Chương 1: ĐỔI MỚI TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ CẢM HỨNG CÔ ĐƠN
1.4. Khái quát về kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn học và văn học Việt Nam
2.1.2. Kiểu nhân vật cô đơn trong tác phẩm văn học
Kiểu (type) là “toàn bộ nói chung những đặc trưng của một kiểu loại, làm phân biệt với các kiểu loại khác” [37, tr.11] “Kiểu là cách gọi để đánh giá một sản phẩm hay một tính chất nào đó, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm và vào cả thẩm mĩ, tiêu chí của người đánh giá. Kiểu thường được tự quy ước nên chỉ mang tính chất tương đối, không có những căn cứ rõ ràng. Kiểu nhân vật cũng vậy, nó là kiểu người có những nét đặc trưng mang tính chuẩn mực được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật” [37, tr.12]. Kiểu nhân vật, kiểu cốt truyện, chịu sự quy định của kiểu sáng tác (phong cách - style) của tác giả. Có nghĩa là kiểu nhân vật phải phù hợp với tính chất cốt truyện, bố cục, kết cấu của tác phẩm do nhà văn sáng tạo nên. Nhân vật được tạo dựng thành công trở thành một kiểu hình, kiểu mẫu hay một dạng hình tượng được nhắc đi nhắc lại, có nghĩa là nhân vật đã gắn bó với tác giả của nó và làm nên tên tuổi của tác giả đó. Kiểu nhân vật là một phần nào đó của kiểu (phong cách) tác giả, dù không hoàn toàn đồng nhất.
Trong tác phẩm văn học, các kiểu dạng nhân vật rất đa dạng. Người ta có thể xét trên nhiều phương diện, ở nhiều khía cạnh, trong nhiều góc độ để phân loại các kiểu dạng nhân vật, chẳng hạn: Kiểu nhân vật anh hùng, kiểu nhân vật tha hóa, kiểu nhân vật sám hối, kiểu nhân vật tranh đấu và nổi loạn, kiểu nhân vật bi kịch, kiểu nhân vật kiếm tìm, kiểu nhân vật cô đơn,… Khảo sát qua các sáng tác của thời kì trước, từ văn học phương Đông sang văn học phương Tây, ta có thể thấy đã xuất hiện nhiều kiểu nhân vật như: Kiểu “nhân vật dưới hầm” trong sáng tác của Dosstoievsi, kiểu “nhân vật nhỏ bé” trong sáng tác của các nhà văn Nga như Gogol, Tsekhov, Puskin,… kiểu nhân vật nông dân bị bần cùng hóa hay kiểu nhân vật trí thức tiểu tư sản trong sáng tác của Nam Cao,…
Với tác phẩm văn học, nhân vật là “phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng”. “Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định” [14, tr.126].
Nhân vật là “công cụ” hữu hiệu và đắc lực nhất để nhà văn chuyển tải những suy nghĩ của mình về con người, về nhân sinh. Nhân vật cô đơn trong văn học là chỉ một loại hình nhân vật mà trong đó nhân vật thể hiện những đặc tính của con người cô đơn. Đó có thể là sự buồn bã, nỗi cô đơn, lạc lõng ngay tự bản thân mình cảm thấy, hay là sự xa lánh với gia đình, bị bỏ rơi giữa thực tại, giữa cộng đồng xã hội muốn hòa nhập mà không thể.
Những nhân vật đã được các nhà văn khái quát hóa trong tác phẩm văn học chính là những con người tiêu biểu của cuộc sống được nhìn nhận và tái hiện thông qua lăng kính của nhà văn. Tính cách của nhân vật thường được khắc họa trong hoàn cảnh tương ứng. Những “con người này” (Heghel) biểu hiện trên trang sách qua điểm nhìn gần như “biết tuốt” của nhà văn. Dù khách quan hay chủ quan thì những kiểu nhân vật được xây dựng phổ biến trong sáng tác của những tác giả ấy chủ yếu dựa trên góc nhìn cá nhân, cảm quan riêng tư của tác giả. Đó là những cảm nhận của người nghệ sĩ về cuộc đời, thường là những bài học chiêm nghiệm mà nhà văn hướng đến người đọc.
Nhưng đôi khi cũng có cả góc nhìn, cảm nhận phiến diện, một chiều, tác động đến độc giả, việc quan trọng là độc giả biết nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách đa diện, sâu sắc, thậm chí là phản ánh lại, cảm hóa nhà văn, không đi theo lối mòn lệch lạc, sai lầm.
“Vai trò của người nghệ sĩ là chiêm nghiệm để “tạo lập một thế giới” mới qua hình tượng nhân vật, còn chức năng của người đọc lại là đưa nhân vật và thế giới trở về cuộc sống, nhận biết ảnh hình của con người trong thế giới đời thường. Vì vậy có thể thấy nhà văn và kiểu nhân vật có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau.
