Sự kì lạ thể hiện bằng việc nhân hóa loài vật

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 44 - 48)

Chương 2. HÌNH THÀNH TRI THỨC VỀ TRUYỆN TRUYỀN KỲ

2.4. Những tri thức cơ bản về truyện truyền kì cần hình thành

2.4.1. Sự kì lạ thể hiện bằng việc nhân hóa loài vật

Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, truyện cổ tích và truyện truyền kì đều có yếu tố kì lạ. Nhưng yếu tố kì lạ của cả hai thể loại này đều có những nét tương đồng và khác biệt , nếu xét về mặt hình tượng nghệ thuật thì yếu tố kì lạ ở truyện truyền kì quy mô hơn, công phu hơn và điều đó thể hiện phong cách sáng tác của tác giả.

Ở phần này, chúng tôi trình bày về vấn đề kì lạ ở truyện truyền kì khi nhân hóa loài vật để trong tác phẩm thêm phần hấp dẫn và mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Yếu tố kì lạ trong truyện truyền kì xét về bản chất là cái không có thực nhưng do trí tưởng tượng và sự sáng tạo của tác giả mà tác phẩm vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc. Cái kì lạ trong truyện truyện truyền kì là những trải nghiệm, những ước mơ, khát vọng về những trăn trở của tác giả. Cũng có khi cái kì lạ trong truyện truyền kì là cả một xã hội thu nhỏ.. Điều này cũng có trong truyện cổ tích. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đối sánh yếu tố kì lạ trong truyện truyền kì và truyện cổ tích để nhằm thấy rõ đặc trưng của từng thể loại và cũng giúp người dạy và người học có cách nhìn toàn diện hơn về thể loại truyện truyền kì.

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có không ít truyện cổ tích thần kì, đây là những câu chuyện mẫu mực, gắn liền với đời sống của người dân như những truyện: Tấm Cám, Thạch sanh, Sọ Dừa, Cây khế...

Trong truyện cổ tích thần kì, việc nhân hóa loài vật không có gì xa lạ với tác giả dân gian. Chính việc nhân hóa này đã làm cho các câu chuyện trở nên và có sức sống mãnh liệt hơn. Do đó, việc nhân hóa trong truyện cổ tích thần kì chỉ là thủ pháp nghệ thuật đơn thuần mà còn là cả một niềm tin của thế hệ, đời sống tinh thần của cả một xã hội.

Chúng ta thử xem xét một vài truyện cổ tích thần kì tiêu biểu, chính điều này sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn vai trò của thủ pháp nghệ thuật nhân hóa. Ví dụ như tác phẩm Tấm Cám. Trong truyện này, nhiều con vật được tác giả dân gian dùng thủ pháp nhân hóa để thổi hồn cho chúng, chính vì vậy, tất cả các con vật này đều biết nghe và nói tiếng người.

Xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm đó là cá bống. Cá bống đã nổi lên mặt nước khi nghe lời gọi quen thuộc của Tấm:

Bống bống bang bang

Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nha ta Chớ ăn cơm hẫm, cháo hoa nhà người

Rồi sau đó là chim vàng anh. Con chim này không những nói tiếng người mà còn trực tiếp phát ngôn cho Tấm:

Giặt áo chồng tao Thì giặt cho sạch Giặt mà không sạch Tao vạch mặt ra

Thủ pháp nghệ thuật này cũng thấy ở truyện Cây khế, chim phượng hoàng. Chim đến ăn khế của vợ chồng người em và nghe lời than thở của hai vợ chồng thì chim liền đáp:

Ăn một quả Trả cục vàng May túi ba gang Mang đi mà đựng

Và chim đã thực hiện đúng lời hứa của mình, đưa người em ra đảo vàng và giúp anh ta trở thành người giàu có. Sự nhân hóa trong truyện cổ tích thần kì đã góp phần làm cho tác phẩm thêm màu sắc lãng mạn.

Ở truyện truyền kì, thủ pháp nhân hóa được sử dụng một cách có ý thức hơn và góp phần đáng kể trong việc tạo nên thi pháp thể loại. Chúng tôi đã trình bày ở trên, truyện truyền kì là một thể loại văn xuôi nghệ thuật độc đáo, kể về những chuyện kì lạ được truyền tụng; nhân vật chủ yếu là người, ma quỷ, chủ đề chính là tình yêu nam nữ, bên cạnh đó là các chủ đề

khác như: yêu nước, chống cường quyền, số phận con người… Một thuộc tính quan trọng của các tác phẩm thuộc thể loại này là là yếu tố kì ảo trở thành đối tượng thẩm mỹ thực sự.

Ở đây kì ảo không chỉ là cái siêu nhiên, cái không thể xảy ra mà còn có thể là cái kì lạ, dị thường. Trong truyện truyền kỳ, con người có khả năng giao tiếp với thế giới siêu nhiên, một thế giới thiên hình vạn trạng, phổ biến nhất là ma quỷ. Các tác giả “quỷ vật giả thác dĩ tác hiếu kỳ” (lấy ma quỷ để gợi tính hiếu kỳ). Cỏ cây và muông thú, ma quỷ và thần linh đều được nhân hoá. Sự nhân hoá này có khi cả ở phần xác lẫn phần hồn, hoặc chỉ phần hồn. Thế giới phi nhân đó hoà hợp hoặc đối địch với con người, làm nên bức tranh cuộc sống đặc thù. Hiện trạng này là kết quả tổng hoà của nhiều nhân tố: tư duy khoa học chưa phát triển, thế giới quan của các tôn giáo, sự trưởng thành của ý thức thẩm mỹ và của tư duy nghệ thuật... Nhân vật trong truyện truyền kỳ có thể là những con người hoặc những con vật, con vật phản ánh tính cách và số phận của con người.

