Chương 2: TÍN NGƯỠNG VÀ LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM CHÂU ĐỐC
2.3. Diễn trình lễ hội
Trước khi đi vào trình bày diễn trình của lễ hội, chúng tôi xin được thống nhất cách gọi tên lễ hội như sau. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam người ta còn gọi là Lễ hội Bà Chúa Xứ hay nói ngắn gọn hơn là Lễ Vía Bà. Lễ hội Bà Châu Đốc hay Lễ hội Bà Núi Sam cũng nhằm chỉ cùng một lễ hội này mà thôi. Người đi lễ hội thường gọi là đi Vía Bà. Như vậy, những cách gọi trên đây tuy có khác nhau về mặt câu chữ song đều chỉ một đối tượng duy nhất là Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam ở Châu Đốc. Vì thế, trong bài viết, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các cách gọi trên tùy theo trích dẫn hay hoàn cảnh sử dụng.
Các nghi lễ trong năm của miếu Bà Chúa Xứ: Trong một năm, làng Vĩnh Tế xưa có nhiều các ngày lễ ở các đền, chùa, lăng, miếu như chùa Tây An, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu, đình Vĩnh Tế... Riêng miếu Bà Chúa Xứ cũng có nhiều các nghi lễ như sau:
- Ngày 15, 16 tháng giêng cúng miễu âm Nhơn - Ngày 24, 25, 26 tháng tư cúng Bà Chúa Xứ - Ngày 25 tháng lễ kị cơm ông Tín
- Ngày 5 tháng sáu lễ cúng ông Thoại Ngọc Hầu - Ngày 8, 9 tháng bảy lễ cúng bà Nhị phẩm
- Ngày 14, 15, 16 tháng tám cúng kì yên đình thần - Ngày 26, 27 tháng tám lễ cúng miếu Khổng Tử - Ngày 14, 15 tháng mười lễ cúng Bà Chánh Phẩm - Ngày 26, 27 tháng chạp lễ cúng miếu Bà đưa thần
Theo các nhà nghiên cứu thì ở Nam Bộ “nghi thức các lễ cúng miếu phổ biến là ngày đầu: buổi sáng dựng Tràng phan và đến ngôi Tam Bửu của thôn thỉnh sắc về
miếu; đến trưa làm lễ Khai kinh; 23 giờ đêm: dâng Lục cúng và 23: cúng Ngọ khuya. Đến ngày lễ kế tiếp là tiến hành làm lễ tất (thường vào lúc 5 giờ sáng) và sau đó, mọi người cùng nhau ăn cỗ và trò chuyện đến sáng” [9].
Từ lâu lễ Vía Bà đều tuân thủ một chu trình thống nhất gồm:
1. Lễ Tắm Bà được tiến hành vào đêm 23 rạng ngày 24 tháng 4 âm lịch 2. Lễ Thỉnh sắc được thực hiện vào lúc 15 giờ ngày 25 tháng 4 âm lịch.
3. Lễ Túc yết, lễ Xây chầu được cử hành vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 4 âm lịch.
4. Lễ Chính tế cử hành vào lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 âm lịch.
5. Lễ Hồi sắc lúc 14 giờ ngày 27 tháng 4 âm lịch.
Lễ Vía Bà Chúa Xứ do một tổ chức xã hội đứng ra tổ chức đó là Ban (hay Hội) Quý tế. Thực ra Ban này chủ yếu vẫn là dân làng Vĩnh Tế xưa, nhưng có một số người giàu có và tâm huyết ngoài làng tham gia vào đây từ những năm đầu thế kỉ 20. Do vậy thành phần Ban Quý Tế đã có phần rộng từ khá sớm. Các làng Việt ở phía Bắc và các làng Nam Bộ, lễ hội của làng thường gắn với các vị thần sinh ra hay người nơi khác đến hoá mà hiển linh tại đây mà trở thành thần làng. Linh tượng Bà Chúa Xứ vốn đã có sẵn ở trên Núi Sam được dân làng Vĩnh Tế đem xuống chân núi để thờ. Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn với dân làng Vĩnh Tế nhưng cũng là một vị thần của cả một vùng biên ải Châu Đốc. Đình Vĩnh Tế là nơi thờ ông và nhiều di tích khác liên quan đến ông và những người cùng ông đổ mồ hôi xương máu ở đây. Vì vậy, tính liên làng, liên vùng đã thể hiện khá rõ trong tín ngưỡng và lễ hội vùng núi Sam ngay từ buổi đầu. Từ năm 1972 khi việc xây dựng miếu như hiện nay thì liên tục tại đây luôn có một BQT lăng miếu Núi Sam. Đương nhiên người tham gia vào đây chủ yếu vẫn là dân làng Vĩnh Tế, song vai trò của những người ngoài cũng không kém phần quan trọng.
