Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.3. Tổng quan địa bàn nghiên cứu
An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được xem là vùng đất trẻ nhất so với các vùng khác trong cả nước tính từ khi đất này thuộc quyền cai quản của nhà Nguyễn (đến nay chưa đầy ba thế kỷ). Xưa là vùng đất Tầm Phong Long, đến 1757 quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất này, đặt làm đạo Châu Đốc. Vùng đất này ban đầu hoang vu, sau khi Gia Long lên ngôi chiêu mộ dân đến ở, nên gọi là Châu Đốc Tân Cương [93, tr.27].
Năm Mậu Thìn 1808, Gia Long đổi Gia Định trấn thành Gia Định Thành, thống quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Tỉnh An Giang (ngày nay) lúc bấy giờ thuộc trấn Vĩnh Thanh. Đến năm Nhâm Thìn 1832, Minh Mạng đổi ngũ trấn thành lục tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tên gọi và tỉnh An Giang được thành lập từ đó.
An Giang có diện tích tự nhiên 3.424km2. Phía Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia (104km), Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang (70km), Nam giáp Cần Thơ (45km), Đông giáp tỉnh Đồng Tháp (107km). Dân số toàn tỉnh là 2.159.900 người (thống kê 2016). Toàn tỉnh chia thành 08 huyện, 01 thị xã và 02 thành phố, bao gồm:
thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu.
Về nguồn gốc cư dân, theo các nguồn cứ liệu lịch sử thì ngoài một số rất ít người dân bản địa, vùng đất này thời bấy giờ đa phần hoang vu, chưa được khai phá. Qua nhiều biến động của lịch sử, nhiều đợt di dân cả cưỡng bức lẫn tự do, cho đến nay, dân số An Giang đã có hơn hai triệu người, trở thành một trong những tỉnh đông dân nhất khu vực miền Tây Nam Bộ. Vùng đất này có bốn dân tộc sinh sống là: Việt, Hoa, Chăm, Khmer [17, tr. 16].
1.3.1.2. Đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội
Trong lĩnh vực kinh tế, người dân An Giang, ngoài trồng lúa và hoa màu, họ còn có nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, với đặc trưng là các làng bè và các hầm (ao) nuôi cá. Bên cạnh đó, với đặc điểm là địa bàn biên giới cũng như hệ thống kênh rạch chằng chịt, nghề buôn bán ở đây vừa mang nét đặc thù của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa mang trong mình nét đặc thù riêng với hình thức buôn bán thị tứ kết hợp buôn bán trên sông.
Văn hoá ẩm thực của vùng đất An Giang cũng vô cùng phong phú. Nét riêng trong ẩm thực nơi đây có lẽ là các loại mắm, khô và các sản phẩm của cây thốt nốt.
Từ Long Xuyên đến Châu Đốc, Tịnh Biên, đâu đâu cũng thấy các loại mắm cá, các thực phẩm phơi khô (thịt bò; cá các loại) và trái thốt nốt, nước thốt nốt, đường thốt nốt bày bán đầy trong các chợ, siêu thị, quầy sạp.
Văn hoá cư trú của người An Giang cũng tương đối đa dạng do địa hình nơi đây. Loại hình đặc thù là nhà bè và nhà sàn, với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, cây tràm, lá cọ, lá thốt nốt, dừa nước. Sau này với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa cũng như chương trình xây dựng đê bao sản xuất lúa vụ ba, loại hình nhà xây bằng các vật liệu xi măng, cốt thép bê tông, lợp ngói, tôn, dần thay thế.
Văn hoá nghệ thuật ở An Giang đặc sắc nhất là các hoạt động nghệ thuật gắn liền với đặc thù của sự đa dạng các tộc người Việt, Chăm, Hoa, Khơme... với hệ thống các lễ hội truyền thống của các dân tộc, nét sinh hoạt mang đậm bản sắc riêng có của từng cộng đồng người: lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, các lễ Kỳ yên, lễ hội của người Chăm... Trong các sự kiện lớn của gia đình,
của cộng đồng, thường có các tiết mục đờn ca tài tử. Đây cũng là một đặc sản của văn hoá nghệ thuật địa phương dành cho du khách [17, tr.18-20].
Về tôn giáo tín ngưỡng, An Giang có khá nhiều tôn giáo du nhập: đạo Phật, đạo Hồi, Công giáo, đạo Tin Lành. Bên cạnh đó, An Giang còn có một số tôn giáo bản địa như: đạo Cao Đài, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo [93, tr.793]. Phật giáo ở An Giang khá đặc biệt và có nét riêng giữa các cộng đồng dân tộc Việt, Hoa, Khơme. Theo đó, Phật giáo người Hoa hòa nhập với Phật giáo của cộng đồng người Việt nhưng vẫn có những dấu hiệu thể hiện bản sắc riêng. Đó là sự hòa quyện giữa Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo. Điều này thể hiện trong các ngôi chùa của người Hoa vừa thờ Phật vừa thờ Quan Thánh Đế Quân, Tề Thiên, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu... [93, tr.795]. Phật giáo của người Khơme lại gắn với đời sống của người dân từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành và qua đời. Chùa là cơ sở sinh hoạt tôn giáo và thờ tự chính của người Khơme, đồng thời là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi người Khơme tụ hội, sinh hoạt văn hóa và giáo dục [93, tr.796].
