Nội dung, phương pháp thanh tra chuyên môn Trường Trung học cơ sở của Phòng Giáo dục & Đào tạo

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động thanh tra chuyên môn trường trung học cơ sở của phòng giáo dục và đào tạo quận lê chân thành phố hải phòng trong bối cảnh hiện nay (Trang 39 - 42)

1.4. Phòng Giáo dục & Đào tạo với hoạt động thanh tra chuyên môn trường Trung học cơ sở

1.4.3. Nội dung, phương pháp thanh tra chuyên môn Trường Trung học cơ sở của Phòng Giáo dục & Đào tạo

1.4.3.1. Nội dung hoạt động thanh tra chuyên môn Trường Trung học cơ sở của Phòng Giáo dục & Đào tạo

Theo Thông tư 43/TT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động thanh tra toàn diện nhà trường, cơ sở giáo dục khác và thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo thì thanh tra Trung học cơ sở chính là kiểm tra có tính chất nhà nước của Phòng GD&ĐT đối với các đơn vị, cá nhân trong phạm vi quản lí của mình về việc thực hiện chủ trương, chính sách, chế độ, các qui định của Nhà nước và của ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục theo qui định của Luật giáo dục, Điều lệ nhà trường; định kỳ thanh tra các giáo viên Trung học cơ sở, thanh tra các hoạt động giáo dục, dạy và học ở các trường và công tác quản lí của hiệu trưởng; tổ chức đánh giá kết quả dạy và học, giúp đỡ các trường, các giáo viên cải tiến công tác giáo dục giảng dạy, duy trì kỉ cương, nền nếp dạy và học ở bậc học tiểu học, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh và nhân dân trong phạm vi giáo dục Trung học cơ sở.

Cũng theo Thông tư 43/TT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trên cơ sở nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất của bậc Trung học cơ sở, nội dung thanh tra chuyên môn các trường Trung học cơ sở của Phòng Giáo dục & Đào tạo tập trung vào những vấn đề sau:

- Thanh tra công tác tuyển sinh, thực hiện chỉ tiêu, số lượng học sinh theo khối, lớp.

- Thanh tra việc tổ chức giảng dạy, học tập, thực hiện chương trình nội dung, kế hoạch dạy học nói chung và kế hoạch dạy học các môn tự chọn của nhà trường.

- Thanh tra việc thực hiện qui chế chuyên môn về kiểm tra, thi, đánh giá xếp loại học lực học sinh của nhà trường.

- Thanh tra kết quả tốt nghiệp, thi học sinh giỏi (nếu có) 3 năm liền kề tại thời điểm thanh tra.

- Thanh tra việc xác nhận hoặc cấp phát văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục.

- Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của tổ nhóm chuyên môn theo qui định của Điều lệ trường Trung học cơ sở.

- Thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên Trung học cơ sở bao gồm:

+ Thanh tra về trình độ nghiệp vụ sư phạm, gồm hai nội dung cơ bản là:

thanh tra về trình độ nắm yêu cầu của nội dung chương trình, kiến thức, kỹ năng, thái độ cần xây dựng cho học sinh và thanh tra về trình độ vận dụng phương pháp giảng dạy và giáo dục, đặc biệt là tình hình đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện dạy học theo tinh thần đổi mới.

+ Thanh tra việc thực hiện qui chế chuyên môn gồm: thanh tra việc thực hiện chương trình và kế hoạch giảng dạy, giáo dục, việc soạn bài, chuẩn bị đồ dùng theo qui định; thanh tra quĩ đề, hình thức và chất lượng đề kiểm tra;

thanh tra việc kiểm tra học sinh và chấm bài theo qui định; thanh tra việc bảo đảm thực hành thí nghiệm; thanh tra việc bảo đảm các hồ sơ chuyên môn theo qui định, việc tự bồi dưỡng và tham dự các hình thức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

+ Thanh tra kết quả giảng dạy: điểm kiểm tra, điểm thi hoặc kết quả đánh giá môn học (đối với những môn học đánh giá bằng nhận xét) của học sinh từ đầu năm học đến thời điểm thanh tra; kết quả kiểm tra chất lượng lớp giáo viên chủ nhiệm so với chất lượng chung của của toàn trường, của địa phương trong năm học đó.

