Chương 2 NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÍ NHÂN VẬT THÔNG QUA NGOẠI GIỚI
3.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí thông qua ngôn ngữ trong truyện ngắn Anton Palovich Sekhov
Văn chương là loại hình nghệ thuật của ngôn từ, có nhà văn đã ví nghề viết văn là nghề rèn đúc con chữ. Nếu hội họa lấy mầu sắc làm chất liệu thì văn chương lấy con chữ ngôn từ làm chất liệu cho mình để dệt nên những tác phẩm nghệ thuật.
Có rất nhiều cách hiểu về ngôn ngữ văn học, M. Gorki cho rằng: “ngôn ngữ là cái áo của mọi tư tưởng”, còn Timôfêep lại cho rằng: “Ngôn ngữ là hình thức tương ứng với hình tượng là nội dung, cũng giống như hình tượng là hình thức tương ứng với nội dung tư tưởng tác phẩm. Nhưng hình thức này lại thấm nhuần nội dung”
[72, tr.18]. Đối với văn học, ngôn ngữ không đơn thuần là một thứ công cụ để giao tiếp mà “ngôn ngữ văn học tuân theo nhiệm vụ nghệ thuật”[7, tr.18] cụ thể, ngôn ngữ văn học phải diễn đạt được toàn vẹn tất cả màu sắc, sắc thái trong ngôn ngữ sinh động cá nhân, phải tái hiện được những khía cạnh khác nhau của tính cách con người, đó là loại ngôn ngữ đã được khái quát hóa, mang tính chất tiêu biểu, là một loại trích dẫn từ đời sống. Có thể nói ngôn ngữ văn học mang những đặc điểm, tính chất hết sức khu biệt với ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ trong những chuyên ngành khác nhau, ở đây có thể kể tới bốn tính chất tiêu biểu: tính chính xác, tính hàm súc, tính biểu cảm và tính hình tượng.
Đối với mỗi con người, ngôn ngữ góp phần tái hiện một cách hết sức sinh động trình độ văn hóa, nghề nghiệp, tâm lý, trạng thái tinh thần riêng biệt, “trong văn học, ngôn ngữ là một hiện tượng của phong cách nhà văn, và ta chỉ có thể hiểu được trong mối liên hệ với các đặc điểm phong cách nhà văn”[7, tr.18]. Ngôn ngữ là một biểu hiện cho hồn cốt, phong thái của một cây bút. Trong mỗi tác phẩm tự sự, ngôn ngữ được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau: ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật... và vai trò của ngôn ngữ là vô cùng
to lớn. Ngoài vai trò, chức năng là phương thức thể hiện chủ đề, tư tưởng, nhiệm vụ dẫn dắt cốt truyện, ngôn ngữ còn chi phối, khắc họa bản chất nhân vật, tính cách, có vai trò cụ thể hóa kết cấu và hướng dẫn thái độ của người đọc. Văn học không bao giờ có thể vắng mặt ngôn ngữ.
M.B Khrapchenko đã viết: “Với tư cách là một hiện tượng phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật thực hiện một chức năng phức tạp, nó tạo ra hệ thống giọng điệu tác phẩm văn học, không một thành tố nào của phong cách tồn tại ở bên ngoài hệ thống đó. Vừa phụ thuộc vào giọng điệu chủ yếu, vào hệ thống của những âm sắc, ngôn ngữ nghệ thuật là phương tiện để khác họa hình tượng”[33, tr.152]. Từ điều này ta thấy, Sekhov là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, ông đã làm tròn được sứ mệnh của nó trong việc khắc họa thế giới hình tượng và đặc biệt đã tạo được một chất giọng riêng cho tác phẩm của mình.
3.2.1. Ngôn ngữ đối thoại khắc họa tính cách nhân vật
Giao tiếp và đối thoại giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện tâm lí tính cách nhân vật. Nhiều khi chỉ có trong đối thoại bản chất con người mới được bộc lộ rõ nhất. Tìm hiểu ngôn ngữ đối thoại của nhân vật là công việc cần thiết để tìm thấy nét biến đổi tâm lí, tính cách, trạng thái cảm xúc của nhân vật. Thông qua quan sát nhân vật giao tiếp với mọi người người đọc giải mã được quá trình phát triển tâm lí nhân vật với những biểu hiện tinh tế, phong phú.
