CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ HÀNH VI ĐIỀU CHỈNH LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP
2.2. Các lý thuyết vận dụng để nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của
2.2.3. Lý thuyết thông tin bất đối xứng
Đối với một nền kinh tế, việc lựa chọn giải pháp tối ưu để huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội luôn là một thách thức lớn. Huy động vốn từ nguồn tích lũy của các cá nhân trong xã hội là một kênh rộng khắp để các công ty có được sự tài trợ cho ý tưởng kinh doanh của mình. Nhưng để việc hợp tác giữa các công ty và các cá nhân được suôn sẻ, ngoài việc giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ đại diện, tình trạng thông tin bất đối xứng cũng là một nhân tố có tác động lớn tới quyền lợi của các bên tham gia thị trường và cần phải được xem xét.
Nền móng của Lý thuyết thông tin bất đối xứng xuất hiện từ những năm 1970 và lý thuyết này đã khẳng định được vị trí của mình trong kinh tế học hiện đại bằng sự kiện năm 2001, các nhà khoa học nghiên cứu lý thuyết này là George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz cùng vinh dự nhận giải Nobel kinh tế (Riley, 2001).
2.2.3.1. Nội dung Lý thuyết thông tin bất đối xứng (IA)
Thông tin bất đối xứng là một hiện tượng thường gặp khi giao dịch trên thị trường, trong đó các chủ thể khi tương tác, giao dịch với nhau cố tình che đậy thông tin dẫn tới việc một bên có đầy đủ thông tin trong khi bên còn lại thiếu những thông tin cần thiết khi ra quyết định đầu tư hoặc ký kết hợp đồng.
Akerlof (1970) đề cập tới “sự lựa chọn bất lợi” trong bài viết “Thị trường của những trái chanh”. Khi người mua không có thông tin xác thực, đầy đủ và kịp thời nên trả giá thấp hơn giá trị đích thực của hàng hóa. Hậu quả là người bán cũng không còn động lực để sản xuất hàng có giá trị và họ có xu hướng cung cấp những sản phẩm có chất lượng thấp hơn chất lượng trung bình trên thị trường. Cuối cùng, trên thị trường chỉ còn lại những sản phẩm chất lượng xấu - những “trái chanh” bỏ đi, hàng tốt bị loại bỏ, cả hai bên đều có sự lựa chọn bất lợi. Như vậy, hiện tượng lựa chọn bất lợi đã cản trở việc giao dịch trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Spence (1974) cho rằng, để loại bỏ hiện tượng “lựa chọn bất lợi” thì cần có
“chiến lược phát tín hiệu” nhằm đưa thông tin tới các chủ thể tham gia thị trường thông qua tuyên truyền, đào tạo. Nghiên cứu của Stiglitz (1975) đưa ra những gợi ý để làm giảm sự bất cân đối của thông tin qua việc thực hiện “chiến lược sàng lọc”. Ví dụ:
khi công ty bảo hiểm tiếp cận khách hàng, ban đầu do chưa có thông tin về nhu cầu khách hàng nên họ có thể đưa ra một loạt các sản phẩm đa dạng và nếu thấy phù hợp thì khách hàng sẽ có phản hồi (phát tín hiệu) để bên nhà cung cấp được biết thông tin thực sự khách hàng đang cần cái gì.
Nhà kinh tế học tân cổ điển Adam Smith (1723 – 1790) đề cập tới ba dạng thất bại của thị trường đó là các ngoại ứng, hàng hóa công cộng và độc quyền. Lý thuyết về thông tin bất đối xứng bổ sung thêm nhân tố thứ tư là thông tin bất đối xứng. Trải qua hơn hai thập kỷ, lý thuyết về thị trường có thông tin bất cân xứng đã trở nên vô cùng quan trọng và là trọng tâm nghiên cứu của kinh tế học hiện đại.
