PHẦN XI MĂNG HẢI VÂN 2.1.Tổng quan về công ty cổ phần xi măng Hải Vân
2.1.2. Một số đặc điểm cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng của công ty cổ phần Hải Vân
a.Đặc điểm loại sản phẩm
• Thông tin chung về loại sản phẩm
Xi măng là loại vật liệu quyết định chất lượng công trình xây dựng.
Trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp xi măng, xi măng đang lưu thông trên thị trường được sản xuất, cung ứng từ nhiều nguồn, nhiều nhà máy nên có các đặc tính và chất lượng khác nhau. Chất lượng xi măng được đánh giá bằng các chỉ tiêu cơ lý, trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất là độ bền kháng nén của mẫu xi măng. Mác xi măng là chỉ số cường độ bền nén của mẫu xi măng sau 28 ngày đêm (1 xi măng + 3 cát + tạo mẫu và thí nghiệm trong điều kiện tiêu chuẩn). Chỉ số độ bền nén càng cao, xi măng càng tốt. Tiêu chuẩn xi măng Poóclăng Việt Nam hiện nay quy định 3 mác chủ yếu: 30, 40, 50, nghĩa là giá trị cường độ nén của mẫu sau 28 ngày đêm lớn hơn hoặc bằng 30, 40, 50 N/mm2. Theo đó, có thể hiểu: xi măng PC 30 là xi măng Poóclăng mác 30,
xi măng PCB 30 là xi măng Poóclăng hỗn hợp mác 30, xi măng PC 40 là xi măng Poóclăng mác 40, xi măng PCB 40 là xi măng Poóclăng hỗn hợp mác 40. Điều cần lưu ý là, do đặc điểm vùng nguyên liệu, hàm lượng các ôxít tạo màu trong nguyên liệu và một phần do đặc điểm công nghệ sản xuất nên các loại xi măng có màu sắc khác nhau, mỗi loại đều có màu truyền thống đặc trưng của mình. Vì vậy, các loại xi măng sản xuất ở các nhà máy có màu sắc khác nhau nhưng nếu cùng mác thì chất lượng vẫn tương đương nhau. Màu sắc xi măng không phải là chỉ tiêu để đánh giá chất lượng xi măng mà chỉ do thị hiếu quen dùng. Điều cần lưu ý nữa là, trên thị trường hiện nay phổ biến bán 2 loại xi măng thông dụng PCB 30 và PCB 40, trong đó xi măng PCB 30 được dùng cho các công trình xây dựng dân dụng và nhà cao tầng, xi măng PCB 40 (hoặc PC 40, PC 50) dùng cho các công trình có yêu cầu kết cấu bê tông chịu lực cao.
• Những điểm nổi bật của loại sản phẩm
- Trước hết xi măng là một sản phẩm khó tạo ra được những liên tưởng khác biệt (Points of difference Association) hoàn toàn so với những sản phẩm cùng loại của các thương hiệu khác. Những khác biệt này khó có thể tạo lập từ những đặc điểm bên trong của sản phẩm mà chỉ có thể tạo lập từ những đặc điểm bên ngoài sản phẩm. Những tiêu chuẩn chất lượng được qui định rõ ràng cho sản phẩm khiến các doanh nghiệp bị hạn chế trong việc tạo ra điểm khác biệt cho sản phẩm của mình. Các công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm này buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được qui định rõ ràng này để có được tư cách hội viên trong ngành sản xuất xi măng và đây chính là những liên tưởng tương đồng(Points of parity Associations) được chia sẻ với các thương hiệu khác.
- Thứ hai do đặc điểm của sản phẩm xi măng là loại hàng hóa nặng, chi phí vận chuyển, bảo quản lớn nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành
sản phẩm. Nếu chi phí vận chuyển và bảo quản tăng cao thì các công ty muốn thu được lợi nhuận buộc phải giảm chất lượng để hạ chi phí hoặc tăng giá thành để đảm bảo lợi nhuận. Cả hai cách làm trên đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Vì vậy, trọng lượng lớn là một nhược điểm khi cần kiểm soát chi phí và gia tăng lợi nhuận.