Tái hiện lời nhân vật trong sáng tác của mình, Sekhov rất chú trọng ngôn ngữ đối thoại. Ở nhiều tác phẩm, phần miêu tả rất cô đọng xúc tích nhưng trong khi đó đối thoại chiếm ưu thế khá lớn, có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngắn của ông mang tính kịch rõ rệt. Tình huống đối thoại của nhân vật có thể được chia làm hai kiểu: nhân vật đối thoại với chủ thể tâm lí ẩn và nhân vật đối thoại với chủ thể tâm lí tương đương.
3.2.1.1. Đối thoại với chủ thể tâm lí ẩn
Đối thoại là lời nói xuất hiện khi giao tiếp nên nó thể hiện được đầy đủ, sinh động và sâu sắc tâm lí nhân vật trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Đối thoại của truyện ngắn Sekhov bao giờ cũng ngắn gọn, nhanh, đôi khi chỉ tả ấn tượng của đối thoại.
Trong truyện ngắn Sekhov có dạng đối thoại giữa nhân vật với chủ thể tâm lí ẩn. Tức là nhân vật đối thoại với không phải một nhân vật bình thường trực tiếp mà là nhân vật ẩn mình có thể là một đám đông như trong truyện Con kì nhông.
Truyện được xây dựng chủ yếu bằng đối thoại. Nhân vật lần lượt đối đáp bằng những tiếng nói phát ra từ đám đông. Lần đầu tiên khi biết lão Goanh bị chó cắn, thầy quản nghiêm khắc: “Được của ai, con chó này? Không thể như thế được. Ta, ta sẽ cho các người hiểu thế nào là để cho chó chạy ra đường phố... Và con chó này, phải đập chết ngay lập tức” [17, tr.16]. Khi được nghe đây là chó của thiếu tướng lập tức thái độ của hắn thay đổi, nạn nhân bị hắn chất vấn: “Nó có thể nhảy đến ngón tay ngươi! Con vật nó thấp bé, còn nhà ngươi, này, hãy nhìn hộ tôi cái anh chàng hộ pháp này, ý hẳn mi tước tay vào một cái đinh, rồi y nảy ra cái ý định lợi dụng việc này”[17, tr.17].
Cứ thế qua mỗi lượt đối thoại là mỗi lần thái độ lão quản thay đổi. Đến khi biết chắc chắn chó là của em trai ngài thiếu tướng giọng lưỡi của lão thật đáng sợ:
“Vậy là con muông của ngài em! Tôi rất lấy làm may mắn được... Bác đưa nó về, con muông này xinh ra phết. Mặc nó gan gớm. Đánh khắc một cái hàm răng chơi ngay ngón tay thằng cha kia... Ha ha ha!”[17, tr.19]. Người đọc thấy gì qua những đoạn đối thoại đó. Nhân vật trước đám đông như con kì nhông luôn thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Thói xu nịnh người trên, nạt nộ kẻ dưới được nhà văn lột tả sống động qua đối thoại. Tác giả không cần phải bình luận thêm bất cứ lời nào, thái độ vô liêm sỉ, trơ tráo của lão quản tự nó đã tác động vào nhận thức người đọc.
Đối thoại trong truyện Loãn quản Prisưbeep cũng có thể được xếp vào dạng này. Đối đáp của lão quản ở toà án với quan tòa, các nhân chứng đã làm thành bức chân dung hoàn chỉnh về một kiểu người quái thai, sản phẩm của chế độ hà khắc.
Lão quản hình thù gớm ghiếc luôn hằn học với tất cả biểu hiện của đời sống tự nhiên của con người: xua đuổi đám đông vì sợ họ làm loạn, ra lệnh không ai được ca hát và tối không được thắp đèn vì không thấy có luật lệ nào cho phép hát hỏng,
theo dõi những nông dân thắp đèn buổi tối... Điều mà người đọc cảm thấy kinh sợ nhất là ở chỗ lão quản Prisưbeép làm tất cả mọi việc đê tiện ấy không phải vì công việc được giao, y giải ngũ đã lâu mà làm việc một cách tự nguyện. Đây là một đoạn đối thoại:
“Hãy khoan! Để phòng ngừa những việc rối trật tự, đã sẵn có người hẳn hoi. Về những việc ấy, đã có trương tuần, lí cựu, bá hộ...
