ đó, các nhân vật đều có một thế giới nội tâm với nhiều diễn biến khác nhau, nhiều nỗi trăn trở, ưu tư, dằn vặt, cả sự chông chênh, cô đơn giữa sự chảy trôi của cuộc đời.
Đọc Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), có thể thấy thế giới nội tâm của nhân vật “anh” hiện lên qua rất nhiều dòng ý thức khác nhau. Từ ý thức về cuộc sống vô nghĩa của chính mình, đến những ý thức về công việc và sau nữa là ý thức về hôn nhân. Là một thanh niên hiện đại, có kiến thức và giàu cảm xúc, cũng có những dự định, mong muốn, dù luôn cảm thấy buồn, cô đơn trong chính cuộc sống của mình nhưng anh cũng ý thức được rằng mình cần phải làm việc, cần phải thay đổi. Vậy nhưng anh luôn rơi vào bi kịch của sự cô đơn, tự cảm thấy mình “là người thừa với thế giới” khi mà phải sống dựa vào sự chu cấp của bà chị, khi đã muốn cố gắng làm một công việc gì đó mà vẫn không thành. Anh cũng đã chân thành tìm kiếm tình yêu, một mái ấm gia đình thực sự, đã cố gắng tự muốn thay đổi , nhưng anh vẫn luôn cô đơn và cuối cùng “nỗi cô đơn đã chuyển hóa thành sự tuyệt vọng”. Càng cố gắng anh lại càng thất bại, càng lạc lõng và cô đơn. Qua đó, tác giả như muốn nhấn mạnh, phản ánh một kiểu người của thực tại không thể hòa nhập được với cuộc sống hiện tại đang cuồn cuộn chảy.
Nhân vật “ông” trong Cuộc đời ngoài cửa (Nguyễn Danh Lam), cũng là người
mang nhiều suy tư, cảm xúc. Thất bại trong hôn nhân và công việc, ông đã phải chịu đựng những cú va đập tâm lý, ông trở thành người cô đơn giữa thế giới. Ông muốn ra đi để tìm một cuộc sống khác. Trong cuộc hành trình “Đi để bắt đầu lại. Để học cách
sống cuộc sống của mình” đã biết bao lần ông ngồi suy tư, với những dòng hoài niệm xen lẫn thực tại, và chính điều đó lại khiến ông cứ như người “lẩn thẩn với những mảnh kí ức được lắp ghép”, ông đau khổ, dằn vặt, tiếc nuối và cuối cùng ông vẫn là kẻ cô đơn tuyệt đối.
Cũng như thế các nhân vật “tôi”, “hắn”, “gã” trong Bến vô thường” cũng là những nhân vật luôn đối diện với những dòng suy nghĩ của chính mình. Và cùng với sự đồng hiện của không - thời gian, họ luôn hiện lên là những thực thể cô đơn giữa một động đồng thiếu sự sẻ chia, đồng cảm.
Trong các truyện Cún, Không có Vua, Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường,… Nguyễn Huy Thiệp luôn để các nhân vật sống giữa gia đình mà như “không gia đình”, sống giữa cộng đồng mà như đứng bên ngoài cộng đồng. Họ luôn là những thực thể bị cô đơn. Bởi lẽ đó, họ luôn có những thiên hướng “co” về thế giới riêng của mình với nhiều cảm xúc suy tư khác nhau.
Xuyên suốt Con gái thủy thần là những dòng cảm xúc suy tư của nhân vật Chương. Dõi theo câu chuyện, chúng ta có thể thấy ước mơ, khát khao của nhân vật gắn liền với bao suy nghĩ, cảm xúc khác nhau. Từ những lời tự bạch hết sức chân tình”
tôi là một thanh niên nông dân ngu độn” đến những bí mật của tâm hồn “trái tim tôi thuộc về nàng, thuộc về mẹ Cả, thuộc về Con gái thủy thần.”. Trong cuộc hành trình khó khăn gian khổ khi đi tìm Mẹ Cả, nhân vật đã không ít lần bộc lộ đời sống nội tâm với nhiều trạng thái khác nhau. Khi thì “chua xót”, “đờ đẫn”; lúc lại “sửng sốt”, “thẫn thờ buồn bã” thậm chí “tê tái cảm giác chua xót”.
