CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI LỢN
4.1. Căn cứ đề xuất giải pháp
Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP tại thành phố Hà Nội dựa trên những căn cứ cơ bản sau:
- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển chăn nuôi nói chung và phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP;
- Quan điểm và mục tiêu phát triển chăn nuôi lợn của thành phố Hà Nội;
- Thực trạng phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP tại thành phố Hà Nội trong những năm qua; phân tích đánh giá những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) của việc thực hiện quy trình này.
4.1.1. Chủ trương, chính sách của Nhà nước
Phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng luôn được Đảng và nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đã có nhiều chủ trương, chính sách được cụ thể hóa thông qua việc ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, trong đó Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nội dung Chiến lược cùng với các văn bản của Bộ NN&PTNT đã thể hiện rõ một số quan điểm, mục tiêu chủ yếu như:
- Phát triển sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2010 đạt khoảng 32%, năm 2015 đạt 38% và đạt trên 42% vào năm 2020;
- Tổng đàn lợn tăng bình quân 2,0% năm, đến năm 2015 đạt khoảng 33 triệu
con, đến năm 2020 đạt khoảng 35 triệu con trong đó đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp 37%;
- Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2015 đạt khoảng 3921 nghìn tấn, đến năm 2020 đạt khoản 4841 nghìn tấn; Tổng sản lượng thịt xẻ đến năm 2015 đạt khoảng 2794 ngàn tấn, đến năm 2020 đạt khoảng 3493 ngàn tấn.
4.1.2. Quan điểm, mục tiêu phát triển chăn nuôi lợn của thành phố Hà Nội 4.1.2.1. Quan điểm phát triển chăn nuôi lợn của thành phố Hà Nội
Phát triển chăn nuôi tập trung vào phát triển đàn lợn chất lượng cao, theo chủ lực của ngành chăn nuôi, đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành. Làm thay đổi nhanh cơ cấu kinh tế của ngành chăn nuôi và cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa cung cấp giống cho thành phố và cho các tỉnh khác (UBND thành phố Hà Nội, 2012).
Phát triển chăn nuôi tại những vùng có đủ điều kiện về quỹ đất đai và điều kiện xử lý môi trường; phát triển chăn nuôi theo hướng xa khu dân cư, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh và xử lý môi trường; đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.
Áp dụng quy trình quản lý chăn nuôi tiên tiến và công nghệ hiện đại trong các trang trại, lò giết mổ, coi chế biến là giải pháp tốt để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi; tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chú trọng công tác khuyến nông nâng cao trình độ cho người chăn nuôi.
Khuyến khích các ngành kinh tế trong nuớc như công nghiệp cơ khí, công nghệ sinh học, công nghệ hóa chất, công nghệ tin học ... đầu tư nghiên cứu tăng tỷ lệ nội địa hóa các trang thiết bị và nguyên liệu phục vụ cho ngành chăn nuôi như các loại máy móc nguyên vật liệu sản xuất thức ăn, thuốc thú y...
4.1.2.2. Mục tiêu chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn của thành phố Hà Nội
Giảm dần tổng đàn chăn nuôi thương phẩm, tăng sản lượng thịt xuất chuồng, tăng nhanh các cơ sở sản xuất chăn nuôi về sản xuất giống, dần đưa Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao về giống con nuôi cung cấp cho các tỉnh trong vùng nhằm thu lại giá trị thặng dư cao trong quá trình sản xuất giống.
Tổng đàn khoảng 1,4 - 1,5 triệu con, trong đó đàn lợn nái đạt khoảng 340 nghìn con và ổn định đến năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng gần 330 nghìn tấn năm 2015 và trên 340 nghìn tấn vào năm 2020.
Giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư hiện nay từ 70% xuống còn 40% năm 2015 và tiếp tục giảm vào năm 2020. Phát triển chăn nuôi vùng tập trung xa khu dân cư tại các huyện có điều kiện về đất đai như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đông Anh, Quốc Oai, Mê Linh và thị xã Sơn Tây (UBND thành phố Hà Nội, 2012).
4.1.3. Điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức * Điểm mạnh
Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cả về điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ cho phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP.
