Gian lận thương mại trong lĩnh vực sản xuất hàng gia công xuất khẩu

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Giải pháp nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại đối với Hải quan Việt Nam (Trang 41 - 45)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI Ở HẢI

2.1. TÌNH HÌNH GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC HẢI

2.1.6. Gian lận thương mại trong lĩnh vực sản xuất hàng gia công xuất khẩu

Theo Phó Cục trưởng Cục KTSTQ, Tổng cục Hải quan Trần Minh Trung cho biết: “Hiện nay trên cả nước có khoảng 9.000 DN gia công, SXXK và chế xuất, đóng góp tới trên 60% kim ngạch xuất nhập khẩu” [47, tr.85]. Như vậy, có thể thấy cả về số lượng DN và kim ngạch loại hình này đều rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp gia công, SXXK chủ yếu hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…

Qua thực tế kiểm tra, giám sát của CQHQ cho thấy, bên cạnh các DN chấp hành tốt pháp luật, có không ít DN gia công, SXXK lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế để gian lận trốn thuế gây thất thu NSNN, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN. Cơ quan hải quan đã phát hiện dấu hiệu DN

sử dụng mô hình công ty mẹ, công ty con để chuyển lợi nhuận đến nước có thuế thu nhập DN thấp hơn thông qua việc điều chỉnh giá gia công, hoặc giá của sản phẩm XK. Thực tế hiện nay chưa có quy định cụ thể giá thuê gia công hay giá sản phẩm XK mà chỉ căn cứ vào hợp đồng giữa 2 bên. Đối với mô hình công ty mẹ - công ty con thì việc điều chỉnh giá là tương đối dễ dàng.

Đồng thời, lợi dụng việc chưa có những quy định rõ ràng về việc quản lý nguyên liệu NK để gia công, SXXK (được miễn thuế, không được tự ý chuyển tiêu thụ nội địa) dẫn tới việc hiện nay một số DN nhập khẩu song song cùng một loại nguyên phụ liệu nhưng nhiều loại hình: Vừa gia công, SXXK vừa sản xuất kinh doanh (phải nộp thuế ngay, được phép bán trong nước), sử dụng chung kho bãi, nhà xưởng, gây khó khăn trong việc quản lý của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, CQHQ đã phát hiện không ít trường hợp gian lận trong quy trình thủ tục, như: Khai tăng định mức sản phẩm, tăng tỷ lệ hao hụt thực tế; không thanh khoản, thanh khoản thiếu tờ khai thực nhập; xuất bán nguyên liệu, thành phẩm dưới dạng phế liệu, phế phẩm. Tất cả những hành vi nêu trên của doanh nghiệp đều nhằm mục đích tận dụng nguyên liệu thừa nhằm tiêu thụ nội địa, kiếm lời.

Trường hợp điển hình là Công ty TNHH Colgate-Palmolive. (Chi nhánh Mỹ Phước- Bình Dương) - công ty con 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất và NK mặt hàng bàn chải đánh răng, chuyên thực hiện loại hình nhập SXXK. Qua kiểm tra các hồ sơ, chứng từ hải quan từ tháng 12-2010 đến tháng 11-2015, đoàn kiểm tra phát hiện có sự chênh lệnh trong việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng XK. Cụ thể, theo biểu đồ tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu thực tế sản xuất trung bình do công ty thống kê qua các năm từ 2010 đến 2015 là 2%. Trong khi đó, khi thực hiện thanh khoản, DN khai báo với CQHQ tỷ lệ hao hụt qua các năm là 3%, tăng 1% so với tỷ lệ sử dụng thực tế. Kiểm tra đối chiếu số nguyên phụ liệu tồn kho theo hồ sơ thanh khoản đã được CQHQ xác nhận khai báo tồn kho thực tế, cho thấy một số mã hàng có sự chênh lệch lớn. Như vậy, Chi cục KTSTQ kết luận, việc khai báo sai 1%

về tỷ lệ hao hụt nguyên liệu đã dẫn đến lượng nguyên liệu sử dụng thực tế để sản xuất

hàng XK ít hơn lượng nguyên liệu thanh khoản với CQHQ. Thực tế này dẫn đến lượng nguyên liệu tồn kho thực tế lớn hơn so với số nguyên liệu tồn kho thanh khoản.