Như đã trình bày ở trên, cả hai thể loại truyện cổ tích và truyện truyên kì đều có yếu tố kì lạ và cái kì lạ chính là việc nhân hóa loài vật.

Điều này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở tác phẩm Con hổ có nghĩa của tác giả Vũ Trinh. Đây là một tác phẩm được đưa vào giảng dạy ở chương trình THCS, việc khảo sát này nhằm làm rõ điểm giống và khác của hai thể loại truyện này.

Ngữ văn 6 (SGV) viết: “Truyện con hổ có nghĩa của Vũ Trinh (1759- 1828) được xem là truyện trung đại”. Còn TS. Phạm Tuấn Vũ cho rằng

“phải gọi hẳn đây là một truyện truyền kì thì mới hiểu được nghĩa lí của truyện và những đặc sắc của nó”. Nhà văn đã thể hiện sự kì lạ đó bằng việc nhân hóa loài vật.

Truyện Con hổ có nghĩa là một truyện rút từ tập Lan Trì kiến văn lục của tác giả Vũ Trinh (1759-1828). Tác phẩm có hai câu chuyện đối lập, hai câu chuyện này bổ sung cho nhau tạo nên thể thống nhất. Truyện con hổ có nghĩa, hình tượng con vật được nhấn mạnh ở nét đẹp tình nghĩa, biết ơn và trả ơn của con vật.

Cái nghĩa của con hổ thứ nhất được thể hiện qua chuyện xảy ra giữa hổ và bà đỡ họ Trần (ở huyện Đông Triều). Đó là câu chuyện con hổ đực, tuy là loại vật nhưng nó rất tình nghĩa .

Trước hết là việc thể hiện tình cảm vợ chồng với con hổ cái, khi hổ cái trở dạ sinh đẻ, nó không ngần ngại nhọc công đi tìm bà đỡ “ hổ đực cầm tay bà đỡ... ; nhìn hổ cái mà nhỏ nước mắt”. Và sau khi được bà đỡ họ Trần giúp, nó đã đền ơn bằng cách tặng bà một cục bạc để bà sống qua năm mất mùa đói kém “rồi hổ quỳ xuống bên một góc cây, dùng chân trước đào lên một cục bạc trắng, đưa mắt nhìn bà đỡ”. Và nó còn thể hiện tình lưu luyến trong phút chia tay với ân nhân “Hổ bái tạ quay về, nhưng vẫn còn cúi đầu, vẩy đuôi làm ra vẻ tiễn biệt”. Từ những hành động của con hổ đực, chúng ta đã thấy được ý nghĩa triết lí của chuyện “lòng hiếu sinh sẽ được đáp lại bằng lòng hiếu sinh”.

Biết ơn và trả ơn là phẩm chất xuyên suốt của nhân vật hổ trong tác phẩm này. Câu chuyện thứ hai trong tác phẩm cũng thể hiện điều ấy. Đó là chuyện hổ bị hóc xương được bác tiều phu (ở huyện Lạng Giang) móc xương cứu sống. Hổ đã không quên ơn bác và trả ơn khi bác còn sống và sau khi bác tiều phu qua đời. Đó là một con hổ nghĩa tình thủy chung, trước sau như một với ân nhân của mình “Sau đó, bác tiều phu ra về. Một đêm nọ, nghe ngoài cổng có tiếng gầm dài và sắc. Sớm hôm sau, ra nhìn thấy có một con nai chết ở đó. Mấy năm sau, bác tiều phu già rồi chết. Khi chôn cất có một con mãnh hổ đột nhiên tới trước mộ phủ phục vật vã... Từ xa họ nhìn thấy, hổ dùng đầu vùi vào quan tài, gầm rống chạy quanh mộ rồi bỏ đi. Từ đó về sau, mỗi dịp giỗ bác tiều phu, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều trước hôm giỗ”.

Với thủ pháp nhân hóa, Vũ Trinh đã thành công khi đã lồng vào câu chuyện một bài học nhân sinh sâu sắc. Ở truyện thứ nhất, con hổ chỉ trả ơn một lần, nhưng ở truyện thứ hai, con hổ đã đền ơn mãi mãi, từ lúc ân nhân còn sống đến lúc ân nhân đã chết. Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam “sống lễ, chết giỗ”.

Đặt tác phẩm vào thời điểm mà nhà văn sáng tác, chúng ta thấy rõ hơn ẩn sau những câu chuyện về loài vật đã được nhân cách hóa đó là khát vọng về một xã hội mà trong đó quan hệ với người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Đó chính là sự hòa hợp giữa đạo đức và thẩm mỹ. Với yếu tố kì lạ bằng việc nhân hóa loài vật, con hổ trong Con hổ có nghĩa toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ của chữ tín và chữ nghĩa. Con vật còn biết sống cao đẹp, huống chi là con người.

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH TRI THỨC THỂ LOẠI TỪ VIỆC DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w