Khái quát tín ngưỡng Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 46 - 54)

Chương 2: TÍN NGƯỠNG VÀ LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM CHÂU ĐỐC

2.1. Khái quát tín ngưỡng Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ Mẫu - một loại hình tín ngưỡng truyền thống bản địa, tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Nếu như thờ Mẫu ở Bắc Bộ được định hình và đưa vào các cơ sở thờ tự là các mẫu Tam phủ, Tứ phủ, mẫu Liễu..., ở Trung Bộ là hình ảnh của Nữ thần Thiên Y A Na hay mẹ xứ sở Po Ina Nagar thì ở Nam Bộ, Mẫu là tích hợp của nhiều Nữ thần trong đó, đặc trưng điển hình là hai vị Thánh Mẫu “ngự” ở hai vùng:

Đông Nam Bộ là Linh Sơn Thánh Mẫu và Tây Nam Bộ là Chúa Xứ Thánh Mẫu.

Tuy tín ngưỡng thờ Mẫu ở cả ba vùng đều xuất phát từ cái nôi duy nhất là văn hóa gốc nông nghiệp, trọng tình, âm tính dẫn đến trọng phụ nữ; song hệ thống các Mẫu thần/Nữ thần của mỗi vùng miền lại có nhiều khác biệt do ảnh hưởng của quá trình hình thành, môi trường địa lý - văn hóa, cũng như tư duy ngôn ngữ. Vì vậy, tuy có cùng giá trị về mặt tâm linh nhưng tên gọi cũng như vị trí, chức năng của các vị thần đã có nhiều biến đổi thể hiện rõ nhất qua các nghi thức, lễ, cúng, tế. Trong đó,

tín ngưỡng thờ mẫu ở Nam Bộ là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân trong quá trình khai hoang, mở cõi và giao lưu văn hóa.

Đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức ghi nhận trong tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ có bốn nữ thần (Chúa Ngọc, Chúa Động, Hỏa Tinh, Thủy Tinh) và hai Cô (Hồng, Hạnh) được người Việt tôn thờ và nhấn mạnh rằng các vị này được gọi với tính cách tôn trọng là Bà (không gọi là Mẫu). Đến năm 1895, Huỳnh Tịnh Của kiểm tra thấy tăng lên đến 7 vị (Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Chúa Xứ, Chúa Động, Cố Hỷ, Thủy, Hỏa) và hai Cậu (Cậu Trài/Tài/Chài, Cậu Quý đều là con của Bà Chúa Ngọc…) (dẫn theo Nguyễn Hữu Hiếu, 2014, [87, tr.56]). Hiện nay, dù đối tượng tín ngưỡng nữ thần Nam Bộ có tăng lên hoặc thay đổi danh xưng, nhưng nội dung tín ngưỡng không có gì biến động lớn và điều nổi bật ở đây là tín ngưỡng Bà Chúa Xứ là sinh hoạt tâm linh bao trùm.

Có rất nhiều giả thiết về nguồn gốc của tín ngưỡng Bà Chúa Xứ. Một số nhà khoa học cho rằng tín ngưỡng này xuất phát từ tục thờ vợ của thần Shiva trong Bàlamôn giáo. Có người lại cho rằng nguồn gốc của tín ngưỡng Bà Chúa Xứ là tục thờ Bà Mẹ Xứ Sở (Pô Naga) của người Chăm; khi đến vùng này, người Chăm đã tiếp nhận các hình tượng nữ thần Uma, Kali của người Khơme vào tín ngưỡng Bà Mẹ Xứ Sở của mình [72, tr.225].

Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, ông cho rằng:

Nhìn vào các lớp văn hóa tạo nên biểu tượng tâm linh Bà Chúa Xứ, chúng ta đều thấy thấp thoáng hình bóng Bà Mẹ Xứ Sở - Pô Inư Nưgar của người Champa, Thánh mẫu Thiên Yana của người Việt, nữ thần Neang Khmau (Bà Đen), tục thờ Neak Tà của người Khơme và xa xưa hơn, nhưng cũng biểu hiện hơn là tất cả các biểu tượng trên đều được quy tụ trong linh tượng Shivalinga và Sakti của Shiva là nữ thần Uma của Bàlamôn giáo, mà truyền thuyết bức tượng Bà Chúa Xứ An Giang đã mách bảo chúng ta những điều như vậy, cho dù bề ngoài bức tượng đó cũng đã được cải trang dưới hình dáng Thánh Mẫu của người Việt [78, tr.282].