Qua nhiều năm chăn nuôi, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và là tiền đề quan trọng để phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP.
Là thị trường rộng lớn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung đặc biệt là sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện tốt cho thành phố Hà Nội phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP.
* Điểm yếu
Phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP đòi hỏi lượng vốn lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị sản xuất phù hợp, đầu tư con giống, thức ăn đảm bảo chất lượng...Thực tế các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu có điều kiện kinh tế ở mức trung bình hoặc khá nên đây là vấn đề thực sự khó
Đất đai phục vụ chăn nuôi lợn còn nhiều manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư do đó nếu có dịch bệnh, rủi ro xảy ra hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn theo quy trình VietGAHP.
Trình độ hiểu biết của người chăn nuôi về khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và thực hành chăn nuôi tốt (GAHP). Vì vậy cần phải tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức về chăn nuôi lợn nói chung và chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP nói riêng cho nguời lao động trong các cơ sở chăn nuôi.
Khả năng tìm kiếm và thích ứng với thị trường của phần lớn các cơ sở chăn nuôi lợn còn nhiều bị động, lúng túng. Công tác tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào người thu gom do đó thường bị ép giá và chịu nhiều thua thiệt.
* Cơ hội
Có sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi xa khu dân cư; cụ thể: Nhà nước khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung; miễn thuế sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho nông dân. Thông qua trung tâm khuyến nông giúp đỡ người chăn nuôi nâng cao kiến thức sản xuất, tiếp cận khoa học công nghệ.
Nhu cầu sản phẩm từ chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAHP của người tiêu dùng ngày càng cao, không chỉ nhu cầu ở trong nước mà cả nhu cầu trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển, những nước công nghiệp không có lợi thế về sản xuất nông nghiệp như ở Việt Nam.
* Thách thức
Việc xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp và quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng dẫn tới đất dành cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp; đất đai đang trong quá trình quy hoạch lại, không ổn định sản xuất.
Lực lượng lao động cũng bị phân tán sang các ngành nghề khác, nhất là những lao động trẻ, là những lao động có sức khỏe, sáng tạo và có nhận thức tốt.
Yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao và nghiêm ngặt, cho nên với điều kiện sản xuất và nhận thức như các hộ hiện nay khó có thể đáp ứng kịp những yêu cầu đặt ra.
Bảng 4.1. Phân tích ma trận SWOT phát triển chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP tại thành phố Hà Nội
Điểm mạnh (S):
1.Có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn
2. Có đất đai, lao động 3. Là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ
Điểm yếu (W):
1.Vốn, đất đai manh mún 2. Tâm lý an phận, thói quen 3. Khả năng tìm kiếm thị trường
Cơ hội (O):
1.Quy trình VietGAHP đã được ban hành
2. Cơ chế chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển chăn nuôi
3. Sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan
4. Nhu cầu của người dân về thịt lợn an toàn vệ sinh thực phẩm cao.
S-O:
1. Thúc đẩy chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAHP, sản xuất sản phẩm đạt chất lượng để được cấp giấy chứng nhận
2. Tăng cường áp dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT phát triển chăn nuôi lợn
W - O:
1.Vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP
2.Tích cực tham gia các lớp tập huấn
3. Tăng cường quảng cáo sản phẩm
Thách thức (T):
1. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng nghiêm ngặt
2. Quản lý chất lượng đầu vào 3. Nhận thức của người tiêu dùng chưa có sự phân biệt sản phẩm.
4. Cạnh tranh từ thịt lợn chăn nuôi theo phương thức truyền thống.
S- T:
1. Kiếm tra chéo nội bộ về chất lượng sản phẩm, yếu tố đầu vào
2. Nâng cao nhận thức người tiêu dùng; Ổn định thị trường tiêu thụ và giá cả, không bị ảnh hưởng bởi thị trường thịt lợn thường 3. Hình thành thị trường thịt lợn VietGAHP.
W -T:
1. Tập huấn, nâng cao năng lực cho nông dân sản xuất
2. Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP 3. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi với các công ty cung cấp con giống, thức ăn.