Chương 4: MỘT VÀI BÀN LUẬN TỪ NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA
4.1. Vai trò của nhà nước trong biến đổi lễ hội Bà Chúa Xứ
Không phải đến tận bây giờ, công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội mới được nhắc đến mà thực chất, điều này đã có từ xa xưa. Một trong những minh chứng đầu tiên cho việc tham gia vào công tác quản lý, chỉ đạo lễ hội của nhà nước là việc sắc phong Thành hoàng bổn cảnh cho các làng Việt cổ từ thời phong kiến.
Bằng việc này, nhà nước đã “phong tặng” Thành hoàng riêng cho mỗi làng. Từ đó, hội làng suy tôn các vị thần do nhà nước quân chủ ban riêng cho làng mình. Tiếp theo, nhà nước tham gia tổ chức lễ hội và dự hội, rồi tiếp nữa là những cải cách, chỉ dụ, sắc phong để tiếp tục ban phong thứ bậc các vị thần như: Hạ đẳng thần, Trung đẳng thần, Thượng đẳng thần... nhằm hướng đến sự cố kết cộng đồng, bảo vệ giang sơn, giữ gìn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Một minh chứng khá thuyết phục cho sự tham gia của nhà nước vào hoạt động lễ hội dân gian là việc định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Giỗ
Tổ các vua Hùng theo công văn của Bộ Lễ ban hành năm 1917. Trước đây, người dân cả nước thường “tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào, trong khi tục lệ của dân bản xã lại lấy ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm kết hợp với thờ Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu” (theo Phạm Bá Khiêm). Nhận thấy việc đi lễ kéo dài triền miên, vừa tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính, sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng. “Đầu năm 1917, Tuần phủ Phú Thọ (1915 - 1921) Lê Trung Ngọc làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch để nhân dân cả nước kính tế Quốc Tổ Hùng Vương (...). Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc tế/quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm” [112].
Rõ ràng, ngay chính việc tạo dựng một ngày lễ kỷ niệm/lễ giỗ đã ghi đậm dấu ấn của nhà nước (bằng việc ban hành công văn) để “hợp thức hóa” thời gian cũng như nghi thức hành lễ. Trải qua quá trình lưu truyền, lễ Giỗ Tổ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một trong những lễ hội quốc gia, năm 2012 được tổ chức quốc tế khi được UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nói như vậy để thấy rằng, hầu hết các lễ hội nói chung, lễ hội dân gian nói riêng đều ít nhiều có sự tham gia chỉ đạo của nhà nước. Tùy vào từng lễ hội, từng giai đoạn lịch sử mà mức độ, tính chất, vai trò của nhà nước trong lễ hội có khác nhau. Trải qua nhiều thời kỳ, từ thời phong kiến cho đến giai đoạn hiện nay, nhà nước vẫn luôn tham gia vào công tác chỉ đạo và tổ chức lễ hội ở các địa phương.
Với sự quản lý theo chiều dọc, từ trung ương (Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ) đến địa phương là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trong đó, tham mưu là các Sở chuyên môn. Điều này cũng diễn ra tương tự ở lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Trước tiên, vai trò chỉ đạo, quản lý của nhà nước đối với lễ hội Bà Chúa Xứ được khẳng định thông qua sơ đồ, cơ cấu tổ chức quản lý di tích miếu Bà.
Sơ đồ các cấp quản lý di tích miếu Bà Chúa Xứ
* Nguồn: Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam Sơ đồ cho thấy, di tích miếu Bà Chúa Xứ chịu sự quản lý của nhà nước, của các cơ quan chức năng, là sự liên kết các tổ chức gồm: UBND tỉnh An Giang, UBND thành phố Châu Đốc, Sở VHTTDL tỉnh An Giang, UBND phường Núi Sam và BQT lăng miếu Núi Sam. Sự quản lý này thể hiện rất rõ yếu tố kết hợp giữa sự hỗ trợ, chỉ đạo của nhà nước với vai trò tự quản của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, tính nhà nước thể hiện khá đậm nét trong sơ đồ khi mà hầu như 80% là đơn vị nhà nước tham gia công tác quản lý khu vực này. Đứng đầu là UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và xử lý mọi hoạt động tại di tích. Đồng thời, UBND tỉnh còn là nơi cấp phép, phê duyệt các dự án, kêu gọi đầu tư trùng tu, xây dựng và tôn tạo di tích. Mặt khác, UBND tỉnh trao quyền cho UBND thành phố Châu Đốc chỉ đạo sát sao lễ hội cũng như quản lý khu di tích Núi Sam. Từ đó cho thấy vai trò của UBND thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích - di sản là vô cùng quan trọng [30, tr 48]. Vai trò chủ đạo trong công tác quản lý của UBND Châu Đốc được thể hiện rất rõ qua các văn bản chỉ đạo địa phương trong việc phối hợp thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh, hiệu quả, chất lượng cho lễ hội.