Tuy nhiên số nguyên liệu này không còn trên thực tế. Đoàn kiểm tra đã thực hiện truy thu trên 2,1 tỷ đồng tiền thuế, trong đó, thuế GTGT trên 1,8 tỷ đồng, thuế NK trên 312 triệu đồng [51].

Ngoài ra, qua công tác KTSTQ đối với phí bản quyền của DN này, CQHQ phát hiện, từ năm 2010 đến nay, công ty trả tiền cho công ty mẹ ở Mỹ để sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trong sản xuất kinh doanh, quảng cáo.. với tổng số tiền trên 62 tỷ đồng. Số tiền này được tính 5% tổng doanh thu thuần của toàn bộ bàn chải đánh răng đã bán ra tại Việt Nam cho 3 loại hàng hóa: NK nguyên chiếc, bàn chải đánh răng sản xuất tại Việt Nam và bàn chải gia công, đóng gói bao bì tại Việt Nam. Trong đó, theo số liệu tờ khai NK kinh doanh, tổng số lượng bàn chải NK nguyên chiếc trên 9,3 triệu cái, công ty thông báo số tiền bản quyền tương ứng đã trả cho công ty mẹ gần 2,2 tỷ đồng. CQHQ xác định, số tiền phát sinh sau khi NK, là khoản phải khai và cộng vào trị giá tính thuế theo quy định, nhưng công ty chưa thực hiện. Do đó, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện truy thu trên 456 triệu đồng [51].

Nguyên nhân khiến cho việc quản lý hàng gia công, SXXK của CQHQ còn gặp nhiều khó khăn là do một số quy định của luật pháp chưa được cụ thể, rõ ràng, nhiều văn bản luật còn chưa thống nhất với nhau. Cụ thể: Tại khoản 1 Điều 59 Luật Hải quan 2014 thì hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng XK phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi NK, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được XK hoặc thay đổi mục đích sử dụng [12]. Điều 40 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 quy định, CQHQ thực hiện kiểm tra đối với trường hợp có dấu hiệu rủi ro đã nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư mà quá chu kỳ nhưng không có sản phẩm XK;

có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân NK nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị hoặc XK sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất; số liệu quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hoá xuất khẩu có sự chênh lệch bất thường so với số liệu trên hệ thống của CQHQ [18]… Theo

các quy định nêu trên, hiện nay các Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng gia công, SXXK hết sức thụ động, do không có các quy định rõ ràng để quản lý có hiệu quả hoạt động gia công, SXXK của các DN. Nhiệm vụ giám sát, quản lý, kiểm tra của cơ quan đặt ra nhiều nhưng không có thông tin hỗ trợ.

Ngoài ra, Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 và Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 chưa thống nhất với nhau. Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu., Thông tư này bãi bỏ các thủ tục khai báo định mức đối với sản phẩm gia công và SXXK [25]. Trong khi đó, tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định số 127/2013/NĐ- CP quy định xử phạt đối với hành vi khai tăng mức sản xuất sản phẩm gia công;

định mức sản xuất sản phẩm XK từ nguyên liệu, vật tư NK so với thực tế sử dụng [17].

Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề rất khó thực hiện. Chẳng hạn, hồ sơ XNK của loại hình gia công, SXXK rất đơn giản, không có cơ sở để kiểm tra, đối chiếu. Cơ sở sản xuất của DN phân tán, không tập trung, trong khi đó nguồn nhân lực của CQHQ có hạn và cũng không thể thường xuyên, liên tục đến DN để kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 59 Luật Hải quan. Do đó, CQHQ rất khó có thể thực hiện được việc kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Việc phát hiện được các dấu hiệu sai phạm của các DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, SXXK là rất khó, do dữ liệu trên hệ thống của CQHQ có rất ít thông tin, không có cơ sở đối chiếu và quy đổi từ nguyên liệu ra sản phẩm để phát hiện ra các dấu hiệu bất thường.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Giải pháp nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại đối với Hải quan Việt Nam (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)