Kiến nghị với Chính phủ

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Giải pháp nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại đối với Hải quan Việt Nam (Trang 81 - 85)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI Ở HẢI QUAN VIỆT NAM

3.4. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐẤU TRANH CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

3.4.1. Kiến nghị với Chính phủ

* Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chỉ đạo các bộ, ngành chỉ đạo tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không thống nhất, đồng bộ, khả thi, chồng chéo, mâu thuẫn góp phần hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật liên quan đến chống GLTM nói riêng.

Đấu tranh chống GLTM muốn có kết quả phải xử lý từ gốc là bắt đầu từ công tác phòng ngừa. Chống GLTM, một mặt phải có lực lượng đủ mạnh và có chính sách thích hợp để khuyến khích. Mặt khác, muốn chống GLTM hiệu quả và căn bản, về lâu dài vẫn phải bằng chính sách và hệ thống pháp luật. Vấn đề lập pháp, hệ thống các văn bản pháp quy cần được xây dựng hoàn thiện, được sửa đổi, bổ sung, để luôn đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp thực tế..

Để chống GLTM có hiệu quả, trước hết là phải tập trung hoàn chỉnh hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động XNK và hoạt động hải quan bao gồm việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành các điều luật mới; điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật cũ không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt là phải tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế hợp lý, dễ sử dụng, không quá cao nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và lợi ích của thuế, không quá nhiều loại thuế nhằm khuyến khích được các nhà sản xuất, kinh doanh có ý thức tự giác nộp thuế cho Nhà nước. Chính phủ, Bộ tài chính có biện pháp sửa đổi bổ sung Luật thuế xuất nhập khẩu, bóc tách từng loại thuế trong biểu thuế nhập khẩu, khắc phục những bất hợp lý về thuế xuất nhập khẩu hiện nay, giảm bớt chênh lệch về thuế giữa các mặt hàng. Đó là những cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác chống GLTM.

Hiện nay chưa có một khái niệm chính thức nào về GLTM được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Bởi tích chất phức tạp, gây nhiều hậu quả khôn lường cho đất nước nên việc xác định tội danh “gian lận thương mại” là hết sức cần thiết trong pháp luật nước ta. Do quan niệm GLTM chưa đúng nên còn có sự lẫn lộn giữa hành vi GLTM với hành vi buôn lậu hay giữa hành vi GLTM với các hành vi vi phạm hành chính khác. Từ đó gây khó khăn cho các cơ quan chức năng xác định được tội danh của hành vi GLTM.

Về việc áp dụng điều luật xử phạt hành vi vi phạm, trường hợp chủ hàng giấu giếm hàng hóa hoặc không có giấy tờ hợp lệ khi XNK hoặc khai báo gian dối khi qua

biên giới, thì cũng có thể coi là vận chuyển trái phép hàng hóa để khởi tố theo điều 189 Bộ luật hình sự hoặc xử phạt theo quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP về xử phạt hành vi trong lĩnh vực hải quan. Ở đây, một vấn đề nổi cộm là cùng một hành vi vi phạm như không khai báo hoặc khai báo không đúng khi vận chuyển hàng hóa qua biên giới…việc xử lý có thể áp dụng điều 188 Bộ luật hình sự ghép vào tội danh

“tội buôn lậu”, nhưng cũng có thể áp dụng Nghị định 127/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Do đó, việc phân định rõ ràng ranh giới để xác định tội danh buôn lậu hay GLTM là một vấn đề bức xúc cần được giải quyết.

Sửa đổi Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả [20].

Quy chế phối hợp tại Quyết định này chưa rõ ràng dẫn đến hoạt động thanh tra, kiểm tra xảy ra chồng chéo giữa các lực lượng chức năng nhất là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TT ngày 19/3/2014 về Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

* Thay đổi chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp thương mại, đẩy mạnh sản xuất trong nước

Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đó là nguyên tắc tối thượng của kinh tế thị trường. DN Việt Nam, thương nhân Việt Nam chỉ có thể tồn tại vững vàng trên chính mảnh đất quê hương mình khi Chính phủ có một chính sách thương mại công bằng. Các doanh nghiệp khu vực tư nhân phải được tôn trọng, tạo được điều kiện tối đa để phát huy những khả năng sẵn có trong nước tổ chức nghiên cứu tìm tòi, phát triển để đảm bảo nhu cầu hàng hóa cho người Việt trên khắp năm châu, phải có chính sách để hàng hóa của người Việt Nam thâm nhập, cạnh tranh, hấp dẫn những cộng đồng khác trên thế giới. DN phải được chăm sóc, phải được ươm trồng, phải được đảm bảo tránh khỏi những sự phiền nhiễu của các thủ tục hành chính rườm rà, của những quan chức yếu kém về đạo đức, về chuyên môn nhưng lại rất tham lam về tiền bạc.

Nhà nước cần có chính sách quan tâm thúc đẩy phát triển nền sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào trong sản xuất, giảm thiểu các chi phí để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã với giá thành hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và dần dần thay thế hàng ngoại nhập.

* Giáo dục, tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân và công chức nhà nước về ý thức chống gian lận thương mại

Hiện nay chống GLTM chưa được xã hội coi trọng. Người dân thường cho rằng đấy là việc của cơ quan chức năng, chứ không mấy để tâm đến hoạt động chống gian lận thương mại. Công tác giáo dục và tuyên truyền cần tập trung cho người dân nhận thức được tác hại của hoạt động GLTM là việc mang những hàng hóa không đóng thuế, không được kiểm duyệt vào thị trường Việt Nam sẽ không những ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Từ đó, người dân sẽ tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống hoạt động GLTM.

Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một cách thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và được tổ chức với nhiều hình thức phù hợp hơn nhất là thông qua internet; chú trọng tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các cấp, các ngành về phòng chống GLTM nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh chống GLTM trong mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, Nâng cao hiệu quả công tác định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền chống GLTM; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền; xây dựng tác phẩm báo chí có giá trị, đi sâu phản ánh các khía cạnh tích cực, những kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống GLTM. Chỉ đạo, hướng dân duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên

mục phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống GLTM.

Thứ ba, Tăng cường triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền. Tổ chức kịp thời các Hội nghị cung cấp thông tin để các cơ quan truyền thông tiếp nhận và phản ánh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chống GLTM, Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống GLTM.

Thứ tư Ban hành Nghị định quy định trách nhiệm của DN tham gia hỗ trợ công tác chống GLTM.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kinh doanh quốc tế: Giải pháp nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại đối với Hải quan Việt Nam (Trang 81 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)