CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH VI ĐIỀU CHỈNH LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP
2.2. Các lý thuyết vận dụng để nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của
2.2.1. Lý thuyết kế toán thực chứng
Lý thuyết kế toán thực chứng (PAT) là một học thuyết kinh tế học tân cổ điển, phát triển mạnh mẽ vào những năm 1970 - 1980 với đại diện là Watts và Zimmerman (1986). Lý thuyết kế toán thực chứng mong muốn giải thích hiện thực kế toán thông qua việc tìm hiểu nguyên nhân và để trả lời câu hỏi “tại sao?”, “như thế nào?”.
Trường phái lý luận thực chứng về kế toán được phát triển bởi nhiều nhà nghiên cứu trong đó Watts và Zimmerman (1986) là những nhà nghiên cứu tiên phong có đóng góp lớn cho dòng lý thuyết này. Theo Watts và Zimmerman (1986), nghiên cứu
kế toán thực chứng là những nghiên cứu thực nghiệm về kế toán phát triển trên cơ sở các giả định và các học thuyết của kinh tế học.
2.2.1.1. Nội dung Lý thuyết kế toán thực chứng (PAT)
Dựa trên giả định của kinh tế học về hành vi con người, đó là các cá nhân thường có xu hướng tư lợi, hành động vì lợi ích bản thân (Watts và Zimmerman, 1986), PAT tìm hiểu mâu thuẫn trong mối quan hệ đại diện xuất hiện trong công ty cổ phần giữa một bên là chủ sở hữu vốn và một bên là các nhà quản lý công ty, từ đó giúp chúng ta giải thích lý do tại sao các nhà quản lý lại lựa chọn các phương pháp, các kỹ thuật, hay các chính sách kế toán khác nhau. Khi tìm hiểu về mối quan hệ đại diện này, PAT sử dụng Lý thuyết đại diện (AT), một chìa khóa quan trọng cung cấp những lý giải cần thiết về mâu thuẫn giữa các bên tham gia thị trường, lý giải về hiện tượng thông tin bất đối xứng và rủi ro tiềm ẩn trong mô hình đại diện.
Trong quan hệ đại diện giữa nhà đầu tư và nhà quản lý, nhà đầu tư muốn bảo vệ tài sản của mình trong khi bên quản lý chỉ là bên đại diện cho nhà đầu tư và trong một số trường hợp họ sẽ có những hành động và quyết định mang tính cơ hội vì lợi ích cá nhân, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi cổ đông, đây là một trong những tồn tại của quan hệ đại diện. PAT sẽ giúp chúng ta giải thích và dự đoán kết quả của sự ảnh hưởng này (Collin và cộng sự, 2009). Đồng thời PAT cũng đề cập đến hướng giải quyết những mâu thuẫn trong các quan hệ đại diện bằng việc kiểm soát thông qua các hợp đồng ràng buộc. Một doanh nghiệp được xem là một liên kết pháp lý của các quan hệ hợp đồng và hợp đồng ký kết giữa các bên là một giải pháp giúp công ty tối thiểu hóa các chi phí đại diện (Watts và Zimmerman, 1986).
PAT không những được xây dựng nhằm mục đích tạo lập cơ sở cho việc giải thích và dự đoán các hành vi, các sự kiện kế toán đã xảy ra mà còn mang tính chất dự đoán hiện tượng (Watts và Zimmerman, 1986; Wolk và cộng sự, 2008). Trong PAT, những quan sát về thực tế kế toán là những quan sát thực nghiệm nghĩa là sau khi xác định vấn đề cần nghiên cứu, hình thành các giả thuyết, dữ liệu sau đó được thu thập và được kiểm định bằng các phương pháp thống kê hay kinh tế lượng cao cấp. Kết quả của các nghiên cứu thực nghiệm này sẽ là cơ sở cho việc dự đoán các sự kiện và hiện tượng. PAT có thể giúp các nhà xây dựng chính sách đưa ra các chính sách kế toán mới cho các sự kiện kinh tế mới phát sinh (Watts và Zimmerman, 1978, 1979).