- Trương tuần không thể trông nom hết được, và ta không hiểu hết được những cái mà tôi hiểu thấu.
- Nhưng mà anh phải biết rằng đây không phải là việc của anh.
- Sao, thưa ngài? Không phải phận sự tôi? Thưa ngài thế thì kì dị thật!... Có những kẻ đứng ra làm loạn, mà lại không dính dáng đến phận sự của tôi! Ý chừng tôi phải khen thưởng họ chắc....” [17, tr.35].
Lời đối thoại của nhân vật cho thấy y hành động với một niềm tin hết sức ngây ngô, đần độn rằng lẽ phải thuộc về y. Ra khỏi phòng xử với bản án một tháng tù ngồi, lão quản nhác thấy đám nông dân đang bàn tán và theo thói quen vẫn quát:
“Bọn các người giải tán ngay! Không được tụ tập lại! Ai về nhà nấy!” [17, tr.36].
Đến mức độ ấy, ta phải thấy Sekhov đưa ra con người đã méo mó đến tận cùng, đến từng mạch máu tế bào.
Qua đối thoại, nhân vật bộc lộ bản chất của mình. Ở đây tác giả ném ra một loạt tính cách đã định hình, tồn tại vững bền chứ không phải có sự phát triển về mặt nhận thức. Kiểu đối thoại này chỉ có thể xuất hiện ở thời kì sáng tác đầu tiên của Sekhov với những tác phẩm thiên về châm biếm, đả kích. Tác giả nhìn nhân vật với cái nhìn phê phán, mỗi nhân vật đại diện cho một thói tật nào đó mà nhà văn muốn đưa ra nhận xét. Đến các giai đoạn sáng tác về sau, đối thoại của nhân vật mang các đặc điểm khác phù hợp với kiểu nhân vật và nội dung nhà văn muốn phản ánh.
3.2.1.2. Đối thoại giữa hai chủ thể tâm lí
Trong giao tiếp, bao giờ cũng phải có đối tượng giao tiếp, nhân vật đối thoại với nhau để đề cập đến một nội dung nhất định và qua cuộc đối thoại, bản lĩnh, tính cách, quan điểm của nhân vật sẽ được khắc họa. Ở phần trên ta đã nhận xét kiểu đối
thoại giữa một nhân vật với chủ thể tâm lí ẩn - nhân vật ẩn mình, còn ở đây ta đề cập đến kiểu đối thoại phổ biến giữa hai nhân vật tương đương.
Tập trung vào một chủ đề nhất định, ý kiến của mỗi bên đưa ra trong đối thoại sẽ là căn cứ xác định đặc điểm tính cách, trạng thái tâm lí của nhân vật. Bởi vì lời nói của nhân vật là sự hiện thực hóa cái nhìn, quan niệm của chính nó về con người, cuộc đời.
Người đọc có lẽ không quên được “người trong bao” Bêlicôp với cách phục sức dị kì và những câu nói khi anh ta giao tiếp với người khác.
“-Varenca làm tôi mến - Bêlicôp vừa cười vừa nói một cách nhạt nhẽo gượng gạo và tôi cũng biết rằng ai ai cũng cần lấy vợ nhưng cả câu chuyện đó, anh có biết không, xảy ra có phần nào đột ngột... Cần phải nghĩ kĩ đã.
- Còn nghĩ ngợi gì - tôi nói với hắn - lấy vợ là hết
- Không, lấy vợ là bước quan trọng, thoạt tiên cần phải cân nhắc những nhiệm vụ trước mắt, trách nhiệm... để khỏi xảy ra không may (...) lấy rồi xảy ra điều gì không hay ngộ sự chỉ phiền” [17, tr.275-276].
Với Bêlicôp, tư tưởng của anh ta cũng phải được đóng bao. Lấy vợ phải cân nhắc nhiệm vụ trước mắt, trách nhiệm... và câu nói cửa miệng của Bêlicôp lúc nào cũng là “tôi tự thấy nhiệm vụ”, “tôi không cho phép” hoặc “tôi tự coi có nhiệm vụ”,
“Tôi phải báo cáo”, “Tôi phải có nhiệm vụ làm như thế”. Bao nhiêu “ngộ nhỡ”,
“giá như” đã ngăn trở, kìm hãm nhiều cái tốt đẹp đáng lẽ phải có trong đời mỗi con người. Bài học kinh nghiệm đó người đọc sẽ rút ra cho mình làm giàu thêm kinh nghiệm sống.
