Khái niệm truyện truyền kỳ

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 31 - 34)

Chương 2. HÌNH THÀNH TRI THỨC VỀ TRUYỆN TRUYỀN KỲ

2.1. Khái niệm truyện truyền kỳ

Truyện truyền kỳ là thể loại của văn học Trung Quốc được du nhập vào nước ta. Tên gọi thể loại này bắt nguồn từ tên tập truyện nhan đề Truyền kỳ của Bùi Hình đời Đường. Khâu Chấn Thanh trong Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc viết: “Theo sự khảo chứng của Vương Quốc Duy, cái tên Truyền kỳ bắt đầu từ đời Đường, thoạt đầu nó chỉ tiểu thuyết đời Đường, đến thời Tống thì gọi các cung điệu là truyền kỳ. Người Nguyên lại khen ngợi tạp kịch là truyền kỳ. Đến thời Minh thì coi các tác phẩm hay của hý khúc là truyền kỳ. Cái tên truyền kỳ từ thời Đường tới thời Minh tuy đã trải qua bốn lần thay đổi nhưng chưa hề tách rời những tác phẩm có tính chất tự sự như loại tiểu thuyết, hài kịch vốn vẫn có tình tiết” [62 , 129-130]. Lý Ngư (đời Thanh) nói: Một số tác phẩm trong lịch sử sở dĩ có thể lưu truyền được là do “tình tiết của nó khác lạ, độc đáo, chưa được người nhìn thấy và lưu truyền (Nhân kỳ sự thậm kỳ đặc, vị kinh nhân kiến nhi truyền chi)” và kết luận: Không kỳ không truyền (phi kỳ bất truyền)” [62, 130]. Lý Ngư cũng nói rằng, “muốn đạt tới cái kỳ thì cái kỳ ấy phải xuất phát từ cuộc sống hiện thực, phải hợp với lôgic sự vật. Kỳ không phải là cái hoang đường quái đản. Ông nói:

Phàm viết truyền kỳ, chỉ có thể nên tìm những cái gì gần gũi ngay trước tai mắt, chứ không nên tìm ở ngoài những cái nghe thấy, nhìn thấy”(phàm tác

truyền kỳ, chỉ đương cầu vu nhĩ mục chi tiền, bất đương sách chư văn kiến chi ngoại) [62, 132].

Việt Nam, khái niệm truyện truyền kỳ được hiểu theo nghĩa rộng, hẹp khác nhau. Có nhà nghiên cứu xếp tất cả những tác phẩm văn xuôi có yếu tố thần linh ma quái hoặc kỳ dị vào truyện truyền kỳ. Có người nêu thêm tiêu chí hư cấu của nhà văn và cho rằng chỉ xếp vào truyện truyền kỳ những truyện trong đó con người là nhân vật chính chứ không phải thần linh ma quỷ. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa 10 THPT môn Văn quan niệm: “Truyện truyền kỳ có đặc điểm nổi bật nhân vật thường là người, hoặc thần thánh, ma quái, tinh loài vật, tiên, phật… Trong các truyện truyền kỳ, thường có sự tham gia của các yếu tố kỳ lạ, hoang đường trong một cốt truyện sinh hoạt có tính thế sự…

Chính điều này làm tăng thêm tính hấp dẫn của truyện” [???,101-102].

Trong Từ điển tác giả, tác phẩm Văn học Việt Nam dùng cho nhà trường các tác giả viết: “ở thể loại này (truyện truyền kỳ) các tác giả thường mượn các yếu tố thần linh, ma quái để tái tạo và qua đó gửi gắm cái nhìn và thái độ đối với hiện thực của thời đại mình”. Một số nhà nghiên cứu văn học nêu thêm tiêu chí: Vai trò hư cấu của nhà văn ở thể loại này và chỉ xếp vào thể loại truyện truyền kì những truyện trong đó con người là nhân vật chính chứ không phải là thần linh, ma quỷ.

“Truyền kỳ là một hình thức văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ truyện kể dân gian, sau được các nhà văn nâng lên thành văn chương bác học, sử dụng những môtip kỳ quái hoang đường, lồng một cốt truyện có ý nghĩa trần thế, nhằm gợi hứng thú cho người đọc” [22, 30].

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, truyện truyền kỳ là “ thể loại tự sự cổ điển của văn học Trung Quốc thịnh hành ở đời Đường, tên gọi này cuối đời Đường mới có. “Kỳ” nghĩa là không có thực, nhấn mạnh tính hư cấu.