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm lại cho rằng, yếu tố quyết định nên tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ nói riêng là sự tổng hòa của tín

ngưỡng thờ Mẫu của ba tộc người Việt, Khơme và Chăm. Trong đó, tác giả nhấn mạnh vai trò của người Việt hơn cả. Song, thực chất tín ngưỡng này có cùng cái gốc với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Chính xác hơn, nó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa gốc nông nghiệp, trọng tình và trọng nữ.

Thực ra lực lượng quyết định sự hình thành tín ngưỡng Bà Chúa Xứ ở Tây Nam Bộ không phải là người Khmer với tín ngưỡng Bà Đen, cũng không phải người Chăm với tín ngưỡng thờ Bà Mẹ Xứ Sở mà đúng hơn là sự phối hợp của cả ba tộc người, trong đó đóng vai trò chủ đạo là người Việt. Người Việt gốc ở Bắc Bộ sống bằng nghề nông trồng lúa nước có truyền thống trọng nữ, vốn từ lâu đã rất mạnh về việc thờ nữ thần, tiêu biểu là đạo Mẫu với các hệ thống thần thánh, nghi lễ Tam Phủ, Tứ Phủ thờ Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Vào Trung Bộ, người Việt đã phối hợp tín ngưỡng thờ nữ thần của mình với tín ngưỡng thờ bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm thành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Từ miền Trung vào Nam Bộ, người Việt đã tiếp tục phối hợp tín ngưỡng thờ nữ thần của mình với tín ngưỡng Bà Đen bản địa của người Khmer ở Đông Nam Bộ thành tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen ở Tây Ninh làm trung tâm và tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở Tây Nam Bộ với Núi Sam ở An Giang làm trung tâm [72, tr.225].

Như vậy, dù cho các ý kiến đồng thuận hay trái chiều về nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Bà ở Nam Bộ, thì tất cả đều thống nhất rằng: tín ngưỡng thờ Bà là tín ngưỡng bản địa, tồn tại lâu đời trên đất nước Việt dưới nhiều dạng thức khác nhau đối với từng cộng đồng dân tộc khác nhau. Tất cả đều bắt nguồn từ tâm thức trọng nữ, hướng nội, từ văn hóa trọng tình hơn trọng lý của người Việt.

Bởi vậy mà pho tượng đàn ông tạc thần Vishnu (một số học giả lại cho là thần Shiva) trên Núi Sam đã được mang xuống trang điểm để biến cải thành tượng đàn bà Việt với hình hài Bà Chúa Xứ phúc hậu. Việc thờ cúng Bà Chúa Xứ trong lễ hội Núi Sam, chính là bắt nguồn từ nhu cầu tín ngưỡng dân gian thờ Mẹ vốn ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt.

Từ đó, họ sẵn sàng chấp nhận pho tượng đá tượng trưng cho vị nữ thần mà không cần xem xét truy nguyên gốc gác của pho tượng ấy thuộc nền văn hóa nào, của người Phù Nam hay của một tộc người nào khác, dù rằng mọi người đều biết chất liệu đá của bức tượng không phải là thứ đá ở trong vùng, còn phong cách được thể hiện trên bức tượng cũng không có nét gì là Việt [72, tr.103].

Với cái gốc là trục thờ Mẫu, tín ngưỡng Bà Chúa Xứ đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh không chỉ của người Việt mà còn của tất cả các tộc người Khmer Chăm, Hoa trong vùng. Bà Chúa Xứ trở thành hình ảnh một bà mẹ nhân từ phúc hậu đầy quyền uy. Đến với Bà, người ta tin rằng sẽ được Bà phù hộ và ban cho tài lộc, sức khỏe, sự thành công trong làm ăn buôn bán, trong công việc và cuộc đời [72, tr. 226]. Vì vậy, hầu như khắp các tỉnh thành ở Nam Bộ từ thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai cho đến Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau... và An Giang, đâu đâu cũng có điện thờ Mẫu, gian thờ Mẫu hay miếu thờ Mẫu. Không những thế, “Người miền Nam nói rằng Bà là một vị thần linh thiêng nhất cả nước, một minh chứng cho điều này là khách hành hương từ Huế cho đến Hà Nội cũng vào dâng lễ vật cho Bà” [107, tr.4].

