Nhân viên công tác xã hội

Một phần của tài liệu Kỹ năng giao tiếp với trẻ khuyết tật của nhân viên công tác xã hội (Trang 49 - 53)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ KỸ NĂNG GIAO TIẾP VỚI

2.2. Nhân viên công tác xã hội

2.2.1. Khái niệm nhân viên công tác xã hội: Khái niệm về NVCTXH trong tài liệu Tiếng Việt như: Nhân viên CTXH, cán bộ xã hội, người trợ giúp... Tài liệu

Tiếng Anh thì chỉ có một khái niệm đó là Social Worker. Trong luận án này chúng tôi sử dụng thuật ngữ nhân viên công tác xã hội.

Theo Hiệp hội các nhà công tác xã hội chuyên nghiệp Quốc tế (IASW) định nghĩa: “Nhân viên công tác xã hội là người được đào tạo và trang bị các kiến thức và kỹ năng trong công tác xã hội, họ có nhiệm vụ: trợ giúp các đối tượng nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống; tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với môi trường, đóng góp, phản biện chính sách xã hội, tư vấn cho các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn” [22].

Việc trợ giúp của nhân viên công tác xã hội đối với người khuyết tật được coi là một chuyên môn sâu, lĩnh vực này được gọi là “Công tác xã hội với người khuyết tật”.

Theo Nguyễn Thị Kim Hoa, “Công tác xã hội với người khuyết tật là hoạt động chuyên nghiệp của nhân viên công tác xã hội giúp đỡ những người khuyết tật nhằm tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ, huy động nguồn lực, xác định những dịch vụ cần thiết để hỗ trợ người khuyết tật, gia đình và cộng đồng triển khai hoạt động chăm sóc trợ giúp họ một cách hiệu quả, vượt qua những rào cản, đảm bảo sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội trên nền tảng công bằng với những người khác trong xã hội” [21, tr38].

Qua khái niệm cho thấy nhân viên CTXH khi làm việc cần phải thực thi một số hoạt động nghề nghiệp của mình.

2.2.2. Hoạt động nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội với trẻ khuyết tật

Hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp lấy bản thân mình làm công cụ tác nghiệp, trong quá trình giúp đỡ TKT, nhân viên CTXH đảm nhận nhiều vai trò, chức năng, mỗi vai trò, chức năng lại có nhiệm vụ khác nhau. Không thể nói vai trò nào quan trọng nhất và quan trọng hơn trong số các vai trò, chức năng mà nhân viên CTXH thực hiện. Mỗi vai trò chức năng của nhân viên CTXH có nhiệm vụ cụ thể.

2.2.2.1. Nhân viên công tác xã hội với vai trò, chức năng của nhà tham vấn Mục đích của tham vấn là giúp cho TKT nâng cao chức năng xã hội thông qua đó để trẻ hiểu hơn về những cảm xúc, chỉnh sửa hành vi và học cách ứng phó với tình huống có vấn đề không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.

Chức năng của nhân viên CTXH trong vai trò của nhà tham vấn là đánh giá và chuẩn đoán về tâm lý xã hội; cung cấp dịch vụ chăm sóc ổn định cho TKT; giúp trẻ trị liệu và đánh giá quá trình tham vấn.

Để có thể đánh giá và chuẩn đoán tâm lý xã hội của TKT, nhiệm vụ của nhân viên CTXH là phải thấu hiểu với tâm tư, tình cảm; hiểu được năng lực và nguồn lực của đối tượng. Bên cạnh đó, trong quá trình tham vấn, nhân viên CTXH thường xuyên động viên, khích lệ đối tượng thay đổi tích cực. Sau quá trình tham vấn, nhân viên CTXH đánh giá sự tiến bộ của trẻ, kết quả của quá trình giúp đỡ.

2.2.2.2. Nhân viên công tác xã hội với vai trò, chức năng của nhà giáo dục Với vai trò và chức năng của nhà giáo dục, nhân viên CTXH trong quá trình giúp đỡ TKT sẽ cung cấp kiến thức và rèn luyện các KN để trẻ có thể tăng cường chức năng xã hội và ngăn ngừa vấn đề không tốt có thể xảy ra. Ví dụ như việc nhân viên CTXH giúp TKT có kiến thức về hậu quả của tệ nạn xã hội và dạy cho em những KN sống ngăn chặn bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội.

Để thực hiện vai trò này nhân viên CTXH có ba nhiệm vụ cơ bản:

- Thứ nhất là dạy những kỹ năng sống như ra quyết định, sử dụng tiền.

- Thứ hai là thúc đẩy sự thay đổi hành vi của TKT thông qua việc huấn luyện trẻ bằng hình thức sắm vai, mô phỏng và thực hiện tốt hành vi.