Bên cạnh đó, cách đây gần 200 năm, ở An Giang đã lưu truyền những câu chuyện liên quan đến Thánh Mẫu. Từ thuở khai hoang lập ấp (giai đoạn 1820-1825) người ta đã thấy sự xuất hiện của một ngôi miếu và những câu chuyện huyền bí về Bà Chúa Xứ. Từ đó cho đến nay, tín ngưỡng tôn thờ Mẹ Xứ Sở luôn tồn tại, có khi âm ỉ, có khi mạnh mẽ thành những làn sóng lan rộng ra phạm vi khu vực, trong nước và các nước láng giềng. Niềm tin vào Chúa Xứ Thánh Mẫu ngày một lớn, hàng triệu lượt người đổ về khu vực miếu Bà hàng năm cho thấy sức ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian này trong lòng người dân An Giang nói riêng và cả nước nói chung.
1.3.2. Khái quát về thành phố Châu Đốc
Là một trong hai thành phố thuộc tỉnh An Giang, Châu Đốc nằm sát cạnh biên giới, là cửa ngõ giao lưu với hai tỉnh Tà Keo, Kandal và thủ đô Phnom Pênh của Campuchia. Năm 1757, do ân nghĩa từ việc dẹp yên nội biến ở Cao Miên mà Nặc Tôn đã dâng vùng đất ấy (Tầm Phong Long) cho Đại Việt. Thời bấy giờ Châu Đốc chỉ là một đạo, chưa có tổ chức xã thôn. Dân chúng thưa thớt. Đó đây một vài sóc thổ, một ít xóm Chàm, năm bảy thương thuyền của người Bồ Đào Nha lui tới
trên sông và một số lều trại của các nhóm gia đình binh sĩ người Việt. Cho đến thời Gia Long, Châu Đốc cũng còn thưa người và đất hoang lầy lội. Chính sách mở rộng cương vực của triều đình đã khiến người dân đến ở vùng này và phát triển nông nghiệp, chăn nuôi. Thời Minh Mạng, vua xuống dụ cho Nguyễn Văn Thoại: “Đồn Châu Đốc rất trọng yếu, người phải khéo léo sửa trị, mộ thương dân, lập làng ấp, cho sổ đinh ngày càng thêm, ruộng vườn ngày càng rộng và việc biên phòng càng lúc càng cẩn mật...” [21, tr.221]. Trên các văn kiện đương thời, miền ấy được gọi là Châu Đốc Tân Cương... Đến 1817 trở đi, Châu Đốc đã là vùng đất tương đối trù phú. Kênh Thoại Hà đã được đào rồi tới kênh Vĩnh Tế được phóng thủy, càng làm sung túc thêm cho miền biên địa vùng Hậu Giang [21, tr.222-226]. Châu Đốc có vị trí thuận tiện trong giao thương, phát triển kinh tế đồng thời có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng, có thế mạnh đặc biệt là du lịch. Từ thời mở cõi, không chỉ người Việt và người Khơme, mà cả người Hoa, Chăm, Ấn, Malaysia cũng hội tụ sinh sống tạo nên sắc thái văn hóa khá độc đáo [93, tr.67].
Diện tích tự nhiên: 99,95km², dân số 104.134 người. Châu Đốc cách tỉnh lỵ Long Xuyên 54km theo đường quốc lộ 91. Đông Bắc giáp huyện An Phú (8,3km), Đông giáp huyện Phú Tân (3,6km), Nam giáp huyện Châu Phú (14,5km), Tây giáp huyện Tịnh Biên (10km), Tây Bắc giáp Campuchia [93, tr.66].
Châu Đốc là vùng đất có bề dày lịch sử, đậm dấu ấn văn hóa phương Nam thời mở cõi. Ngoài nông nghiệp là ngành kinh tế phát triển mạnh và có từ lâu đời, thương mại và dịch vụ cũng là ngành mũi nhọn, đóng góp trên 60% cơ cấu kinh tế của thành phố Châu Đốc [82, tr.62].
