CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI Ở HẢI
2.2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TẠI HẢI QUAN VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA
2.2.1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh chống gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan
2.2.1.1. Các quy định quốc tế về chống gian lận thương mại * Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)
Đây là một trong những Hiệp định quốc tế quan trọng hàng đầu liên quan đến thương mại, thuế quan và lĩnh vực hải quan.GATT được ký lần đầu vào năm 1947.
Các nước tuân thủ theo Hiệp định GATT đã thỏa thuận về "Trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu theo mục đích hải quan” và ghi nhận trong Điều 7, Hiệp định GATT những quy tắc về trị giá hải quan. Có thể tóm tắt trị giá của hàng hoá nhập khẩu phải như sau:
- Căn cứ vào trị giá thực tế của hàng hóa
- Không được dựa vào trị giá hàng hoá của nước xuất xứ hoặc trị giá áp đặt tùy tiện vô căn cứ
- Phải là mức giá mà với mức giá đó hoặc hàng hoá tương tự có thể bán trong
chu kỳ kinh doanh bình thường với điều kiện cạnh tranh lành mạnh, không có sự thông đồng giữa người mua, người bán để lập chứng từ giả làm sai lệch trị giá thực của hàng hoá nhập khẩu [29].
Để cụ thể hoá Điều 7, Hiệp định GATT phù hợp với mục đích hải quan, ngày 12-4-1979 các nước thành viên GATT đã ký Hiệp định thực hiện Điều 7 GATT thống nhất về các phương pháp xác định giá hàng nhập khẩu theo mục đích hải quan. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-1-1981. Đến năm 1994 Hiệp định này được sửa đổi thành Hiệp định thực hiện Điều 7 GATT (1994), gồm 4 phần 24 điều.
GLTM, đặc biệt gian lận trị giá luôn luôn là mối quan tâm của ngành hải quan.
Khi thực hiện Hiệp định trị giá GATT, gian lận trị giá vẫn tồn tại thậm chí còn phát triển mạnh. Dưới đây, chỉ giới thiệu tóm tắt một số dạng gian lận trị giá phổ biến trên thế giới được phát hiện trong quá trình thực hiện Hiệp định trị giá GATT (1994):
- Khai báo giá trị cao hơn thực tế - Mô tả sai hàng hóa trên hóa đơn
- Khai báo sai nguồn gốc xuất xứ [29].
Động cơ của hành vi gian lận: Hiệp định GATT (từ năm 1995 còn có các định chế của WTO) và các Hiệp định quốc tế chuyên ngành khác đều ít nhiều đề cập đến nguyên nhân, động cơ gian lận thương mại nói chung và gian lận về trị giá hàng nói riêng. Xét theo góc độ quản lý của hải quan thì động cơ chủ yếu thúc đẩy các hành vi gian lận trị giá là chủ hàng muốn thu lợi riêng cho bản thân mình không muốn làm nghĩa vụ đối với ngân sách, nên họ thường mưu toan:
- Trốn tránh các khoản thuế và lệ phí nhập khẩu
- Nhập những mặt hàng đang bị cấm hoặc hạn chế nhập
- Kê khai sai nguồn gốc xuất xứ để kiếm lời hay trốn tránh các chương trình thương mại đặc biệt
- Để tiếp tục duy trì cạnh tranh hoặc để chiếm lĩnh thị trường nói riêng có sức cạnh tranh quyết liệt
- Để trốn tránh các thuế nội địa [29].
* Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa toàn bộ thủ tục Hải quan (Công ước KYOTO)
Công ước này được làm tại KYOTO - Nhật Bản ngày 18-5-1973 và đã được chấp nhận tại kỳ họp 41/42 của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (nay là Tổ hải quan Thế giới WCO).
Mục đích của công ước là đơn giản hoá và hài hòa hoá sao cho khoa học, trong sáng, dễ hiểu, tránh mập mờ trong toàn bộ thủ tục hải quan giữa các nước, đưa ra các chuẩn mực về thủ tục hải quan cho từng loại hình xuất nhập khẩu (có áp dụng các thành tựu hiện đại về khoa học: như dùng vi tính hoá, mạng Internet, Intranet...) nhằm vừa tạo thuận lợi cho sự phát triển của thương mại quốc tế và các giao lưu quốc tế khác, vừa chống gian lận thương mại có hiệu quả, thúc đẩy thương mại và các giao lưu quốc tế vì lợi ích chung của mọi quốc gia thành viên [31]. Tuy nhiên, Công ước Kyoto năm 1973 có nhiều hạn chế như chỉ cần tham gia ở mức độ tối thiểu, mức độ ràng buộc không cao, không tạo được chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hải quan ở các bên tham gia nên Tổ chức Hải quan Thế giới đã quyết định sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 và thông qua Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto năm 1973 vào tháng 6 năm 1999. Từ đây Công ước Kyoto có tên gọi mới là Công ước Kyoto sửa đổi. Việt Nam chính thức gia nhập Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto sửa đổi vào ngày 08/01/2008 và Công ước đã có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 08/04/2008.
