Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
3.3. Mối quan hệ giữa các biện pháp đề xuất
Các biện pháp nêu trên là kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực trạng công tác quản lý dạy học ngoại ngữ đáp ứng mục tiêu đào tạo của trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 2 trong xu thế
hội nhập. Các biện pháp có quan hệ mật thiết với nhau tạo thành một thể thống nhất để quản lý dạy học ngoại ngữ tại nhà trường đạt hiệu quả cao nhất.
Biện pháp 1: Tổ chức tuyên truyền tạo động lực cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học ngoại ngữ.
Biện pháp này rất quan trọng vì nhận thức đúng thì hoạt động đúng.
Thực hiện được biện pháp này sẽ tạo ra được tâm thế, đề cao được tinh thần trách nhiệm của người giáo viên đối với việc dạy học ngoại ngữ, tạo ra tính tích cực chủ động trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng thời biện pháp này cũng góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh - sinh viên trong nhà trường về việc học ngoại ngữ, giúp các em thêm say mê môn học và có ý thức học tập tốt hơn.
Biện pháp 2: Tăng cường quản lý hoạt động tổ chuyên môn ngoại ngữ.
Hoạt động chuyên môn là hoạt động quan trọng nhất trong các nhà trường. Hoạt động này có vai trò góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Tổ chuyên môn là nơi thể nghiệm, thực hiện mọi hoạt động của tổ, là nơi trực tiếp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của giáo viên về dạy học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập. Do đó, tăng cường quản lý hoạt động của tổ môn là việc không thể thiếu trong nhà trường hiện nay.
Biện pháp 3: Phát triển và tăng cường bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ tại nhà trường.
Biện pháp này rất quan trọng. Chúng ta đã xác định giáo viên là nhân tố cơ bản quyết định giáo dục nói chung và chất lượng dạy học nói riêng. Chính vì vậy thông qua Biện pháp 1 mọi cán bộ giáo viên đã nhận thức đúng về việc dạy học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập. Muốn thực hiện tốt, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ thì các giáo viên cần phải được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ mới đáp ứng được nhu cầu cần được đào tạo của học sinh - sinh viên nhà trường hiện nay.
Biện pháp 4: Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung ngoại ngữ chuyên ngành vào giảng dạy cho phù hợp với đặc điểm đào tạo của trường nghề.
Đây là một biện pháp đảm bảo việc dạy học ngoại ngữ đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà trường hiện nay, nghĩa là đào tạo những công nhân, cử nhân, kỹ sư có tay nghề cao, có đầu óc tư duy sáng tạo, ý thức, tác phong và năng lực thực hành. Ngoài ra còn biết vận dụng kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành trong việc sau này.
Biện pháp 5: Chỉ đạo việc áp dụng những phương pháp dạy học ngoại ngữ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Biện pháp này bắt buộc mọi giáo viên phải thực hiện. Do đó đòi hỏi bản thân giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng khai thác và sử dụng các thiết bị dạy học.
Biện pháp 6: Tăng cường sự hợp tác Quốc tế trong đào tạo để giáo viên và học sinh có thêm nhiều cơ hội sử dụng, nâng cao vốn ngoại ngữ.
Đây là một biện pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện giảng dạy ngoại ngữ tại nhà trường trong xu thế hội nhập hiện nay. Hợp tác Quốc tế tạo thêm cơ hội cho giáo viên và học sinh sinh viên cọ sát trau dồi, bồi dưỡng, rèn luyện vốn ngọai ngữ của mình.
Nghĩa là việc này giúp giáo viên nâng cao thêm trình độ, đòi hỏi tự bản thân giáo viên, học sinh, sinh viên phải học tập thêm mới đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi trong quá trình hợp tác Quốc tế. Đồng thời, qua qua quá trình đó sẽ nâng cao ý thức giảng dạy, học tập bộ môn ngoại ngữ.
Biện pháp 7: Nâng cao và khai thác hiệu quả các trang thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ.
Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện công tác giảng dạy, nhất là bộ môn ngoại ngữ càng đòi hỏi những trang thiết bị phù hợp, hiện đại như đầu đĩa, đài Cassette, máy tính, máy chiếu... sẽ phát huy tối đa hiệu quả dạy và học của giáo viên và học sinh, sinh viên. Việc trang bị, nâng cấp phải đi liền
kèm theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng CSVC - TBDH đội ngũ giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, hoặc kỹ năng khai thác, sử dụng TBDH.
Biện pháp 8: Thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy bộ môn ngoại ngữ.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện những biện pháp nêu trên cần phải tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy của bộ môn.
Kiểm tra để thấy được giáo viên, học sinh - sinh viên đã nhận thức đúng tầm quan trọng của ngoại ngữ chưa, để từ đó có hành động đúng, giảng dạy và học tập. Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng của bộ môn sẽ phản ánh trình độ chuyên môn hiện có của giáo viên, trình độ chuyên môn hiện có của giáo viên, tình hình áp dụng PPDH vào giảng dạy, tình hình hợp tác Quốc tế cũng như hiệu quả của việc nâng cấp, khai thác hiệu quả của các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ.
Nói tóm lại, muốn quản lý tốt hoạt động dạy học ngoại ngữ đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà trường hiện nay thì cần phải thực hiện đầy đủ đồng bộ các biện pháp đã nêu trên, vì các biện pháp có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau, tạo lên sự đồng bộ và thống nhất.