2.3.1. Lễ Tắm Bà
Nghi lễ này được xem là chính lễ của mùa Vía hàng năm. Người dân nườm nượp đổ về đây cốt là để dự đêm Mộc Dục (đêm tắm Bà). Bởi theo niềm tin dân gian, khấn Bà ngay trước hay sau khi tắm Bà là thiêng nhất. Vì lẽ đó, người người tụ hội về đây từ rất sớm, mong tìm cho mình một chỗ “nương náu” chờ cho đến 24
giờ khuya ngày 23 tháng 4 (AL). Vì số lượng khách hành hương tập trung khá đông trong ngày này nên các khu nhà nghỉ, quán trọ, khách sạn dường như quá tải. Không còn cách nào khác, họ nằm la liệt trên sân chùa Tây An, lăng ông Thoại và cả khu vực sân miếu Bà. Nắm bắt được nhu cầu cúng viếng của khách hành hương, Ban Tổ chức lễ hội đã tạo điều kiện để khách tiến hành đăng ký viếng Bà trước 24 giờ khuya. Thời gian nhận đăng ký từ 7 giờ sáng cho đến hết 5 giờ chiều ngày 23 tháng 4 (AL). Lễ viếng được diễn ra từ 19 giờ cho đến 23 giờ 30 cùng ngày. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho lễ viếng, nhà đền đã phải đóng cửa từ 5 giờ chiều để làm vệ sinh, lập lại trật tự, chỉ những ai có giấy hẹn mới được ra vào.
Song song với công việc tổ chức cho khách hành hương đăng ký lễ, các chị em phụ nữ được phân công tuyển chọn 9 loại hoa để nấu nước tắm Bà [Phụ lục8, Hình 13, tr177]. Sáng sớm, nhiều thúng hoa tươi của khách hành hương dâng cúng được sắp xếp trên sân miếu. Một lực lượng đông đảo chị em phụ nữ được phân công ngồi tuyển chọn các loại hoa tươi cho quy trình nấu nước. Chín loại hoa được chọn sẽ khác nhau theo từng năm tùy theo sự dâng cúng của du khách. Tuy nhiên không thể thiếu đó là hoa phượng ngay tại quê hương Núi Sam. Số còn lại gồm: huệ trắng, huệ đỏ, huệ vàng, hoa hồng (các loại), hoa lài, hoa cúc, hoa lan... Ngoài việc dâng hoa cúng, khách hành hương còn dâng lên Bà các loại nước hoa thượng hạng, khăn lau các loại để sử dụng khi tắm Bà. Công tác nấu nước được thực hiện ngay trong buổi sáng (ngày 23 tháng tư âm lịch), chờ nguội rồi cho vào thùng, đưa vào phòng ngân quỹ cho đến khi tắm Bà [Phụ lục8, Hình 15, tr.178]. Riêng phần may áo lót đã được phân công thực hiện từ những ngày rằm tháng tư.
Dù bận rộn đến đâu thì mọi công việc cũng phải hoàn tất trước 23 giờ 45 để Ban Quý tế chuẩn bị tiến hành nghi thức tắm Bà. Nghi thức này được tổ chức hết sức trang nghiêm, gồm các vị lãnh đạo thành phố Châu Đốc, các vị chức sắc trong Ban Tế tự, cùng tham dự còn có khách thập phương và nhân dân địa phương. Đến 23 giờ 50, vị chánh tế cùng các bô lão địa phương tề tựu tại điện thờ, kiểm tra lễ vật, áo mão dâng cúng.
