Sự hàm súc kín đáo

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 25 - 31)

Chương 1. HÌNH THÀNH TRI THỨC VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

1.4. Những tri thức chủ yếu của thơ Đường luật cần hình thành

1.4.1. Sự hàm súc kín đáo

Hàm súc là nhiều ý nghĩa, nhiều loại ý nhĩa trong một lượng ngôn từ tối thiểu. Người xưa đề cao những bài thơ “ngôn tuyệt ý bất tuyệt”

(lời hết ý không hết), để mỗi lần cảm thụ lại có thêm những ý nghĩa và cảm xúc mới. Để có bài thơ hàm súc phải có tài năng đích thực cùng với khổ công lao động nghệ thuật. Có người gọi mỗi chữ trong bài thơ luật là một ông hiền, không thay thế được. Việc làm thơ, xưa kia gọi là việc “thôi, xao” xuất phát từ việc nhà thơ Giả Đảo đời Đường tập trung tâm trí để cân nhắc chọn một trong hai chữ, đến mức va phải quan trên. Có không ít thi nhân tài năng nói về việc “nhất cú liên niên” (một câu thơ năm này sang năm khác).

Hàm súc và kín đáo có quan hệ mật thiết. Phải có các thủ pháp nghệ thuật phù hợp mới tạo nên được các giá trị đó của thơ Đường luật. Sự hàm súc kín đáo trong thơ Đường luật còn được tạo nên bởi các câu thơ đối nhau. Chúng ta có thể thấy thủ pháp hàm súc và kín đáo này trong thơ của Tam nguyên Yên Đỗ trong bài thơ Thu điếu:

Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

( Thu điếu)

Câu thơ trên biểu thị sự cảm nhận rõ ràng về thơi gian, câu thơ dưới biểu thị sự cảm thông thụ không minh bạch về không gian. Cả hai câu góp phần biểu thị tâm thế một con người không còn tâm huyết với cuộc đời.

Nhiều bài thơ Đường luật sử dụng điển cố. Việc các thi nhân thời trung đại sử dụng điển cố trong các tác phẩm của mình nhằm làm tăng giá trị chân lý và đạo lý của câu thơ. Ví dụ câu thơ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào được trích trong tác phẩm Thu điếu của Nguyễn Khuyến là một mẫu mực về phương diện này. Ở đây, chúng ta thấy thi nhân nhắc đến Đào Tiềm đời Tấn để ngợi ca một cách xử thế đẹp đẽ. Đọc bài thơ, chúng ta thấy được, tác giả thẹn vì không được như người xưa, sống theo mình thích. Câu thơ có sử dụng điển cố, điển cố nói tới cuộc sống lánh đục về trong ở thơ Nguyễn Khuyến chủ yếu là Đào Tiềm.

Sự hàm súc và kín đáo trong thơ Đường luật cũng được tạo nên khi tác giả khéo khai thác các phạm trù đối lập như hữu, vô; quá khứ, hiện tại... hay các phạm trù hữu quan như không gian và thời gian, vật chất và tinh thần...

1.4.2. Các thủ pháp đặc thù 1.4.2.1. Phép song hành

Theo Nguyễn Khắc Phi, trong Thi pháp về thơ Đường “trong lịch sử văn học thế giới, cái gọi là “kết cấu song hành” hay còn gọi là “đối ngẫu” về ngôn ngữ chiếm một vị trí quan trọng trong văn học cũng như trong đời sống hằng ngày, chính vì vậy đây không phải là điều gì mới lạ và là sản phẩm “độc hữu” của một dân tộc nào. Kết cấu song hành là một hiện tượng quốc tế, tuy nhiên, ở mỗi dân tộc, có những biểu hiện, đặc điểm riêng biệt [32, 33].

Ở đời Đường, nghệ thuật đối ngẫu đã được khai thác một cách cực kì tinh tế. Nó trở thành một trò chơi phức tạp đòi hỏi đến mọi thủ đoạn của ngôn ngữ: âm thanh, đường nét, tưởng tượng..., đối ngẫu không phải là việc lặp lại giản đơn. Đó là một hình thức tạo nghĩa trong đó, mỗi một kí hiệu hòa hợp đối lập nhau, sản sinh ra ý nghĩa” [54, 160].

Ở thể loại thơ Đường luật các thi nhân Trung Quốc và Việt Nam đã sử dụng biện pháp nghệ thuật này nhằm làm tăng sức biểu cảm và sự hấp dẫn của bài thơ, chẳng hạn trong bài thơ Hoàng Hạc lâu Tống Mạch Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng của Lý Bạch, với cách đối lập cực tiểu - cực đại, động - tĩnh, nhà thơ đã dựng lên được một không gian ba chiều và đóng khung được thời gian vốn là cái gì không thể đóng khung được. Câu thơ Cô phàm viễn ảnh bích không tận đã gây được một ấn tượng thị giác và ấn tượng về thời gian tâm lí hết sức rõ rệt.

