1.2.1. Sự cần thiết phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP
Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP có thể được coi là một phương thức chăn nuôi khoa học, tiên tiến góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước đưa ngành chăn nuôi nước ta tiếp cận với các thông lệ của khu vực và quốc tế (Ngô Thị Thuận và cs., 2010). Trong xu thế hội nhập hiện nay, để ổn định mức giá nông sản cũng như ổn định thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, thì nông sản phải đạt chất lượng và bảo đảm ATVSTP. Chăn nuôi theo quy trình VietGAHP là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm sản xuất ra đứng vững được trên thị trường, là việc làm cần thiết nhằm nâng cấp và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành chăn nuôi lợn nước ta và mang lại lợi ích to lớn trên nhiều khía cạnh:
1.2.1.1. Tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong quá trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Việt Nam, việc áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt là tất yếu để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước, đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu và đáp ứng qui định VSATTP của Nhà nước (Nguyễn Tiến Vũ, 2011).
Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP là việc áp dụng các tiêu chuẩn về tổ chức, kỹ thuật từ khâu lựa chọn vị trí, thiết kế chuồng trại; quản lý, sử dụng con giống, thức ăn, nguồn nước; công tác phòng trừ dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y; các biện pháp xử lý chất thải và bảo vệ môi trường...vào chăn nuôi lợn. Trong suốt chu kỳ sản xuất, tất cả các công đoạn từ lúc bắt đầu chăn nuôi cho tới khi tiêu thụ sản phẩm bắt buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn đã được xây dựng. Các tiêu chuẩn của quy trình VietGAHP có thể được coi là hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Để được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, cơ sở chăn nuôi lợn phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá và chỉ khi nào đạt được các yêu cầu quy định mới được công nhận. Điều đó khẳng định chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP sẽ tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
1.2.1.2. Nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người chăn nuôi
Sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAHP đều đạt chất lượng cao, giảm thiểu dịch bệnh, bảo đảm VSATTP nên dễ tiêu thụ với mức giá ổn định. Sản xuất theo quy trình VietGAHP đảm bảo chứng minh với khách hàng biết sản phẩm sạch của cơ sở kinh doanh được sản xuất theo phương pháp thực hành nông nghiệp tốt (Nguyễn Tiến Vũ, 2011). Mặt khác do áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nên lợn đạt năng suất cao, giá thành hạ và thường được tiêu thụ với giá cao cho nên mang lại hiệu quả kinh tế cho các cơ sở chăn nuôi.
Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP còn giúp nông dân các địa phương nâng cao nhận thức của vấn đề chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì, phát triển sản xuất; thúc đẩy sự kết nối giữa người chăn nuôi với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Quy trình VietGAHP luôn được cải tiến liên tục giúp các nhà sản xuất phản ứng kịp thời hơn với các vấn đề trong sản xuất liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm VietGAHP làm gia tăng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của đơn vị sản xuất thông qua việc từng bước xây dựng thương hiệu cho cơ sở chăn nuôi. Khi đưa sản phẩm tốt ra thị trường được nhiều người tiêu dùng chấp nhận sẽ nâng cao uy tín thương hiệu và mang lại nhiều lợi nhuận hơn, do đó lại càng khuyến khích họ hăng hái đầu tư vào công nghệ và cải tiến phương thức làm việc, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ chung của nền sản xuất (Lưu Trí Tài, 2014).
1.2.1.3. Bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng
- Đối với nông dân và các chủ trang trại: Là những người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng. Quy trình VietGAHP quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng lao động trong các cơ sở chăn nuôi như người lao động phải có đầy đủ hồ sơ, trong độ tuổi lao động, có đầy đủ bảo hộ lao động, định kỳ kiểm tra sức khỏe và được trang bị kiến thức về sơ cấp cứu, mang vác nặng... Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP không những góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động mà còn giúp họ nâng cao hiểu biết chuyên môn, kỹ thuật và trình độ sản xuất (Bộ NN&PTNT, 2008).
