Về thời gian tổ chức lễ hội

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 75 - 78)

Chương 3: LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ VÀ NHỮNG CHIỀU CẠNH BIẾN ĐỔI

3.1. Về thời gian tổ chức lễ hội

Thời điểm diễn ra lễ hội là thời điểm thiêng tức là ngày kỵ giỗ của thần linh (ngày sinh, ngày hóa) và cùng với các hành động hội mang tính biểu trưng làm cho thời điểm diễn ra lễ hội là “thời điểm thiêng”, “thời điểm mạnh”. Đó là thời điểm mà người xưa tin rằng có giá trị đặc biệt, có ý nghĩa thiêng liêng, khác với thời gian bình thường của đời sống hàng ngày [76, tr.534]. Trong khuôn khổ đề tài này, NCS khảo sát và trình bày những biến đổi về thời gian của lễ hội Bà Chúa Xứ trong đó, cụ thể là thời gian lễ, thời gian hội thời gian tham dự của khách hành hương.

Các lễ hội truyền thống nói chung hiện nay có 2 xu hướng biến đổi về thời gian. Một là rút ngắn lại thời gian tổ chức lễ hội. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho điều này. Một trong những nguyên nhân chính là quỹ thời gian rỗi của cộng đồng ngày một bị hạn chế mà nguyên nhân sâu xa chính là quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nếu như trước đây, lễ hội được tổ chức vào lúc nông nhàn để bà con được vui chơi, giải trí, cảm tạ thần linh và cầu mong được tiếp tục ban phước lành thì ngày nay, công nghiệp hóa - hiện đại hóa diễn ra một cách mạnh mẽ, nông dân trở thành công nhân; những trang trại, đồn điền, đồng ruộng được thay bằng nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Không còn cái khoảng thời gian nhàn rỗi hàng tháng trời sau thu hoạch vụ mùa như trước thay vào đó là tốc độ làm việc hối hả tại các khu công nghiệp, lịch tăng ca dày đặc đã chiếm hết quỹ thời gian của người dân.

Việc tham gia hội làng không còn được thoải mái như trước nữa. Hai là xu hướng kéo dài thời gian lễ hội. Điều này thấy rõ trong các lễ hội lớn hiện nay như: hội chùa Hương, lễ hội đền Hùng hay lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Theo truyền thống, lễ Vía Bà chỉ diễn ra trong ba ngày chính 24, 25, 26 tháng 4 (AL). Đây là thời gian rước Bà trên đỉnh Núi Sam xuống, thành lập miếu thờ theo lời kể dân gian (như đã nói ở chương 2). Tuy nhiên, từ sau năm 2001 đến nay, các nghi thức chính của lễ Vía diễn ra từ 22 đến 27 tháng 4 (AL). Như vậy, thời gian diễn ra lễ hội ngày nay đã kéo dài gần cả tuần, gấp đôi so với truyền thống, mà người dân quen gọi là Tuần lễ Vía Bà. Nguyên nhân của việc kéo dài này chính là quá trình “sáng tạo”

thêm các lễ thức. Một mặt là để tăng sự uy nghiêm của Bà trong lòng dân thông qua các nghi thức lễ, mặt khác là đáp ứng nhu cầu đi lễ của đông đảo bà con. Hay nói cách khác, tăng thêm lễ thức nghĩa là phá vỡ đi cấu trúc lễ hội cũ, tăng cường biến đổi, sáng tạo cấu trúc mới, điều này đòi hỏi nhiều thời gian hơn cho tất thảy các hoạt động lễ và hội diễn ra.

Theo mô tả ở chương 2, lễ hội gồm các nghi thức chính: Lễ tắm Bà, lễ Thỉnh sắc, lễ Túc yết - Xây chầu, Lễ Chánh tế, Lễ Hồi tế. Từ sau năm 2001, Ban tổ chức lễ hội đã “sáng tạo” thêm nhiều nghi thức. Trong đó, nghi thức được đông đảo bà con đi lễ đón nhận là nghi thức Phục dựng. Nghi thức này diễn ra đầu tiên nhằm mục đích tái hiện lại truyền thuyết dân gian về sự xuất hiện ly kỳ của Bà Chúa Xứ.

Sự xuất hiện của nghi thức này như tiếng trống khai hội, báo hiệu cho bà con gần xa một mùa Vía Bà lại đến. Người người nô nức kéo về Núi Sam, tìm kiếm cho mình một chỗ thuận lợi để quan sát và tham dự lễ phục hiện rước Bà. Chương trình nghi lễ cho lễ thức này được chú trọng đầu tư hàng năm. Các hoạt động văn nghệ chào mừng, đội lân đội trống được tăng cường. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, dù có thay đổi, dù có tăng thêm về thời gian, nghi thức lễ, song các lễ thức, thực hành văn hóa cũ vẫn được tôn trọng. Sự tiếp nối truyền thống, biến đổi và sáng tạo, để tạo ra một trật tự hình thái văn hóa mới. Qua thời gian, cái mới, cái sáng tạo lại trở thành truyền thống. Cứ thế quá trình làm mới luôn diễn ra, song hành với quá trình trao truyền và lưu giữ.