- Hình thức tiêu dùng loại sản phẩm này cũng mang nhiều nét khác biệt. Đối với khách hàng là các hộ gia đình thường chỉ sử dụng với tần suất thấp, hành vi mua lặp lại nhiều lần là không cao, có thể chỉ mua từ một đến hai hoặc ba lần trong đời, việc lựa chọn thương hiệu chủ yếu do nam giới quyết định. Tuy nhiên, khi mua thường mua với khối lượng lớn, chi phí cao, rủi ro tài chính lớn nên đòi hỏi sự thận trọng khi ra quyết định lựa chọn thương hiệu cần mua. Quá trình thu thập thông tin khá phức tạp nhưng thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc thương hiệu chủ yếu lại được thu thập dựa trên sự tư vấn của nhà sản xuất hoặc , người bán hoặc các nhà thầu xây dựng , chỉ đôi khi là từ sự giới thiệu của người thân hoặc bạn bè .
- Khi tiêu dùng sản phẩm, những liên tưởng mà khách hàng cảm nhận được phần lớn liên quan đến thuộc tính của sản phẩm và lợi ích hiệu năng của nó. Rất khó có được những liên tưởng về lợi ích biểu tượng hay lợi ích trải nghiệm. Khi khách hàng có sự hiểu biết sâu sắc về một thương hiệu xi măng nào đó họ sẽ có thái độ thuận lợi đối với thương hiệu. Tuy nhiên, thái độ thuận lợi này không chắc chắn dẫn đến hành vi lựa chọn thương hiệu đó.
b.Đặc điểm ngành xi măng
Hiện nay trên cả nước có ba thành phần chính sản xuất kinh doanh xi măng: Tổng Công ty xi măng Việt Nam chiếm 45 – 50%, các liên doanh 30%, các xi măng lò đứng, các trạm nghiền của địa phương và ngành là 20% trên cả nước.
Ngành xi măng Việt Nam hầu như bị chi phối bởi Tổng công ty xi măng – nơi gần như khống chế việc khai thác nguyên liệu trong nước và cả nhập khẩu từ nước ngoài.
Hiện trong nước có khoảng 14 nhà máy xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế là 21.5 triệu tấn/năm, 55 cơ sở xi măng lò đứng, lò quay chuyển đổi, tổng công suất thiết kế 5 triệu tấn/năm và một số trạm nghiền độc lập với tổng công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm, khoảng 18 triệu tấn xi măng được sản xuất từ nguồn clinker trong nước (ứng với 14.41 triệu tấn clinker).
Hiện Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới thuế nhập khẩu xi măng sẽ giảm chỉ còn từ 0% - 5%, khi đó các doanh nghiệp xi măng sẽ phải đối mặt trực tiếp với xi măng nhập khẩu từ các quốc gia khác và sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt về giá của xi măng nhập khẩu.
c. Đặc điểm về thị trường
Miền Trung được đánh giá như một vùng trũng kinh tế nếu so sánh với việc phát triển kinh tế ở hai đầu đất nước. Song với lãnh đạo công ty thì miền Trung chính là nơi có những tiềm năng phát triển kinh tế, là nơi có nhiều cơ hội cho những hoạt động đầu tư. Miền Trung và Tây Nguyên là một thị trường đầy tiềm năng, khi mà nền cơ sở hạ tầng chưa thật sự phát triển thì đây cũng chính là cơ hội cho việc mở rộng tiêu thụ đối với sản phẩm vật liệu xây dựng. Mức cầu về xi măng ngày một tăng cao, bởi những nguyên nhân chủ yếu là khu vực này đang có nhiều dự án phát triển các khu đô thị tại Đà Nẵng, Quảng Nam, khu công nghiệp kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Dung Quất, các dự án phát triển thủy điện ở Tây Nguyên…