Vai trò của cộng đồng địa phương và sự thỏa hiệp với nhà nước trong biến đổi của lễ hội Bà Chúa xứ Núi Sam

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 121 - 132)

Chương 4: MỘT VÀI BÀN LUẬN TỪ NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA

4.3. Vai trò của cộng đồng địa phương và sự thỏa hiệp với nhà nước trong biến đổi của lễ hội Bà Chúa xứ Núi Sam

Qua nghiên cứu biến đổi của lễ hội, nhận thấy không giống như một vài lễ hội khác trong cả nước, vai trò của cộng đồng địa phương, chủ thể của lễ hội dần mờ nhạt thậm chí phát sinh mâu thuẫn khi nhà nước chủ động can thiệp quá sâu vào công tác tổ chức. Ở lễ hội Bà Chúa xứ Núi Sam, vai trò của cộng đồng thể hiện khá rõ nét, và có sự thỏa hiệp giữa cộng đồng địa phương với chính quyền nhà nước để vừa tạo nên những biến đổi mạnh mẽ, đồng thời vẫn bảo tồn và gìn giữ được các giá trị truyền thống của vùng đất, của cộng đồng.

Từ lâu lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống về đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương mà nó còn là môi trường gắn kết cộng đồng, nơi kết nối con người cùng nhau bày tỏ sự thuận hòa với thiên nhiên - thần thánh, nuôi dưỡng ước vọng một cuộc sống bình an, sung túc cho cộng đồng làng xã. Vì vậy, ngay từ khi xuất hiện lễ hội đã thấy đậm vai trò chủ thể của dân làng Vĩnh Tế đối với lễ hội thông qua những truyền thuyết trong đó luôn nhắc đến vị già làng trong việc thỉnh Bà về an vị tại miếu và tổ chức lễ hội qua các năm. Rồi liên tục sau đó, lễ Vía Bà Chúa Xứ do một tổ chức xã hội đứng ra tổ chức đó là Ban (hay Hội) Quí tế. Thực ra Ban này chủ yếu vẫn là dân làng Vĩnh Tế xưa, nhưng có một số người giàu có và tâm huyết ngoài làng tham gia vào đây từ những năm đầu thế kỉ XX. Do vậy tính chất của nó đã có phần rộng hơn từ khá sớm. Từ năm 1972 khi việc xây dựng miếu như hiện nay thì liên tục tại đây luôn có một BQT lăng miếu Núi Sam. Đương nhiên người tham gia vào đây chủ yếu vẫn là dân làng Vĩnh Tế, song đã thấy xuất hiện nhiều người khác làng, thậm chí là khác huyện cũng tham gia vào ban này.

Sau năm 1975 việc quản lý và tổ chức lễ hội Bà Chúa Xứ do chính quyền tỉnh An Giang chủ trì. Thành viên BQT lăng miếu chủ yếu vẫn là những người dân sở tại, song khi sự quản lý thuộc về tỉnh thì địa phương chỉ là nơi thực hiện còn lại mọi chủ trương chỉ đạo vẫn là từ cấp trên quyết định. Đến năm 2001 Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc được nâng cấp lễ hội quốc gia. Kể từ đó, việc kết hợp giữa nhà nước và nhân dân địa phương càng ngày càng diễn ra chặt chẽ hơn do quy mô lễ hội ngày một lớn [50].

Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam là một tổ chức xã hội từ thiện trực thuộc UBND thành phố Châu Đốc với chức năng, nhiệm vụ giữ gìn, trùng tu, tôn tạo, phát triển di tích, lễ hội và làm công tác xã hội từ thiện trực tiếp quản lý nguồn thu từ cúng viếng của nhân dân [121], [125]. Toàn thể BQT hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động do UBND Thành phố Châu Đốc ban hành theo quyết định số:

06/2014/QĐ-UBND ngày 1/10/2014. Điều này cho thấy một sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng động. BQT là người của cộng đồng, do cộng đồng tín nhiệm và bầu chọn, thường là những người có đạo đức, am hiểu lịch sử truyền thống lễ hội. BQT hoạt động thông qua quy chế và nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Ngay trong thành phần BQT lăng miếu hiện nay, đứng đầu là đồng chí Huỳnh Văn Đường - Trưởng ban, nguyên là Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc.

