CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
1.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
1.1.1.1. Công nghiệp
Công nghiệp là một trong những ngành sản xuất vật chất có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư: Công nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất mà sản phẩm được "chế tạo, chế biến" cho nhu cầu tiêu dùng hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh tiếp theo. Đây là hoạt động kinh tế, sản xuất quy mô lớn, được sự hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ của các tiến bộ về công nghệ, khoa học và kỹ thuật.
Theo Từ điển Tiếng Việt: Công nghiệp (hoặc kỹ nghệ) là toàn thể những hoạt động kinh tế nhằm khai thác các tài nguyên và các nguồn năng lượng và chuyển biến các nguyên liệu – gốc động vật, thực vật hay khoáng vật thành sản phẩm.
Như vậy, công nghiệp bao gồm những hoạt động sản xuất, bắt đầu từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, tách đối tượng lao động ra khỏi thiên nhiên và hoạt động chế biến các tài nguyên có được từ khai thác, làm thay đổi hoàn toàn về chất các nguyên liệu ban đầu, biến chúng thành những sản phẩm tương ứng hoặc nguồn nguyên liệu tiếp theo để sản xuất ra các sản phẩm khác phục vụ nhu cầu đa dạng của con người.
Hoạt động công nghiệp vô cùng phong phú và đa dạng, có rất nhiều cách phân loại khác nhau. Ở một số quốc gia như Việt Nam và Nhật Bản, công nghiệp bao gồm:
- Khai thác khoáng sản, than, đá và dầu khí;
- Chế biến, chế tạo (kể cả chế biến thực phẩm, gỗ);
- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước;
- May mặc, đồ dụng gia đình;
- Chế biến, sản xuất các chất hóa chất cần thiết.
Đại học kinh tế Huế
1.1.1.2. Tiểu thủ công nghiệp
Trong lịch sử phát triển các ngành kinh tế trên thế giới, có nhiều quan điểm về tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp hay còn gọi chung là tiểu thủ công nghiệp (Tiếng Anh: micro and small - scale enterprise). Tùy theo điều kiện, bối cảnh lịch sử và đặc điểm của mỗi vùng lãnh thổ nhất định, các nhà kinh tế học đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ đó mỗi nước đã có những định hướng và cách nhìn nhận về phát triển tiểu thủ công nghiệp phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam trong chính cương của Đảng lao động Việt Nam (1951) lần đầu tiên nói đến thuật ngữ công nghiệp, thủ công nghiệp, ban đầu thuật ngữ này là công dụng, mặc dù các văn bản chính thức của Nhà nước chỉ dùng chung một thuật ngữ
“thủ công nghiệp” nhưng đều hiểu rằng nó bao hàm cả công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhiều ngành nghề trước đây chủ yếu làm bằng tay, sử dụng các công cụ thô sơ. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật con người đã biết sử dụng máy móc thiết bị vào nhiều khâu, công đoạn trong sản xuất thủ công nghiệp, chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu đề xuất ý kiến nên bỏ thuật ngữ “thủ công nghiệp” mà dùng thuật ngữ “tiểu công nghiệp”.
Có quan niệm cho rằng; ngành nghề TTCN là ngành sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo của con người, các sản phẩm thủ công được sản xuất theo tính chất phường hội, mang bản sắc truyền thống và có những bí quyết công nghệ riêng của từng nghề, từng vùng. Quan niệm này mang tính cổ điển. Trong điều kiện hiện nay, do trình độ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, trên thế giới đã trải qua nhiều cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật; cơ khí hóa, điện khí hóa, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc đưa máy móc thiết bị vào trong sản xuất TTCN là tất yếu, một số công đoạn sản xuất được đưa máy móc thiết bị vào thay cho lao động thủ công để nâng cao năng suất lao động, vì vậy những ngành sản xuất có tính chất như trên được gọi là sản xuất TTCN.
Thuật ngữ tiểu thủ công nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Thuật ngữ trên ra đời để chỉ một nền sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ, không dùng máy móc hoặc dùng máy móc có công suất thấp
Đại học kinh tế Huế
ở một số công đoạn sản xuất đã có từ trước và cũng để phân biệt với nền sản xuất công nghiệp cơ khí hiện đại tư bản chủ nghĩa đang trên đà phát triển.
Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cũng đã đề nghị thay thế khái niệm nghề thủ công (handicraft) bằng khái niệm công nghiệp truyền thống (traditional industry). Như vậy đã chứng tỏ rằng ngành nghề TTCN cũng là mối quan tâm của nhiều tổ chức. Phát triển ngành nghề TTCN là một hướng đi cơ bản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thêm nữa, nghề thủ công là nơi gặp gỡ của nghệ thuật và kỹ thuật. Từ điển bách khoa của nhà xuất bản Mac Milan Conpany đã viết: “TCN vừa là một cách thức sản xuất có tính chất công nghiệp, vừa là một dạng hoạt động có tính chất mỹ thuật”. Như vậy ngành nghề TTCN còn là một trong những nơi lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc một cách đầy đủ và tinh tế nhất.
Căn cứ theo Quyết định số 132/2000/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn ngày 24/11/2000 thì Sản xuất TTCN được quy định trong quyết định này bao gồm:
- Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí;
- Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn,...
Ngành nghề TTCN ở Việt Nam thường được phát triển trong các thôn, làng, xã và đươc gọi là làng nghề. Làng nghề ở Việt Nam có bề dày lịch sử lâu đời, nhưng nhìn chung thì quy mô sản xuất nhỏ, lao động thủ công là chủ yếu và lực lượng lao động làng nghề thường mang tính chất gia đình, không được đào tạo mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cha truyền con nối.
Ngành nghề TTCN truyền thống: là những ngành nghề phi nông nghiệp phát triển tới mức trở thành nguồn sống chính hoặc nguồn thu nhập quan trọng của người dân làm nghề, là ngành nghề TTCN có từ thời thuộc pháp còn tồn tại đến nay (nghĩa là từ khi hình thành đến nay khoảng 100 năm trở lên), kể cả những nghề được cải tiến hoặc sử dụng những máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất nhưng vẫn tuân thủ những công nghệ truyền thống. Ngành nghề TTCN mới: là những ngành
Đại học kinh tế Huế
nghề phi nông nghiệp mới được hình thành do phát triển từ các ngành nghề truyền thống hoặc tiếp thu những nghề mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội phát sinh.
Theo một số tác giả mới nghiên cứu về ngành nghề TTCN gần đây có định nghĩa về ngành nghề TTCN như sau: “ngành nghề TTCN bao gồm những nghề TTCN có từ thời Pháp thuộc còn tồn tại đến nay, kể cả những nghề được cải tiến hoặc sử dụng những loại máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất nhưng vẫn tuân thủ công nghiệp truyền thống và những nghề mới xuất hiện do sự nảy sinh hoặc du nhập từ nước ngoài vào nhưng đã thể hiện được trình độ đặc biệt của dân tộc Việt Nam”.
Tóm lại, tiểu thủ công nghiệp là ngành công nghiệp mà sản phẩm làm ra chủ yếu bằng thủ công với quy mô nhỏ. Ở đó, hệ thống công cụ lao động thô sơ đã được cải tiến và thay thế bằng một phần máy móc mang tính chất công nghiệp có quy mô nhỏ (bao gồm các hộ, cơ sở sản xuất mang tính chất công nghiệp quy mô nhỏ, trang bị máy móc hoặc thủ công). Trong quá trình hoạt động, các nguồn lực được sử dụng như lao động, vốn, tài nguyên...để sản xuất ra nhiều loại mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội và sản xuất của nhiều ngành kinh tế khác nhau.
1.1.2. Phát triển tiểu thủ công nghiệp
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì “Phát triển được hiểu như một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật. Quá trình đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt, đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Quan điểm này cũng được cho rằng, sự phát triển là quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, là quá trình diễn ra theo đường xoáy ốc và hết mỗi chu kỳ sự vật lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở cấp độ cao hơn”.
Phát triển TTCN là hoạt động thu hút nhiều người dân tham gia vào sản xuất TTCN, nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của các cư dân nông thôn. Đồng thời, phát triển TTCN cũng là quá trình thực hiện CNH - HĐH nông thôn nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống thông qua việc ứng dụng khoa hoc và công nghệ. Một số quan niệm cho rằng, phát triển TTCN sẽ góp phần nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người dân nông thôn thông qua việc sử dung có hiệu quả các nguồn nhân tài vật lực của địa phương.
Đại học kinh tế Huế
Phát triển ngành nghề TTCN là đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, đảm bảo sức khoẻ của người dân và lao động làm nghề, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra cơ sở vật chất vững mạnh, cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng CNH nông thôn trên cơ sở giải quyết tốt việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn tiến lên một nền văn minh hiện đại hơn.