- Đối với người tiêu dùng
Vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu phát triển đất nước hiện nay cũng như xu thế hội nhập toàn cầu. Bởi vậy, ngành nông nghiệp cần phải nhân rộng các mô hình VietGAHP góp phần tạo ra sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp ngon, bổ dưỡng, sạch sẽ và an toàn và đó cũng là mục tiêu chính và là lợi ích lớn nhất mà VietGAHP mang lại. Với việc đề ra các nguy cơ và quy định thực hiện, VietGAHP đã khơi dậy và khuyến khích quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng, từ đó góp phần tạo lên một thế hệ những người tiêu dùng thông minh, đây cũng là động lực chính thúc đẩy nông dân và các nhà cung ứng phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp tốt cho xã hội (Lưu Trí Tài, 2014).
Từ những dẫn chứng nêu trên cho thấy việc quan tâm và thực hiện thực hành nông nghiệp tốt sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và việc nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình VietGAHP trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
1.2.1.4. Bảo vệ môi trường sinh thái
Ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi lợn gây ra là một vần đề hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Quy mô chăn nuôi càng lớn và mức độ tập trung càng cao thì vấn đề ô nhiễm môi trường càng cần phải được quan tâm đặc biệt.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là chuỗi kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt, bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và các yếu tố liên quan như: môi trường, chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động (Quốc Hà, 2012).
Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP đòi hỏi người chăn nuôi phải có các biện pháp cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người cũng như toàn xã hội. Chẳng hạn quy định về vị trí chuồng trại phải cách xa khu dân cư, có khu xử lý chất thải, sử dụng hầm Bioga, công tác phòng trừ dịch bệnh, khi lợn bị chết về bệnh cần phải tiêu hủy và không được vứt ra đường, có phương tiện vận chuyển lợn chuyên biệt...Thực hiện đúng các quy định trong quy trình chăn nuôi tốt sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững (Bộ NN&PTNT, 2008).
1.2.2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của chăn nuôi lợn và chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP
1.2.2.1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật chung của chăn nuôi lợn
Chăn nuôi lợn là ngành cung cấp thịt chủ yếu không chỉ ở nước ta và cả ở nhiều nước trên thế giới. Một đặc điểm quan trọng mang tính ưu việc của chăn nuôi
lợn là thời gian chăn thả ngắn, sức tăng trưởng nhanh và chu kỳ tái sản xuất ngắn.
Một lợn nái có thể đẻ được khoảng 2,5 đến dưới 3 lứa trên một năm, mỗi lứa 8-12 con và có thể tạo ra một khối lượng thịt hơi tăng trọng từ 800-1000 kg đối với giống lợn nội và tới 2000 kg đối với lợn lai ngoại. Mức sản xuất và tăng trưởng cao 5-7 lần so với chăn nuôi bò trong cùng điều kiện nuôi dưỡng. Hơn nữa tỷ trọng thịt sau giết mổ so với trọng lượng thịt hơi tương đối cao, có thể đạt tới 70-72%, trong lúc đó thịt bò chỉ đạt từ 40-45% (Cục Chăn nuôi, 2007).
Bên cạnh đó, lợn là loại vật nuôi tiêu tốn ít thức ăn so với tỷ lệ thể trọng và thức ăn có thể tận dụng từ nhiều nguồn phế phụ phẩm trồng trọt, công nghiệp thực phẩm và các phụ phẩm sinh hoạt. Vì vậy trong điều kiện nguồn thức ăn có ít, không ổn định vẫn có thể phát triển chăn nuôi lợn phân tán theo qui mô từng hộ gia đình.
Đầu tư cơ bản ban đầu cho chăn nuôi lợn ít, chi phí nuôi dưỡng trải đều suốt quá trình sản xuất, chu kỳ sản xuất ngắn nên chăn nuôi lợn có thể đầu tư phát triển ở mọi điều kiện gia đình nông dân.