Trong PAT, có ba giả thuyết được sử dụng rất phổ biến trong các nghiên cứu thực chứng nhằm giải thích và dự đoán việc một công ty ủng hộ hay phản đối việc lựa chọn một phương pháp kế toán nào đó.
1. Giả thuyết về kế hoạch thưởng
2. Giả thuyết về hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 3. Giả thuyết về chi phí chính trị
Giả thuyết về kế hoạch thưởng cho rằng, khi tiền thưởng của nhà quản lý gắn liền với hiệu quả hoạt động kinh doanh trong kỳ kế toán thì nhà quản lý nhiều khả năng sẽ sử dụng các thủ tục kế toán để tìm cách chuyển lợi nhuận về kỳ hiện tại.
Xuất phát điểm của giả thuyết này là mối quan hệ đại diện cơ bản giữa cổ đông và nhà quản lý khi các cổ đông ủy quyền cho bên quản lý thực hiện một số nhiệm vụ nào đó. Các cổ đông (chủ sở hữu) thì luôn mong muốn tài sản của mình được đảm bảo và sinh lời tốt nhất trong khi đây chưa chắc đã là mục tiêu của các nhà quản lý bởi họ cũng luôn hành động vì lợi ích cá nhân trước nhất. Vì thế, hợp đồng ký kết giữa hai bên là cần thiết và cũng là giải pháp làm giảm chi phí của quan hệ đại diện.
Giả thuyết về hệ số nợ/vốn chủ cho rằng, khi một công ty có ý định vi phạm thỏa thuận vay nợ càng lớn thì nhiều khả năng công ty (cổ đông - nhà quản lý) sẽ tìm cách lựa chọn thủ tục kế toán để chuyển lợi nhuận tương lai về kỳ hiện tại. Mối quan hệ đại diện thứ hai xuất hiện trong giả thuyết này một bên là các chủ nợ và một bên là cổ đông - nhà quản lý.
Khi tiến hành hoạt động vay vốn, thông thường, hợp đồng vay nợ sẽ được ký kết với một số điều khoản hạn chế nhằm đảm bảo an toàn cho các chủ nợ, tránh việc nhà quản lý (bên công ty) đầu tư vào các dự án gây rủi ro lớn, bán tài sản đảm bảo nợ, chia cổ tức nhiều hay huy động thêm vốn để pha loãng nợ. Tuy nhiên, những điều khoản hạn chế vẫn có thể bị vi phạm, ví dụ khi tỷ lệ giới hạn về nợ/vốn chủ đề xuất dựa vào số liệu kế toán thì nhà quản trị (nếu muốn huy động thêm vốn hoặc trả cổ tức nhiều) thì họ sẽ có xu hướng nới lỏng tỷ lệ nợ bằng việc sử dụng các thủ tục kế toán để chuyển lợi nhuận tương lai sang kỳ hiện tại, làm sai lệch thông tin và gây bất lợi cho các chủ nợ.
Giả thuyết về chi phí chính trị cho rằng, khi chi phí chính trị lớn thì nhà quản lý nhiều khả năng sẽ sử dụng các thủ tục kế toán để tìm cách giảm lợi nhuận bằng cách chuyển lợi nhuận hiện tại sang kỳ tương lai.
Không phải sự thay đổi lựa chọn kế toán nào cũng có nguyên nhân từ các yếu tố kinh tế, đôi khi yếu tố chính trị cũng tác động rất lớn. Ví dụ khi chính phủ ban hành một quy định mới hoặc một chính sách mới như việc đánh thuế cao hoặc chính sách
trợ giúp các công ty khó khăn thì các công ty này sẽ tìm cách thay đổi số liệu để giảm lợi nhuận, giảm số thuế phải nộp hoặc nhận được ưu đãi từ chính phủ.
Lý thuyết kế toán thực chứng đi theo xu hướng quy nạp, đi từ quan sát thực tế kế toán, xây dựng giả thuyết, kiểm định và dự đoán những sự vật hiện tượng có thể chưa từng xuất hiện hoặc đã xuất hiện nhưng chúng ta chưa quan sát thấy trong thế giới tài chính và kế toán. Đây là hướng nghiên cứu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu với những đóng góp không nhỏ trên cả hai khía cạnh thực tế và lý luận.