Đúng 12 giờ khuya đêm 23 rạng ngày 24 cử hành nghi lễ tắm Bà. Đại diện lãnh đạo thị xã Châu Đốc [Phụ lục 8, Hình 21, tr.181], Ban Chỉ huy lễ hội, BQT
lăng miếu cùng 2 ông chánh tế, 3 ông bồi tế, 3 ông chấp kích, các vị bô lão, đội phụ nữ áo vàng lần lượt nguyện dâng hương, dâng rượu. Sau nghi lễ này, chiếc màn nhung đỏ được kéo lại, che kín khu vực ban thờ, 9 người phụ nữ được phân công bắt đầu thực hiện các nghi tiết tắm Bà phía sau tấm màn nhung.
Bà Nguyễn Thị Phiến, thành viên tổ tắm Bà cho biết quy trình tắm diễn ra như sau: tiến hành cởi áo Bà, áo cô, áo cậu. Sau đó, tổ tắm Bà lấy khăn nhúng ướt (nước hoa nấu) để lau tượng.
Việc lau tượng diễn ra rất lâu, ngoài mục đích làm sạch, làm thơm còn có ý dùng cho hết số khăn (khoảng vài ngàn chiếc) dâng Bà. Kết thúc quy trình lau tượng, họ tiến hành xịt các loại nước hoa lên tượng Bà, mặc áo lót (4 lớp áo) kế tiếp là áo đại lễ và các đồ trang sức. Sau đó, hai người nam bước lên bệ thờ để thay mão cho Bà, nghi tiết cuối cùng là tung hoa lài và xịt nước thơm lên khắp mình tượng.
Nghi lễ kết thúc, tấm màn đỏ được kéo ra trong sự reo hò và những tràn pháo tay không ngớt của những người dự lễ. Những thành phần nguyện hương (vừa nêu trên) sẽ là những người được lễ Bà đầu tiên và việc khấn nguyện lúc này phải tiến hành nhanh chóng. Vì ngay sau đó, người dự lễ tràn vào chính điện để xin lộc của Bà [Phụ lục 8, Hình 22, tr.181]. Cảnh tượng có thể coi là hỗn độn nhất của mỗi mùa lễ Vía. Sau khi lễ tắm Bà kết thúc, cánh cổng miếu được mở ra, khách hành hương từ khắp nơi chen lấn nhau vào chiêm bái.
2.3.2. Lễ Thỉnh sắc
Đây là nghi thức rước sắc thần Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà để dự lễ hội. Lễ này được bắt đầu lúc 15 giờ ngày 25 tháng 4 (AL). Những người tham gia đám rước gồm có BQT, đại diện Ban Quản lý di tích, hội viên Hội người cao tuổi, và các đoàn khách mời (đoàn bạn) [Phụ lục 8, Hình 24, tr.182]. Đoàn rước xuất phát từ miếu Bà đến đền thờ Thoại Ngọc Hầu cách khoảng 500m [Phụ lục 8, Hình 25, tr.183]. Về đội hình đám rước, được sắp xếp theo trình tự sau:
+ Đoàn múa lân (với chín đầu lân).
+ Cờ thần, lọng, tàn.
+ Ban nhạc lễ.
+ Thành viên Ban Lễ bưng khay trầu rượu.
+ Chính tế, học trò lễ đi hai bên.
+ Bồi tế và các Phó tế.
+ Các bô lão của địa phương.
+ Các phụ nữ mặc áo dài vàng.
+ Các đoàn đình bạn.
+ Hai bên là hai hàng người trong trang phục lính, cầm binh đao.
Đến sân lăng, đoàn dừng chân dâng hương trước long đình như một sự xin phép trước khi vào lăng thỉnh sắc.
Đến trước đền thờ Thoại Ngọc Hầu, tất cả Ban Lễ thực hiện nghi thức nguyện hương. Thứ tự nguyện hương gồm: BQT lăng miếu, chánh tế, chánh tế ca công, bồi tế, các vị chấp kích và cuối cùng là thành viên, hội viên (thứ tự nguyện hương này duy trì cho các nghi thức lễ về sau). Ngay sau nghi thức nguyện hương, dâng trà rượu, Ban Lễ tiến hành thỉnh các bài vị. Ông chánh tế thỉnh bài vị ông lớn (Thoại Ngọc Hầu), chánh tế ca công thỉnh bài vị hội đồng, hai ông bồi tế thỉnh bài vị bà Chính và bà Thứ (hai bà vợ của Thoại Ngọc Hầu) [Phụ lục 8, Hình 26, tr.183].
Đoàn thỉnh sắc tiến ra sân. Ba hồi chiêng, ba hồi trống được rống lên, Ban Nhạc lễ tấu nhạc, bốn bài vị phủ khăn đỏ được đặt trong long đình, đoàn rước vẫn theo đội hình ban đầu trở về miếu Bà trước sự chứng kiến của đông đảo bà con.
Về đến miếu Bà, ba bài vị được đặt lên bàn thờ trước cửa vào chính điện hướng về phía võ ca [Phụ lục 8, Hình 29, tr.185]. Chính giữa là bài vị Thoại Ngọc Hầu, bên trái là bài vị của chính phẩm Châu Thị Tế, bên phải là bài vị nhị phẩm Trương Thị Miệt. Bài vị của Hội đồng được đặt riêng ở bàn thờ phía trước. Các lư hương, đỉnh... cũng được chuyển lên trên bàn thờ.
Ban Quản trị lần lượt nguyện hương, làm lễ tọa vị cùng các lễ vật là một thủ heo và một cặp vịt. Thứ tự nguyện hương y như lúc bắt đầu hành lễ (ở lăng Thoại Ngọc Hầu), lễ Thỉnh sắc kết thúc.
2.3.3. Lễ Túc yết và Xây chầu
Lễ Túc Yết và Xây Chầu bắt đầu lúc 0 giờ đêm 25 rạng ngày 26 tháng tư âm lịch. Đây cũng là nghi thức quan trọng của lễ Vía Bà bởi tính linh thiêng của nghi thức Túc yết cũng như tính hấp dẫn của phần hát Xây chầu ngay khi kết thúc lễ. Để
chuẩn bị cho đêm Túc yết, bà con từ khắp mọi nơi đã chuẩn bị lễ vật từ rất sớm.
Người dân địa phương thì chuẩn bị những mâm xôi đơm đầy với ước mong một năm thịnh vượng [Phụ lục 8, Hình 30, tr.185]. Khách thập phương thì dâng cúng phong phú các loại lễ vật [Phụ lục 8, Hình 31, tr.186]. Có thể kể qua như: bánh bao, bánh mì, bánh bông lan, bánh kem, nước ngọt, nước suối, trái cây, nhang đèn, heo quay... BQT phân cử một tổ chuyên nhận lễ vật từ phía người đi lễ. Tổ này làm việc từ sáng sớm, gồm 3 thành viên và một số bảo vệ. Công việc chính của họ là nhận lễ vật, cấp phát số và ghi họ tên của người cúng vào một miếng giấy đỏ rồi dán vào lễ vật dâng cúng. Đồng thời, lưu lại tên tuổi, lễ vật cúng của người dân vào sổ. Việc này nhằm giúp cho việc phát trả lễ vật được diễn ra thuận lợi sau khi lễ Túc yết và Xây chầu kết thúc. Bởi lễ vật sau khi dâng cúng, người dân tùy lòng mà để lại một số cho BQT lăng miếu, số còn lại họ đem về dùng như một hình thức hưởng lộc từ Bà. Công việc phát trả lễ diễn ra một cách trật tự và nhanh chóng cũng là nhờ vào khâu chuẩn bị chu đáo này. Đến 23 giờ khuya, việc dâng lễ vật được chấm dứt, bộ phận hậu cần và bảo vệ giúp bày biện lễ vật ra bàn, chuẩn bị cho lễ Túc yết bắt đầu.
Một điều đáng nói là không hề có sự đăng ký trước, vậy nhưng năm nào lễ vật cũng được dâng lên rất nhiều, bày biện khá phong phú và đẹp mắt, góp phần làm cho lễ Túc yết thêm long trọng.