Chăn nuôi lợn không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho tiêu dùng trong nước, mà sản phẩm thịt lợn còn là nguồn thực phẩm xuất khẩu có giá trị.
Nhờ đặc tính sinh sản nhiều lứa trong một năm nên hiện nay chăn nuôi lợn nái sinh sản để xuất khẩu lợn sữa đang là mặt hàng có giá trị được thị trường các nước trong khu vực ưa chuộng (Bộ NN&PTNT, 2008). Đối với nhiều vùng nông thôn và nhất là trong xu thế phát triển nền nông nghiệp hữu cơ sinh thái, chăn nuôi lợn còn góp phần tạo ra nguồn phân bón hữu cơ quan trọng cho phát triển ngành trồng trọt, góp phần cải tạo đất, cải tạo môi trường sinh sống của các vi sinh vật đất.
Ngoài ra, lợn là động vật chịu ảnh hưởng rất nhiều của chế độ chăm sóc và điều kiện ngoại cảnh (Nguyễn Xuân Bình và cs., 2006), do đó để tồn tại nó luôn cần đến một lượng tiêu tốn thức ăn tối thiểu cần thiết thường xuyên, không kể các đối tượng này có nằm trong quá trình sản xuất hay không. Từ đặc điểm này, đặt ra cho người chăn nuôi một số vấn đề sau:
Một là, bên cạnh việc đầu tư cơ bản cho đàn lợn phải đồng thời tính toán phần đầu tư thường xuyên về thức ăn để duy trì và phát triển. Nếu cơ cấu đầu tư
giữa hai phần trên không cân đối thì tất yếu sẽ dẫn đến dư thừa, lãng phí hoặc sẽ làm chậm sự phát triển, thậm chí phá hủy cả đàn.
Hai là, phải đánh giá chu kỳ sản xuất để đầu tư một cách hợp lý trên cơ sở tính toán cân đối giữa chi phí sản xuất và sản phẩm tạo ra, giữa chi phí đầu tư cơ bản và giá trị đào thải để lựa chọn thời điểm đào thải, lựa chọn phương thức đầu tư mới hay duy trì tái tạo, phục hồi.
Ba là, do có hệ thần kinh nên lợn rất nhạy cảm với môi trường sống, do đó đòi hỏi phải có sự quan tâm chăm sóc và có các biện pháp kinh tế, kỹ thuật hợp lý để phòng trừ dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện ngoại cảnh thích hợp cho lợn phát triển.
1.2.2.2. Đặc điểm chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP
Ngoài đặc điểm chung nói trên, chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP còn có những đặc điểm riêng như sau:
- Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP có liên quan chặt chẽ đến công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai. Theo quy trình VietGAHP chuồng trại chăn nuôi lợn phải nằm ở vị trí cách xa khu vực dân cư và phải có diện tích đủ lớn để thiết kế các khu vực chăn nuôi, kho chứa thức ăn, thuốc thú y, nhà ở, hệ thống xử lý và chứa các chất thải... biệt lập với nhau. Như vậy, với phương thức chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, nằm phân tán, xen kẽ trong các khu vực dân cư sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện quy trình này.
Công tác quy hoạch đất đai có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua quy hoạch sẽ tạo ra quỹ đất cần thiết để hình thành và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung hiện đại; các khu chăn nuôi tập trung xa khu vực dân cư, các trạng trại chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn; đồng thời có điều kiện để đầu tư xây dựng một cách đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là điều kiện tiên quyết để phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP (Chu Thị Kim Loan và cs., 2010).
- Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP cần có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và các trang thiết bị kỹ thuật do phải thực hiện đúng theo quy định về địa điểm, thiết kế chuồng trại, con giống và quản lý con giống, vệ sinh chăn nuôi, quản lý
thức ăn, nước uống, xử lý chất thải, phòng trị dịch bệnh, ghi chép sổ tay, lưu trữ hồ sơ và những điều kiện bắt buộc khác (Lê Huy Hải, 2014).
