6. Cấu trúc của luận văn
1.2. Sáng tác của A.P Sekhov với văn học Nga và Việt Nam
1.2.2. Sáng tác của Sekhov ở Việt Nam
Những năm đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc do cú hích của dịch thuật. Văn học Việt Nam đã xuất hiện những tác phẩm phóng tác, tiểu thuyết ra đời, những năm 30 trào lưu Thơ mới mang đậm dấu ấn phương Tây đua nhau khoe sắc. Hầu hết các tác phẩm nước ngoài đến được với
công chúng Việt Nam qua bản dịch từ tiếng Pháp. Văn học Nga vào Việt Nam lúc đầu cũng qua con đường đó, khoảng những năm 20 của thế kỉ XX. So với nhiều nhà văn cổ điển Nga thì sáng tác của Sekhov đến với bạn đọc Việt Nam khá sớm.
Tác giả Trần Thị Quỳnh Nga cho biết: vào những năm 40 thế kỉ XX một số truyện Sêkhôp đã được dịch sang tiếng Việt: Nỗi lòng ai tỏ, Tuổi già. Theo nhà văn Nguyễn Tuân thì ngay từ lúc mới xây dựng chính quyền Cách mạng, năm 1946, ở Việt Nam đã xuất hiện bản dịch Cái chết của một viên chức. Sau đó, một số tác phẩm của Sêkhôp đã đến tay độc giả Việt Nam, lúc đầu qua những bản dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh, sau là các bản dịch từ tiếng Nga.
Một trong những tên tuổi hàng đầu của văn học Việt Nam – nhà văn Nguyễn Tuân rất yêu mến Sêkhôp bởi “cái phần cốt cách” trong con người nhà văn đến từ nước Nga xa xôi này. Nguyễn Tuân là người có công lớn trong việc đưa tác phẩm của Sêkhôp đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam. Tập Truyện ngắn Sêkhôp (Hội Nhà văn ấn hành năm 1957) do Nguyễn Tuân tuyển chọn và viết bài giới thiệu dài, phân tích ý nghĩa các sáng tác của Sêkhôp. Mặc dù tập truyện “chưa giới thiệu được hết cả nhân loại của Sêkhôp” nhưng “cũng bước đầu đưa dần người đọc đặt mình vào thế giới của nhà văn”[76].
Trong cuốn sách này, Nguyễn Tuân giới thiệu 20 truyện ngắn của Sêkhôp được sắp xếp theo trình tự thời gian. Truyện ngắn Người vợ chưa cưới xếp sau cùng, một phần là do được sáng tác muộn nhất, nhưng đồng thời việc sắp xếp thể hiện dụng ý của tác giả: “truyện Người vợ chưa cưới có đủ ý nghĩa nội dung để gói ghém lại tất cả những cảnh sống đã được đưa ra trong các truyện xếp ở trên”[76].
Với dụng ý đó, người đọc như cùng các nhân vật trải nghiệm cả một quá trình sống khổ nhục chán mỏi, và cùng với họ đi đến nhận thức không thể tiếp tục sống như thế nữa, cần phải rời bỏ, cần phải thoát ra khỏi cuộc sống đó, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng đáng với con người hơn.
Từ năm 1959, ở miền Nam, truyện của Sêkhôp đã được dịch và đăng trên một vài tạp chí. Độc giả tìm đến ông như tìm đến một vẻ đẹp nghệ thuật mới mẻ, đầy sức hấp dẫn. Năm 1973, tập truyện ngắn Sêkhôp đầu tiên ở miền Nam đã được
xuất bản, dịch giả Đỗ Khánh Hoan tuyển dịch và giới thiệu. Tất cả các bản dịch đều được thực hiện từ tiếng Anh, tiếng Pháp. Năm 1978 – 1979, Nhà xuất bản Văn học giới thiệu tuyển tập Truyện ngắn Chekhov (2 tập) do Phan Hồng Giang, Cao Xuân Hạo dịch. Lần đầu tiên tác phẩm của Sêkhôp được dịch từ nguyên bản tiếng Nga.
Năm 1986, Nhà xuất bản Đồng Nai cho ra mắt tập Cô dâu do Mai Thúc Luân dịch, giới thiệu. Năm 1999, Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản Tuyển tập tác phẩm Anton Chekhov gồm 3 tập.