Khi bóng buồm đã tuyệt khuất nơi chân trời, nhà thơ bàng hoàng trở về với thực tại, và bỗng như lần đầu tiên bắt gặp và nhận biết dòng Trường Giang trong một tầm vóc mới, vĩ đại. Chính cảm giác đó đã làm cho câu cuối của bài thơ tràn đầy khí lực.

Hay như Bà huyện Thanh Quan cũng đã sử dụng thủ pháp này nhằm khơi gợi nỗi niềm vừa thể hiện cái thực của tâm trạng:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

(Qua Đèo Ngang)

Nhà thơ cảm nhận cảnh vật Đèo Ngang bằng thính giác: tiếng chim cuốc cuốc, chim đa đa vang lên buồn bã, uể oải. Nhưng nữ sĩ đâu chỉ nghe âm thanh tiếng chim bằng thính giác mà còn “nghe” bằng cả nổi lòng.

Không nghe bằng nỗi lòng thì sao cảm được nỗi đau trong tiếng chim cuốc cuốc, sự khắc khoải của tiếng chim đa đa. Trong cuốn Thơ Nôm Đường luật, PTS. Lã Nhâm Thìn đã viết: “Nghe tiếng chim cuốc cuốc mà nhớ lại cả một huyền sử bi thương về vua Thục để mất nước, khi chết hóa thành chim cuốc cứ kêu “quốc quốc”. Tiếng chim kêu hay tiếng khóc thảm sầu của một hồn đau nhớ nước?” [66, 426].

1.4.2.2. Thủ pháp tả để gợi

Những bài thơ Đường luật xuất sắc đều giải quyết tốt mối quan hệ giữa tả và gợi. Thơ Đường luật có lượng ngôn từ nhỏ, bởi vậy nếu đặt trọng tâm vào việc tả, tức là trực tiếp biểu thị đối tượng, sẽ bất cập. Người xưa coi trong các thủ pháp “ họa vân xuất nguyệt” (vẽ mây làm hiện trăng),

“tá khách trình chủ” (mượn khách để trình bày chủ) là giải quyết mối quan hệ giữa tả và gợi.

Chúng ta có thể xét đến ngôn ngữ thơ trong các tác phẩm của Hồ Xuân Hương vì các tác phẩm ấy có khả năng gợi tả rất mạnh. Trong Thi pháp hiện đại, Đỗ Đức Hiểu cho rằng “Hồ Xuân Hương sáng tạo một phong cách thơ luật Đường mới, một thế giới đời thường thắm tươi, một thiên nhiên tràn đầy sức sống, một triết lí tự nhiên của cuộc đời trần thế, của trực giác, cảm giác, bản năng, của say mê, một cái đẹp góc cạnh và vui tuơi của sự vận động hối hả, căng thẳng với những nhịp thơ nhảy múa, những đa thanh vang động, những điệu vanxơ chóng mặt”. Thơ Hồ Xuân Hương là “ngày hội của bản năng” [20, 50].

Thế giới thơ Hồ Xuân Hương là thế giới sống động, tung hoành.

Thiên nhiên, con người đều chuyển động dữ dội (Gió giật sườn non, sóng dồn mặt nước, cơn gió tốc, hạt sương gieo; chen chân xọc, mỏi mắt dòm, đạp xuống, đâm ngang…). Tất cả tạo nên một thế giới sôi động rất trần tục phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp của thơ Đường cũng như cái tráng lệ, trang trọng thường thấy của nó.

Cái thế giới đa thanh của thơ Hồ Xuân Hương cũng thật lạ: “bằng một từ, có khi bằng một âm thanh, hoặc một nhịp điệu bất thường, nhà thơ nói cái này, song ý nghĩa của nó lại là cái khác”. Những tiếng như “phòm”,

“hom”, “dòm”, “khom”... khiến người đọc giật mình, ngạc nhiên và nghĩ ngay đến một “cái động’’ khác “Động Hương Tích”. Đó chính là khả năng gợi tả tuyệt vời của ngôn ngữ Hồ Xuân Hương.

Thơ Hồ Xuân Hương có nhiều dạng hình học: tròn, ba góc, hình méo, hình khòm, rồi rộng, hẹp, dài, ngắn, mỏng, dày, sù sì, tùm hum,

… đủ cả. Những hình dạng ấy không đứng yên mà chuyển động, cựa mình. Nó như khua động, gọi dậy sức sống, cái bản năng trong con người. Nó là “ẩn dụ bản năng sự sống” mà có lẽ bất cứ tâm hồn nhạy cảm nào cũng dễ nhận ra.

Nguyễn Trãi cũng dùng thủ pháp nghệ thuật này để tả cảnh cỏ cây ngày xuân tràn sức sống, sông đây ắp nước, còn hoạt động của con người thì

ít ỏi, được thể hiện qua bài thơ Bến đò xuân đầu trại. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra bố cục cân đối của bài thơ. Hai câu đầu miêu tả hai hiện tượng thiên nhiên về mùa xuân, hai câu sau miêu tả hoạt động của con người.

