Chủ thể lễ hội

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 81 - 88)

Chương 3: LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ VÀ NHỮNG CHIỀU CẠNH BIẾN ĐỔI

3.3. Chủ thể lễ hội

Theo Lê Trung Vũ “Cộng đồng làng xóm vừa là tác giả kịch bản của lễ hội, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, đồng thời lại là khán giả của hội làng” [102, tr.85]. Chủ thể của lễ hội rõ ràng không ai khác chính là người dân của cộng đồng làng xã đó.

Theo truyền thống, lễ hội Vía Bà là của dân làng Vĩnh Tế, nay là nhân dân phường Núi Sam. Lễ Vía Bà là sinh hoạt của cộng đồng người dân địa phương,

nhằm phục vụ cho nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con mà cái đích cuối cùng chính là cầu cho cộng đồng có cuộc sống bình yên, một năm an lành, hạnh phúc, một vụ mùa tốt tươi, hiệu quả. Việc tổ chức lễ hội truyền thống đều do các vị bô lão, những vị có học thức, địa vị trong làng đứng ra tổ chức. Họ huy động sức người, sức của, cùng nhau đóng góp, làm nên lễ hội của dân làng mình. Chính cộng đồng nhân dân phường Núi Sam là chủ thể của lễ hội Vía Bà truyền thống.

Đứng trước những biến đổi to lớn về mặt xã hội, sự phát triển không ngừng của đời sống vật chất lẫn tinh thần đã ảnh hưởng đến sự tồn tại cũng như mục đích tổ chức lễ hội, ngay cả mục đích đi hội của người dân cũng có những biến chuyển theo thời đại. Người đến dự hội không chỉ là dân trong làng, không chỉ là một dân tộc mà là nhiều dân tộc, có cả khách du lịch nước ngoài. Đối tượng người đến dự lễ hội vì thế ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

Về bản chất chủ thể của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ vẫn là dân làng Vĩnh Tế (nay là dân phường Núi Sam). Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hóa, chủ thể lễ hội truyền thống có những biến đổi.

Thứ nhất là có sự kết hợp giữa cộng đồng làng với chính quyền địa phương mà cụ thể ở đây là UNBD thành phố Châu Đốc dưới sự chỉ đạo của Sở VHTTDL An Giang trong quá trình tổ chức lễ hội. Sự kết hợp này được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội mang tính chỉ đạo cho các ban ngành đoàn thể của UBND thành phố. Đây sẽ là đơn vị ra kế hoạch tổng thể cho tất cả các đơn vị chức năng, trong đó có cả BQT lăng miếu Núi Sam. Việc quản lý thu chi cũng là do UNBD thành phố Châu Đốc quyết định. Các cơ quan ban ngành tham gia vào công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội tiến hành lập danh sách, dự toán kinh phí và trình UNBD xem xét phê duyệt. Nguồn tiền lấy từ tiền công đức do khách hành hương dâng cúng, sử dụng vào các mục đích phúc lợi xã hội và cả việc tổ chức lễ hội hàng năm. Tuy tiền công đức được cúng tại các hòm công đức trong khu vực miếu, song UBND mới là đơn vị chủ quản và quyết định mọi chi tiêu. Trong quá trình diễn ra lễ hội, UBND là đơn vị chỉ đạo việc hỗ trợ về an ninh, trật tự an toàn đô thị, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… thông qua các tổ chức, ban ngành. Kết thúc lễ hội, tất cả các ban ngành có nhiệm vụ viết báo cáo

trình về ủy ban, nhận xét ưu khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, trọng tâm là BQT lăng miếu Núi Sam.