Đến nay, tuy số lượng các tác phẩm của Sêkhôp được dịch sang tiếng Việt chưa nhiều, nhưng cũng phần nào đáp ứng được sự mong mỏi của độc giả Việt Nam, trong số đó có những kiệt tác như: Thảo nguyên, Dọc đường, Người đàn bà phù phiếm, Phòng số 6, Nhà tu hành vận đồ đen, Câu chuyện tẻ nhạt, Cây đàn vĩ cầm dành cho Rôtsin, Người đàn bà có con chó nhỏ, Ngôi nhà có căn gác nhỏ, Trong khe núi, Người vợ chưa cưới,... Mặc dù vậy, để đến gần hơn với thế giới nghệ thuật của một nhà văn vĩ đại như Sêkhôp thì việc giới thiệu nhiều hơn nữa các tác phẩm của ông với độc giả Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt là những tác phẩm thể hiện rõ tư tưởng, lập trường của nhà văn về các vấn đề lớn mang tính xã hội đồng thời thể hiện những đặc trưng thi pháp nghệ thuật của ông.
Khi các sáng tác của Sekhov được giới thiệu vào Việt Nam, ngoài việc độc giả đón nhận nhiệt tình các tác phẩm của ông thì giới nghiên cứu phê bình cũng rất quan tâm tới Sekhov. Cùng với sự xuất hiện của tập truyện ngắn đầu tiên của Sêkhôp ở Việt Nam, năm 1957, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết bài nghiên cứu đầu tiên về những sáng tác của ông. Có thể nói, ngay từ năm đó, với tâm huyết, sự trân trọng và khâm phục đối với tài năng của nhà văn hiện thực Nga vĩ đại, với khả năng phân tích, cảm thụ văn học sâu sắc, Nguyễn Tuân đã phát biểu những nhận xét rất tinh tế về thế giới nghệ thuật của Sêkhôp.
Trong bài viết của mình, Nguyễn Tuân chỉ ra một số đặc điểm của phong cách nghệ thuật Sêkhôp mà đến nay chúng ta vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Tác giả nhận xét về phong cách kể chuyện của Sêkhôp - phong cách khách quan, không chen vào giải quyết vấn đề mà trông cậy, tin tưởng vào tính tích cực của độc giả;
nhận xét về thế giới nhân vật, “nhân loại nhân vật” và nghệ thuật xây dựng nhân vật của ông. Sự đồng điệu về tâm hồn giúp Nguyễn Tuân cảm nhận sâu sắc sắc thái tiếng cười của Sêkhôp. Đó là tiếng cười không thành tiếng, tiếng cười trào lộng, mỉa đời nhưng đồng thời chan chứa tình yêu thương con người, cuộc đời. Và cuối cùng cụ Nguyễn Tuân đã tìm đến cõi sâu thẳm của nhà văn thiên tài, đó chính là “cái vốn nhân đạo”, là “một tấm lòng” mà ông để lại cho độc giả hôm nay và mai sau.
Với tư cách là đại biểu cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga, đặc biệt là với tư cách một nhà cách tân vĩ đại trong thể loại truyện ngắn và kịch, Sekhov được đưa vào chương trình đại học và phổ thông từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước.
Sekhov được nghiên cứu khá nhiều trong các cuốn giáo trình. Tiêu biểu như Lịch sử văn học Nga (1962) (Hoàng Xuân Nghị chủ biên), Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX (1966) (Nguyễn Hải Hà chủ biên), Lịch sử văn học Nga (tái bản lần thứ 3 năm 2001) (Nguyễn Hải Hà chủ biên). Những cuốn sách này giới thiệu khá kĩ cuộc đời, sự nghiệp và phong cách sáng tác của “bậc thầy vĩ đại, bất hủ” trong thể loại truyện ngắn và kịch.
Đỗ Xuân Hà khẳng định Sêkhôp “bước vào lịch sử văn học như một nhà cách tân thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn và kịch nói”[20, tr.325]. Tác giả chỉ ra một cách hệ thống những đặc điểm nghệ thuật của truyện Sêkhôp: sự đơn giản về kết cấu, ngắn gọn trau chuốt về ngôn ngữ; cách lựa chọn tài liệu sống tiêu biểu có khả năng khái quát lớn; nhân vật tự biểu lộ mình, biểu lộ cá tính, đặc điểm, bản chất qua hành động, tư tưởng và ngôn ngữ; khả năng sử dụng những chi tiết nghệ thuật mang tính ẩn dụ; vai trò của đối thoại, của thiên nhiên trong việc thể hiện tâm lý con người; miêu tả cuộc sống chân thực, khách quan, giọng văn chậm rãi, bình thản.
Còn Đỗ Hồng Chung nhấn mạnh tới sự tồn tại “hai bình diện”, hay “dòng chảy ngầm”, “cái sau văn bản”, “ý tại ngôn ngoại” trong sáng tác của nhà văn: “Hai bình diện này (bình diện đời sống sinh hoạt bên ngoài và bình diện đời sống tư tưởng, tình cảm bên trong) đan kết, hoà quyện vào nhau. Từ bình diện thứ nhất phát hiện bình diện thứ hai, khi đó cuộc đời tẻ nhạt, vô vị được soi sáng sẽ hiện ra những màu sắc mới, ý nghĩa mới”[20, tr.454].