Chỉ qua một cuộc đối thoại, Sekhov có thể diễn đạt được cả một trạng thái tâm lí phức tạp, tinh tế của nhân vật và mở ra cho độc giả những suy nghĩ lớn về vấn đề nhân sinh.
Dưới đây là lời đối thoại truyện Trong khe núi giữa Vacvara vợ lão bán hàng Sưbukin với thằng con ghẻ mật thám:
“Anh ở nhà ít quá - bà nói - Anh buồn có phải không. Chà chà... Nhà ta sống khá giả, cái gì cũng sẵn (...) có điều nhà ta buồn lắm. Chúng ta xúc phạm đến dân làng nhiều quá. Tôi rất đau lòng anh ạ, chúng ta xúc phạm họ nhiều lắm, trời ơi...!
Acxinhia thì nói: “... bây giờ người ta hay nói là ngày tận thế đã tới vì dân chúng lơi lỏng, con cái không tôn kính cha mẹ...
Đó là những chuyện vớ vẩn. Dì ạ, tôi biết rằng mọi đau khổ đều do con người quá ít lương tâm”[63, tr.571] .
Rõ ràng bà dì Vacvara nhận thức được sự sai trái của gia đình mình, bà ta không muốn xúc phạm đến dân làng nhưng rồi cuối cùng cuộc sống ấy vẫn cứ tiếp diễn như thế. Lời của Acxinhim thì cho ta thấy lương tâm hắn bị cắn dứt từ lâu nhưng vì sao hắn vẫn cứ làm bạc giả. Trong mỗi con người luôn có hai khuynh hướng đấu tranh để tồn tại: một là sống cho tốt hơn và hai là sống cho sướng hơn, để dung hòa cả hai khuynh hướng đó là điều chẳng đơn giản chút nào. Đó là thông điệp của tác giả gửi đến người đọc.
Nhân vật của Sekhov không chỉ thể hiện bản chất, quan điểm của mình trong đối thoại mà còn tìm đến đối thoại như một nhu cầu bức thiết để giải tỏa trạng thái tâm lí bức xúc của mình. Nhân vật có thể không hiểu nhau, tuy nhân vật nói cùng một đề tài hoặc nói về những vấn đề khác nhau nhưng lại có sự thống nhất về tâm trạng. Đây mới chính là đặc điểm quan trọng nhất của lời đối thoại trong truyện ngắn Sekhov, thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn.
Theo Pospelov “Lời đối thoại gắn liền với việc những người nói vào nhau và tác động vào nhau”[61, tr.213]. Truyện ngắn Sekhov xuất hiện kiểu đối thoại ở đó nhân vật nói chuyện với nhau nhưng không hiểu nhau.
Người đánh xe ngựa Iona ( Nỗi lòng) có người con bị chết. Nỗi đau ấy chất chứa, dồn nén trong lòng đòi hỏi phải được giãi bày, chia sẻ dù với bất kì ai đó.
Người khách thứ nhất không cần quan tâm đến. Nhóm khách thứ hai thì sao?
Lão chờ bọn họ ngừng nói chuyện để xen vào: “Vâng con tôi mới chết đầu tuần”, “ai cũng chết” chàng gù thở dài... rồi đám người ồn ã đó cũng đi mất để ông
lão rơi vào cô đơn, đắm mình trong yên nặng. Lần thứ ba Iona gặp một người gác cửa
“ - Mấy giờ rồi hở ông bạn” Lão hỏi
“Hơn chín giờ. Dừng đây làm gì thế? Đi đi” [41, tr. 17].
Mục đích hỏi có phải để cần thông tin đâu mà là chỉ để có thể tâm sự về tâm trạng đau buồn của mình. Chẳng có ai hiểu như lão mong muốn. Kịch tính trong nội tâm phát triển đến cao độ, tất cả nỗi niềm lão đành phải nói với con ngựa của mình.
Giao tiếp với nhau nhưng nhân vật của Sekhov mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Sự không thống nhất dẫn đến việc không hiểu được đối tượng tiếp xúc với mình nói gì, nghĩ gì.
Đây là một đoạn đối thoại trong tác phẩm Vêrơska
“- Sương xuống nhiều quá nhỉ?
