Một số vấn đề về phương pháp dạy học ngữ văn hiện nay có liên quan

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 64 - 67)

Chương 4. THIẾT KẾ MỘT SỐ BÀI GIẢNG THEO HƯỚNG CHÚ TRỌNG HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI

4.1. Một số vấn đề về phương pháp dạy học ngữ văn hiện nay có liên quan

“Ngày nay, sự hiểu biết của con người luôn đổi mới. Cho nên dù học được trong nhà trường bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ rất hạn chế. Thế thì cái gì là quan trọng? Cái quan trọng là rèn luyện bộ óc, rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp học tập, phải tìm tòi phương pháp vận dụng kiến thức, phải vận dụng tốt nhất bộ óc của mình…”.

(Phạm Văn Đồng - “Dạy văn là một qúa trình rèn luyện toàn diện”, Nghiên cứu Giáo dục, 11/1973).

Đổi mới dạy học nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là khối lượng tri thức của nhân loại ngày một tăng lên nhanh chóng, nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại với một bên là thời gian học tập văn hóa trên lớp ngày càng eo hẹp do phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Chỉ có con đường tích hợp các tri thức gần nhau trong một lĩnh vực nào đó thì mới giải quyết được mâu thuẫn đó. Học một vấn đề nhưng qua đó cung cấp, tìm hiểu, khám phá, vận dụng nhiều tri thức liên quan. Và đó là kết qủa thu được cũng mang tính tổng hợp cao, đa dạng và phong phú.

Đổi mới trong dạy học hiện nay cần đạt ba yêu cầu: Tích hợp kiến thức, phát huy tính tích cực của học sinh, sử dụng phương tiện phù hợp.

Việc đổi mới Chương trình Ngữ văn theo quan điểm tích hợp đòi hỏi đổi mới về phương pháp dạy học. Nhà trường phổ thông lâu nay đã quen với lối giảng dạy từng phân môn tách rời, còn giảng dạy các phân môn đó như một thể thống nhất, trong đó mỗi phân môn vừa giữ bản sắc riêng, vừa hòa nhập với nhau để hình thành nên tri thức và năng lực, kỹ năng Ngữ văn thống nhất ở học sinh là một việc làm mới mẻ.

Đặc điểm nói chung của phương pháp dạy học theo quan điểm tích hợp là vừa chú ý giảng dạy những tri thức và kỹ năng đặc thù cho phân môn vừa khai thác những yếu tố chung giữa ba phân môn để góp phần hình

thành và rèn luyện tri thức và kỹ năng của các phân môn khác. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, cho nên yếu tố ngôn từ nghệ thuật là điểm chung của cả ba phân môn. Không chỉ tiếng Việt phải khai thác các yếu tố tiếng Việt cấu tạo nên tác phẩm, mà cả Văn, khi giảng dạy những tri thức, kỹ năng riêng của mình cũng phải từ các yếu tố của ngôn ngữ mà xác định các tri thức, kĩ năng. Làm văn (Tập làm văn) không chỉ giảng dạy cách thức làm bài văn mà còn phải rèn luyện cách dùng từ, đặt câu. Mặt khác, khi giảng dạy các tri thức, kĩ năng Tiếng Việt, Làm văn, phải giúp học sinh thấy được hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ, đặt câu,… Như vậy, định hướng của phương pháp giảng dạy mới theo quan diểm tích hợp là tận dụng tri thức và kĩ năng về tiếng Việt để tạo lập và giải mã văn bản rồi từ việc dạy tạo lập, giải mã văn bản lại củng cố và phát triển các tri thức và kĩ năng khi học tiếng Việt.

Để thực hiện định hướng dạy học nói trên, cần phải biết cách tách nhỏ những yêu cầu cần dạy học của từng phân môn thật chi tiết và khoa học, phù hợp với tâm sinh lí của học sinh. Tách ra như vậy để có thể phối hợp chúng với nhau trong một bài học. Tất nhiên, sự phối hợp này không nên máy móc. Khi phải dạy những yếu tố cần dạy của một phân môn nào đó mà không tìm được sự có mặt của chúng ở các phân môn khác, thì phải dạy chúng như những tri thức độc lập trong bài học.

Trong thực tế, rất ít gặp những văn bản được tạo ra chỉ theo một phương thức (tự sự, miêu tả, biểu cảm, lập luận, thuyết minh) thuần nhất.