Nhân vật là đứa con tinh thần tâm huyết nhất, gần gũi nhất của nhà văn”.[37, tr.12- 13].
Cùng một đề tài, cùng cảm hứng, cùng một kiểu nhân vật nhưng mỗi nhà văn lại có thế mạnh, tài năng thể hiện và hướng khai thác riêng: Có thể về tâm lý, tính cách,
hành động hay về nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ,… các phương tiện nghệ thuật khác nhằm thể hiện sâu sắc chủ đề tư tưởng của nhà văn.
Qua kiểu nhân vật cô đơn, nhà văn đi sâu khai thác vào bên trong trạng thái tâm lý bản thể của con người. Cô đơn được thể hiện là những nỗi buồn, sự xa lánh, cô độc, muốn trốn tránh thực tại. Và qua khảo sát, tìm hiểu, có thể thấy kiểu nhân vật này đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học trên thế giới, trở thành đề tài của nhiều tác phẩm qua dòng chảy thời gian. Trong văn học phương Tây, có thể thống kê hàng loạt tác phẩm viết về cái cô đơn, thậm chí lấy nhan đề là cái cô đơn và có nhân vật cô đơn như: Trăm năm cô đơn (tiểu thuyết của G. Marquez), Những ngôi sao cô đơn (chồng Hollywood, vợ Hollywood, tiểu thuyết hai tập của J.Collin), Bồ câu cô đơn (tiểu thuyết hai tập của Larry McMurtry), Người đàn bà cô đơn (tiểu thuyết của J.Blume), Cô đơn trên mạng (tiểu thuyết của Janusz Leon Wiśniewsk), Nỗi cô đơn của các số nguyên tố (tiểu thuyết của Paolo Giordano),…
Ở Phương Đông, các nhà văn cũng xây dựng nên những tác phẩm viết về nỗi cô đơn và nhờ nhân vật của mình truyền tải đến độc giả: Có thể kể đến các tác phẩm của các tác giả như: Hồng lâu mộng (tiểu thuyết của Tào Tuyết Cần); Nỗi lòng (tiểu thuyết của Natsume Sôseki); Báu vật của đời, Sống đọa thác đày… (tiểu thuyết của Mạc Ngôn); Rừng Na-uy (tiểu thuyết của Haruki Murakami);…
Trong văn học Việt Nam, vấn đề này cũng được các nhà văn khai thác từ sớm.
Tuy nhiên, đến thời kì đất nước bước vào công cuộc đổi mới thì kiểu nhân vật cô đơn mới có dịp được thể hiện rõ nét và chân thực, có thể kể đến các tác phẩm như: Thời xa vắng (Lê Lựu); Nỗi buồn chiến tranh(Bảo Ninh); Bến không chồng (Dương Hướng);
Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường); Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng); Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Cún,….(Nguyễn Huy Thiệp); Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Cuộc đời dài lắm, Bãi bờ hoang lạnh, Ba lần và một lần,… (Chu Lai); Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật,… ( Tạ Duy Anh); Gia đình bé mọn (Dạ Ngân); Cải ơi,
Cánh đồng bất tận,… (Nguyễn Ngọc Tư); Thiên sứ (Phạm Thị Hoài); Dĩ vãng, Nước mắt đàn ông, Tân cảng, Cú mèo và rượu hoa, Hậu thiên đường,… (Nguyễn Thị Thu Huệ), Cơ hội của chúa (Nguyễn Việt Hà);… Cuộc đời ngoài cửa, Giữa vòng vây trần gian, Bến vô thường, Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam),….
Từ việc sơ lược thống kê các tác phẩm như trên, có thể thấy, con người cô đơn trong văn học đã đi một quãng đường dài từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, với nhiều cách nhận thức và phương thức phản ánh khác nhau, mang theo thông điệp của nhà văn về thế giới và con người.
Như đã nói ở trên, kiểu con người cô đơn trong văn học Việt Nam cũng đã được quan tâm khai thác từ sớm. Trong các tác phẩm thời trung đại kiểu nhân vật này đã ít nhiều được đưa lên trang viết. Vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ phong kiến, văn học trung đại đề cao tính trật tự, với chức năng “văn dĩ tải đạo”,
“thi dĩ ngôn chí” . Nhiều tác giả vì cái tôi quá lớn mà không muốn khuất phục triều đình, kẻ thù đã thể hiện sự bất mãn với hiện thực và lý tưởng sống. Cái cá tính mạnh mẽ của họ đã vượt qua “khung thời đại”. Nỗi lòng của cái tôi cô đơn khi nhận thấy thân phận nhỏ bé, số kiếp hữu hạn của mình trước thiên nhiên. Đó là nỗi cô đơn của một nhân cách vĩ đại nhưng không ai hiểu mình, chấp nhận nén chí lớn từ quan về ở ẩn trong thi ca Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm . Đó là cái cô đơn trong thơ Hồ Xuân Hương khi con người bị lạc lõng giữa những trói buộc lề thói của xã hội phong kiến, rồi đơn độc phản kháng; hay nỗi cô đơn choáng ngợp đến mức đại thi hào Nguyễn Du nghi ngờ không biết có tìm được người đồng cảm với mình ở ba trăm năm sau hay không? Đó còn là nỗi cô đơn, phẫn chí và u uất của các tài tử, phong lưu, “ngông”, ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ , Cao Bá Quát, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,….