Điều này cho thấy sự phối kết hợp khá thuận lợi khi mà cơ cấu một đồng chí từ ban lãnh đạo thành phố vào quản lý chỉ đạo cho BQT. Bởi hơn ai hết, đó là người nắm rõ nhất các văn bản chỉ đạo của nhà nước, các chính sách, thông tư, kịp thời cập nhật những văn bản chỉ đạo từ trung ương đến địa phương và trực tiếp điều hành Ban hoạt động. Mặt khác lắng nghe, đúc kết nguyện vọng của người dân địa phương lên lãnh đạo thành phố, từ đó xây dựng mối quan hệ và phương thức làm việc hai chiều. Đây là một trong những thuận lợi giúp hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội luôn đi đúng chủ trương, pháp luật của nhà nước và thỏa ý chí nguyện vọng của cộng đồng.

Sự thương thỏa hai chiều giữa nhà nước và cộng đồng trong đó cộng đồng luôn được tôn trọng quyền làm chủ lễ hội được thể hiện rõ khi UBND trao quyền cho BQT trong việc huy động và phân công lễ hội. Cuộc họp ngày 05/5/2015 do

BQT lăng miếu chủ trì nhằm phân công các nghi cúng và công tác phục vụ Lễ hội Vía Bà năm 2015 đã huy động lực lượng chính quyền sở tại. Thành phần dự họp gồm các đồng chí Trưởng Phó BQT, Phó Giám đốc TTVH Châu Đốc, Phó Chủ tịch UBND phường Núi Sam, Phó Trưởng Công an phường Núi Sam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế, Phó Ban Khóm Vĩnh Tây. Cuộc họp phân công rõ ràng, nhiệm vụ cho từng vị trí gồm: chánh tế, bồi tế, chánh tế ca công, chấp kích, văn tế, ban nhạc, ban lễ, tổ may áo Bà, tổ vệ sinh, đội bảo vệ, tổ hậu cần, tổ trang trí, tổ lễ vật, tổ tiếp nhang, tổ tắm Bà, tổ xe trung chuyển, thỉnh sanh và thủ sự, tiếp rượu bên ngoài, tiếp rượu bên trong, tiếp rượu miếu ông Tà, tổ kế toán + thư ký, tổ tiếp tân miếu Bà, tổ điện, tổ tài sản, tổ nhận xôi. Ông chánh tế cho các kỳ lễ hội được tổ chức tuyển chọn rất kỹ càng. Người được chọn phải hội đủ các yếu tố: ngoài 60 tuổi và vẫn còn khỏe mạnh, còn đủ vợ chồng và không tang chế, con cái đông và đủ trai đủ gái, đạo đức tốt. Bên cạnh đó, cuộc họp phân công cụ thể từng nghi cúng Phục hiện, tắm Bà, Thỉnh sắc, Túc yết - Xây chầu, Chánh tế, Hồi sắc. Trung tâm Văn hóa được phân công viết kịch bản chương trình sân khấu hóa lễ phục hiện, xin ý kiến chỉ đạo và tổ chức tập dượt. Công an phường làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn cho lễ hội. Chính quyền địa phương thống nhất với bản phân công đồng thời chuẩn bị các kế hoạch bảo vệ công tác lễ hội và được UBND thành phố phê duyệt. Ông Huỳnh Văn Đường trưởng BQT kết luận phân công tại buổi họp. Biên bản họp thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao từ phía các thành viên có mặt, qua đó cho thấy sự phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu chuẩn bị. Có thể khẳng định, ở lễ hội Bà Chúa Xứ có sự tham gia chỉ đạo và hỗ trợ của nhà nước thông qua chính quyền địa phương song nổi bật lên sự tôn trọng vai trò chủ thể, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng. Phương thức quản lý tương hỗ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia tích cực của tất cả các thành viên làng Vĩnh Tế (mà nay là dân phường Núi Sam) nói riêng và người dân Châu Đốc nói chung.

