CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN
1.3. NGUYÊN NHÂN CỦA HÀNH VI GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN
* Thứ nhất, do mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp
Đối với các DN, lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu khi tham gia các hoạt
động kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động thương mại quốc tế bởi vì nó duy trì toàn bộ sự sống của DN và là động lực kinh doanh. Muốn có lợi nhuận cao, các DN phải luôn tìm cách cắt giảm một cách thấp nhất các chi phí bỏ ra, tăng lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, các nhà kinh doanh có thể sử dụng nhiều biện pháp, chiến lược đúng đắn khác nhau như tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác bán hàng… Tuy nhiên bên cạnh đó, có rất nhiều DN lại sử dụng những biện pháp, thủ đoạn phi pháp để mang lại lợi ích cho bản thân, tăng lợi thế cạnh tranh thông qua chiếm đoạt lợi ích của quốc gia, hạ thấp các khoản thuế phải nộp, hưởng lợi từ các chính sách thương mại ưu đãi. Bằng cách thực hiện các hành vi GLTM, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận. Chính lợi nhuận đã che mắt nhiều nhà kinh doanh, thúc đẩy lòng tham con người khiến họ đưa ra những quyết định vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước đang phát triển, thuế đánh vào hàng hóa NK đang chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong ngân sách của Chính phủ, số thuế mà doanh nghiệp NK hàng hóa phải nộp vào ngân sách thường khá lớn. Điều đó càng thúc đẩy DN tìm cách GLTM nhằm trốn một phần hoặc toàn bộ thuế.
* Thứ hai, ý thức bảo vệ khách hàng, người tiêu dùng trong hoạt động thương mại kém
Từ ý thức, đạo đức của thương nhân đến ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng, khách hàng trong quan hệ thương mại, nếu yếu kém sẽ là môi trường dung dưỡng các hành vi gian lận thương mại tồn tại. Ý thức của gian thương xuất phát từ bản năng muốn dành được nhiều lợi nhuận, kiếm được nhiều tiền nhất có thể; ý thức của người bị hại do hành vi gian lận thượng mại là tâm lý đấu tranh vì lẽ phải. Quốc gia, dân tộc nào có ý thức đấu tranh cho lẽ phải, sự thật, sự công bằng thì gian dối, lừa lọc khó có đất tồn tại.
* Thứ ba, sự phối hợp thiếu đồng bộ và lỏng lẻo giữa các cơ quan quản lý Công tác đấu tranh chống GLTM tiến hành thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.
Phòng chống GLTM không phải là trách nhiểm của mỗi một bên Hải quan mà là nhiệm vụ của tất cả các bên liên quan. Trên thực tế, có một số trường hợp, vì bảo vệ lợi ích cho một bộ, ban, ngành mà cơ quan quản lý bộ, ban, ngành đó từ chối chia sẻ thông tin cần thiết nhằm phát hiện và xử lý các vụ GLTM. Để có thể hoàn thành mục tiêu chống GLTM thì rất cần đến sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và có hiệu quả giữa các lực lượng chống GLTM, giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với Hải quan.
* Thứ tư, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của các cán bộ công chức Một bộ phận cán bộ có năng lực trình độ còn yếu kém, chưa được đào tạo một cách hệ thống và toàn diện về các nghiệp vụ, thao tác trong quá trình điều tra và xử lý vi phạm GLTM. Công tác tổ chức cán bộ vẫn còn yếu kém, trì trệ. Một số cán bộ quản lý không có năng lực, không được đào tạo bài bản. Năng lực trình độ kém và sự yếu kém trong quản lý, kiểm tra kiểm soát, tổ chức lực lượng khiến cho việc nắm bắt tình hình, phát hiện, đẩu tranh còn nhiều hạn chế tạo ra nhiều khe hở cho gian thương hoạt động.
Không chỉ trình độ chuyên môn chưa đủ mà phẩm chất đạo đức của nhiều cán bộ có dấu hiệu thoái hóa, biến chất, vì tư lợi mà cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, dễ bị cám dỗ, mua chuộc từ lợi ích tài chính… từ đó tiếp tay cho các hành vi GLTM. Đây là một hiện tượng hết sức tiêu cực, làm cho người dân mất niềm tin vào cơ quan nhà nước, làm cho việc phòng chống GLTM ngày càng khó khăn và phức tạp.
* Thứ năm, công tác tuyên truyền về phòng chống gian lận thương mại chưa được chú trọng.
Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống GLTM trong các ngành, các cấp và trong quần chúng nhân dân chưa được quan tâm đúng mực. Nhận thức của một số cán bộ và nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống GLTM còn rất hạn chế; nhiều địa phương, cơ quan nhà nước chưa đặt công tác chống GLTM lên đúng tầm, quản lý còn lỏng lẻo, chưa thực sự chỉ đạo thường xuyên mạnh
mẽ. Việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh hành vi vi phạm, chưa chú trọng biểu dương những việc làm tốt, chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tố giác tội phạm của tổ chức cá nhân, cộng đồng. Không ít DN vẫn còn thờ ơ, không quan tâm đến việc bảo vệ sản phẩm, vị thế của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp có hành vi GLTM, chưa chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong việc bảo vệ.
Tóm tắt chương 1
GLTM trong lĩnh vực hải quan là hành vi lừa dối, lợi dụng sơ hở của pháp luật hải quan để trốn thuế nhằm hưởng lợi nhuận bất chính. GLTM hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau. Các hình thức gian lận đã được WCO phận loại thành 16 hành vi, bên cạnh đó trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã quy định 53 hành vi được cho là GLTM trong lĩnh vực hải quan.
Sự hấp dẫn đến từ các khoản lợi nhuận bất hợp pháp là nguyên nhân cơ bản của gian lận thương mại. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ người tiêu dùng còn chưa được chú trọng, các cơ quan quản lý thiếu sự phối hợp đồng bộ, cùng với đội ngũ công chức còn thiếu trình độ chuyên môn cũng như tha hóa trong phẩm chất đạo đức, thêm vào đó là việc tuyên truyền chống GLTM tới nhân dân còn diễn ra kém hiệu quả, đã gây ra khó khăn trong việc phát hiện và xử lý hành vi GLTM. Việc gian lận thương mại vẫn đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước đã gây ra hậu quả khôn lường đối với nền kinh tế, với văn hóa xã hội và an ninh chính trị nước nhà.