Nội dung Công ước Kyoto 1973, bản sửa đổi 1999 bao gồm:
- Thân công ước gồm 5 chương với 20 điều
- Các phụ lục tổng quát: 10 phụ lục tổng quát được cấu tạo thành 10 chương - Các phụ lục chuyên đề: được trình bày dưới dạng A, B, C... Mỗi phụ lục chuyên đề đều có các thực hành khuyến nghị đi kèm. Các hướng dẫn này không có hiệu lực bắt buộc đối với các bên tham gia [32].
Điều quan trọng nhất khi áp dụng Công ước Kyoto là phải đạt được mục tiêu đơn giản hóa, hài hòa hóa, đạt đến tính trong sáng, dễ hiểu trong thủ tục, tránh sự mập mờ để gian lận thương mại có cơ hội hoạt động.
Các phụ lục đều có các điều khoản quy định về thủ tục hải quan, chế độ giám sát quản lý hàng hóa, quy định về chứng từ thuế...
Trong phụ lục H: các vi phạm hải quan cũng đã đề cập đến cách giải quyết các điều kiện theo đó CQHQ điều tra và kết luận vi phạm hoặc cố tình vi phạm các luật pháp hải quan mà CQHQ có trách nhiệm thực thi. Việc hạn chế các vi phạm hải quan bằng các hình phạt thích hợp như: phạt tiền, tịch thu hàng hóa và phương tiện vận tải vi phạm, miễn phạt hoặc áp đặt một loại phạt nhỏ trong trường hợp vi phạm hải quan được coi là ít nghiêm trọng và không có chủ ý gian lận [32].
* Công ước quốc tế về giúp đỡ hành chính lẫn nhau, ngăn ngừa, điều tra và trấn áp các vi phạm Hải quan. (Công ước NAIROBI)
Công ước này còn gọi là Công ước NAIROBI được ký kết ngày 9-6-1977 tại Nairobi, thủ đô Cộng hòa Kênia.
Công ước NAIROBI nêu rõ, các vi phạm pháp luật hải quan trong đó có buôn lậu và GLTM trong lĩnh vực hải quan đã làm tổn hại tới những lợi ích kinh tế, xã hội và thuế khóa của các quốc gia cũng như làm tổn hại đến quyển lợi chính đáng của thương mại quốc tế. Công ước cho rằng, cuộc đấu tranh chống các vi phạm Luật Hải quan có thể thu được những kết quả tốt hơn, nếu như cộng đồng quốc tế thông qua việc hợp tác giúp đỡ hành chính lẫn nhau tích cực nhằm ngăn ngừa điều tra và trấn áp các vi phạm hải quan giữa các quốc gia. Công ước đã đưa ra nhiều biện pháp phòng chống GLTM thông qua việc hợp tác giúp đỡ hành chính lẫn nhau giữa hải quan các nước [33].
Nội dung của Công ước này là chống gian lận thương mại, chống các vi phạm pháp luật hải quan thực chất cũng là để tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả của thương mại chân chính.
2.2.1.2. Các quy định của Việt Nam về chống gian lận thương mại
- Luật Hải quan 2014 quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được XK, NK, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ
chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan. Chương III của luật hải quan đã quy định rõ về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra và giám sát hải quan nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan; quản lý, phát hiện các hành GLTM có thể xảy ra [12].
- Luật Thương mại 2005: Chương VIII của luật hương mại quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về thương mại trong đó có hành vi vi phạm chế độ thuế, hóa đơn, chứng từ, sổ và báo cáo kế toán; hành vi vi phạm quy định về giá hàng hóa, dịch vụ; hành vi vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa nhằm định hướng cho các cán bộ có chức năng về hình thức xử lý các vi phạm pháp luật về thương mại [13].
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rõ thẩm quyền của Hải quan các cấp trong việc xử phạt, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan trong đó có hành vi GLTM. Theo quy định của pháp luật này Hải quan có quyền phạt tiền, tịch thu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm... Những biện pháp này vừa là chế tài vừa là biện pháp hành chính có tác dụng răn đe ngăn chặn các hành vi GLTM [14].
- Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, biểu thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa XK, NK; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu chính là cơ sở căn bản để các cán bộ của các các quan chức năng dựa vào đó nhằm xác định được các hành vi gian lận thương mại nhằm trốn thuế.
- Các Nghị định, Thông tư quy định việc xử phạt hành chính trong đó có các hành vi liên quan đến GLTM gồm:
Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; thay thế cho Nghị định số 97/2007/NĐ-CP và số 18/2009/NĐ-C\P [17].
Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 127/2013/nđ-cp ngày 15 tháng 10 năm 2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan [19].
Thông tư 155/2016/TT-BTC (thay thế 190/2013/TT-BTC) quy định chi tiết thi hành việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan [26].