Yếu tố quan trọng thu hút du khách đến với Núi Sam ngày càng đông chính là tín ngưỡng và lễ Vía Chúa Xứ Thánh Mẫu. Như đã nói ở trên, có hơn 60% du khách đến An Giang là tham quan chiêm bái ở miếu Bà, 95% du khách đến Châu Đốc ghé Núi Sam, trong đó 70 % du khách đi vào mùa lễ hội. Một con số không hề

nhỏ cho thấy sức hấp dẫn của vùng “thánh địa Núi Sam” và lễ hội Vía Bà Chúa Xứ.

Vì thế, đầu tư phát triển KDL Núi Sam và nâng cấp lễ hội là những việc làm hết sức khẩn thiết và đang được chính quyền các cấp quan tâm. Tất nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, nhiều người quan ngại việc mất đi những giá trị truyền thống vốn là bản sắc của bà con làng Vĩnh Tế xưa. Bởi du lịch đến mang theo luồng khí mới, ảnh hưởng không nhỏ và tác động khá toàn diện tới các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân địa phương. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới và bảo tồn; phát triển du lịch và bảo vệ bản sắc mới thật sự là hướng đi đúng đắn cho ngành du lịch nói chung, du lịch An Giang - Châu Đốc nói riêng. Vấn đề này đã được chính quyền cùng nhân dân thành phố Châu Đốc nhận thức khá sâu sắc khi họ cùng nhau chủ động giải quyết mối quan hệ mới hình thành này một cách khá thành công. Không ai khác, dân làng Vĩnh Tế (nay là người dân phường Núi Sam) là chủ nhân của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hay nói cách khác, người dân bản địa mới thật sự là chủ sở hữu của tài nguyên du lịch văn hóa này. Vì thế, cư dân bản địa được xem như là “bảo tàng sống” - nơi lưu truyền lịch sử và cất giữ bản sắc của cộng đồng, đồng thời chính họ là đối tượng được thưởng lãm bởi khách du lịch [83, tr.46]. Chính khi du lịch “gõ cửa” để tìm hiểu về bản sắc tộc người, cộng đồng cư dân bản địa đã tìm cách khôi phục và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của họ [83, tr.42]. Việc nghiên cứu và xây dựng một kịch bản lễ hội Vía Bà hoành tráng như hiện nay đã phải tốn rất nhiều thời gian và công sức của nhiều thế hệ người dân Châu Đốc. Mỗi năm, các cơ quan ban ngành đều xây dựng kế hoạch phục vụ lễ hội theo chỉ đạo của UBND thành phố. Số lượng và tính chất của các hoạt động văn hoá, các hoạt động hội có thể thay đổi cho phù hợp theo tình hình thực tế mỗi năm nhằm thu hút du khách, song các nghi thức truyền thống (Chương 2) luôn được đảm bảo tôn trọng một cách nghiêm cẩn.

Có thể khẳng định du lịch là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hoá trong thời đại ngày nay. Bản thân du lịch đã thành một hiện tượng ngày càng phức hợp đóng một vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục, lý sinh, sinh thái và thẩm mỹ [118]. Chính nhờ du lịch mà các giá trị văn hoá được trao truyền trong cộng đồng, trong quốc gia và trên thế

giới. Thông qua hình thức đi du lịch, con người tiếp cận nhiều nền văn hoá khác nhau. Bởi vai trò “xuất khẩu tại chỗ” của ngành du lịch mà các giá trị văn hoá phi vật thể được sản xuất, tái sản xuất, thẩm định, “tiêu dùng” và “xuất khẩu”

thông qua hoạt động của chủ thể du lịch đến khách thể du lịch trong không gian du lịch nhất định.

Có thể nói, du lịch (nếu phát triển theo hướng bền vững) thì không hề làm mất đi các bản sắc văn hoá mà ngược lại, nó còn là nơi phục hồi, nuôi dưỡng và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống. Trên thực tế, các giá trị văn hoá trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch đang được tái tạo, phục hồi và phát triển.