Thoạt đầu, tiểu thuyết truyền kỳ mô phỏng truyện chí quái thời Lục triều, sau phát triển độc lập” [19, 342].

Như vậy, dù được hiểu rộng hẹp khác nhau, về thể loại truyện truyền kỳ có các đặc điểm: hình thức văn xuôi tự sự và việc tham gia của yếu tố kỳ lạ,

tức là tính chất khác lạ của con người, sự vật, hiện tượng xuất hiện trong truyện. Truyện truyền kỳ xây dựng những thế giới khác ngoài thế giới hiện sinh của con người: thượng giới, âm phủ, thủy cung. Ở đó, người ta có thể sống bình thường. Trong truyện truyền kỳ, con người có thể giao tiếp với thế giới siêu nhiên: tiên, phật, thánh thần, ma quỷ… Phổ biến nhất là ma quỷ.

Đây là yếu tố chi phối các đặc điểm khác (cốt truyện sinh hoạt có tính thế sự, nhân vật chính là con người, vai trò hư cấu của nhà văn…) của thể loại truyện truyền kỳ. Sự có mặt xuyên suốt của yếu tố “kỳ” và vai trò tích cực của nó đối với vấn đề xây dựng cốt truyện và xây dựng nhân vật chính là bản chất thẩm mỹ của thể loại truyện truyền kỳ.

Giải thích từ “kỳ”, Từ điển tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên viết “kỳ” là “lạ đến mức làm người ta phải ngạc nhiên”. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều khái niệm để giải thích yếu tố “kỳ”. Chẳng hạn như: “kỳ ảo” (kỳ lạ, tựa như có thật mà chỉ có trong tưởng tượng); “kỳ dị”

(khác hẳn với những gì thường thấy đến mức lạ lùng); “kỳ diệu” (có cái gì vừa rất lạ lùng như không cắt nghĩa nổi, vừa làm người ta phải ngợi ca); “kỳ quái” (đặc biệt lạ lùng, chưa bao giờ thấy); “kỳ quặc” (kỳ lạ tới mức trái hẳn với lẽ thường, khó hiểu) [56, 499]. Nhìn chung yếu tố “kỳ” được hiểu là kỳ lạ, kỳ diệu, kỳ ảo, kỳ quái... Yếu tố “kỳ” có ý nghĩa đặc biệt nên đã được sử dụng trong văn chương ngay từ thời xa xưa. Trong văn học Việt Nam, yếu tố kỳ được sử dụng rất độc đáo và đắc địa qua văn xuôi tự sự thời trung đại.

Với hàng loạt tác phẩm nổi bật, lưu danh như: Thánh Tông di thảo (khuyết danh), Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm),... đặc biệt là Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.

Truyện truyền kỳ là một thể loại văn học có diện mạo và tính chất riêng. Thể loại này thường sử dụng một số thể văn như văn xuôi, văn vần, văn biền ngẫu, có phương thức diễn đạt riêng như phô diễn tâm tình (trữ tình), thuật bày sự việc (tự sự), biện luận lý giải (chính luận). Nó là thể loại văn học có tính chất lịch sử vừa ổn định vừa tương đối, vừa dần có sự biến đổi để phù hợp với tư duy văn học [ 63, 64-65].

Chẳng hạn, đặc điểm lớn nhất của nhân vật truyện truyền kỳ là luôn có tính chất thực và tính chất hư, thiếu một trong hai tính chất này không phải là nhân vật truyện truyền kỳ đích thực. Hơn nữa, ở kiểu nhân vật này cái thực luôn được hư hoá và ngược lại. Sự tích về người đàn bà họ Vũ ở Hà Nam cho thấy Nguyễn Dữ đã sáng tạo Chuyện người con gái Nam Xương trên cơ sở một cuộc đời có thật. Từ sự thật đắng cay đau xót đó, nhà văn đã hư hoá, sáng tạo thêm thế giới thuỷ cung khiến cho truyện giàu sức biểu hiện hơn, lung linh huyền ảo hơn.

Thủ pháp ngược lại là cái hư được thực hoá. Theo lôgíc thông thường, người ta khó tin những chuyện xảy ra với Tử Văn (nhân vật chính trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên). Để thuyết phục độc giả, nhà văn đã gắn nhân vật này với đền Tản Viên - một ngôi đền có thật, nơi thờ một trong tứ bất tử của Việt Nam.

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w