1.4.3.2. Phương pháp thanh tra chuyên môn Trung học cơ sở của Phòng Giáo dục & Đào tạo

Có rất nhiều phương pháp được sử dụng để thanh tra chuyên môn Trung học cơ sở. Tuy nhiên, để thanh tra đúng trình tự và thu nhận được thông tin

khách quan, chính xác về đối tượng thanh tra, thanh tra viên có thể sử dụng các phương pháp cơ bản sau:

- Phương pháp quan sát:

Đây là phương pháp sử dụng tri giác để quan sát một sự kiện, hiện tượng, quá trình hay hành vi cử chỉ của con người trong những hoàn cảnh tự nhiên khác nhau nhằm thu thập những số liệu, thông tin, sự kiện cụ thể để thanh tra viên có cơ sở đánh giá và kết luận về đối tượng thanh tra. Đây là phương pháp rất có ý nghĩa và thiết thực trong thanh tra giáo dục.

Khi sử dụng phương pháp quan sát cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

+ Xác định rõ đối tượng quan sát; tiến hành quan sát trong điều kiện tự nhiên của đối tượng.

+ Xác định rõ mục đích, nhiệm vụ quan sát; thực hiện đúng kế hoạch quan sát.

+ Ghi chép, sao chụp kết quả quan sát (tốc ký, chụp ảnh, quay camera ...).

- Phương pháp phân tích, tổng hợp:

Là phương pháp thu nhận thông tin từ việc nghiên cứu các văn bản, tài liệu có liên quan đến công tác quản lí của đơn vị, cá nhân cần thanh tra (Ví dụ:

kết quả công tác, chất lượng và hiệu quả quá trình giảng dạy, giáo dục) để phân tích, đánh giá về đối tượng đó.

Khi phân tích tài liệu, văn bản cần chú ý nội dung, bố cục, sự tuân thủ mẫu hoá văn bản, chỉ thị về quản lí tài liệu thống nhất của Bộ GD&ĐT .

- Phương pháp kiểm tra:

Đây là phương pháp đo lường chất lượng - kết quả công việc được giao:

Công tác giảng dạy, giáo dục học sinh thông qua dự giờ, kiểm tra hồ sơ giáo án, dự các hoạt động giáo dục khác và hỏi đáp về kiến thức cơ bản, những tình huống sư phạm trong giảng dạy, giáo dục của giáo viên, phát hiện ra những sai sót, tồn tại để uốn nắn, điều chỉnh. Thanh tra giáo viên Trung học cơ sở còn thông qua việc kiểm tra chất lượng giáo dục học sinh - sản phẩm, kết quả công việc được giao của giáo viên cần thanh tra.

- Phương pháp điều tra khảo sát:

Là phương pháp dùng câu hỏi, bảng hỏi đặt ra cho một số lớn người nhằm thu được những ý kiến chủ quan của họ về vấn đề nào đó (của một giáo viên nào đó). Phương pháp điều tra có nhiều loại: điều tra bằng trò chuyện, bằng phiếu (Anket), bằng phiếu trắc nghiệm (Test). Tuỳ từng điều kiện, đối tượng, nội dung thanh tra mà lựa chọn phương pháp và cách thức phối hợp các phương pháp điều tra sao cho phù hợp, đạt kết quả khách quan, chính xác.

- Phương pháp tham dự các hoạt động cụ thể:

Là phương pháp thanh tra viên dự các sinh hoạt, hoạt động trong và ngoài lớp, ngoài trường để thu nhận được các thông tin cần thiết phục vụ yêu cầu thanh tra. Thông qua việc tham dự các hoạt động, thanh tra viên đối chiếu thông tin thu được và so sánh với kết quả thu được bằng các phương pháp khác nhau với thực tế để có được sự nhận xét, kết luận chính xác, khách quan.

Ngoài các phương pháp cơ bản trên, thanh tra giáo dục còn sử dụng một số yếu tố của các phương pháp khác như thống kê, xác xuất, logic học (phân tích tổng hợp, qui nạp, suy diễn...). Các phương pháp trình bày ở trên cần được các thanh tra viên sử dụng một cách linh hoạt và sáng tạo trong hoạt động thanh tra; không có phương pháp nào là vạn năng, chiếm vị trí độc tôn. Mỗi phương pháp đều có chỗ mạnh yếu đối với đối tượng, tình huống cụ thể và đặc điểm cá nhân của thanh tra viên sử dụng chúng.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động thanh tra chuyên môn trường trung học cơ sở của phòng giáo dục và đào tạo quận lê chân thành phố hải phòng trong bối cảnh hiện nay (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)