2.1.2. Truyền thuyết Bà Chúa Xứ và những câu chuyện linh thiêng liêng quan đến Bà

2.1.2.1. Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ

Liên quan đến truyền thuyết về Bà Chúa Xứ, như đã nói ở trên, có học giả cho rằng Bà là người Việt, có người lại cho rằng Bà là người Khơme người Chăm, hay là người đến từ Bàlamôn giáo. Đã có khá nhiều những câu chuyện lạ về pho tượng cũng như sự xuất hiện của Bà. Tất cả đều mang tính ly kì linh thiêng làm cho hình ảnh của Bà trở nên huyền bí trong mọi thời đại.

Trước hết đó là câu chuyện được dân gian lưu truyền cách đây khoảng 200 năm có một bọn cướp quấy nhiễu vùng biên giới đã đến vùng Núi Sam. Tại đây chúng gặp tượng Bà ở trên gần đỉnh núi. Khi ấy chúng tìm cách đem đi nhưng không làm sao đem đi được nên chỉ xê dịch một đoạn. Bực mình chúng bèn đập phá không thương tiếc và làm gãy tay trái của pho tượng, sau đó chúng bỏ đi. Dân làng

đã kéo lên rất đông với những người lực lưỡng, khoẻ mạnh định chuyển pho tượng xuống núi, nhưng lạ thay tượng không hề lay chuyển. Khi ấy Bà bèn đạp đồng cho một người phụ nữ, tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, mách cho dân nếu muốn đem Bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên di tượng là được. Quả nhiên khi 9 cô gái đồng trinh được cử đến thì tượng Bà trở nên nhẹ nhàng và di chuyển một cách dễ dàng. Dân làng vui mừng chuyển tượng Bà xuống chân núi. Nhưng khi đến chỗ miếu Bà bây giờ, bỗng dưng pho tượng trở nên rất nặng không sao di chuyển được nữa. Dân làng cho rằng Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ, đó là khoảng thời gian những năm 1820 - 1825. Lúc đầu miếu được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía Tây Bắc Núi Sam, chính điện nhìn ra con đường làng và cánh đồng lúa bát ngát. Sau nhiều lần trùng tu, miếu càng ngày càng được xây dựng khang trang hơn [36, tr.10].

Một truyền thuyết khác gắn với chiến công của Thoại Ngọc Hầu và việc trùng tu ngôi miếu làm lễ Vía Bà. Dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu.

Mỗi lần ông xuất quân, bà vợ thường đến miễu khấn vái, mong Bà phù hộ cho Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau để tạ ơn những điều ứng nghiệm, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm ngày lễ Vía Bà.

Một truyền thuyết gắn với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương cho rằng vào tháng tư là thời vụ bà con xuống giống làm mùa, họ làm lễ cầu Bà, hy vọng một mùa sẽ được bội thu. Nhân dịp này, dân chúng tổ chức những cuộc vui chơi, rồi dần thành lệ. Năm này qua năm khác lệ ấy biến thành hội làng cho đến bây giờ. Sau này khi miếu Bà trở nên linh thiêng, khách thập phương đổ về ngày càng đông nên lễ hội trở thành nổi tiếng ra khắp vùng. Hình dạng ban đầu của tượng là nam thần, cánh tay bên phải bị gãy mất và được phục chế lại, đường nét thuộc phong cách Ấn Độ. Sau này, từ tượng nam thần ấy trở thành tượng Thánh Bà - một hiện tượng văn hóa hết sức thú vị.

2.1.2.2. Những câu chuyện linh thiêng liên quan đến Bà

Ngôi miếu cũng như pho tượng lạ lẫm có một không hai xuất hiện ở nước ta vào thời kỳ mà ánh sáng khoa học chưa soi rọi tới nhiều, nên mọi hiện tượng đều được lý giải theo trí tưởng tượng lãng mạn của dân gian. Bởi vậy dân gian xem pho tượng Bà như một phép màu huyền diệu mà trời đất đã ban cho người dân. Thế là người ta kéo nhau đi cúng bái và trang điểm cho Bà ngày càng uy nghi, lộng lẫy.