- Thứ ba là chức năng ngăn ngừa: nhân viên CTXH thực hiện chức năng này thông qua việc cung cấp, phổ biến kiến thức, tài liệu liên quan giúp TKT nâng cao nhận thức, hiểu rõ vấn đề và nguyên nhân của vấn đề từ đó trẻ có thể ngăn ngừa được vấn đề nảy sinh. Ví dụ như TKT có quyền được an toàn và tránh bị xâm hại.

2.2.2.3. Nhân viên công tác xã hội với vai trò, chức năng của người kết nối Nhân viên CTXH là người có được những thông tin về các dịch vụ, chính sách từ các cá nhân, cơ quan tổ chức, sau đó giới thiệu cho TKT để trẻ thêm sức mạnh

trong giải quyết vấn đề. Để thực hiện vai trò nhân viên CTXH cần thực hiện các chức năng cụ thể sau:

- Đánh giá tình hình của trẻ: Đây là hoạt động nhân viên CTXH sẽ phải đánh giá chính xác các nhu cầu và khả năng của đối tượng.

- Đánh giá nguồn lực: nhân viên CTXH tìm kiếm và đánh giá các nguồn lực sẵn có liên quan đến những nhu cầu của TKT. Ví dụ TKT được đánh giá là khó khăn về tài chính để học nghề, nhân viên CTXH tìm kiếm cơ hội hỗ trợ cho trẻ.

- Chuyển giao/ kết nối: nhân viên CTXH liên lạc, chắp nối nguồn lực tìm kiếm được với nhu cầu của TKT. nhân viên CTXH phải điều chỉnh cả bên có nhu cầu và bên đáp ứng nhu cầu, đảm bảo phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

2.2.2.4. Nhân viên công tác xã hội với vai trò của nhà chuyên môn chuyên nghiệp

Đây là vai trò ít được nhắc đến và trình bày riêng biệt, tuy nhiên Bradford W. Sheafor và Charles R. Hoejsi đã chỉ ra đây là một vai trò và chức năng quan trọng khi nhân viên CTXH giúp đỡ đối tượng [104]. Việc nhắc nhở vai trò của một nhà chuyên môn đối với nhân viên CTXH rất quan trọng để nhân viên CTXH luôn xác định được cách thức ứng xử trong thực hiện công việc của mình một cách chuyên nghiệp. Với vai trò, chức năng này, nhân viên CTXH cần luôn thể hiện năng lực trong công việc, tuân thủ giá trị, nguyên tắc, quy điều đạo đức nghề.

Chức năng của nhân viên CTXH là biết tự đánh giá, tự nhận thức về bản thân. Với TKT, nhân viên CTXH cần chú ý xem xét tuân thủ nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp như: Tôn trọng phẩm giá và năng lực của TKT; Tôn trọng giá trị khác biệt của mỗi cá nhân; Tôn trọng quyền tự quyết của trẻ... Bên cạnh đó, nhân viên CTXH còn có nhiệm vụ phát triển nghề nghiệp.

2.2.3. Nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội

Căn cứ vào vai trò, chức năng nhân viên công tác xã hội có những nhiệm vụ sau: [21]

(1). Hỗ trợ TKT, gia đình TKT giải quyết các vấn đề khó khăn của họ thông qua việc tìm kiếm hoặc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho TKT.

(2). Đánh giá ban đầu về TKT: việc đánh giá này bao gồm đánh giá điểm mạnh, nguồn lực và những hỗ trợ sẵn có.

(3). Nâng cao chức năng xã hội cho TKT để trẻ hiểu hơn về những cảm xúc, chỉnh sửa hành vi và học cách ứng phó với tình huống có vấn đề không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.

(4). Nhân viên CTXH phải có được sự thấu hiểu với tâm tư, tình cảm; hiểu được năng lực và nguồn lực của đối tượng.

(5). Nhân viên CTXH thường động viên, khích lệ trẻ thay đổi tích cực.

(6). Nhân viên CTXH cung cấp, phổ biến kiến thức, tài liệu liên quan giúp TKT nâng cao nhận thức, hiểu rõ vấn đề và nguyên nhân của vấn đề từ đó trẻ có thể ngăn ngừa được vấn đề nảy sinh.

(7). Tham vấn cho TKT và gia đình, giúp họ lập kế hoạch cá nhân và sử dụng tối đa những nguồn nội lực và ngoại lực sẵn có trong cộng đồng.

(8). Xây dựng các chương trình kế hoạch hành động giúp đỡ trẻ khuyết tật và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động.

(9). Giúp TKT phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết để họ có thể tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội có ích cho cuộc sống của họ.

Xuất phát từ hoạt động nghề nghiệp, từ nhiệm vụ cụ thể của nhân viên CTXH với tư cách là người hành nghề công tác xã hội chuyên nghiệp thì nhân viên CTXH cần có những kỹ năng giao tiếp để đảm bảo hiệu quả công việc.

Một phần của tài liệu Kỹ năng giao tiếp với trẻ khuyết tật của nhân viên công tác xã hội (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(208 trang)