Sự kỳ lạ qua việc miêu tả một thế giới khác song hành với thế giới trần tục và con người có phép tái sinh

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 48 - 51)

Chương 2. HÌNH THÀNH TRI THỨC VỀ TRUYỆN TRUYỀN KỲ

2.4. Những tri thức cơ bản về truyện truyền kì cần hình thành

2.4.2. Sự kỳ lạ qua việc miêu tả một thế giới khác song hành với thế giới trần tục và con người có phép tái sinh

Trong truyện truyền kỳ, con người có khả năng giao tiếp với thế giới siêu nhiên, một thế giới thiên hình vạn trạng, phổ biến nhất là ma quỷ. Cỏ cây và muông thú, ma quỷ và thần linh đều được nhân hoá. Sự nhân hoá này có khi cả ở phần xác lẫn phần hồn, hoặc chỉ phần hồn. Thế giới phi nhân đó hoà hợp hoặc đối địch với con người, làm nên bức tranh cuộc sống đặc thù. Hiện trạng này là kết quả tổng hoà của nhiều nhân tố: tư duy khoa học chưa phát triển, thế giới quan của các tôn giáo, sự trưởng thành của ý thức thẩm mỹ và của tư duy nghệ thuật... Nhân vật trong truyện truyền kỳ có thể là những con người hoặc những con vật, con vật mang nội dung, ý nghĩa của con người.

Tác giả truyện truyền kì đã tạo được yếu tố kì lạ khi miêu tả một thế giới khác song hành với thế giới trần tục và ở truyện truyền kì con người có phép tái sinh. Chính việc sáng tạo ra thế giới thứ hai đầy bí ẩn cũng là cách thể hiện tấm lòng ưu ái của mình với cuộc đời. Tác giả truyện truyền kì đã đưa tác phẩm gần với đời thường hơn.

Chúng ta có thể thấy rõ cái kì lạ ở truyện truyền kì qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Trong tác phẩm, tác giả đã sáng tạo ra một thế giới khác, thế giới thủy cung đầy bí ẩn nhưng cũng rất gần gũi. Cái thế giới thần bí đó gắn liền với tư tưởng thoát li hiện thực của Đạo giáo. Người đọc có thể thấy trong tác phẩm có một thế giới khác song hành với thế giới trần tục của con người. Để sáng tạo ra yếu tố kì lạ này, Nguyễn Dữ mong muốn chuyển vấn đề

thân phận người bình thường vào một thế giới khác - thế giới thủy cung nhằm làm tăng giá trị phê phán của tác phẩm, làm giàu và khám phá những nét mới trong tâm hồn của nhân vật. Chính bút pháp kì lạ này đã giúp nhà văn khám phá tâm hồn của nhân vật ở một thế giới khác, một hoàn cảnh và một thử thách mới. Nguyễn Dữ để cho Vũ Nương sống ở một thế giới khác, ở thế giới kì ảo này, mọi người đối xử với nhau thật ân nghĩa, việc để cho nhân vật mình sống lại ở thế giới thủy cung cũng cho người đọc thấy được tình thương yêu của tác giả đối với nhân vật của mình.

Trong Truyền kì mạn lục, thế giới thần cũng tồn tại với thế giới con người, chính những cái được xem là quái dị này sẽ xen kẽ với những cái bình thường, tình tiết thực lẫn với tình tiết ảo, việc người quan hệ với ma, quỷ, thần tiên... Tất cả đều có quan hệ ràng buộc với nhau.

Ngoài ra, với tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, chúng ta cũng thấy được cái kì lạ mà tác giả Nguyễn Dữ đã khai thác ở tác phẩm này. Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã giới thiệu một cách khái quát, đầy đủ về nhân thân của nhân vật Tử Văn, đó là một người có tính tình cương trực, thấy sự gian tà thì không chịu được, chính vì vậy, Tử Văn đã đốt đền của tên tướng giặc trú ngụ. Hành động ấy chẳng những là hành động khẳng khái, chính trực mà còn là biểu hiện của lòng dũng cảm bởi đụng đến thần linh là việc động trời, đặc biệt đó còn là một hung thần. Bằng hành động này, Tử Văn đã diệt trừ tận gốc cái ác. Ở đoạn văn này, nhà văn đã để cho tác phẩm lên đến cao trào khi mà nhà văn cho xuất hiện hàng loạt yếu tố kì lạ. Nhưng để chiến thắng với tên hung thần vốn là một tên tướng giặc nhà Minh, Nguyễn Dữ đã để cho nhân vật Tử Văn phải đương đầu với gian khổ, khó khăn, với cái xấu, cái ác.

Bởi vậy, với ngòi bút sâu sắc và nhân đạo, nhà văn đã sáng tạo ra một thế giới khác, đó là một thế giới không có thực, thế giới cõi âm. Cái thế giới đó song hành với thế giới trần tục. Trong truyện, nhà văn đã hình dung một cách sinh động với nhiều yếu tố hoang đường, kì lạ, đó là những nhân vật thần linh như hồn ma viên Bách hộ, Thổ công, Diêm Vương, quỷ

Dạ Xoa... Nhưng đằng sau các chi tiết kì ảo, hoang đường đó thì người đọc cũng nhận ra được bóng dáng của một xã hội đương thời thối nát. Chính vì vậy, dù đó là một thế giới theo trí tưởng tượng và hư cấu của tác giả truyện truyền kì nhưng vẫn tạo ra được sự hấp dẫn với bao thế hệ bạn đọc.

Nguyễn Dữ đã thành công khi đã xây dựng một thế giới khác, thế giới âm phủ nhằm phê phán những bất công trong xã hội đương thời, nơi đó có những tên quan tiếp tay cho kẻ ác, kẻ xấu để gây bao nỗi khổ cho người dân lương thiện. Việc nhân vật Tử Văn đi tìm công lí nhằm diệt trừ hồn tên tướng giặc cũng đã thể hiện khát vọng theo đuổi công lí đến cùng của con người và còn thể hiện niềm tin dù công lí có nhất thời bị che lấp bởi sự lộng hành của cái ác nhưng kết quả cuối cùng là cái thiện, cái chính nghĩa sẽ chiến thắng cái ác, cái phi nghĩa.

Ở chương này, chúng tôi đã trình bày những tri thức cần hình thành về truyện truyền kỳ trên những nội dung cơ bản sau đây:

Đầu tiên, chúng tôi đi tìm hiểu khái niệm truyện truyền kỳ giới thiệu được sơ bộ về tác giả Nguyễn Dữ - tác giả của Truyền kỳ mạn lục, đỉnh cao của truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại.

Tiếp theo, chúng tôi khảo sát, ý kiến của giáo viên Ngữ văn và học sinh về việc tiếp nhận những truyện truyền kỳ sẽ gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào, để từ đó, chúng tôi cũng đã đưa ra một vài ý kiến nhằm giúp giáo viên thuận lợi hơn khi dạy các văn bản thuộc thể loại truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại.

Cuối cùng, chúng tôi tiến hành tìm hiểu những tri thức cơ bản về truyện truyền kỳ, đó là sự kỳ lạ trong truyện truyền kỳ là được thể hiện bằng việc nhân hóa loài vật, miêu tả một thế giới khác song hành với thế giới trần tục, cũng như tìm hiểu phép tái sinh có trong truyện truyền kỳ trong Chức phán sự đền Tản Viên, một tác phẩm xuất sắc được dạy học ở trung học phổ thông.

Chương 3

HÌNH THÀNH TRI THỨC VỀ VĂN CHÍNH LUẬN VIỆT NAM TRUNG ĐẠI

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w