Dần dần miếu Bà ngày càng thu hút nhiều khách thập phương, nhất là vào những ngày lễ Vía. Sự thu hút này đã đem lại nguồn lợi lớn cho dân cư trong vùng. Hưởng được ân huệ Bà ban, người dân ở đây lại càng ra sức chăm lo nơi an ngự của Bà cũng như trang điểm áo mão, đồ trang sức…

Và khi Bà trở nên nổi tiếng, được dâng cúng nhiều vật trang sức đắt tiền thì lại sinh thêm một mối lo cho các vị có nhiệm vụ bảo vệ miếu. Để cảnh báo và đe dọa phường đạo chích, người ta kể rằng Bà rất linh thiêng, đã bẻ cổ chết tại chỗ những tên toan trộm đồ thờ trong miếu Bà. Tưởng câu chuyện ấy có thể ngăn cản được bước chân phường đạo chích, ai ngờ một ngày kia, chuỗi vòng vàng trên cổ Bà không cánh mà bay và kẻ cắp không hề bị phát giác. Để giải thích cho việc này, người ta kể tiếp, ngay khi ấy Bà đạp đồng lên cho biết Bà thấy tên ấy tới gần, nhưng lạ thay hắn không giống người, không thấy đầu cổ hắn đâu cả, chỉ thấy hai que gì như hai cái chân người đưa thẳng lên trời. Vậy là tên trộm đã “trồng chuối” khi đến gần Bà vì sợ bị bẻ cổ, và khi Bà còn bận tìm đầu của hắn để bẻ, hắn đã nhanh tay gỡ mất chuỗi vòng vàng trên cổ Bà. Nhưng sau đó vài giờ, tên trộm đã bị bắt ngay trong khu vực miếu.

Từ đó đến nay cũng xảy ra vài vụ mất cắp, nhưng rốt cuộc thủ phạm cũng không thoát khỏi được. Ông Mai Văn Chơi nguyên là Phó BQT kể lại hai 2 câu chuyện sau:

Chuyện thứ nhất xảy ra vào thời kỳ trước giải phóng, kẻ trộm đã vào ăn cắp 7 bộ lư đồng trong miếu mang ra chợ Châu Đốc bán. Y bảo rằng mình đã mang từ Campuchia về. Nhưng sau đó BQT phát giác và những thương buôn đã mang trả lại cùng với hương đăng trà quả để tạ lỗi với Bà.

Chuyện thứ hai, xảy ra vào đêm 20 tháng 4 năm 1979 như sau: có một cô gái mang chiếc vòng cẩm thạch đến dâng cúng nhưng quá đông người, cô không vào được chính điện. Liền lúc đó có một người xưng là người của miếu ngỏ ý muốn giúp cô đem phẩm vật vào. Cô đồng ý và đưa chiếc vòng cẩm thạch đặt trên một cái đĩa cho người đàn ông đó. Cho tới 12 giờ khuya, khi người thưa bớt, cô mới vào hỏi xem vật phẩm đã được dâng Bà chưa thì mới hay tên lừa đảo đã lấy đi chiếc vòng của cô. Liền khi ấy, BQT cho mời chính quyền địa phương (trong đó có cả ông Bảy Vân là Phó Ban Công an xã Vĩnh Tế), để lập biên bản về việc lừa đảo trên. Sau ba tiếng đồng hồ, ông Bảy Vân đã bắt được tên lừa đảo với hiện vật y giấu kín trong người ở khu vực Lăng Ông. Cô gái đến nhận đúng chiếc vòng của mình không thể lầm lẫn được vì đây chính là vật gia bảo của gia đình cô, mà bà nội cô có lời nguyện vái là sẽ dâng cúng Bà nếu những điều cầu xin được thực hiện. Cô gái đó tên là Nguyễn Thị Lan, dược sĩ.

Từ những câu chuyện trên cho ta thấy lòng ngưỡng mộ, tôn sùng của nhân dân đối với “Bà” rất lớn, đã trở thành bức tường thành kiên cố bảo vệ và ngăn chặn mọi ý đồ quấy phá, trộm cắp của kẻ gian. Và cũng là bài học để cho những tên tham lam trộm cắp tự giác sửa đổi [85, tr.10-15].