- Vâng, anh không để quên cái gì lại chứ?
- Cái gì kia? Có lẽ là không quên gì?” [17, tr.82] .
Lời của Ôgơnep là câu nói bình thường, có vẻ là bởi xúc động khi chia tay Vêrơska nên anh không biết nói gì ngoài lời nhận xét bâng quơ sau một lát im lặng.
Nhưng đến lời của Vêrơska ta đã thấy thể hiện tâm lí nhân vật. Có phải cô gái hỏi thật sự theo nghĩa đen? Có lẽ cô không hỏi về đồ đạc hành lí của Ôgơnhep mà hỏi về một thứ vô hình chắc cũng rất quan trọng đối với cô. Ôgơnhep không hiểu điều đó nên đã có câu trả lời “quá thật” mà Vêrơska mang đầy tâm trạng (tâm trạng đó là gì đến phần sau của truyện độc giả sẽ biết) Vêrơska có lúc như quên thực tại, chìm trong những suy nghĩ miên man:
“... Cô có nghe không, cô sẽ thay đổi nhiều chứ?
Vêrơska rùng mình và quay lại phía anh - Cái gì cơ? - cô hỏi
- Tôi vừa hỏi anh rằng...
- Xin lỗi anh, tôi không nghe rõ anh vừa nói những gì” [17, tr.87] .
Rõ ràng, Vêrơska mang nặng tâm sự trong lòng, không hề tập trung vào cuộc đối thoại với Ôgơnhep. Xây dựng đối thoại, Sekhov đã khắc họa phần nào bức tranh tâm trạng của nhân vật từ những phản ứng tâm lí đầu tiên.
Nhân vật của Sekhov cần giao tiếp, đối thoại với người khác để che giấu những cơn sóng lòng. Gurôp tưởng rằng có thể quên ngay Anna - “Người đàn bà có con chó nhỏ”- khi về lại thủ đô như đã từng quên bao người khác nhưng không ngờ luôn bị kỉ niệm về nàng dày vò. Gurôp không tâm sự cùng ai được đành phải nói lung tung mơ hồ về phụ nữ. Nhưng lẩn tránh mình lại là sự bộc lộ mình rõ nhất.
Nhu cầu chia sẻ cảm xúc khiến anh có lần không nén được đã phải thốt lên với người bạn: “- Ồ nếu ông bạn biết mình đã làm quen với người phụ nữ đáng yêu như thế nào ở Ianta”. Nhưng người bạn ấy không hiểu được tâm trạng của Gurôp , không nghe thấy anh nói rõ nên đã gọi Gurôp để nói rằng: “Lúc nãy thế nào anh nói đúng đấy: thứ cá chiên ấy có mùi rồi”. Gurôp khi đó thấy bực bội, cảm thấy những tiếng ấy thật bẩn thỉu. Đối thoại cho thấy các nhân vật có tâm trạng chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Độc giả hiểu rằng có sự xáo trộn ghê gớm trong tâm hồn nhân vật.[17, tr.488-489].
Gurốp nói chuyện với con gái, anh giải thích cho con về đặc điểm thời tiết.
Nhưng lời nói của anh vẫn bình thường trong khi đầu anh lại theo đổi những ý nghĩ riêng mà không ai biết.
“Bây giờ là ba độ trên không, thế thì tuyết vẫn rơi - Gurôp nói với con gái - Những cái ấm áp đó chỉ có ở trên mặt đất thôi, còn tầng cao khí quyển thì nhiệt độ lại hoàn toàn khác” [17, tr.497 ].
Nói về thời tiết nhưng Gurôp nói về chính mình, nhận thức về tình trạng của mình một cách sâu sắc. Tình yêu chân thành với Anna Xecgâyepna đã đánh thức dậy trong con người Gurốp tất cả cảm giác vốn ghẻ lạnh dai dẳng từ lâu với chính cuộc sống công chức tẻ nhạt bên người vợ học đòi, với những mối tình vô nghĩa.
Chỉ từ khi yêu Anna, Gurôp mới thấy được đời có ý nghĩa nhưng mối tình vụng trộm ấy sẽ giải quyết thế nào đây. Cả hai người đều khát khao, hi vọng sự thay đổi mong muốn tìm ra lối thoát cho mình. Đối thoại giữa hai người thể hiện sự đồng