Sự quản lý lễ hội một cách đồng bộ từ trung ương xuống địa phương còn thể hiện thông qua nhiều văn bản chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ đến UBND các cấp.
Theo đó, ngày 20 tháng 2 năm 2017 Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Theo công văn, nhà nước ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức lễ hội của cả nước nói chung, góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Song, hiện tượng thương mại hóa lễ hội, phục dựng truyền thống không đúng, hay làm sai lệch các nghi thức truyền thống, tồn tại những tập tục phản cảm, thái quá, dung tục... vấn đề an ninh, an toàn vẫn chưa đảm bảo... Vì vậy, Chỉ thị 06 được ban hành nhằm nhắc nhở các địa phương trong việc tổ chức lễ hội, đồng thời kêu gọi quán triệt tinh thần các Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư (2012), Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (2015), Nghị định số 145/2013/NĐ-CP Chính phủ, Chỉ thị số 30/CT-TTg (2012) của Thủ tướng Chính phủ... về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh phô trương, đàm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc [130]...
Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
Chính từ đây, quy mô của lễ hội Vía Bà không còn lễ hội của làng Vĩnh Tế mà đã trở thành lễ hội “quốc gia”, với hàng triệu lượt người tham dự hàng năm. Điều này đặt ra cho chính quyền và cộng đồng một bài toán là phải tổ chức lễ hội sao cho xứng tầm với sự công nhận của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân. Quá trình sáng tạo truyền thống với dấu ấn ban đầu là sự tác động của nhà nước thông qua các văn bản chỉ đạo đã góp phần làm biến đổi lễ hội với nhiều thành tố: không gian, thời gian, chủ thể, chức năng, cấu trúc...
Khảo sát lễ hội Bà Chúa Xứ thông qua các văn bản từ sau năm 2001 cho thấy rõ những “can thiệp” của nhà nước trong công tác tổ chức lễ hội.
Về thời gian, các kế hoạch chỉ rõ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sẽ được triển khai phục vụ du khách gắn với các phần của lễ hội truyền thống.
Chương trình chính của lễ hội sẽ bắt đầu từ lễ Phục hiện rước tượng Bà (diễn ra 22/4 âm lịch) và kết thúc bằng lễ Hồi sắc, đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà
về lăng mộ vào 27/4 âm lịch [151], [152]. Từ những kế hoạch cho thấy, lễ hội đã không còn gói gọn trong 3-4 ngày như trước (chương 2) mà đã có sự kéo giãn về thời gian, tăng cường thêm thời gian thiêng cho nhân dân kịp tề tựu về chiêm bái.
Có ý kiến cho rằng việc kéo giãn thời gian là do nhu cầu của người đi lễ. Điều này đúng như chưa thật đầy đủ nếu không khẳng định sự hỗ trợ của nhà nước là quan trọng. Dòng người đổ về Châu Đốc ngày một đông, kéo dài từ cuối năm cũ cho đến tháng 4 mùa vía. Song nếu chỉ giản đơn tổ chức lễ hội trong vỏn vẹn 3 ngày thì chưa thỏa lòng thành kính, sự sùng bái của bà con cũng như tầm vóc của một lễ hội quốc gia. Nhu cầu đi lễ là khách quan và sự điều chỉnh thời gian cũng như không gian và nội dung lễ hội là đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, thể hiện sự linh hoạt trong quản lý nhà nước vào lễ hội Vía Bà.
Thời gian lễ tăng lên gấp đôi, còn thời gian tổ chức các hoạt động hội thì dường như kéo giãn đến mức tối đa. Bởi các hoạt động hội liên tục diễn ra trên khắp địa bàn thành phố Châu Đốc, từ văn hóa, văn nghệ cho đến thể thao, vui chơi giải trí. Nếu như năm 2016, các hoạt động hội diễn ra từ ngày 19/4/2016 cho đến 02/6/2016 (gần 2 tháng) [151] thì đến năm 2017, các hoạt động vui chơi giải trí, các cuộc thi đấu thể dục thể thao, các hội thi nghệ thuật - văn hóa diễn ra xuyên suốt 5 tháng đầu năm 2017 bởi đây là năm mà lần đầu tiên Tháng Du lịch An Giang được tổ chức kết hợp với lễ hội Bà Chúa Xứ [134], [137], [151], [156], [161], [162], [164], [165].