Sang đầu thế kỉ XX, con người cô đơn có dịp phát triển mạnh, trở thành mối quan tâm của nhiều nghệ sĩ. Thời kì này, cái cô đơn trong văn học gắn liền với cuộc đấu tranh giữa những giá trị cũ của xã hội phong kiến và những giá trị mới ảnh hưởng
từ văn hóa phương Tây; đó là sự bừng tỉnh ý thức cá nhân, “cái tôi” riêng tư khi con người muốn chống trả, thoát khỏi tư tưởng, lề thói lạc hậu của xã hội phong kiến, hướng đến lối sống tự do nhưng không thể. Tiếp sau đó là nỗi cô đơn trong Thơ Mới thể hiện ở nỗi buồn của cả một thế hệ: Ảo não thê thiết như Huy Cận, bi kịch như Hàn Mạc Tử, u uất như Vũ Hoàng Chương, rợn ngợp như Xuân Diệu,… những nỗi buồn xuất phát từ cảm nhận nhạy bén, tinh tế trước thiên nhiên và nhu cầu được khẳng định cái tôi của người nghệ sĩ. Ở trào lưu chủ nghĩa hiện thực, con người cô đơn đi vào văn học trong sự đối lập giữa thân phận người nông dân nhỏ bé không đủ sức chống lại những thế lực tàn ác, xấu xa nên bị xã hội vùi dập, làm biến chất, tha hóa; hoặc những người trí thức tiểu tư sản không thực hiện được ước mơ, lý tưởng, phải chấp nhận cuộc sống “mòn” tầm thường và chỉ dám nuôi hoài bão trong trí tưởng tượng. Tiêu biểu trong những sáng tác của Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân,…
Do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử những năm 1945 -1975, con người trong văn học giai đoạn này được miêu tả từ góc độ cộng đồng, do đó viết về cảm hứng cô đơn, nhân vật cô đơn là một trong những đề tài bị né tránh, kiêng kị trong văn học nghệ thuật. Sau khi hòa bình, đất nước đi vào quĩ đạo đổi mới, ý thức cá nhân xuất hiện trở lại, văn học được giải phóng khỏi chức năng tuyên truyền, cổ vũ, khích lệ, động viên để mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực trong tính đa chiều, phức tạp, trong đó mở rộng hướng khai thác, khám phá cuộc sống của con người là vấn đề được quan tâm hơn cả để văn học được trở về là chính nó “Văn học là nhân học”. Với những thay đổi cơ bản trong cảm hứng sáng tác và quan niệm nghệ thuật về con người theo hướng khám phá đời tư và chú trọng đời sống nội tâm, chuyển từ con người anh hùng sang con người đời thường, từ cái chung sang cái riêng, các nhà văn đã xây dựng những hình tượng con người cá nhân và để con người thường xuyên đối diện, trăn trở với chính mình. Tiếp nối chủ đề cô đơn, văn học đương đại phản ánh nỗi cô đơn, lạc lõng của con người trong xã hội, ngay giữa quê hương, làng xóm, cộng đồng, giữa những người thân yêu. Và hơn thế, con người cô đơn trong văn học đương đại còn gắn liền với thái
độ trốn chạy thực tế và khước từ xã hội, phân vân không biết có nên đến với cuộc đời hay không,… Những điều này đã được các nhà văn đưa vào trang viết một cách cụ thể, chân thực và sinh động. Người đọc có thể bắt gặp trong sáng tác của Nguyễn Khải với kiểu nhât vật "lạc thời"; Trong sáng tác của Chu Lai, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Lê Lựu, Bảo Ninh,… là kiểu nhân vật bị chấn thương tinh thần bởi di chứng chiến tranh để lại khiến cho họ đánh mất mối liên hệ với thực tại, đi sau thực tại.
Ở Tạ Duy Anh còn có những trang viết ám ảnh về hành trình cô độc của con người trong cuộc xô dạt dữ dằn đầy khắc nghiệt của thời cuộc; Ở Nguyễn Huy Thiệp, là nhân vật cô đơn, lạc loài giữa cuộc sống gia đình, cộng đồng có nhiều biến động.
Nguyễn Danh Lam là những con người cô đơn điển hình của xã hội hiện đại,….
Như vậy, có thể nói con người cô đơn là một kiểu nhân vật phổ biến trong văn học, nhưng ở mỗi thời kỳ, giai đoạn và trong mỗi tác phẩm con người cô đơn lại có những sắc thái khác nhau, tùy vào chủ ý của người sáng tác.