Những khám phá của các nhà khoa học: Có nhiều truyền thuyết liên quan đến một tượng đá được coi là Bà Chúa Xứ ở Núi Sam. Đây là loại tượng thần Shiva Linga thường thấy ở Ấn Độ, Campuchia, Lào… được tạc bằng đá sa thạch dáng người đàn ông ngồi nghỉ ngơi, vương giả, đầy sức sống: ngực nở, bụng hơi phệ. Tay trái để ở tư thế chống vào nách, tay phải để tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải [87, tr.62]…

Theo sưu tầm của Đoàn Thị Thanh Xuân (2005):

Pho tượng Bà Chúa Xứ trước kia vốn là tượng một người đàn ông to béo, bụng phệ được tạc ở tư thế ngồi chống nẹ. Tượng cao 1,25 m được đúc liền với một phiến đá dày khoảng 10cm cùng loại. Tượng được tạc theo phong cách rất lạ, có tư thế ngồi thoải mái với chân xếp bằng tròn, bàn chân trái được đặt nằm giáp với bàn chân phải. Chân phải co lên, chống thẳng xuống mặt phiến đá. Tay trái chống nẹ, tay phải buông xuôi chống

xuống bệ đá phía sau đùi trái. Bàn tay phải xoè, để vắt trên đầu gối phải.

Tóc của pho tượng uốn thành từng búp, xoăn thả về phía sau. Trên đầu có vành đai giống một vương miện với những hoa văn hình móc câu, ở phía trước trán có hoa văn hình ngọn lửa toả ra xung quanh một hình tròn giống hình mặt trời [104].

Nghiên cứu đầu tiên về bức tượng Bà phải nhắc đến công trình của nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret. Ông đến tham quan miếu, đã quan sát kỹ pho tượng, từ chất liệu cấu tạo, phương pháp tạc tượng cho đến phong cách ngồi của pho tượng. Ông đã làm việc nhiều ngày liền trong các viện bảo tàng và viện nghiên cứu.

Bằng những phương pháp so sánh và loại suy, ông đưa ra kết luận: pho tượng được trước tác từ thời trung cổ (vào cuối thế kỷ VI) và rất có thể là một trong số hiện vật của nền văn hoá Óc Eo còn sót lại, mang tính chất tượng thần Shiva [85, tr.12] - một vị thần trong bộ “nhất vị tam thể” của Bàlamôn giáo, có quyền lực tối thượng và tuyệt đối được tôn sùng trong những thiên niên kỉ đầu công nguyên cho đến thời đại tiền Ăngko. Nhất vị tam thể gồm có:

- Ngôi thứ nhất: thần Brama, tượng trưng cho tinh thần tuyệt đối, ít được tạc tượng.

- Ngôi thứ hai: thần Visnu, là đấng sáng tạo vũ trụ, thường được tạc với tư thế nằm ngủ. Khi thần thức dậy là một kỷ nguyên mới bắt đầu, thế giới được ra khỏi trạng thái hỗn độn và để rồi lại trở về trạng thái hỗn độn khi thần ngủ lại… cứ như thế vũ trụ luân hồi.

- Ngôi thứ ba: thần Shiva, là thần hủy diệt, cũng là thần sáng tạo, bởi vì trong vũ trụ sự sống nảy sinh từ cái chết. Shiva rất được tôn sùng, được tạc nhiều tượng, với nét mặt khôi ngô, mái tóc dợn sóng, tư thế thanh thản. Ngoài ra thần Shiva còn được thể hiện dưới dạng tượng Linga có hình dáng bộ phận sinh dục người đàn ông, tượng trưng cho sự phát triển và phồn thịnh. Tục truyền có một tăng lữ Bàlamôn đã nhận được tượng Linga từ chính tay thần Shiva và đem tặng cho vị vua đầu tiên của vương triều Khmer. Linga tượng trưng cho bản năng thiêng liêng và uy quyền tuyệt đối của nhà vua. Không thể có ý nghĩa thô tục. Từ đó, nhà vua được nhân dân sùng bái tôn làm “Vua Thần”. Ở miếu Bà Chúa Xứ, tượng Linga đặt bên trái chính điện, phủ bằng tấm vải đỏ, là một yếu tố cơ bản để kiểm chứng cho giả thuyết pho tượng Bà chính là tượng thần Shiva thời trung cổ.

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 46 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)