Ở lễ hội Bà Chúa Xứ, ngoài việc sáng tạo thêm các nghi thức làm tăng thời gian của các hoạt động mang tính nghi lễ thì các hoạt động hội cũng được chú trọng đầu tư. Chính quyền và người dân địa phương cùng nhau xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí để chào đón mùa lễ hội, tạo không khí tưng bừng. Vì thế, nói lễ hội Bà Chúa Xứ diễn ra từ 23-27/4 âm lịch là cách nói chỉ chú trọng đến phần chính lễ, còn phần hội với rợp trời cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ và không khí náo nhiệt từ những hoạt động văn hóa - thể thao chào mừng lễ hội lại diễn ra hàng tháng trời, thậm chí là từ sau Tết Nguyên đán. Qua khảo sát năm 2017, các hoạt động hội được các cơ quan ban ngành trong đó chủ đạo là TTVH và trung tâm TDTT tổ chức để chào đón mùa Vía Bà. Các hoạt động hội nhằm hưởng ứng mùa lễ năm 2017 được tổ chức từ 22 tháng 4 cho đến 27 tháng 5.

Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu tiên lễ hội Vía Bà được tổ chức kết hợp với Tháng Du lịch của tỉnh nên các hoạt động hội diễn ra khá phong phú và sôi nổi trên mọi lĩnh vực. Người dân thi đua xây dựng đời sống văn hóa, địa phương phấn đấu trở thành địa phương đạt chuẩn văn minh đô thị (Châu Phú A). Theo báo cáo của UBND thành phố Châu Đốc thì các hoạt động phong trào này diễn ra từ 28/4/20117 cho đến 22/5/2017 trên địa bàn thành phố.

Tiến hành khảo sát thời gian đi lễ Vía Bà của khách thập phương, chúng tôi ghi nhận được nhiều sự thay đổi. Không chỉ đợi đến các ngày diễn ra lễ hội, mà một số bà con đã đến đây từ rất sớm. Theo họ, đi vào những ngày chính lễ thì tất nhiên là rất thích nhưng vì nhiều lý do, nhất là vấn đề thời gian rỗi, lại quy định việc Vía Bà của không ít người. Thế nên, từ tết Nguyên Đán khu vực miếu đã bắt đầu đông đúc người vào ra. Một số người đi vía sớm cũng là để tránh sự đông đúc, chen lấn của những ngày lễ chính. Theo họ, vía Bà quan trọng là ở tấm lòng chứ không vì mục đích tham gia các ngày lễ lớn nơi đây. Mùa xuân là mùa trẩy hội, tháng giêng là tháng ăn chơi, nên rất nhiều người Vía Bà trong khoảng thời gian này.

Một ghi nhận thứ hai từ phía khách hành hương về thời gian lễ đó là sự kéo dài thời gian lưu trú ở khu vực Châu Đốc với mục đích tham gia nhiều hơn các lễ thức cũng như thưởng thức bầu không khí tưng bừng của các ngày hội. Trước đây, khách hành hương về Vía Bà chỉ thường diễn ra trong ngày. Họ đem theo lễ vật

dâng cúng đến lễ Bà. Sau khi thực hành xong các nghi thức cầu cúng, họ để lại một phần lễ vật, phần còn lại họ tiếp tục mang theo trên hành trình du lịch của mình.

Điểm đến mà họ hướng tới là Tịnh Biên với núi Cấm linh thiêng, với chợ biên giới phong phú các mặt hàng nhập khẩu, hay cũng có thể là đến Hà Tiên để tận hưởng gió biển. Việc lưu lại ở Châu Đốc là rất hạn chế bởi nhiều yếu tố trong đó, tình trạng chặt chém khách, chất lượng nhà nghỉ, khách sạn không đảm bảo, thiếu khu vui chơi giải trí là những nguyên nhân chủ yếu.

Gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự chuyển biến tích cực về tình hình lưu trú của du khách. Theo số liệu thống kê mà chúng tôi nhận được thông qua khảo sát người đi hội, có 76/244 người lưu trú một đêm (chiếm 31%), 83/244 người lưu trú hết đêm tắm Bà (34%) và có 32/244 người lưu trú từ 2 ngày trở lên (Phụ lục 2, tr.148). Điều này cho thấy, lễ hội đang thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến lưu trú, tham gia và vui chơi giải trí. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với sự hấp dẫn của lễ hội cũng như các di tích vùng Núi Sam, Châu Đốc, An Giang.

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)