Về không gian lễ hội, việc kéo giãn thời gian cũng như sáng tạo thêm nghi thức tất yếu sẽ đưa đến việc nới rộng không gian thiêng, không gian vật chất của lễ hội. Nếu theo truyền thống, không gian lễ được ghi nhận với trung tâm là miếu Bà và Sơn Lăng (Lăng Thoại Ngọc Hầu) với các nghi thức lễ chính, thì từ sau năm 2001, đã có thêm nhà bia liệt sĩ và đỉnh núi Sam với nghi thức Phục hiện (như đã trình bày). Từ đó, các lễ thức của lễ hội diễn ra chính tại bốn địa điểm, bắt đầu là nhà bia, rồi đến đỉnh núi Sam với bệ đá đặt tượng Bà theo truyền thuyết dân gian, tiếp đó là miếu Bà khi thỉnh Thánh Mẫu hồi lai và cuối cùng là lăng Thoại Ngọc Hầu với nghi thức Thỉnh sắc và Hồi sắc [134], [151], [152].
Không gian hội được “tăng cường” thêm rất nhiều (theo phân tích ở chương 3). Bởi như đã trình bày, các hoạt động hội được tổ chức xuyên suốt 5 tháng đầu năm 2017, vì thế một không gian hội rộng lớn với nhiều hoạt động. Trong đó, các hoạt động hội không còn trong phạm vi phường Núi Sam hay thành phố Châu Đốc nữa mà nó lan ra các huyện thị lân cận, thậm chí là toàn tỉnh An Giang. Trên địa bàn thành phố Châu Đốc, hoạt động hội diễn ra khắp mọi nơi: công viên 30/4 (sân khấu văn nghệ, lễ bế mạc Tháng Du lịch) [148] [152], đường Trưng Nữ Vương (diễu hành lân), nhà thi đấu Dân tộc nội trú (giải cầu lông Lệ hội Vía Bà mở rộng, giải bóng đá mini), sân quần vợt (giải quần vợt), phưỡng Vĩnh Mỹ (thả diều nghệ thuật), lăng Thoại Ngọc Hầu (biểu diễn cờ người, biểu diễn lân sư rồng và các trò chơi vận động liên hoàn) [156]; khu liên hợp TDTT thành phố Châu Đốc đường Tân Lộ Kiều Lương (biểu diễn đua bò Bảy Núi) [155], [164]; khu vực bờ sông Châu Đốc, trước UBND thành phố (giải đua thuyền rồng) [154], [165]; Trung tâm thương mại Vĩnh Đông, phường Núi Sam (Lễ Khai mạc Tháng Du lịch, Tuần Văn hóa ẩm thực và Du lịch An Giang năm 2017) [148]. Trung tâm hội nghị Marina Plaza cũng là một trong những địa điểm diễn ra các hoạt động quan trọng của Tháng Du lịch An Giang nói chung, lễ hội Bà Chúa Xứ nói riêng. Với các hoạt động diễn ra tại đây như: tọa đàm liên kết phát triển tuyến du lịch An Giang, hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch An Giang”, hội thi và trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật, sinh vật cảnh... [148]. Vượt ra khỏi phạm vi Châu Đốc, các hoạt động mang tính chất thúc đẩy du lịch phát triển, được tổ chức song song mùa lễ Vía Bà 2017 diễn ra rộng khắp các địa phương trong tỉnh An Giang như: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu [148]. Để quảng bá cho hoạt động lễ hội cũng như Tháng Du lịch An Giang, các hoạt động mang tính chất tuyên truyền, báo chí diễn ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các tuyến đường ở khắp 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trước, trong và cả sau sự kiện Tháng Du lịch [148]. Có thể khẳng định, nhà nước với sự chỉ đạo sát sao từ các cấp tỉnh, thành phố, phường, xã, và các cơ quan ban ngành đã thật sự tham gia sâu vào công tác tổ chức lễ hội Vía Bà năm 2017, đồng thời có vai trò quyết định trong việc mở rộng không gian cũng như xây dựng chùm hoạt động chào mừng lễ hội và kết
hợp Tháng Du lịch An Giang. Vai trò nhà trước trong biến đổi không gian lễ hội là quá rõ ràng qua các văn bản ban hành. Sự tham gia vào hoạt động tổ chức lễ hội Bà Chúa Xứ của nhà nước không chỉ còn mang tính chỉ đạo mà là chi phối, là trực tiếp điều hành giúp cho không gian lễ hội ngày càng mở rộng.