Cũng tương tự như các lễ thức khác, BQT cho đóng cổng, làm vệ sinh từ rất sớm. Chỉ những khách mời, những đoàn bạn có đăng ký mới được vào chính điện để trực tiếp theo dõi quy trình lễ. Năm 2016, có 32 đoàn từ các đình miếu bạn với 296 người tham dự lễ Túc yết. Theo đó, đa phần đoàn bạn đến từ các đình trên địa bàn tỉnh An Giang. Số còn lại đến từ thành phố HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang và Đà Nẵng.
Đúng giờ hành lễ, BQT tề tựu đông đủ tại chính điện để bắt đầu nghi cúng Túc yết. Các lễ vật mặn được bày trên bàn thờ chính và bàn thờ hội đồng. Các bàn thờ khác bày xôi, bánh trái các loại. Lễ vật truyền thống cần phải có: một con lợn đã mổ sẵn, cạo sạch lông, một đĩa đựng huyết có một ít lông để chung trong giấy gói hồng gọi là mao huyết, một mâm xôi, một mâm trái cây, một đĩa trầu cau, một thớt dao nằm, một bát nước, một bát gạo, một bát muối [Phụ lục 8, Hình 32, tr.186]. Lợn
cúng được đặt sấp trên một giá gỗ sơn đỏ, cao, đầu hướng về bàn thờ. Các mâm chàm gồm có thịt luộc, lòng lợn luộc, hai bát cháo, hai đôi đũa, rau dưa, trầu cau, gạo, muối ... Các mâm này đặt ở hai bên con lợn thờ, trên bàn thờ và hai mâm trên bàn hội đồng [50, tr.255].
Diễn biến cuộc lễ được điều khiển bởi hai vị xướng nội và xướng ngoại. Ban Nhạc lễ tấu nhạc, Ban Tế lễ theo tuần tự xếp hai hàng bên nghi cúng. Ông chánh tế hô: “Tràng áp hầu” thì bốn đào hát cầm đèn cầy hầu hai bên nghi cúng. Các ông bồi tế, các vị bô lão, ông Trưởng BQT, các thành viên và các hội đoàn theo trình tự
“nam trước nữ sau” nguyện hương. Nghi thức cúng tế do xướng nội và xướng ngoại đảm nhiệm có 67 mục, cơ bản giống như lễ Túc yết trong cúng đình [39, tr.121].
Sau lễ Túc yết là Xây chầu, nghi lễ này có hai mục đích: một là xin phép Bà để cho dân làng dâng những điệu ca lời hát hầu Bà; hai là cầu Bà phù hộ để được mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ, cuộc sống mọi người được an khang thịnh vượng.
Lễ Xây chầu được bắt đầu bằng việc chánh tế ca công chọn hướng đại lợi, đặt trống gọi là chí chầu, nguyện hương trước tượng Bà nơi có đặt một khay trầu rượu, một roi chầu (hay còn gọi là vùi chầu) đặt lên khay. Vái xong ông lấy roi chầu vác lên vai hô to “Phụng mạng” (...). Sau các nghi thức tế lễ truyền thống, ông chánh tế ca công bước đến bàn thờ nâng tô nước có cành dương đưa ngang trán khấn vái, ông hạ tô nước ngang ngực, dùng ba cây nhang vẽ bùa (tứ tung ngũ hoành) trên tô nước. Xong, ông giắt nhang lên mép tai, ông cầm cành dương nhúng vào tô nước và hô to:
“Nhất sái thiên thanh” tức thứ nhất vẩy nước lên trời xanh, cầu cho mưa thuận gió hòa;
“Nhị sái địa linh” tức thứ nhì vẩy nước xuống mặt đất, cầu cho đất đai phì nhiêu, màu mỡ;
“Tam sái nhơn trường” tức thứ ba vẩy nước cho loài người, cầu cho dân gian được trường thọ;
“Tứ sái quỷ diệt hình” tức thứ tư vẩy nước vào loài quỷ dữ, cầu cho chúng bị hủy diệt.