Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người nhiễm hiv aids được điều trị arv tại thành phố hà nội (Trang 137 - 140)

a. Điều kiện nhân lực

4.1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu trên 3.398 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV thì có đến 63,86% các đối tượng trong độ tuổi từ 30-39 tuổi, ngoài ra tỷ lệ trong độ tuổi 20-29 và 40-49 là gần tương đương như nhau (17,42% và 15,24%). Tỷ lệ nam giới chiếm đa số trong mẫu nghiên cứu này (67,38%). Độ tuổi chiếm đa số và tỷ lệ

giới tính trong mẫu nghiên cứu này tương đương với nghiên cứu của Vũ Công Thảo, tỷ lệ đối tượng có độ tuổi 30- 39 là 59,1%; tỷ lệ nam là 69,3% [19]. Tuy nhiên tỷ lệ nhóm 20-29 tuổi và 40-49 tuổi lại có sự khác nhau, trong nghiên cứu của Vũ Công Thảo nhóm tuổi từ 20-29 là 27,5% và 40-49 tuổi là 13,4%. [19]

Tỷ lệ thất nghiệp của các đối tượng trong nghiên cứu này là 11.92%. Số đối tượng thất nghiệp trong mẫu nghiên cứu này thấp hơn so với nghiên cứu của Vũ Công Thảo là 25,0% [23] và thấp hơn nhiều so với nghiên cứu tại bang New Orleans, Louisiana là 71%. Tỷ lệ các đối tượng làm các công việc tự do, không ổn định chiếm 46,16 % tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Vũ Công Thảo là 39% [19]. Chủ yếu các đối tượng đều làm các công việc tự do như: lao động chân tay, kinh doanh buôn bán nhỏ… đây là một trong những đặc điểm đặc biệt về nghề nghiệp của các đối tượng nhiễm HIV/AIDS tại Hà Nội.

Có 73,37% các đối tượng có trình độ từ trung học cơ sở trở lên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mẫu nghiên cứu của Vũ Công Thảo là 93,2% [19].

Tỷ lệ các đối tượng nghiên cứu có vợ/chồng là 59,88%, con số này gần trùng khớp so với mẫu nghiên cứu của Vũ Công Thảo là 59,10% [19].

4.2. Nhu cầu và thực trạng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú

Nhu cầu, mong muốn được cung cấp các kiến thức thì có đến 95,26% người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV thấy có nhu cầu và tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu tại Brazil [26] là nhu cầu được cung cấp kiến thức về thuốc ARV chiếm 68,2% bệnh nhân cho là rất cần thiết và chỉ có 0,5% cảm thấy ít cần thiết. Cũng theo kết quả nghiên cứu thì chỉ có dưới 5% là không trả lời và thấy không cần cung cấp và kết quả này thấp hơn hẳn so với nghiên cứu tại Brazil [26] là 12,3% bệnh nhân không muốn biết bất cứ điều gì. Tỷ lệ người cung cấp kiến thức cho bệnh nhân tại phòng khám ngoại trú là bác sĩ chiếm 90,6% cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu tại Brazil [26] là 70,8% và cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu của Hà Thị Minh Đức, Lê Vinh [7] là 56,4%. Trong nghiên cứu của Hà Thị Minh Đức, Lê Vinh [7] thì có 45 bệnh nhân (23,1%) cho rằng thông tin họ thu được là qua các tạp chí, 38 (19,5%) là qua truyền hình. Trong nghiên cứu của nhóm tác giả tại một bệnh viện ở Brazil [26] thì cho thấy trong số 195 người được phỏng vấn , 110 (70,8%) nhận được thông tin từ các bác sĩ tại bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, mặc dù các phương tiện truyền thông điện tử

(internet, truyền hình), các nhóm và hiệp hội có ảnh hưởng nhưng các chuyên gia y tế vẫn dường như là nguồn an toàn nhất và đáng tin cậy lớn nhất của thông tin về thuốc cho bệnh nhân [26].

Trong số bệnh nhân được nhận hỗ trợ dinh dưỡng thì tỷ lệ bệnh nhân nhận được hỗ trợ bằng các hiện vật như: gạo, dầu, sữa là khá cao và ở mức trung bình 84,54%. Số người nhận được hỗ trợ bằng tiền chỉ có 3,41%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với nghiên cứu của Trần Bích trà và cộng sự [21]. Ngoài các hỗ trợ về lương thực, thực phẩm thì còn có các hỗ trợ dinh dưỡng bằng cách cung cấp thuốc nâng cao thể trạng. Người nhiễm HIV/AIDS rất cần bổ sung các nguyên tố vi lượng và đa lượng nhằm hạn chế các tác dụng phụ của thuốc và nâng cao sức đề kháng, tăng cường hiệu quả điều trị. Khi hỏi về người nhiễm có được cung cấp các thuốc tăng cường thể trạng trong tổng số 3.379 đối tượng nghiên cứu thì mới chỉ có 41,88% là có từng nhận được và các loại thuốc chủ yếu là: thuốc hỗ trợ chức năng gan, các lại Vitamin, ngoài ra còn có viên Sắt và Kẽm.

Tỷ lệ bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế là 13,64%, con số này là rất thấp so với tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của thành phố Hà Nội là 68,91% năm 2013. Chủ yếu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là những bệnh nhân thuộc đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc diện nghèo, vì vậy thẻ bảo hiểm y tế mà phần lớn họ đang sử dụng là thuộc bảo hiểm được cấp miễn phí (37,53%): như bảo hiểm từ dự án hỗ trợ, bảo hiểm cho người nghèo…; ngoài ra còn có 34,27% trong tổng số 461 người có thẻ bảo hiểm y tế là tự mua; một số các đối tượng khác (27,55%) vẫn đang làm việc vì vậy vẫn phải tham gia thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc. Tuy nhiên số bệnh nhân có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám điều trị chỉ chiếm 14,97%, 27,46% nói rằng không và 57,57% nói rằng họ không biết. Ngay cả việc phòng khám ngoại trú có tiến hành triển khai mua thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thì cũng có đến 55,02% bệnh nhân nói rằng họ không biết và chỉ có 4,91% trả lời là có và 40,07% trả lời không. Điều này cho thấy một thực trạng rằng việc khám và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tại các phòng khám ngoại trú là còn hạn chế, người bệnh chưa được tiếp cận với những thông tin này và cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người nhiễm hiv aids được điều trị arv tại thành phố hà nội (Trang 137 - 140)