2.2.1.2. Vận dụng Lý thuyết kế toán thực chứng trong các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận
Những nghiên cứu kế toán thực chứng đầu tiên là những nghiên cứu kế toán thực nghiệm ứng dụng các học thuyết kinh tế học xuất hiện vào những năm 1960 liên quan đến thị trường vốn, điển hình là nghiên cứu về dự đoán các rủi ro tài chính của (Beaver, 1968), nghiên cứu hành vi điều hòa lợi nhuận của Gordon, Horwitz và Meyers (1966) hay công trình của Ball và Brown (1968) đánh giá sự hữu ích của việc công bố thông tin lợi nhuận ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận cũng không nằm ngoài xu thế thực nghiệm, đây là một trọng tâm nghiên cứu của kế toán nhằm phát hiện, tìm hiểu và giải thích hiện tượng thay đổi lợi nhuận báo cáo khi các nhà quản lý hành động vì lợi ích cá nhân. Những nghiên cứu liên quan tới thay đổi lợi nhuận có chủ ý cũng đã xuất hiện từ những năm 1960.
Nghiên cứu của các tác giả Gordon, Horwitz và Meyers (1966) liên quan tới việc điều hòa lợi nhuận khi các nhà quản lý lựa chọn các thủ tục kế toán để thay đổi lợi nhuận khiến các nhà đầu tư (bên ngoài) nghĩ rằng công ty mà họ đầu tư có thu nhập ổn định và cổ phiếu mà họ nắm giữ là rất có giá trị. Nếu việc che giấu này thành công, nghĩa là sẽ đem lại lợi ích cho nhà quản trị và ngược lại về phía các nhà đầu tư bên ngoài sẽ phải gánh chịu chi phí hình thành do việc không có thông tin sát thực, đây là mối quan hệ điển hình của mô hình đại diện trong lý thuyết đại diện (Jensen và Meckling, 1976).
Khi Watts và Zimmerman (1978, 1986) giới thiệu PAT, PAT trở thành động lực cho nhiều nghiên cứu thực chứng trong kế toán đặc biệt là các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận.
PAT là dòng nghiên cứu có ảnh hưởng lớn nhất trong 4 thập kỷ vừa qua. Điều tra của Brinn, Jones và Pendlebury (1996) cho thấy các nghiên cứu theo hướng thực
nghiệm chiếm ưu thế trên cả những tạp chí về kế toán hàng đầu cũng như trong các luận án tiến sĩ ở Mỹ và cả các trường đại học khác trên thế giới. Từ sau 1970, các nghiên cứu thực nghiệm về kế toán trở nên có tính hệ thống hơn nhờ sự xuất hiện của các kỹ thuật xử lý thống kê cao cấp và nguồn số liệu đồ sộ được ứng dụng trong kiểm định giả thuyết (Gaffikin, 2005).
Ashton và cộng sự (2009) thống kê các nghiên cứu về kế toán giai đoạn 2001-2007 thì thấy rất ít các nghiên cứu chuẩn tắc xuất hiện, cách tiếp cận theo hướng thực chứng ngày càng phổ biến và chiếm ưu thế bởi đây là cách tiếp cận khoa học và phù hợp.
Chủ đề điều chỉnh lợi nhuận là một chủ đề trung tâm của các nghiên cứu kế toán trong nhiều thập kỷ. Giai đoạn trước những năm 1970, các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận chủ yếu tập trung vào thị trường vốn, nghiên cứu sự ảnh hưởng của điều chỉnh lợi nhuận tới giá cổ phiếu (Fama, 1970; Kaplan và Roll, 1972). Khi Watts và Zimmerman (1978, 1986) giới thiệu Lý thuyết kế toán thực chứng (PAT), PAT trở thành động lực cho nhiều nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận chuyển hướng từ thị trường vốn sang nghiên cứu các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, ví dụ các nghiên cứu tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn chính sách kế toán của các nhà quản trị và giải thích tại sao nhà quản trị lại lựa chọn một phương pháp kế toán mà không phải là một phương pháp khác (Rath và Sun, 2008). Giai đoạn những năm 1970 và những năm đầu 1980, các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chính sách kế toán. Kết quả các nghiên cứu cho thấy các nhà quản trị thường cố tình lựa chọn các chính sách kế toán để thay đổi lợi nhuận cho các mục đích kinh tế trong bối cảnh các quy định và các hợp đồng ràng buộc (Watts và Zimmerman, 1986).