Trên thị trường chứng khoán, nhà quản lý với cương vị là bên đại diện được nhà đầu tư ủy quyền và giao cho một số trọng trách, còn nhà đầu tư với tư cách là chủ sở hữu công ty. Các nhà quản lý thường là những người nắm rõ tình hình và triển vọng của công ty hơn các nhà đầu tư, những người mà quyền sở hữu bị tách rời quyền quản lý. Sự bất đối xứng về thông tin là ở chỗ có sự chênh lệch, khác biệt về lượng thông tin nắm giữ giữa bên đại diện và bên ủy nhiệm (Kaplan và Atkinson, 1998).
Khi nhà quản lý có nhiều thông tin hơn và hiểu rõ về cơ hội kinh doanh của công ty hơn các nhà đầu tư, họ có thể thổi phồng giá trị công ty, theo Akerlof (1970) thì đây chính là vấn đề của “những trái chanh”. Healy và Palepu (2001) mô tả rất rõ ràng về những tổn thất mà thị trường vốn phải gánh chịu khi có sự xung đột và khác biệt về lượng thông tin mà bên quản lý và bên đầu tư vốn nắm giữ. Với tình huống thị trường kinh doanh tồn tại cả những ý tưởng kinh doanh tốt và xấu, trong điều kiện giới hạn về thông tin mà mỗi bên có, họ sẽ nhìn nhận, đánh giá vấn đề theo cách khác nhau.
Nhà quản lý dù biết phương án kinh doanh của mình chưa tốt thì vẫn cố gắng thuyết
phục rằng các ý tưởng của họ là triển vọng để thu hút đầu tư, các nhà đầu tư nếu không đủ điều kiện, năng lực đánh giá thì có xu hướng cào bằng tốt – xấu, nghĩa là sẽ có hiện tượng các ý tưởng kinh doanh tốt lại bị đánh giá thấp trong khi những ý tưởng không tốt lại được đánh giá cao. Điều này làm sai lệch quyết định đầu tư và rộng hơn là gây tổn tại tới thị trường vốn. Hartono (2008), ngoài “sự lựa chọn bất lợi”, vấn đề thứ hai nảy sinh khi tồn tại sự bất đối xứng thông tin là “hành động rủi ro” (Moral hazard), nhà quản trị có thể vi phạm các hợp đồng và ra các quyết định rủi ro trong khi các nhà đầu tư lại không có thông tin đầy đủ để can thiệp ngăn chặn hành động này.
Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) đề cập rằng thông tin kế toán là ngôn ngữ để quản trị doanh nghiệp có thể giao tiếp với các đối tượng bên ngoài (cổ đông). Thông tin trên báo cáo tài chính càng phản ánh rõ ràng các điều kiện kinh tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì càng giúp làm giảm sự bất đối xứng về thông tin giữa các nhà quản trị và các nhà đầu tư bên ngoài, giúp tăng tính hiệu quả của việc phân phối nguồn lực và đóng góp cho sự phát triển của thị trường vốn (Yue, 2004).
Thông tin minh bạch và việc giảm thiểu sự bất đối xứng của thông tin trở thành chủ đề chính trong những tranh luận về lập báo cáo tài chính của các công ty (Collin và cộng sự, 2009). Ngoài chi phí đại diện mà Jensen và Meckling (1976) đề cập (chi phí kiểm soát, chi phí liên kết và chi phí khác), thông tin bất đối xứng cũng được cho là một loại chi phí đại diện cần được xem xét (Barnea, Haugen và Senbet, 1981).
Thông tin bất đối xứng trên thị trường chứng khoán là kẽ hở cho sự xuất hiện của các hành vi điều chỉnh lợi nhuận vì mục tiêu cơ hội của các nhà quản lý. Các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận vì thế có nguồn gốc xuất phát là từ sự khác biệt về thông tin nắm giữ, dẫn tới việc có những quyết định “sai lệch” khi họ tham gia thị trường.