Một trong những biểu hiện cụ thể nhất vai trò quản lý, chỉ đạo của nhà nước đối với lễ hội Vía Bà là sự huy động nguồn lực từ các cơ quan ban ngành đoàn thể cùng tham gia vào công tác tổ chức lễ hội từ đó đưa đến những biến đổi về mặt chủ thể của lễ hội. Trước thực trạng người về dự hội ngày một đông và tăng nhanh qua các năm, đòi hỏi công tác đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại địa bàn Châu Đốc là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, những công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, y tế, giao thông... cũng gây nhiều quan ngại cho phía địa phương. Vì vậy, sự quản lý, điều động của chính quyền các cấp cho công tác phục vụ lễ hội là hết sức cần thiết.
Khảo sát chương trình lễ hội năm 2017, chúng tôi nhận thấy có sự tham gia chỉ đạo của UBND thành phố Châu Đốc từ rất sớm. Ngay từ đầu năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, chính quyền đã bắt tay vào việc bằng một cuộc họp với sự triệu tập của đầy đủ các cơ quan ban ngành. Cuộc họp diễn ra vào ngày 13 tháng 2 năm 2017, tại văn phòng thành ủy với giấy mời họp số: 271-CV/TU. Thành phần được triệu tập bao gồm: Ban thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, trưởng các phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng VHTT, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng, BQT lăng miếu Núi Sam, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm TDTT, lãnh đạo (là Bí thư hay Chủ tịch) các phường: Núi Sam, Châu Phú A, Châu Phú B. Nội dung chính là triển khai các hoạt động phục vụ Lễ hội Vía Bà năm 2017.
Sau khi được thông qua các công việc chuẩn bị được tiếp tục triển khai khẩn trương. Phòng Văn hóa và thông tin của thành phố lên kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ cho các hoạt động lễ hội và Tháng Du lịch. Sau đó đã gửi công văn số 57/PVHTT ngày 31 tháng 3 năm 2017, về việc tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động Tháng Du lịch kết hợp với tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2017 [137]; Kế hoạch truyền thông hưởng ứng Tháng Du lịch An Giang năm 2017. Mọi việc được hoàn tất khi Thành ủy Châu Đốc có công văn số
162-TB/TU ngày 08 tháng 5 năm 2017 [167], Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy tại cuộc họp tổng rà soát công tác chuẩn bị lễ hội và Tháng Du lịch 2017 [167].
Tiếp đó, UBND thành phố Châu Đốc đã chỉ đạo TTVH tiến hành triển khai lập Đề cương kịch bản nâng chất lễ Phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2017. Đến ngày 01 tháng 3 năm 2017, sau khi hoàn thành kịch bản TTVH đã gửi công văn số 05/CV-TTVH ngày 01 tháng 3 năm 2017 xin ý kiến làm việc thông qua Kịch bản tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2017 [134].
Để đảm bảo cho lễ hội diễn ra suôn sẻ, an toàn, hiệu quả Châu Đốc đã có những phân công cụ thể cho từng đơn vị: Xí nghiệp điện nước Châu Đốc, Điện lực Châu Đốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế thành phố Châu Đốc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Châu Đốc, Trung tâm TDTT, Công an thành phố, Ban Chỉ huy thống nhất phường Núi Sam, Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Quản lý đô thị, Xí nghiệp Môi trường đô thị Châu Đốc, Ban An toàn giao thông phường Châu Phú A, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy, Trung tâm Văn hóa, BQT lăng miếu Núi Sam dưới sự chỉ đạo từ Văn phòng UBND tỉnh, sở VHTTDL tỉnh An Giang kết hợp với sở Tài nguyên và môi trường, sự chỉ huy trực tiếp từ thành ủy và UBND thành phố Châu Đốc [137], [138], [140], [153], [158], [159]....
Riêng năm 2017, UBND tỉnh triệu tập các cơ quan cấp tỉnh vào cuộc, cùng chỉ đạo cho việc tổ chức lễ hội kết hợp với Tháng Du lịch. Theo đó, các cơ quan từ Văn phòng UBND tỉnh cho đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL, UBND thành phố Châu Đốc, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh An Giang, Báo An Giang, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, công ty Điện lực An Giang, công ty CP Điện nước An Giang, Tỉnh đoàn An Giang và UBND các huyện, thị, thành phố [148].
Từ các văn bản chỉ đạo của nhà nước còn cho thấy sự tác động to lớn, mang tính quyết định trong việc tăng cường các hoạt động hội, mở rộng cấu trúc lễ và hội