Châu Đốc được giới báo chí gọi là “cố đô” của An Giang vì hơn trăm năm đóng vai trò là tỉnh lỵ [82, tr.63]. Sau ngày giải phóng, Châu Đốc là thị xã thuộc tỉnh An Giang. Đến 2013, Châu Đốc được chính phủ quyết định là thành phố trực thuộc tỉnh. Đến 2015, Châu Đốc lại được Thủ tướng ký quyết định công nhận là đô thị loại 2 thuộc tỉnh An Giang, gồm có 4 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, Núi Sam, Vĩnh Mỹ và 3 xã: Vĩnh Châu, Vĩnh Tế, Vĩnh Ngươn. Thành phố Châu Đốc nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang Cồn Tiên và xóm Châu Giang xanh rờn cây trái. Trước mặt thành phố là giao điểm của sông Châu Đốc và sông Hậu, sau
lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Châu Đốc có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh. Các công trình di tích đã được xếp hạng gồm: chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, đình Châu Phú. Bên cạnh đó Châu Đốc còn có nhiều thắng cảnh như: kinh Vĩnh Tế, làng bè, pháo đài trên núi Sam...
Đến nay, dân số của thành phố Châu Đốc có khoảng 157.298 người (2013).
Với tiềm năng du lịch đa dạng, với thế mạnh về thương mại, Châu Đốc đang trở thành trung tâm du lịch - thương mại - dịch vụ lớn thứ hai của tỉnh sau thành phố Long Xuyên.
Ngày nay, toàn tỉnh xác định thế mạnh của thành phố Châu Đốc là du lịch, với các loại hình du lịch đặc trưng như: du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Bởi Châu Đốc vừa có danh lam thắng cảnh từ thiên nhiên do địa hình sông núi trù phú, vừa có nhiều các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng nằm quy tụ trên trục đường tham quan của khách từ các tuyến Cần Thơ/Tp Hồ Chí Minh - Long Xuyên - Châu Đốc - Núi Cấm/Trà Sư - Hà Tiên/Phú Quốc. Châu Đốc nổi danh là xứ hành hương với hàng trăm chùa chiền, đình miếu lớn nhỏ; với nhiều lễ hội truyền thống: lễ Kỳ yên đình Châu Phú, đình Vĩnh Ngươn, lễ giỗ Thoại Ngọc Hầu và đặc biệt là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Hàng năm, từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch, du khách đổ về tham quan, nghỉ mát, dự lễ hội rất đông đảo [82, tr.62-64].
Tiểu kết chương 1
Châu Đốc được mệnh danh là cố đô của mảnh đất An Giang bởi hơn trăm năm làm tỉnh lỵ và bởi vị trí chiến lược về mặt quân sự, được triều đình nhà Nguyễn xác định là vùng “Trọng trấn cõi Nam”. Ngày nay, Châu Đốc còn nổi danh là xứ hành hương với nhiều chùa chiền, đình, miếu. Hành hương đến với Châu Đốc, du khách bắt gặp sừng sững một ngọn núi Sam linh thiêng với nhiều những giai thoại có từ thuở khai hoang, lập ấp. Một trong những giai thoại ấy, lưu truyền mãi cho đến ngày nay, mang tầm ảnh hưởng sâu rộng, tạo nên tín ngưỡng đặc trưng vùng Bảy Núi đó là giai thoại về Bà Chúa Xứ cùng tín ngưỡng thờ Bà. Sự hấp dẫn của một loại hình tín ngưỡng dân gian bản địa trong một không gian văn hóa tâm linh đặc trưng: có núi, có sông, có bạt ngàn đồng lúa và có đường biên giới với nước bạn
Campuchia đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu đến đây tìm hiểu. Họ đã dày công nghiên cứu, làm phong phú kho tàng các công trình về Bà Chúa Xứ và lễ hội Vía Bà ở Núi Sam, Châu Đốc. Đây chính là nguồn tư liệu quý cho những ai quan tâm nghiên cứu về lễ hội và tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ.
Theo chiều dài lịch sử của đất nước, lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam cũng có nhiều lúc biến đổi thăng trầm: lúc bị mai một, lãng quên; khi bị cấm đoán, gián đoạn; lại có lúc hồi sinh một cách mạnh mẽ nhất là từ sau khi đất nước đổi mới. Tuy nhiên, năm 2001 (năm lễ hội được nâng tầm quốc gia) mới thật sự là mốc thời gian quan trọng, ghi đậm dấu ấn của sự thay đổi trên nhiều bình diện. Luận án nghiên cứu những biến đổi của lễ hội dựa trên cơ sở một số khái niệm và lý thuyết nghiên cứu. Những khái niệm tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội được sử dụng trong đề tài mang tính công cụ, như là sự thống nhất về mặt thuật ngữ hay tên gọi. Hai lý thuyết về Biến đổi văn hóa và Sáng tạo truyền thống được sử dụng chính trong luận án nhằm đi tìm những biểu hiện của sự biến đổi lễ hội, nguyên nhân của sự biến đổi, hình thức biến đổi trên cơ sở kế thừa có chọn lọc giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo thêm các gái trị văn hóa mới phù hợp với bối cảnh xã hội mà lễ hội tồn tại.
Chương 2