Thông thường trong các tác phẩm văn học cũng như trong các văn bản nhật dụng, các phương thức trên được sử dụng đồng thời, hòa quện với nhau nhằm đạt đến đích chung của một văn bản. Do đó khi dạy học cần khai thác triệt để những yếu tố thuộc một trong các phương thức tạo lập văn bản nói trên trong văn bản đang dạy để phục vụ cho kiểu văn bản đang là trọng tâm của một loạt bài học kiểu đó.

Phương pháp dạy học mới cũng đòi hỏi phải phát huy triệt để những nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, đòi hỏi phải phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong khi học tập ở lớp, ở nhà và khi giải các bài tập,

làm các bài văn. Phải phát huy tối đa tính tích cực, tính sáng tạo của học sinh - chủ thể học tập ở tất cả mọi khâu, từ việc chuẩn bị bài, sưu tập tư liệu, phát biểu trong tổ, nhóm tự đánh giá và đánh giá bạn, tham quan, hoạt động thực tế theo đặc trưng bộ môn,… Tính tích cực trong việc học tập Ngữ văn dễ thể hiện thành bề nổi của phong trào (thảo luận, sáng tác, viết báo, hoạt động Ngữ văn, hoạt động văn nghệ,…) cả bề sâu. Phải động viên các em vật lộn với vấn đề cụ thể, đôi khi tỉ mỉ, nhỏ nhặt, mà có ý nghĩa như: tự tra cứu nghĩa của từ khó ở từ điển, lập hồ sơ, sưu tập ảnh liên quan đến một vấn đề nào đó của chương trình. Có thể dùng trang thiết bị kĩ thuật hiện đại và đồ dùng dạy học để góp phần cải tiến phương pháp theo hướng tích cực và tích hợp.

Cần tổ chức khai thác tốt hơn Sách tham khảo có trong thư viện trường, cần phát huy tác dụng kênh hình qua phần minh họa trong sách giáo khoa, qua Bộ tranh tư liệu văn học của Trung tâm Bản đồ tranh ảnh Giáo dục, qua các băng hình của Trung tâm Nghe nhìn giáo dục, hướng dẫn học sinh xem vô tuyến truyền hình,… Cũng có thể phối hợp với giáo viên âm nhạc tổ chức biểu diễn dân ca, nghe băng đĩa các bài hát phổ nhạc các tác phẩm văn học, phối hợp với giáo viên hội họa tổ chức thi vẽ theo những đề tài gắn với tác phẩm văn học có trong chương trình…

4.1.2. Dạy học theo hướng chú trọng hình thành tri thức thể loại

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong văn học trung đại thể loại có vai trò lớn vì thời này do những nguyên nhân văn học và phi văn học mà quy phạm bền vững, dẫn đến tình trạng các thể loại rất khác nhau. Một trong những ý nghĩa lớn nhất của việc nghiên cứu thể loại văn học Việt Nam trung đại là nhận thức được vai trò của chúng trong việc góp phần tạo nên giá trị của từng tác phẩm và vị thế của thể loại đối với văn học trung đại dân tộc. Nếu không có được những hiểu biết cần thiết về mặt thể loại văn học thời trung đại, người dạy và người học văn chương hôm nay sẽ nhận thức, đánh giá sai lạc các giá trị văn chương trước đây. Nhiều thể loại có mặt từ trước, đến giai đoạn này vẫn tiếp tục diễn tiến như thơ Đường luật, truyện truyền kì, văn chính luận Việt Nam thời trung đại. Ví dụ dạy học thơ Đường luật cần chú ý đến các thuộc tính ở thơ Đường luật là sự hàm

súc, kín đáo và thủ pháp tả để gợi. Cốt truyện của truyện truyền kỳ đa dạng và phức tạp hơn hẳn truyện dân gian và các thể loại văn tự sự trước đó như chí quái và cổ văn, một mặt để tạo nên nhân vật khác thường kỳ lạ, mặt khác tác giả truyện truyền kỳ cũng ý thức rằng đây là một phương diện tạo nên giá trị thẩm mỹ.

Dạy - học truyện truyền kỳ phải tránh thái độ máy móc đối với cái siêu thực, tránh việc hễ nhìn thấy nó là xếp vào “mê tín dị đoan”.

Dạy học văn chính luận Việt Nam thời trung đại cần chú ý đến điểm riêng biệt trong cách xác định chân lý. Và khi dạy thể loại này cũng cần chú ý đến tính chất nguyên hợp cũng như hình tượng tác giả trong văn bản.

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w