Trong số những người yêu quý và say mê Sêkhôp ở Việt Nam không thể không kể tới Phan Hồng Giang. Ông là một trong những người có nhiều cố gắng đưa những tác phẩm xuất sắc nhất của Sêkhôp đến với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch từ tiếng Nga. Năm 1994, ông đã tuyển chọn, dịch và giới thiệu Sêkhôp tuyển tập truyện ngắn. Trong bài giới thiệu tập truyện, Phan Hồng Giang khẳng định quan điểm của Sêkhôp về mối liên hệ chặt chẽ, sự ảnh hưởng qua lại giữa đời sống hiện thực với sáng tác văn học và nhận xét về kĩ thuật viết của nhà văn bậc thầy được thể hiện qua sự giản dị trong sáng, ngắn gọn, tính hàm súc, nguyên tắc kể chuyện khách quan.
Năm 2001, tác giả Phan Hồng Giang viết cuốn A. P. Tchekhov (truyện danh nhân), giới thiệu với bạn đọc cuộc đời của nhà văn Nga vĩ đại. Cuốn sách thể hiện tình yêu, sự trân trọng và niềm say mê của tác giả đối với nhà văn thiên tài. Phan Hồng Giang dường như không bỏ qua một năm tháng nào trong cuộc đời ngắn ngủi của Sêkhôp. Bằng cách viết giản dị, nhẹ nhàng, cuộc đời một con người vốn xuất thân từ tầng lớp nông nô luôn tìm mọi cách “chắt lọc loại bỏ ra khỏi cơ thể mình từng giọt nô lệ”[15] để trở thành một nhà văn hiện thực vĩ đại với tình yêu tha thiết con người, cuộc đời, với khát vọng cả một đời về sự thật, về một thế giới đẹp đẽ, công bằng, cao thượng, xứng đáng với con người đã gây niềm xúc động cho độc giả. Tác giả khẳng định chính khát vọng ấy của Sêkhôp đã “biến những dòng chữ của ông trở thành bất tử”[15].
Đến năm 2004, khi nhiều nơi trên thế giới kỉ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn vĩ đại A. Sêkhôp, tại Việt Nam, một số hội thảo khoa học đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học và những người mến mộ ông. Xuất hiện những bài nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời và sáng tác của nhà văn của Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Trường Lịch, Vương Trí Nhàn, Phạm Vĩnh Cư, Đào Tuấn Ảnh, Phong Lê, Đỗ Hải Phong, Hà Thị Hoà, Trần Vĩnh Phúc,… Các tác giả đưa ra những nhận xét quan trọng về đặc trưng nghệ thuật của văn xuôi và kịch Sêkhôp.
Trong bài viết Cái mới trong truyện ngắn của A.Sekhov tác giả, Nguyễn Hải Hà đã tìm đến bí mật nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn lâu bền của chúng đối với độc giả toàn cầu trong hơn 100 năm qua. Trước hết, nhà nghiên cứu khẳng định Sêkhôp đã nối gót các nhà văn chân chính là Puskin, L. Tônxtôi để “dũng cảm đi theo con đường khám phá sự thật”. Tác giả phát hiện sự thật mà nhà văn trẻ mong muốn khám phá và mô tả, khác với các nhà văn đàn anh, đó là sự thật về “thân phận nô lệ, đầu óc nô lệ của con người”. Nguyễn Hải Hà khẳng định: “Tính chân thực là nét nổi bật mà mọi người nhận thấy trong truyện Sêkhôp”, đó cũng là nguyên tắc mà nhà văn luôn tuân thủ một cách nghiêm ngặt trong hơn 20 năm cầm bút khám phá sự thật.
Nguyễn Hải Hà đã đưa ra nhiều nhận xét quan trọng về thi pháp Sêkhôp, trao đổi, làm sáng tỏ một số vấn đề với nhà “sêkhôp học” Nga Truđacôp. Những phát biểu của tác giả về thế giới nhân vật với “những con người lao động giản dị, trung thực, thuộc đủ ngành nghề”[23], về đặc điểm tự sự với sự đan xen của yếu tố miêu tả, kể lại và bình luận, về xung đột chìm, tạo dòng chảy ngầm, về nghệ thuật miêu tả tâm lý thông qua độc thoại nội tâm và những hành động bên ngoài.
