Phát triển số lượng và tăng cường bồi dưỡng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ tại nhà trường

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học ngoại ngữ tại trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 2 Hải Phòng (Luận văn thạc sĩ) (Trang 82 - 86)

Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI

3.2. Các biện pháp quản lý hoạt động dạy học ngoại ngữ của nhà trường

3.2.3. Phát triển số lượng và tăng cường bồi dưỡng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ tại nhà trường

3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp

Phát triển, bồi dưỡng là một trong những công tác vô cùng quan trọng, có ý nghĩa nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng nhằm bổ sung cập nhật, đào tạo tiếp tục và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên nhằm mục đích đáp ứng tối đa cho yêu cầu, mục tiêu đã đề ra, khắc phục những hạn chế, thiếu sót về mặt quan điểm, nội dung phương pháp dạy học. Giáo viên có thêm cơ hội cập nhật kiến thức, những tiến bộ của khoa học công nghệ. Phát triển đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu về đào tạo được mở rộng hiện nay của nhà trường. Với số lượng học sinh sinh viên có nhu cầu được đào tạo ngày càng cao, vì vậy nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng là điều tất yếu.

3.2.3.2. Nội dung và cách thực hiện biện pháp

Bồi dưỡng cho giáo viên phải thể hiện được chủ yếu những mặt cơ bản sau:

+ Có tâm: Yêu nghề, yêu quý học sinh - sinh viên, có khả năng hoà đồng, giúp đỡ đồng nghiệp, có tinh thần cộng tác, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

+ Có trí thức: Giỏi nghề, năng động, sáng tạo.

+ Có kỹ năng: Có khả năng vận dụng thành thạo những tri thức chuyên môn vào hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học.

+ Có phương pháp khoa học: Làm việc theo khoa học, tổ chức tốt các hoạt động một cách khoa học.

+ Có sức khoẻ để đảm bảo thực hiện tốt công việc.

- Trước hết, nhà quản lý có kế hoạch bồi dưỡng về chuyên môn cho giáo viên. Bởi muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Người thầy giỏi phải thể hiện đầu tiên là giỏi về tri thức. Nhà quản lý phải căn cứ vào yêu cầu về năng lực giáo viên của nhà trường hiện nay. Trong xu thế hội nhập, xã hội ngày càng đi lên đòi hỏi các giáo viên không ngừng rèn luyện, phấn đấu tự bồi dưỡng và được bồi dưỡng. Tiếp đó, nhà quản lý phải căn cứ vào trình độ hiện có của giáo viên, căn cứ vào kế hoạch giảng dạy của giáo viên, căn cứ vào những điều kiện khác như lứa tuổi, điều kiện về gia đình, nhu cầu được bồi dưỡng của bản thân mỗi giáo viên...

Tổ chức các lớp bồi dưỡng tại trường cho giáo viên bằng cách mời các chuyên gia nước ngoài, các giảng viên ở các trường đại học, học viện. Ngoài ra, nhà trường có thể liên kết đào tạo với một số trường đào tạo của nước ngoài để gửi số giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn. Nhà trường cần tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên đi học. Song bên cạnh đó, nhà trường cũng phải có những yêu cầu cụ thể về kết quả mà các giáo viên cần phải đạt sau khi tham dự những lớp bồi dưỡng đó để nâng cao tinh thần trách nhiệm việc học tập bồi dưỡng của giáo viên.

Nhà quản lý khuyến khích các giáo viên tự học, tự bồi dưỡng như học chuyên môn trực tuyến qua hệ thống mạng máy tính.

Nhà trường hỗ trợ kinh phí để tổ môn, khoa mua các tài liệu giảng dạy cho giáo viên tự học.

- Các giáo viên cần phải bồi dưỡng về các kỹ năng như:

+ Bồi dưỡng kỹ năng dạy học trên lớp, kỹ năng hướng dẫn học sinh- sinh viên hoạt động, kỹ năng tạo tình huống có vấn đề, kỹ năng thực hành, kỹ năng ra đề kiểm tra theo kiểu trắc nghiệm, trắc nghiệm tự luận.

+ Bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng soạn bài.

+ Bồi dưỡng và rèn luyện các kỹ năng chung mang tính công cụ như kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học, kỹ năng khai thác thông tin trên mạng, kỹ năng tham gia hội thi nghiên cứu tài liệu...

Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các giáo viên trong toàn trường. Các giáo viên có cơ hội thấy được những cái hay, cái tốt, hữu ích của những bài giảng giỏi, tiết dạy hay của trường hay thành phố, quốc gia. Nhà trường có thể mời những chuyên gia về lĩnh vực phương pháp dạy học để tư vấn, bồi dưỡng cho giáo viên các kỹ năng dạy học, soạn bài. Khoa và tổ môn thường xuyên lên kế hoạch dự giờ để trao đổi, rút kinh nghiệm giảng dạy.

Để giáo viên sử dụng thành thạo và khai thác hiệu quả các phương pháp và thiết bị dạy học hiện đại vào dạy học, nhà trường cần có kế hoạch cho giáo viên học và tự học các lớp vi tính. Cần có cơ chế khen thưởng rõ ràng, thích đáng nhằm khuyến khích giáo viên ngoại ngữ và các giáo viên khác tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

3.2.4. Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung ngoại ngữ chuyên ngành vào giảng dạy cho phù hợp với đặc điểm đào tạo của trường nghề

3.2.4.1 Mục tiêu của biện pháp

Nhằm đề cao vai trò và tầm quan trọng của ngoại ngữ chuyên ngành trong xã hội hiện nay, đồng thời khuyến khích, thu hút các em học sinh - sinh

viên vào các nội dung ngoại ngữ chuyên ngành, nhà quản lý cần chỉ đạo việc áp dụng những nội dung đó vào trong chương trình giảng dạy chính thức tại nhà trường.

3.2.4.2. Nội dung và cách thực hiện biện pháp

Nội dung ngoại ngữ chuyên ngành bao gồm những từ, cụm từ thông tin chỉ đặc điểm của từng nghề. Trên cơ sở một số nghề đã có chỉ đạo chương trình khung của Bộ như ngành ngành Công nghệ thông tin thì các nghề đào tạo về kỹ năng tại nhà trường như Vỏ tàu thuỷ, Hàn, Điện công nghiệp, Cơ khí, Động lực... vẫn cơ bản là những nội dung ngoại ngữ kỹ thuật tổng hợp cho các nghề.

Như chúng ta đã phân tích ở Chương 2 về thực trạng lồng ghép và áp dụng nội dung ngoại ngữ chuyên ngành vào trong giảng dạy thì khó khăn lớn nhất đối với giáo viên ngoại ngữ đó chính là sự hiểu biết về từng nghề. Do đó nhà quản lý cần có kế hoạch chỉ đạo tổ môn bồi dưỡng kiến thức về nghề, đi khảo sát thực tế tại các xưởng trong và ngoài nhà trường. Tổ môn yêu cầu có các chuyên gia, kỹ sư thuyết minh và tư vấn trong quá trình đi thực tế. Các đồng chí giáo viên phải ghi chép và tổng hợp, phân tích những nội dung đó, sau đó chọn lọc những nội dung nào cần đưa vào giảng dạy chuyển sang ngoại ngữ khác là chủ yếu.

Một con đường khác mà các giáo viên có thể khai thác đó là đọc tài liệu kỹ thuật chuyên ngành hoặc khai thác thông tin qua mạng. Bởi vậy nhà trường phải cung cấp nguồn tài liệu đó cho các giáo viên hoặc giáo viên có thể tự sưu tầm và tự khai thác.

Điều quan trọng nữa đó là nhà quản lý phải biết chỉ đạo tổ môn giảng dạy khối lượng ngoại ngữ chuyên ngành bao nhiêu là phù hợp (nghĩa là nhà quản lý và giáo viên cần trao đổi để giới hạn các nội dung đó).

Các giáo viên nên dạy thử những nội dung chuyên ngành đó và có sự bổ sung, hiệu chỉnh kịp thời ở những khoá học sau.

Nhà quản lý chỉ đạo các giáo viên tăng cường kiểm tra học sinh - sinh viên những nội dung ngoại ngữ chuyên ngành thông qua kiểm tra hàng ngày kiểm tra hết môn nhằm giúp các em thấm nhuần, ngấm lượng kiến thức đó.

Và cuối cùng cần phải lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với những nội dung ngoại ngữ chuyên ngành đó mới cuốn hút được các em học sinh - sinh viên vào trong học tập.

Có như vậy, nghĩa là nhà quản lý cũng như các giáo viên đã góp phần giúp các em trang bị cho mình hành trang kiến thức phục vụ công việc cũng như cuộc sống sau này của các em.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học ngoại ngữ tại trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 2 Hải Phòng (Luận văn thạc sĩ) (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)