Song quan trọng hơn, đó là các thực hành văn hoá được bảo tồn không phải do nhà nước chọn lọc mà chính do chủ thể lựa chọn cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm phục vụ cho nhiều loại đối tượng khán giả [83, tr.46]. Các kịch bản Lễ Phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam (2002), Thoại Ngọc Hầu khai kênh Vĩnh Tế (2005), Thoại Ngọc Hầu đốc xuất Tân Lộ Kiều Lương (2007), Lễ Khai hội (2008), Thoại Ngọc Hầu kinh lý (2015)… liên tiếp ra đời để tăng tính hấp dẫn cho lễ hội, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao của du khách. Tuy nhiên, sự hình thành và tồn tại của những nhân tố mới lại gặp nhiều trở ngại về khả năng tổ chức, tình hình tài chính của địa phương và đặc biệt là sự đón nhận của quần chúng nhân dân.

Vì thế, cộng đồng thể hiện sự thích ứng bằng cách phát huy những lễ thức được đông đảo nhân dân đón nhận, song song đó là bỏ đi các lễ thức rườm rà, kém hiệu quả và tốn nhiều kinh phí. Thực tế cho thấy, chỉ duy nhất Lễ Phục hiện rước tượng Bà được duy trì và ngày càng phát triển với nhiều kịch bản hấp dẫn du khách, thu hút hàng ngàn người đổ về Núi Sam tham dự vào chiều ngày 22 tháng 4 (AL) hàng năm. Các lễ thức khác, cộng đồng cùng chính quyền địa phương chủ động giản lược cho phù hợp với tình hình thực tế. Điều này cho thấy, người dân địa phương đã xây dựng chiến lược cho việc tham gia vào các hoạt động khác nhau liên quan đến du lịch nhằm cải thiện kế sinh nhai, củng cố mối quan hệ với cộng đồng, với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và với khách du lịch thông qua quá trình thương thảo, xây dựng bản sắc văn hoá mới của họ trong không gian du lịch [83, tr.46]. Chính quyền lúc này làm nhiệm vụ hỗ trợ tối đa về mặt quản lý và chính sách để nhân dân

an tâm, tập trung vào việc giáo dục thế hệ mai sau về truyền thống của cộng đồng, bảo vệ bản sắc, và giới thiệu đến du khách về niềm tự hào của chính cộng đồng mình. Nhà nước đảm bảo rằng các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân liên quan là những người hưởng lợi chính của bất kỳ hoạt động du lịch nào gắn với di sản văn hóa phi vật thể của họ đồng thời phát huy vai trò dẫn đầu của họ trong việc quản lý du lịch [118]. Như vậy, sự thay đổi các thực hành văn hoá của người dân nhằm thích ứng với bối cảnh du lịch không làm mất đi các ý nghĩa trong văn hoá truyền thống mà ngược lại nó đang góp phần củng cố ý thức và tiếp tục tạo dựng bản sắc địa phương. Du lịch đã và đang góp phần tạo nên hình ảnh rõ nét nhất về văn hoá bản địa [83, tr.49].

Ở một số lễ hội, do nhiều yếu tố tác động: hình thức và ý nghĩa bị lãng quên, giá trị tín ngưỡng, cộng cảm bị suy giảm... nên người dân rơi vào tình trạng khó tiếp nhận vai trò chủ thể của mình. Có chăng chỉ một số ít người được chọn vào Ban Tổ chức lễ hội mới tham gia trực tiếp vào lễ hội, còn đa số người dân, dù là thờ ơ, dù háo hức, quan tâm cũng chỉ dừng lại ở hành vi quan sát, chiêm ngưỡng... Vì vậy, ở nhiều lễ hội, nhiều thực hành tín ngưỡng vẫn mang tính chất trình diễn đối với người dân, và cộng đồng vẫn ở trạng thái tham dự chứ chưa được tham gia thực sự [113]. “Ở nước ta hiện nay, hầu hết các lễ hội ở làng quê, miền núi đều do chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao. Nhiều lễ hội đồng bằng, ban tổ chức thuê các công ty sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra dàn dựng chương trình, đứng ra làm dịch vụ tổ chức. Người dân, chủ thể của lễ hội, bị “gạt ra rìa” và chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách” theo đánh giá của Trần Hữu Sơn [88, tr75]. Như vậy, vai trò của cộng đồng địa phương, vai trò của người dân - chủ thể sáng tạo của lễ hội cổ truyền đã bị đánh mất.

Riêng đối với lễ hội Bà Chúa Xứ, mặc dù nhà nước có vai trò to lớn trong việc tạo ra những biến đổi lễ hội về mặt thể thức văn bản, song vai trò chủ thể của cộng đồng địa phương chưa từng bị mờ nhạt hay mất đi. Sự tham gia của cộng đồng vào lễ hội vẫn vẹn nguyên ý nghĩa ban đầu tốt đẹp của nó. Thông qua kịch bản lễ hội, phân công công tác lễ hội mới thấy rõ sự thỏa hiệp rất công bằng trên cơ ở tôn trọng quyền cũng như nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng. Cơ

quan quản lý nhà nước là đơn vị ra quyết định bổ sung lễ Phục hiện, giao cho TTVH xây dựng kịch bản. Sau khi xây dựng kịch bản, TTVH triệu tập cuộc họp với đầy đủ thành phần từ chính quyền cho đến đại diện cộng đồng (mà ở đây chính là BQT lăng miếu Núi Sam) tham dự. Với tôn chỉ, xây dựng một nghi thức Phục hiện quy mô, hoành tráng nhưng tôn nghiêm và đảm bảo có lãnh đạo địa phương cùng đông đảo bà con tham dự. Đề cương kịch bản ghi rõ thành phần tham gia lễ Phục hiện gồm: BQT lăng miếu Núi Sam, TTVH thành phố Châu Đốc, Trường THPT Võ Thị Sáu, Trung tâm Thể dục Thể thao, Công an thành phố, lực lượng đoàn viên thanh niên, các đội lân sư rồng, các bô lão và nhân dân phường Núi Sam, du khách thập phương [136]. Trong nghi thức quan trọng nhất của lễ Phục hiện là tái hiện lại truyền thuyết xa xưa di Bà xuống núi phụng thờ, TTVH tăng cường số lực lượng quần chúng đóng vai dân làng và tập thể 9 cô gái. Theo đó, các nữ sinh của trường THPT Võ Thị Sáu, Trương Gia Mô, Thủ Khoa Nghĩa (trên địa bàn thành phố Châu Đốc) được luân phiên tuyển chọn vào vai các cô gái di kiệu Bà. Hàng năm, đội hình gồm 99 cô gái trong trang phục áo dài trắng được chia thành 11 trạm (mỗi trạm 9 người) được bố trí từ đỉnh xuống chân núi Sam để luân phiên rước kiệu Bà về miếu.

Phần văn nghệ cho lễ Phục hiện cũng được tuyển chọn “dàn nghệ sĩ nhân dân” đến từ học sinh của các trường THPT nêu trên. Với tổng số “diễn viên nghiệp dư” phục vụ cho lễ Phục hiện là khoảng 200 em học sinh và đội văn nghệ của TTVH. Điều này cho thấy một sự huy động khá rộng lớn nguồn nhân lực địa phương vào lễ hội.

Không khí tập luyện nghiêm túc, háo hức đón chào lễ hội đã khiến cho chính người dân địa phương có cảm giác tự hào, muốn đóng góp sức mình vào lễ hội. “Năm nào cũng vậy, em cùng các bạn hồi hộp chờ đợi đến lượt trường mình được tuyển chọn tham gia lễ hội. Tụi em cảm thấy rất vui và tự hào khi được chọn tham gia” (tâm sự của một bạn học sinh trường Võ Thị Sáu khi được phỏng vấn năm 2014). Mặc dù lễ hội đã nâng lên tầm quốc gia, nhà nước đã vào cuộc sâu hơn để quản lý và đảm bảo cho sự thành công của lễ hội. Tuy nhiên, những tác động của cơ quan quản lý nhà nước chỉ nằm ở vòng ngoài - vòng bảo vệ an ninh, an toàn và đúng chủ trương, còn cộng đồng với sự tham gia một cách tích cực và chủ động mới thật sự là nơi thể hiện phần hồn, phần cốt lõi của lễ hội. Thành công của lễ hội chính là từ sự kết hợp

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 121 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)