Ở Thương nhớ đồng quê, “tôi” là nhân vật có nhiều suy tư “mơ mộng”, lại “hay nghĩ”, thích quan sát, đánh giá thói quen của từng người, tôi có thế giới tâm hồn dễ “xao động”, với những suy tư cứ xối xả tuôn chảy:
“Tôi nghĩ
Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ Sự bất lực của hình thức biểu đạt
Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất Bao tháng ngày trôi đi
Bao kiếp người trôi đi
Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được…”[61]
Dù vậy, không ít lần người đọc vẫn bắt gặp tâm trạng xót xa, ngậm ngùi của nhân vật trước những mặc cảm của thân phận: “Thân phận tôi, ở đâu người ta cũng nhận là kẻ làm thuê làm mướn”. Và hơn hết, nhân vật nhận ra một khoảng trống mênh mông kì lạ không dễ lấp đầy: “Chiều vẫn xuống chậm, Nắng hoe vàng. Trong lòng tôi trống rỗng lắm, một khoảng trống rỗng không.” Thậm chí, có những tâm tư và nỗi lòng của tôi đầy bí hiểm, khó lí giải khi “Tôi cười. Mẹ tôi chẳng hiểu nụ cười của tôi đâu.” Cái khoảnh khắc nhận tin dữ, “tôi” đã trải qua nỗi đau đớn tột cùng khi mất mát người thân. Cảm giác ấy “tôi” đã phải “đưa tay lên miệng để bít những âm thanh thổn thức trong cổ”.
Đọc Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối, Thiên thần sám hối, Bước qua lời nguyền,… chúng ta có thể thấy, đan xen trong những câu chuyện giữa quá khứ
và hiện tại là những chiêm nghiệm, cảm xúc đánh giá của nhân vật về con người, cuộc đời, xã hội và về chính bản thân mình. Tạ Duy Anh luôn để cho nhân vật của mình sống trong thế giới của suy tưởng, cảm xúc với nhiều luồng tư tưởng tình cảm phức tạp, trái chiều. Dù vậy, những cảm xúc ấy cũng không đưa nhân vật thoát khỏi vòng vây của trạng thái cô đơn.
Những người lính trở về với cuộc sống có nhiều đổi thay như tướng Thuấn (Tướng về hưu), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Sáu Nguyện (Ba lần và một lần), Linh (Vòng tròn bội bạc),… sống giữa thời bình nhưng dường như họ chưa có phút giây nào được thanh thản, bình yên với cuộc sống hiện tại. Quá khứ cuộc chiến cùng những đổi thay của xã hội mà những người lính trở về chưa kịp “chuẩn bị” khiến họ luôn đau khổ, dằn vặt rồi tự đẩy mình vào trạng thái cô đơn, lạc lõng với hiện tại, không còn biết bấu víu vào đâu.Họ chìm trong những suy nghĩ của riêng mình, tự tìm đến một không gian của riêng mình. Lúc nào họ cũng thấy mình là người cô đơn, lạc thời.
Có thể nói, bằng việc chú tâm thể hiện những dòng ý thức, cảm xúc riêng của nhân vật, các nhà văn đã để nhân vật được bộc lộ suy nghĩ, với những bí ẩn riêng của tâm hồn. Nhờ vậy, người đọc có thể hiểu được một cách đầy đủ hơn về những hồi ức, những ước muốn mà cả những mất mát trong cuộc sống của các nhân vật.
Qua những dòng ý thức, những cảm xúc ấy càng làm nổi bật rõ nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống, dường như nhân vật tự cảm thấy cái vô nghĩa mà cuộc sống đem lại, sống chỉ là sự tồn tại một cách hờ hững. Nhân vật cảm nhận được tình cảm của con người trong xã hội này là một xã hội thiếu tính liên kết, thiếu sự quan tâm đến nhau. Cái tôi của nhân vật không sao cố gắng để hòa nhập vào cái ta chung của xã hội. Bởi vậy, nhân vật luôn tự cảm thấy mình cô đơn.