Bằng một cách tiếp cận mới (xem xét sáng tác của Sêkhôp trên bình diện văn hoá, nghệ thuật giao thời hai thế kỷ) tác giả Đào Tuấn Ảnh đã nêu bật vai trò của nghệ thuật hiện đại trong những cách tân văn học của nhà văn, qua đó khẳng định những tiềm năng to lớn, vô tận của chủ nghĩa hiện thực. Nhà nghiên cứu chỉ ra
“tính cô đọng, nguyên tắc “im lặng”, tính khách quan không chứng minh, thuyết giảng, mạch ngầm văn bản…”. Tác giả đi sâu phân tích phương pháp thể hiện tâm lý của nhà văn và khẳng định: “kiểu miêu tả “đoán bệnh” với sự trợ giúp của các thủ pháp nghệ thuật tượng trưng và ấn tượng đã giúp Sêkhôp tái hiện được thế giới bên trong nhân vật với sự chuyển động và độ sâu không cùng của nó”. Đó chính là những cách tân nghệ thuật Sêkhôp đưa vào trong sáng tác của mình mà cơ sở của chúng là “sự trông cậy vào độc giả”[2].
Một số tác giả đi tìm những nét tương đồng trong sáng tác của Sêkhôp với sáng tác của Nam Cao - nhà văn hiện thực Việt Nam. Năm 1992, Đào Tuấn Ảnh
viết bài Trêkhôp và Nam Cao - một sáng tác hiện thực kiểu mới. Trong bài viết tác giả đã xác định một số đặc điểm trong hệ thống thi pháp Nam Cao làm sáng tác của ông gần gũi với Sêkhôp, đó là “sự kết hợp những yếu tố của chủ nghĩa cổ điển kiểu phương Tây với lối miêu tả khách quan, biện chứng, tạo nên “dòng chảy” của cuộc đời, phân tích mổ xẻ tâm lý nhân vật, cách tạo những lớp, mạch ngầm của văn bản nghệ thuật với những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa và lối văn trữ tình sâu sắc”[1, tr.54].
Năm 2004, Đào Tuấn Ảnh tiếp tục công việc so sánh hai nhà văn này nhưng từ một góc độ khác: Kết cấu thời gian trong truyện ngắn Sêkhôp và Nam Cao. Tác giả nhận xét: “Để tạo sự hấp dẫn cho những truyện ngắn có cốt truyện đơn giản, Sêkhôp và Nam Cao đặc biệt chú ý tới kết cấu tác phẩm, nhất là kết cấu thời gian”, và chỉ ra một số kiểu kết cấu đặc trưng trong truyệnngắn của hai nhà văn: kết cấu với mở đầu đi thẳng vào vấn đề trung tâm của tác phẩm, kết cấu “hồi cố”, kết cấu “mở”
và kết cấu vòng tròn [3, tr.18-23].
Cũng trong năm 2004, Giáo sư Phong Lê quay trở lại đề tài mà ông đã suy nghĩ trước đó khá lâu – so sánh Sêkhôp và Nam Cao (bài Sekhov và Nam Cao - nhìn từ hai nền văn học). Trong bài viết này, tác giả đã xác định những nét tương đồng giữa hai nhà văn: ở vai trò kết thúc và đưa lên đỉnh cao trào lưu hiện thực vào giai đoạn cuối của nó; ở một lối tư duy nghệ thuật độc đáo - đào sâu vào đời sống tâm lý và hướng vào cuộc sống nhỏ nhặt thường ngày; ở một tiếng nói thâm trầm, chua xót, giàu suy ngẫm và triết lý; ở một lối văn rất kiệm lời – “lời chật mà ý rộng”, giàu sức chứa và sức mở.
Những đặc điểm tiêu biểu của thi pháp Sêkhôp cũng thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam khác. Tác giả Nguyễn Trường Lịch trong bài “Antôn Sêkhôp – người thuật truyện điềm tĩnh tài hoa” (2004), nghiên cứu “bút pháp khách quan tự nhiên nhi nhiên” của Sêkhôp. Bút pháp ấy, theo tác giả, được thể hiện qua việc nhà văn “không cầm tay dẫn dắt người đọc tới
tận chốn cái gì đấy, mà chỉ bình thản giới thiệu nhằm hướng tới một chân trời mới”, ngoài ra, “phong cảnh thiên nhiên mang màu sắc trữ tình được đan xen vào chuyện đời, chuyện người, hoà quyện vào mạch ngầm cốt truyện làm cho giọng điệu trở nên bình thản, nhẹ nhàng, khiến người đọc cảm thấy tự nhiên bị cuốn hút, rồi nhập cuộc lúc nào không hay biết.”[39, tr.11].
Nhà văn Sekhov đến với Việt Nam không quảng cáo, không lăng xê mà nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng có sức sống sâu gốc, bền rễ trong lòng bạn đọc Việt Nam. Sức lan tỏa của tác phẩm Sekhov là vô cùng rộng lớn không chỉ trước đây, hiện tại mà cả tương lai sau này.
Chương 2