Trong thơ, ranh giới giữa miêu tả và biểu hiện rất linh động nên cùng với việc lĩnh hội bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt của con người thì người đọc có thể hình dung được tâm trạng của tác giả - Nguyễn Trãi nhà thơ trữ tình sâu sắc.

Và chúng ta cũng không thể quên câu thơ Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu tống Mạch Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch, câu thơ đã tập trung biểu hiện tâm trạng của chủ thể, có điều ẩn kín sau con mắt nhìn chứ không nói bằng ngôn từ trực trần kì sự. Câu thơ dùng thủ pháp quen thuộc của Đường thi, đó là thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”, lấy cái có (chỉ thấy sông Trường Giang chảy lưng trời) để nói cái không có (còn đâu hình bóng bạn, bạn đi thật rồi).

Chúng ta còn bắt gặp thủ pháp này trong thơ của Nguyễn Khuyến tiêu biểu là chùm thơ nức danh về mùa thu. Trong chùm thơ này, nhà thơ đã miêu tả về trời thu, nước thu, trăng thu bằng phút pháp gợi là chủ yếu nhưng vẫn có đôi nét tả. Ở đây, chúng ta thấy rõ là thi nhân không nói cụ thể hoa mùa thu nào. Hoa năm ngoái là mấy chùm hoa đã nở từ năm trước, nay lại đã trổ bông? Hay tác giả dùng theo nghĩa gợi về quá khứ, đồng nhất quá khứ và hiện tại như trong Truyện Kiều: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông?.

Ngoài ra, nhà thơ Tú Xương, một người được biết đến trước hết là một nhà thơ trào phúng xuất sắc. Thơ ông lấy cảm hứng từ các vấn để xã hội với nhiệt tình phê phán mạnh mẽ. Bài thơ Thương vợ lại biểu hiện tình cảm riêng tư của Tú Xương và cho chúng ta thấy chất trữ tình đằm thắm của nhà thơ và qua bài thơ chúng ta còn thấy được khả năng tả người gợi cảnh đầy tài hoa của tác giả.

Bài thơ Thương vợ làm theo thể thất ngôn bát cú. Câu phá đề kể một cách khái quát về công việc của người vợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Lời thơ giản dị diễn tả sự ái ngại cho người vợ phải thường xuyên bươn chải nơi đầu sống ngọn gió. Cảm xúc ấy đậm thêm khi nhà thơ kể ra nguyên cớ của nỗi gian truân kia. Không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục cho người đọc thấy được nỗi vất vả của bà Tú trong những không gian và thời gian cụ thể, điều này được thể hiện ở hai câu thực:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Cả hai câu thơ đều dùng lối đảo ngữ và biện pháp đối lập thật hiệu quả. Một bên là sự vắng vẻ, côi cút của thân cò lặn lội. Một bên là tiếng đông người với tiếng eo sèo, lời qua tiếng lại, tranh giành mua bán. Hai câu thơ cũng gợi cho người đọc thấy được một hình tượng quen thuộc trong văn học dân gian khi nói về người vợ cần mẫn tội nghiệp:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

Lặn lội thân cò là hình ảnh đậm nét về nổi vất vả mà bà Tú phải trải qua để lo lắng cho giang sơn nhà chồng, với gánh nặng trên vai mà ông chồng chẳng đỡ đần được việc gì.

Một biểu hiện nữa của tài năng thơ Tú Xương ở bài thơ này là ở nghệ thuật dùng số từ. Thơ Đường luật số chữ ít nên quan hệ từ được tỉnh lược cao độ, số từ cũng ít được dùng. Vậy mà chỉ trong một bài thơ, Tú Xương đã ba lần dùng cặp đôi số từ (năm, một; một, hai; năm, mười) rất thoải mái và điều chủ yếu nhất là làm cho sức diễn tả của câu thơ phong phú hẳn lên.

Ở chương này chúng tôi đã tìm hiểu và hình thành tri thức về thơ Đường luật của Việt Nam thời trung đại trên những nội dung cơ bản sau:

Trước hết, chúng tôi tìm hiểu khái niệm thơ Đường luật từ những quan niệm của những nhà nghiên cứu, cũng như bước đầu thống kê, phân loại thơ Đường luật của Việt Nam thời trung đại được dạy học ở trung học phổ thông.

Tiếp theo, chúng tôi đi vào tìm hiểu những khó khăn và thuận lợi của việc dạy học thơ Đường luật. Đồng thời chúng tôi đã bàn đến hướng khai thác những tác phẩm thuộc thể lthơ Đường luật.

Cuối cùng, nhằm giúp giáo viên thuận lợi hơn khi dạy các tác phẩm thuộc thể loại thơ Đường luật, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu ba tri thức chủ yếu của thơ Đường luật, đó chính là sự hàm súc, kín đáo; phép song hành và thủ pháp tả để gợi.

Chương 2

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w