- Lao động làm việc trong cơ sở chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP có chất lượng và ý thức trách nhiệm cao. Áp dụng các tiêu chuẩn VietGAHP vào trong chăn nuôi lợn là một vấn đề tương đối phức tạp đòi hỏi người quản lý cũng như người lao động trực tiếp phải được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thị trường, công tác quản lý đàn lợn, hạch toán chi phí sản xuất, ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ chăn nuôi. Đây là những công việc đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thường xuyên mà nếu người lao động không có được những kiến thức nhất định hoặc tinh thần làm việc không tốt sẽ làm cho việc áp dụng quy trình đi đến thất bại (Bộ NN&PTNT, 2008).
- Sự liên kết, hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng góp phần tạo nên thành công trong chăn nuôi lợi theo quy trình VietGAHP. Chăn nuôi lợn nói chung và chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP thì sự liên kết, hợp tác là một xu hướng tất yếu giúp cho các chủ chăn nuôi, các nông hộ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong mua bán thức ăn, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm... để nâng cao kết quả và hiệu quả sản xuất (Phạm Thị Tân và Phạm Văn Hùng, 2013 ). Thông qua liên kết, hợp tác có thể hình thành các nhóm/tổ chăn nuôi GAHP để trao đổi, tham quan học tập kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau thực hiện tốt quy trình chăn nuôi lợn theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (Bộ NN&PTNT, 2011).
- Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm (Bộ NN&PTNT, 2008). Các tiêu chí trong quy trình VietGAHP có thể được coi là hệ thống các tiêu chuẩn dùng để hướng dẫn, đánh giá và kiểm định chất lượng trong tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn và đây chính là con đường tất yếu để đưa ngành chăn nuôi nước ta phát triển bền vững, từng bước chủ động trong hội nhập quốc tế.
1.2.3. Nội dung nghiên cứu phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP 1.2.3.1. Chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP
Các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, đầu tư, khuyến nông, liên kết, thị trường… của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương có tác động trực tiếp và sâu sắc đến ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng trong đó có sự phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP. Việc ban hành chủ trương, chính sách kịp thời, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các đơn vị chăn nuôi phát triển. Chủ trương, chính sách đúng sẽ tạo sự tin tưởng cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư tiền vốn, công sức và trí tuệ để phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.
- Chính sách đất đai phù hợp, ổn định sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi, mặt khác tạo điều kiện để họ chuyển khu chăn nuôi ra xa khu dân cư nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn về địa điểm, chuồng trại, kho chứa... theo quy trình VietGAHP. Khuyến khích nông dân tiến hành trao đổi đất đai thông qua dồn điền, đổi thửa, chuyển nhượng nhằm tích tụ tập trung ruộng đất để có điều kiện hình thành và phát triển trang trại, các khu chăn nuôi tập trung (Nguyễn Mậu Dũng và cs., 2011).
- Chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người chăn nuôi cũng góp phần quan trọng trợ giúp, hỗ trợ các đơn vị chăn nuôi khi gặp khó khăn, bất ổn trong việc tiếp cận về kỹ thuật, bổ sung nguồn lực về vốn để ổn định sản xuất. Việc đưa ra và thực hiện các chính sách như khuyến nông, liên kết, tín dụng ưu đãi là hết sức cần thiết… Do đó, việc ban hành cũng như thực hiện tốt các chủ trương chính sách đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các cá nhân và tổ chức kinh tế, tạo nền tảng để phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP. Bên cạnh đó, chính sách còn có tác động thúc đẩy nâng cao hiệu quả chăn nuôi, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm và điều tiết thị trường thịt lợn (Thủ tướng Chính phủ, 2012).
1.2.3.2. Quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP
Quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP phải phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi; quy hoạch cần tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện phát triển chăn