Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
3.2. Các biện pháp quản lý hoạt động dạy học ngoại ngữ của nhà trường
3.2.2. Tăng cường quản lý hoạt động tổ chuyên môn ngoại ngữ
3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp
Thông qua hoạt động tổ chuyên môn, thực hiện tốt nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên, bám sát thường xuyên việc
kiểm tra thực hiện kế hoạch giáo viên, nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của giáo viên nhằm có biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng dạy học.
3.2.2.2. Nội dung và cách thực hiện biện pháp
Để những hoạt động của tổ chuyên môn vào nề nếp, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chuyên môn, nhà quản lý yêu cầu tổ chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ:
- Xây dựng kế hoạch chung của tổ theo học kỳ - Tổ chuyên môn thực hiện kế hoạch năm học.
- Kiểm tra, đánh giá hoạt động tổ chuyên môn.
Kế hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tổ chuyên môn, giúp cho mọi thành viên của tổ định hướng được nội dung chương trình dạy học cho cả năm học. Việc thành lập kế hoạch giúp cho tổ chuyên môn tránh được sự tuỳ tiện trong việc thực hiện quy chế sinh hoạt chuyên môn, trong việc chỉ đạo nội dung chương trình, dự kiến được khả năng thực hiện chương trình.
Kế hoạch giúp nhà quản lý kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tổ chuyên môn.
Việc thiết lập kế hoạch của tổ phải dựa trên những chủ trương của nhà trường, những thuận lợi, khó khăn hiện có ảnh hưởng đến hoạt động của tổ.
Kế hoạch hoạt động tổ môn phải đảm bảo các yêu cầu:
- Thể hiện và cụ thể hoá được mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ và của nhà trường về hoạt động chuyên môn.
- Phải phù hợp thực tế của nhà trường, phù hợp với các cá nhân trong tổ: Bố trí công việc cho mỗi giáo viên phải khoa học, đảm bảo chất lượng, công bằng, phát huy tối đa năng lực từng thành viên trong tổ.
- Phải cụ thể rõ ràng về các mục tiêu phấn đấu, thời gian thực hiện và được tập thể nhất trí cao.
Tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng kế hoạch, các chỉ tiêu và biện pháp cụ thể. Trên cơ sở đó, tổ hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân phù hợp, kế hoạch tổ chức bộ môn.
Yêu cầu các giáo viên phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ như nề nếp kỷ cương dạy học, việc thực hiện chương trình, soạn bài, giờ lên lớp, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh - sinh viên.
Tổ chuyên môn thực hiện kế hoạch:
Tổ trưởng tổ môn có nhiệm vụ truyền đạt, giao công việc cụ thể cho từng cá nhân trong tổ căn cứ vào tình hình thực tế của tổ chuyên môn và theo yêu cầu nguyện vọng của cá nhân, căn cứ vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, tham khảo nguyện vọng của học sinh - sinh viên.
Các cá nhân trong tổ có trách nhiệm thực hiện những công việc được giao một cách nghiêm túc, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì cần phản ánh lại ngay với tổ môn để có những biện pháp khắc phục kịp thời khi gặp những vướng mắc (trong trường hợp tổ môn không thể giải quyết).
Tăng cường duy trì sinh hoạt tổ chuyên môn hàng tuần, hàng tháng để nắm bắt kịp thời những thông tin về đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách, những nội dung, quy định... của ngành, Bộ, Nhà nước, của Đảng, của nhà trường...
Thông qua các buổi sinh hoạt giáo viên có cơ hội trao đổi, thảo luận về kiến thức chuyên môn, phương pháp dạy học cũng như các nghiệp vụ khác.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự giờ của tổ môn. Bởi thông qua hoạt động này, giáo viên sẽ học hỏi lẫn nhau và rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học cũng như kiến thức chuyên môn.
Kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ chuyên môn.
Khoa trực tiếp quản lý tổ môn sẽ là đơn vị đầu tiên kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ chuyên môn. Việc kiểm tra được tiến hành định kỳ hoặc đột
xuất. Sau khi kiểm tra, cán bộ khoa đánh giá, yêu cầu họp tổ để trao đổi rút kinh nghiệm và đề ra cách thức cũng như hướng phấn đấu tốt hơn, chất lượng hơn cho tổ môn. Ngoài khoa quản lý, các đơn vị khác nhau Ban thanh tra giáo dục, Phòng Đào tạo hoặc Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng có thể kiểm tra đột xuất hoạt động của tổ chuyên môn. Việc đánh giá kết quả hoạt động của tổ môn sẽ làm cơ sở bình xét thi đua của mỗi cá nhân, của tập thể khoa, tổ môn vào các đợt thi đua của nhà trường. Kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ môn nghiêm túc, thường xuyên sẽ làm tăng ý thức trách nhiệm thực hiện kế hoạch của tổ môn.