Hầu hết các nghiên cứu về sự lựa chọn chính sách kế toán đều sử dụng sự phối hợp của ba biến thể hiện động cơ khiến nhà quản trị thay đổi các chính sách kế toán, đó là kế hoạch thưởng, hệ số nợ/vốn chủ và chi phí chính trị (Rath và Sun, 2008). Kết quả các giả thuyết liên quan đến 3 biến thu được cho thấy sự thống nhất với giả thuyết được đưa ra (Watts và Zimmerman, 1986; 1990).
Ta dễ thấy, sự lựa chọn chính sách kế toán thông qua việc thay đổi các phương pháp kế toán không phải là giải pháp lâu dài trong quản trị thông tin kế toán. Không giống như thay đổi các phương pháp kế toán, phần giá trị dồn tích là công cụ có khả năng tạo nhiều cơ hội cho các nhà quản lý, người lập báo cáo tài chính vận dụng cho mục đích điều chỉnh lợi nhuận.
Để khắc phục nhược điểm của các nghiên cứu liên quan tới điều chỉnh lợi nhuận thông qua chính sách kế toán, giai đoạn giữa những năm 1980, rất nhiều nghiên cứu đã sử dụng các biến dồn tích kế toán, đây là thước đo tổng hợp đo lường ảnh
hưởng của tổ hợp các lựa chọn kế toán tới lợi nhuận công ty (Healy, 1985; DeAngelo 1986; Liberty và Zimmerman, 1986). Nghiên cứu thực chứng về điều chỉnh lợi nhuận thời kỳ này liên quan tới việc sử dụng biến dồn tích trở nên phổ biến nhưng cũng là thách thức lớn đối với những nhà nghiên cứu kế toán, các nhà đầu tư vì các biến dồn tích khó quan sát và đo lường phức tạp (Beneish, 2001).
Chủ đề điều chỉnh lợi nhuận thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học giả, không chỉ tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Canada mà còn xuất hiện ở cả những nước công nghiệp mới hay đang phát triển như Đài Loan, Indonesia, Tusiana. Những năm gần đây, rất ít các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận qua sự thay đổi của các chính sách kế toán, hầu hết đều sử dụng các biến dồn tích (Charfeddine, Riahi và Omri, 2013; Fathi, 2013).
Những nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận đi theo hướng trả lời câu hỏi tại sao các công ty lại thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận và làm thế nào để họ thực hiện hành vi này (Nguyễn Công Phương, 2009). Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, PAT giúp chúng ta nhận diện quan hệ đại diện giữa bên ủy nhiệm (người nắm giữ cổ phiếu, chủ công ty) và bên đại diện (bên được ủy nhiệm, các nhà quản trị trong công ty).
Dựa trên quan điểm của trường phái kế toán thực chứng, luận án muốn phát hiện sự tồn tại và tìm hiểu tác động của các nhân tố có ảnh hưởng tới điều chỉnh lợi nhuận tại các công ty phi tài chính có cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc đánh giá này dựa trên cơ sở các quan sát thực tế với các dữ liệu thực nghiệm là các báo cáo tài chính được công bố trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó, luận án kỳ vọng sẽ có đóng góp hữu ích cho cơ sở dữ liệu nghiên cứu thực chứng.
Lý thuyết kế toán thực chứng cung cấp cách tiếp cận để nghiên cứu vấn đề, trong khi đó lý thuyết đại diện và lý thuyết thông tin bất đối xứng là căn cứ để giải thích cho hành vi ĐCLN và các yếu tố tác động tới ĐCLN như thế nào. Phần tiếp theo sẽ tập trung và mô tả chi tiết lý thuyết đại diện và lý thuyết thông tin bất đối xứng.