Trong phạm vi của luận án, tác giả phân tích một vài nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận trên cơ sở lý thuyết thông tin bất đối xứng đồng thời nghiên cứu để đưa ra giải pháp cho những tồn tại của hiện tượng thông tin bất đối xứng trên thị trường chứng khoán.
2.2.3.2. Sự vận dụng Lý thuyết thông tin bất đối xứng trong các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận
Nghiên cứu của Huang và Chiang (2012) về việc cải thiện những vấn đề tồn tại trong quan hệ đại diện của các công ty đa quốc gia tại Đài Loan sau khi sửa đổi chuẩn mực kế toán về báo cáo tài chính hợp nhất đưa ra giả thuyết rằng tình trạng thông tin bất đối xứng sẽ giảm đi khi các công ty đa quốc gia tăng cường tính minh bạch của báo cáo tài chính, giảm các chi phí đại diện. Kết quả nghiên cứu cho thấy các vấn đề
trong quan hệ đại diện cũng không được cải thiện nhiều sau khi thay đổi chuẩn mực nhưng nghiên cứu cũng đã có đóng góp trong việc định hướng các vấn đề liên quan tới chi phí đại diện, tính minh bạch và tính bất đối xứng của thông tin.
Hiện tượng thông tin bất đối xứng đặc biệt rõ nét trong các nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận trong bối cảnh các công ty lần đầu chào bán cổ phiếu (IPO). Sự bất đối xứng về thông tin xuất hiện trong quan hệ giữa một bên là các nhà đầu tư tiềm năng và một bên là các công ty IPO. Giả thuyết đặt ra là trước hoặc sau IPO, các công ty có điều chỉnh tăng lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu chào bán nhằm tăng giá trị tài sản huy động (Gumanti, 1996; Teoh, Welch và Wong, 1998a). IPO là giai đoạn mà thông tin bất đối xứng ở mức rất cao và nhạy cảm với vấn đề điều chỉnh lợi nhuận. Do thiếu thông tin, nhà đầu tư có thể không có đủ thông tin để có được những quyết định đầu tư tốt.
Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới điều chỉnh lợi nhuận của Charfeddine, Riahi và Omri (2013) hay Fathi (2013) được thực hiện với mục đích phát hiện ra những nhân tố nào là động cơ khiến các nhà quản trị lợi dụng hiện tượng bất đối xứng thông tin trên thị trường chứng khoán để điều chỉnh lợi nhuận. Đồng thời, các nghiên cứu này cũng chỉ ra những nhân tố giúp hạn chế hành vi điều chỉnh lợi nhuận, giảm thiểu sự bất đối xứng về thông tin thông qua đẩy mạnh việc công bố thông tin trên thị trường, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng giống như các thị trường chứng khoán khác, hiện tượng thông tin bất đối xứng là hiện tượng hết sức phổ biển. Nhiều doanh nghiệp tìm cách phù phép lợi nhuận, che giấu các thông tin bất lợi và thổi phồng các thông tin có lợi hoặc làm rò rỉ thông tin nội gián gây bất công bằng cho các nhà đầu tư.
Đôi khi, có hiện tượng “làm giá” chứng khoán hoặc việc tung tin đồn thất thiệt hoặc sai lệch cũng ảnh hưởng tới việc ra quyết định của các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, mặc dù đến nay gần như chưa có nghiên cứu định lượng nào nhưng có thể mô tả khái quát rằng tình trạng thông tin bất đối xứng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá hỗn độn. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình phát triển, không phản ánh thực chất giá trị của doanh nghiệp và cung cầu thị trường (Nguyễn Thúy Anh, 2007).
Tóm lại, lý thuyết về thông tin bất đối xứng sẽ là cơ sở lý thuyết không thể thiếu của luận án khi chúng ta muốn tìm hiểu và giải thích hiện tượng thông tin bất đối xứng tồn tại giữa một bên cung cấp thông tin kế toán và một bên là những đối tượng sử dụng thông tin kế toán trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam.