Chương 3. CÁC BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN TRƯỜNG MẦM NON LÝ THÁI TỔ 2, QUẬN CẦU GIẤY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG BỐI CẢNH ĐỐI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY
3.2. Các biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên mầm non trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay
3.2.4. Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non
a) Sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên.
- Sử dụng giáo viên đúng chuyên ngành đào tạo, đúng chức danh, phân công công việc phù hợp với năng lực sở trường của mỗi người.
- Sử dụng đúng chuyên ngành đào tạo được thể hiện ở việc phân công giáo viên đảm nhiệm lớp vào đầu năm học mới. Việc phân công giáo viên đúng với nghiệp vụ, sở trường sẽ giúp GV có điều kiện thuận lợi trong việc vận dụng phát huy kiến thức đã được đào tào và năng lực của bản thân để làm tốt công việc của mình.
- Việc phân công chức danh ở trường MN chỉ dành cho vai trò người tổ trưởng khối tuổi, đòi hỏi phải tuân thủ các quy định của ngành, người giáo viên được chọn làm tổ trưởng phải có trình độ và phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng, sáng tạo trong công việc, có uy tín trong tập thể sư phạm và phụ huynh.
- Về việc sử dụng phân công những giáo viên lớn tuổi (trên 45 tuổi):
Đối với những giáo viên trong độ tuổi này, họ là những người từng trải và tích lũy được nhiều kinh nghiệm cả trong đường đời lẫn trong nghề nghiệp, họ có
nhiều thành tích và uy tín trong chăm sóc giáo dục trẻ. Tuy nhiên ở độ tuổi này, do bắt đầu xuất hiện những hạn chế về tuổi tác, về sức khỏe, về độ dẻo dai linh hoạt, bên cạnh việc ngại học tập đổi mới phương pháp giảng dạy…nên cần có kế hoạch làm việc với các đối tượng này thì phải công khai việc phân công trong hội đồng sư phạm để đảm bảo phù hợp với từng người vừa không bị ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả chuyên môn của nhà trường.
- Việc lựa chọn và phân công những giáo viên dạy các lớp 5 tuổi cần lưu ý hơn bởi đây là khối đầu ra của nhà trường. Trẻ 5 tuổi ngoài việc cần phát triển cả 5 lĩnh vực như các lứa tuổi khác còn rất cần được chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp 1. Những giáo viên dạy các lớp này cần phải là những giáo viên có trình độ trên chuẩn, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực sư phạm vượt trội, có sự hiểu biết sâu sắc về tâm sinh lý của trẻ 5 tuổi, có sự sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động học tập cho trẻ nhằm phát huy những tố chất học tập cho mỗi cá nhân trẻ.
b) Sử dụng giáo viên phải gắn liền với bồi dưỡng phát triển giáo viên về mọi mặt
- Sử dụng đội ngũ GVMN như sử dụng một nguồn lực lao động đặc biệt đáng trân trọng. Bởi vì chính họ có trình độ đào tạo cơ bản chuẩn nên việc bồi dưỡng đào tạo trên chuẩn cho ĐNGV phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý ĐNGV của từng trường.
- Xây dựng ĐNGV đầu đàn và lực lượng kế cận.
- Tạo điều kiện cho các giáo viên được tiếp xúc gần gũi và hiểu biết lẫn nhau về hoàn cảnh, năng lực, cá tính lẫn nhau (tổ chức tọa đàm, lễ hội, picnic…)
- Tổ chức nhiều hoạt động để tạo cơ hội cho GV hợp tác trong công việc đó cũng là dịp để giáo viên đóng góp công sức của mình cho tổ nhóm, càng thêm gắn bó với trường, góp phần xây dựng nên những thành công và nét truyền thống của trường.
- Phát huy khả năng những giáo viên có thâm niên công tác, có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong chăm sóc giáo dục trẻ, được đồng nghiệp tín nhiệm, có đạo đức tác phong mẫu mực…nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn có thể giúp đỡ những GV trẻ mới vào nghề, sẽ là tấm gương mẫu mực để GV trẻ noi theo và phấn đấu.
- Bồi dưỡng những GV trẻ chưa có thâm niên nhưng sớm bộc lộ khả năng chuyên môn, có ý thức học tập vươn lên, có năng lực tìm tòi sáng tạo trong công việc và biết tôn trọng người đi trước từ đó sự thi đua và yêu cầu cao đối với nhau được nảy sinh.
- Chọn trong số GV trẻ có năng lực, tuổi từ 30-40, có trình độ trên chuẩn, nổi trội về năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm, có nghiệp vụ sư phạm cũng như năng lực huy động tập hợp đồng nghiệp, có tố chất thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo để bồi dưỡng, cử đi học các lớp khoa học quản lý, quản lý giáo dục.
- Giao nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực công việc khác nhau để GV có cơ hội phấn đấu thử thách và trưởng thành. Giao cho họ đảm nhiệm những vị trí, những hoạt động phức tạp đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự hợp tác cao để tạo điều kiện rèn luyện, khẳng định năng lực cũng như tích lũy kinh nghiệm và khẳng định uy tín trong tập thể.
c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên
* Hình thức đào tạo, bồi dưỡng
- Chọn cử đi học với hình thức cuốn chiếu - gửi số giáo viên có quá trình công tác lâu năm, có thành tích cống hiến cho trường đi học trước.
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo cho đội ngũ giáo viên theo khả năng của từng đơn vị theo từng năm học cho tất cả giáo viên biên chế và hợp đồng.
* Bồi dưỡng ban đầu cho giáo viên mới tuyển.
- Bồi dưỡng cho giáo viên về công tác tổ chức để GV nắm được vai trò, trách nhiệm, quyền lợi cơ hội của giáo viên trong trường mầm non nhằm giúp
họ có ý thức tích cực rèn luyện, tích lũy và phấn đấu xây dựng nghề nghiệp bản thân một cách tốt nhất.
- Bồi dưỡng về lý luận giáo dục để người GV mới tuyển có thể tiếp cận, vận dụng tốt những kiến thức đổi mới về quan điểm, nguyên tắc, phương pháp khi lên lớp.
- Bồi dưỡng về cách quản lý hoạt động trên lớp, hoạt động vui chơi ngoài trời, về các quy trình chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả tốt nhất.
- Bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm, nguyên tắc ứng xử với trẻ, với phụ huynh, với đồng nghiệp.
+ Bồi dưỡng thường xuyên về trình độ chuyên môn.
- Bồi dưỡng cập nhật trí thức mới: Tổ chức và tạo điều kiện cho tất cả giáo viên học tập bồi dưỡng lý thuyết, thực hành, phát huy khả năng tự học tập nghiên cứu chương trình GDMN mới.
- Bồi dưỡng kiến thức thực tiễn hoạt động giáo dục: Cử giáo viên nòng cốt đi học các khóa bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ do Sở giáo dục, Phòng GD
&ĐT, các trường ĐH,CĐ tổ chức.
- Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm ở trường bạn, quận bạn, thành phố bạn thường xuyên và định kỳ. Điều đó vừa giúp GV tiếp cận phương pháp mới, kỹ năng ứng dụng thực hành mới, vừa giúp GV kiểm nghiệm, tích lũy kiến thức, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau từ đó người giáo viên càng có thêm kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ.Vì vậy, hiệu trưởng phải thực sự quan tâm trong chỉ đạo đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ để nâng cao chất lượng chung của nhà trường.
* Bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ sư phạm.
- Xác định năng lực sư phạm là một trong những tiêu chí chủ yếu để đánh giá người giáo viên.
- Tập trung vào bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ: Kỹ năng giao tiếp với trẻ, biết cách phát huy tính tích cực tìm tòi
khám phá trải nghiệm của trẻ; kỹ năng soạn bài, khai thác thông tin, kỹ năng sử dụng hiệu quả đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học hiện đại và kỹ năng tự bồi dưỡng chuyên môn và có khả năng tham gia làm đồ dùng đồ chơi.
* Bồi dưỡng kiến thức tin học.
Bằng các nội dung và hình thức sau:
- Tổ chức lớp học tin học cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp, ứng dụng CNTT trong thiết kế giáo án điện tử để theo kịp sự phát triển của giáo dục mầm non hiện đại.
- Thúc đẩy GV phải tiếp cận với CNTT với những tác dụng đa dạng của máy tính: Tổ chức hội thi thiết kế giáo án, tìm kiếm tư liệu thông tin, thiết kế trò chơi học tập trên máy tính…để nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của trẻ.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi nghiệp vụ giữa các giáo viên với nhau, sử dụng các phương tiện hiện đại trong các hoạt động này nhằm mở rộng tầm giao tiếp, quan hệ và tầm nhìn của GVMN về công nghệ hiện đại.
- Tổ chức liên kết hoạt động sưu tầm, cập nhật thông tin mới, phim ảnh dành cho trẻ ở trên Internet, các trang Web về GDMN, những địa chỉ có ích liên quan đến ngành nghề…làm tăng thêm hiểu biết, tăng thêm sự tự tin, thúc đẩy giáo viên tích cực tự bồi dưỡng chuyên môn để tự khẳng định bản thân.
* Bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống.
- Tổ chức nghe thời sự, học chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng cộng sản, về đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Luật giáo dục, Điều lệ trường mầm non, Quy chế của ngành.
- Gửi giáo viên đi học các lớp chính trị ở các trường đào tạo cán bộ (Trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị)…nhằm có được sự định hướng đúng đắn cho các hoạt động học tập, rèn luyện nhân cách của giáo viên để họ có nhận thức đúng về nghề nghiệp, về lối sống, tác phong làm việc…
* Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ GV dạy lớp 5 tuổi.
- Với đội ngũ GV dạy những lớp 5 tuổi, ngoài những yêu cầu chung cần có những phẩm chất đặc thù khác cho nên hiệu trưởng cần lưu tâm bồi dưỡng cho họ những kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ 5 tuổi: Tổ chức kiến tập những hoạt động điển hình, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với những giáo viên dạy lớp 1, tập huấn về bộ chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi…