Cấu trúc lễ hội

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 90 - 101)

Chương 3: LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ VÀ NHỮNG CHIỀU CẠNH BIẾN ĐỔI

3.5. Cấu trúc lễ hội

Có thể nói, lễ hội là một hiện tượng văn hóa xã hội tổng thể, một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về nhiều mặt. Trong đó, phần “Lễ” và phần “Hội” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đan xen nhau, kết hợp uyển chuyển với nhau tạo nên sắc thái riêng cho từng lễ hội nói chung. Ở đó, nơi “Lễ” và “Hội” kết hợp hoàn hảo nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và nhu cầu vui chơi giải trí trong không khí “hội hè đình đám” của người dân, chúng ta nhận thấy có sự kết hợp nhuần nhuyễn của những cặp phạm trù đối lập như linh thiêng và trần tục, ồn ào và tĩnh lặng, truyền thống và hiện đại, thờ cúng và vui chơi [88, tr.152]…

Lễ trong lễ hội là hệ thống các hành vi, động tác nhằm thể hiện sự tôn kính của dân làng đối với các thần linh, lực lượng siêu nhiên nói chung, với thần thành hoàng nói riêng. Đồng thời, lễ cũng phản ánh những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống đầy rẫy những khó khăn mà bản thân họ chưa có khả năng cải tạo” [102, tr.67].

Còn hội là một hệ thống các trò chơi, trò diễn phong phú và đa dạng. Đã nói đến hội thì nói đến “sự vận động hối hả, liên tục từ các trò chơi, trò diễn đến cả màu sắc, trạng thái, âm thanh” [102, tr.84]. Lễ và hội là hai hoạt động gắn bó không tách rời. Trong lễ có hội và trong hội có lễ, đan cài vào nhau một cách tự nhiên, thuần thục và không thể phân tách. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội mới luôn vận động và biến đổi không ngừng đã tác động đến sự tồn tại của lễ hội nói chung, cấu trúc đặc thù của lễ hội nói riêng. Để phù hợp với bối cảnh xã hội mới, bản thân lễ hội cũng biến đổi cho phù hợp với thực tế mà nó đang tồn tại.

Những năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của đô thị trẻ Châu Đốc, sự gia tăng đột biến số lượt khách Vía Bà, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng thay đổi ngay chính trong thành phần cấu trúc của nó. Qua khảo sát thực tế những năm gần đây, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam có sự biến đổi theo các chiều hướng cơ bản sau:

Một là, sự tập trung đầu tư vào các thực hành nghi lễ. Tính chất trang nghiêm vẫn vẹn nguyên như vốn có, tuy nhiên, nhiều thực hành tín ngưỡng mới ra đời ngay trong chính hoạt động truyền thống của lễ hội. Điều đáng nói ở đây là quá trình làm mới này không chỉ là việc “phát minh” ra các nghi thức mới, mà trong quá trình “sáng tạo” đó, lại có cả sự “giản lược” những phần không phù hợp hoặc chưa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Từ năm 2001, lễ hội Vía Bà vinh dự là một trong 13 lễ hội được công nhận là lễ hội cấp quốc gia trên toàn quốc. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho các nhà quản lý cũng như BQT miếu Bà là làm sao tổ chức các hoạt động lễ hội xứng tầm như những gì mà nó được nhà nước và nhân dân phong tặng. Chính từ đó, năm 2002, bằng việc thành lập Ban Tổ chức lễ hội, các hoạt động lễ và hội dần đi vào nề nếp hơn, quy cách hơn, hạn chế được những tệ nạn ăn theo hoạt động của lễ hội cũng như đảm bảo hơn về mặt an ninh trật tự. Nó đánh dấu cho sự nhập cuộc của các tổ chức nhà nước vào lễ hội. Cũng chính từ đây, nhà nước với vai trò quản lý lễ hội, đã hiện diện trên nhiều hoạt động rõ nhất là diễn văn phát biểu của đại diện lãnh đạo tỉnh và thành phố Châu Đốc cũng như phần giới thiệu các đại biểu về dự hội hàng năm. Điều này hoàn toàn không có kể từ trước năm 2001.

Cũng từ năm 2002, Ban Tổ chức đã đầu tư phục hiện truyền thuyết dân gian Lễ Phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam. Tuy là nghi thức mới, song, với sự hấp dẫn của nó cả về tính lịch sử lẫn các giá trị văn hóa và nghệ thuật biểu diễn đã hấp dẫn hàng vạn lượt người tham dự. Đúng như cái tên Phục hiện, nghi thức này tái hiện lại câu chuyện rước tượng Bà từ trên đỉnh Núi Sam về làng Vĩnh Tế lập miếu phụng thờ theo như truyền thuyết lưu truyền thuở xa xưa [Phụ lục 8, Hình 6, tr.173]. Nghi thức rước tượng Bà được bắt đầu lúc 3 giờ chiều ngày 22 tháng 4 (AL) tại nhà bia Liệt sĩ phường Núi Sam với các tiết mục văn nghệ do Trung tâm Văn hóa Châu Đốc phối hợp các đơn vị (thường là các trường trung học trên địa bàn thành phố Châu Đốc) thực hiện. Tiếp đó là phần dâng hương của các vị trong Ban Lãnh đạo thành phố, BQT lăng miếu Núi Sam cùng các bô lão trong vùng. Kết thúc dâng hương là phần sân khấu hóa tái hiện lại cảnh già làng Vĩnh Tế thắp nhang khấn vái, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng bình yên, hạnh phúc. Đại diện dân làng Vĩnh Tế, già làng thắp nhang làm lễ khai thủy, đăng sơn, thỉnh Thánh Mẫu hồi lai [Phụ lụ 8, Hình 3, tr.173]. Kết thúc lời cầu khấn, đám rước bắt đầu nổi kèn, trống, chiêng cùng nhau lên núi [Phụ lục 8, Hình 4, tr.172].

Tất cả đám rước được bao bọc bởi hai hàng cờ ngũ sắc, chạy dài từ đầu cho đến cuối. Những năm gần đây, do lượng khách theo đoàn rước lên dự lễ rước Bà trên đỉnh núi quá đông, Ban Tổ chức lễ hội còn bố trí thêm dây thừng và lực lượng bảo vệ hùng hậu, nhằm che chắn và bảo vệ an toàn cho đoàn rước.

Đoàn rước theo thứ tự đó, di chuyển từ nhà bia liệt sĩ lên đỉnh Núi Sam, ngay bệ tượng Bà. Đến gần khu vực bệ đá (nơi Bà ngự xưa kia), đoàn rước dừng chân ở bãi sân rộng, tiếp tục chương trình sân khấu hóa theo truyền thuyết dân gian xưa.

Các thanh niên trai tráng trong làng xúm vào khênh kiệu (long đình) tượng trưng cho việc rước Bà xuống núi nhưng không tài nào nhấc nổi. Lúc đó, một bé gái trong trang phục hầu đồng: áo dài đỏ, trùm khăn đỏ, đội mâm vàng, ngồi lắc lư theo điệu nhạc, trình diễn vũ điệu của các bà hầu đồng [Phụ lục 8, Hình 6, tr173]. Tiếp theo, chín cô gái trong trang phục áo dài trắng múa xung quanh cô hầu đồng. Nghi thức này kết thúc, già làng thắp nhang, cùng các vị bô lão tiến lên bệ đá, làm nghi thức rước Bà hạ sơn.

Áo, mão đã chuẩn bị từ trước, làm vật tượng trưng cho nghi thức rước [Phụ lục 8, Hình 7, tr.174]. Lễ vật dâng cúng gồm: nhang đèn, hoa quả, một thủ lợn có phủ mỡ chài, trầu, cau, rượu. Các vị cao niên, học trò lễ làm lễ dâng hương và rước áo mão [Phụ lục 8, Hình 8, tr.174]. Đây được xem là nghi thức trung tâm của lễ rước. Hàng ngàn người đang dồn mắt vào từng bước chân của các vị học trò lễ. Họ chậm rãi từng bước xuống bậc thềm rồi nhẹ nhàng đặt áo, mão vào trong long đình.

Đoàn phu chuẩn bị khiêng kiệu, hộ giá về miếu. Đoàn lân, sư, rồng nổi trống nhảy múa vây quanh long đình. Chín cô gái trong áo dài trắng đứng vây quanh, tay cầm dây phướn từ long đình, tượng trưng cho thao tác khiêng tượng Bà xuống núi [Phụ lục 8, Hình 9, tr.175].

Với lực lượng tham gia gồm: BQT lăng miếu Núi Sam; Trung tâm văn hóa thành phố Châu Đốc; Trường THPT Võ Thị Sáu; Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố Châu Đốc; Công an thành phố Châu Đốc; Lực lượng đoàn viên, thanh niên của Thành đoàn Châu Đốc; Lân sư rồng thành phố HCM; Các bô lão và nhân dân phường Núi Sam và du khách thập phương. Đám rước hoành tráng diễn ra suốt từ 3 giờ chiều cho đến chập tối với sự tham gia của hàng ngàn người và nhiều trang phục, đạo cụ, cờ quạt, âm nhạc, kiệu… kéo dài suốt từ miếu Bà lên đỉnh Núi Sam và ngược lại đã trở thành một điểm nhấn không phai mờ trong lòng du khách. Một vị khách quốc tế, khi được phỏng vấn cho biết:

Phần ấn tượng nhất của lễ hội đối với tôi là đi bộ xuống núi cùng đám rước. Hàng ngàn người đứng dọc theo vỉa hè. Âm nhạc xung quanh và nhiều người đứng yên cầu nguyện khi cuộc diễu hành ngang qua. Người ta đi bộ lên núi nhiều giờ trước và chờ đợi hàng giờ trong thời tiết ấm áp. Và hàng chục ngàn người trên đường phố Núi Sam khi ánh sáng của đám rước chiếu qua những con phố tối tăm của thị trấn. Nhiều khoảnh khắc nổi da gà cứ liên tục và liên tục xuất hiện (Guillaume - Khách đến từ Hà Lan).

Không dừng lại ở đó, đến năm 2005, Trung tâm văn hóa thị xã Châu Đốc lại cho ra mắt kịch bản Thoại Ngọc Hầu khai kinh Vĩnh Tế nhằm tôn vinh công đức Ông Bảo Hộ (Ông Bảo hộ là cách gọi dân gian dành cho Thoại Ngọc Hầu vì ông

từng là bảo hộ xứ Cao Miên). Rồi đến kịch bản Thoại Ngọc Hầu đốc xuất Tân Lộ Kiều Lương cho những năm tiếp theo.

Việc làm mới lễ hội qua các năm rất được quan tâm nhằm thu hút đông đảo bà con tham gia cũng như nâng chất lễ hội lên ngang tầm quốc gia. Tuy nhiên, việc

“sáng tạo” này được diễn ra có quy hoạch và báo cáo cụ thể, rất linh động và không bảo thủ. Chứng minh cho điều này, từ 2015, Lễ Khai hội đã chính thức được hủy bỏ. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được các cơ quan chức năng cho biết đây là ý kiến đề xuất của BQT lăng miếu. Bởi do sự tốn kém của nghi thức Khai hội, công tác chuẩn bị cũng lắm công phu nhưng số người dự đêm Khai hội lại rất thưa thớt.

Đối tượng chủ yếu tham gia ở đây là đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể trong thành phố và trong tỉnh. Khách hành hương rất vắng bởi họ chỉ tập trung từ ngày Phục hiện cho đến hết Xây chầu là chủ yếu.

Việc bỏ các nghi thức cũng như chương trình nhạc hội của đêm Khai hội vẫn không làm ảnh hưởng đến chất lượng và tính thiêng của lễ. Nó chỉ cho thấy một điều là Ban Tổ chức đang thật sự quan tâm và chỉ đạo sát sao chương trình lễ, bỏ đi những nghi thức rườm rà và không cần thiết, lại tốn kinh phí thực hiện mà không thực sự hiệu quả. Ngược lại, nghi thức Phục hiện lại được diễn ra ngày càng long trọng và đông đảo người xem.

Hai là, phần hội cũng đang được các cơ quan ban ngành quan tâm, tập trung đầu tư, xây dựng nhiều hoạt động hội phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Bên cạnh những nghi lễ là các cuộc vui chơi, ăn uống cộng cảm của cộng đồng nhằm thỏa mãn sau những ngày lao động vất vả, đồng thời là dịp để cố kết cộng đồng xung quanh một vị thần chung của cộng đồng. Nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ được diễn ra trong những ngày này, một mặt để dâng lên thần linh, mặt khác cũng là dịp để con người giải trí, xả láng sau những ngày lao động vất vả [9].

Theo đó, các chương trình ca nhạc tạp kỹ, cải lương, hát bộ, các lễ hội ẩm thực dân gian, các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch được xúc tiến mạnh mẽ.

Ban Tổ chức dành nhiều thời gian và công sức cho liên hoan văn nghệ bốn dân tộc

Kinh, Hoa, Chăm, Khơme Các ngành khác cũng tổ chức nhiều loại hình hoạt động như: liên hoan lân sư rồng, hội thao leo núi, đua xe đạp, thi đấu bóng chuyền trên cát, triển lãm ảnh nghệ thuật, hội chợ thương mại - du lịch - ẩm thực với nhiều gian hàng đặc sản phong phú [35, tr.12]. Các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch được thay đổi và phong phú qua các năm để làm tăng thêm tính hấp dẫn cũng như khả năng thu hút du khách về với lễ hội.

Ba là, lễ hội biến đổi trong sự gắn kết chặt chẽ với du lịch

Là địa bàn có lợi thế phát triển du lịch trong tỉnh, Châu Đốc đã nhanh chóng xây dựng nhiều kế hoạch nhằm khai thác hiệu quả giá trị các nguồn tài nguyên, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên: Núi Sam, kênh Vĩnh Tế, sông Châu Đốc và tài nguyên du lịch văn hóa như: cụm di tích Núi Sam (Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Khổng Tử, chùa Tây An, đình Vĩnh Tế), Chùa Hang và đặc biệt là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ diễn ra vào tháng 4 âm lịch hàng năm. Trên thực tế đó, Châu Đốc xác định các loại hình du lịch trọng điểm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tham quan các di tích lịch sử và chú trọng khai thác loại hình du lịch tâm linh, du lịch lễ hội. Điều này đã dẫn đến những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc lễ hội khi mà phần hội được chú trọng đầu tư, tăng cường các hoạt động thưởng lãm, vui chơi giải trí cho nhân dân tham gia.

Năm 2017, tuần lễ Vía Bà lần đầu tiên được nhân dài nhân rộng thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động của Tháng Du lịch An Giang diễn ra trong suốt tháng 5 (từ ngày 10 tháng 5 đến hết ngày 28 tháng 5 năm 2017). Chương trình được tổ chức khá công phu với nhiều hoạt động hoành tráng… với ý nghĩa nhằm phát huy nếp sinh hoạt văn hóa dân gian Nam Bộ, làm cho phần lễ nghiêm túc, phần hội khoa học, phong phú, lành mạnh hơn, để khu du lịch Núi Sam trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh. Trong đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức nhằm giới thiệu tài nguyên của địa phương, quảng bá hình ảnh quê hương và con người An Giang.

Có thể nói, du lịch từ lâu đã được chính quyền thành phố Châu Đốc chú trọng và phát triển. Song, đến năm 2017, du lịch đã thực sự khẳng định vai trò mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua sự kết hợp đầy ý nghĩa với lễ hội

Vía Bà, phù hợp với điều kiện về tài nguyên và tình hình thực tế về nhu cầu của khách du lịch. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được đầu tư một cách quy mô hơn, phần lễ được “chủ thể” thực hành bài bản, trang trọng, giữ nguyên gốc truyền thống xưa nay. Tuy nhiên, phần hội được đầu tư phát triển, nhiều hoạt động văn hóa thể thao chào mừng bởi đây là năm mà lễ hội được gắn với du lịch một cách chính thống từ văn bản nhà nước cho đến công tác tổ chức lẫn thành phần du khách tham gia. Gắn với hoạt động Tháng Du lịch, lễ hội Vía Bà dường như bước sang tầm cao mới với sự đầu tư công phu, chu đáo, chuyên nghiệp trở thành một phần trong chùm các hoạt động Tháng Du lịch An Giang.

Các hoạt động hưởng ứng tháng du lịch gồm: (1) Tuần Văn hóa Ẩm thực và Du lịch An Giang năm 2017 tổ chức tại Trung tâm thương mại Vĩnh Đông, phường Núi Sam từ 16-21 tháng 5 năm 2017; (2) Hội thảo Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch An Giang diễn ra vào ngày 17/5/2017 tại trung tâm tổ chức sự kiện Marina - Châu Đốc; (3) Tổ chức lễ Trao quyết định công nhận phường Châu Phú A đạt tiêu chuẩn phường văn minh đô thị, tại quảng trường Châu Phú A; (4) Tổ chức chương trình nghệ thuật Biên giới Khúc tình ca tại Công viên 30-4 (tượng đài cá Basa) phường Châu Phú B; (5) Tổ chức tuần lễ các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng An Giang và đặc sản các vùng miền năm 2017; (6) Hội thi Thả đèn hoa đăng (diễn ra lúc 19h ngày 10/5) tại ngã ba sông Châu Đốc, phường Châu Phú A; (7) Đua thuyền rồng diễn ra lúc 7h30 ngày 14/5 tại ngã ba sông, chào mừng Tháng Du lịch tỉnh An Giang năm 2017; (8) Triển lãm ảnh nghệ thuật, sinh vật cảnh từ ngày 16- 22/5/2017 tại Trung tâm hội nghị Marina Plaza; (9) Khai mạc chương trình văn nghệ biểu diễn nghệ thuật lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; (10) Khai mạc hội thi đua bò Bảy Núi ngày 18/5/2017 tại khu liên hợp thể dục thể thao thành phố Châu Đốc; (11) Vua đầu bếp thế giới Martin Yan biểu diễn chế biến các món ăn đặc sản của An Giang ngày 20/5/2017.

Để chào đón Tháng Du lịch, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thành phố và UBND các phường đã tăng cường việc triển khai xây dựng nếp sống văn minh, đầu tư xây dựng các công trình nhằm chỉnh trang đô thị, giữ gìn môi trường, cảnh quan đô thị, tuyên truyền, vận động nâng cao ý

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 90 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)