Năm 2017, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam dưới sự chỉ đạo từ Văn phòng UBND tỉnh, sở VHTTDL tỉnh An Giang kết hợp với sở Tài nguyên và môi trường, sự chỉ huy trực tiếp từ thành ủy Châu Đốc, UBND thành phố Châu Đốc đã phân công các cơ quan gồm: Xí nghiệp điện nước Châu Đốc, Điện lực Châu Đốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế thành phố Châu Đốc, Bệnh viện Đa khoa thành phố Châu Đốc, Trung tâm TDTT, Công an thành phố, Ban Chỉ huy thống nhất phường Núi Sam, Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Quản lý đô thị, Xí nghiệp Môi trường đô thị Châu Đốc, Ban An toàn giao thông phường Châu Phú A, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy, Trung tâm Văn hóa, BQT lăng miếu Núi Sam. Điều này cho thấy một lực lượng hùng hậu gồm các cơ quan ban ngành chung tay tham gia vào công tác tổ chức và bảo vệ lễ hội. Tất cả thể hiện bằng phân công cụ thể, rõ ràng trong từng kế hoạch, trình báo lên UBND thành phố để được chỉ đạo và theo dõi sát sao. Rõ ràng, các cơ quan quản lý nhà nước đã cùng nhân dân phường Núi Sam (làng Vĩnh Tế xưa) chia sẻ trách nhiệm lẫn công việc để sao cho công tác tổ chức được đảm bảo, lễ hội diễn ra trong không khí trang trọng nhưng trật tự và an toàn. BQT lăng miếu Núi Sam, chính là đại diện của cộng đồng địa phương thủ vai chính trong lễ hội, chịu trách nhiệm phần nội dung lễ hội truyền thống, là các nghi thức cúng tiết gồm: lễ Phục hiện, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc, lễ Túc yết - Xây chầu, lễ Chính tế, lễ Hồi sắc. Tuy nhiên, trong từng lễ thức, bao giờ cũng có đại diện chính quyền địa phương là Bí thư thành ủy hoặc Phó chủ tịch UBND là thành phần mở đầu cho nghi thức nguyện hương [Phụ lục 8, Hình 21, tr.181]. Còn lại, các chương trình - hoạt động “bên lề” nhằm điểm tô cho lễ hội thêm phần sinh động, hoành tráng như nghi thức Phục hiện, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hoạt động thể dục thể thao, các đội hình lân sư rồng... đều được phân công cụ thể cho từng đơn vị.

Vấn đề an ninh, trật tự an toàn rất được chính quyền địa phương quan tâm;

huy động các lực lượng: Công an thành phố, Ban Chỉ huy quân sự thành phố, đồn

biên phòng Vĩnh Ngươn, UBND các xã phường cùng tham gia công tác bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa lễ hội. Riêng khu vực miếu Bà, huy động 80 bảo vệ được chia thành hai ca trong ngày (mỗi ca 40 người) [Phụ lục 8, Hình 11, tr.176], riêng lễ tắm Bà 100% bảo vệ được huy động trực ca. Vấn đề ăn xin, trộm cướp cũng được chính quyền giải quyết một cách triệt để. UNBD phường, xã phối hợp Đội Quản lý trật tự đô thị tăng cường sắp xếp trật tự lòng lề đường; phối hợp phòng Lao động thương binh xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức tập trung các đối tượng ăn xin, lang thang trên địa bàn để nuôi dưỡng theo qui định, không để các đối tượng này gây phiền hà cho du khách, đồng thời có biện pháp ngăn chặn các đối tượng cò mồi, gây mất trật tự nơi công cộng, nhất là khu vực phường Núi Sam.

Rõ ràng, với những phần việc khổng lồ và trọng trách ngày một lớn từ công tác tổ chức lễ hội như trên, nhân dân phường Núi Sam không thể nào quán xuyến hết được. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành dưới sự chỉ huy, điều phối của UBND thành phố Châu Đốc với cộng đồng người dân địa phương là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính thời sự và có hiệu quả cao.

Thứ hai Lễ hội ngày càng mang tính xã hội hóa cao; các tổ chức xã hội chung tay cùng cộng đồng địa phương tạo nên thành công cho lễ hội. Sẽ là một thiếu sót nếu không kể đến sự đóng góp của các đoàn biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội Vía Bà vì họ đảm nhiệm một vai trò rất to lớn là tổ chức các hoạt động hội. Bởi lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được cho là một lễ hội đậm chất nghi lễ truyền thống nhưng có ít trò diễn, trò chơi dân gian. Sự xuất hiện của các đoàn biểu diễn nghệ thuật như điểm tô cho hoạt động của lễ hội thêm phần sinh động. Có thể điểm qua một số đoàn nghệ thuật như: các đoàn Lân Sư Rồng, các đoàn Nhạc ngũ âm Khmer và nhiều gánh hát bộ đến từ các tỉnh thành khu vực miền Nam.

Phụ trách hoạt động của các đoàn Lân Sư Rồng là nhiệm vụ của Phòng Thể dục thể thao. Có tới 45 đoàn Lân Sư Rồng từ các tỉnh, thành phố liên lạc với Phòng và xin đến múa phục vụ lễ hội trong năm 2015. Đó là các đoàn: Quan Đế Miếu, Đình Châu Phú, Chánh Nghĩa Đường, Hậu Nghĩa Đường, Thiên Hậu Miếu, Địa Thủy Thần Miếu, Miếu 7 Bà, Chùa Liên Hoa, Hồng Anh Đường, Đình Hòa Thạnh, Linh Nghĩa Đường, Khóm Châu Quới 1, Lâm Minh Thạnh, Hoa Nghĩa Đường,

Khóm Châu Thới 1, Hằng Anh Đường, Hạnh Nghĩa Đường, Song Anh, Họ Đạo Châu Đốc, Bảo Hòa Đường, Phước Thạnh, Giàu Anh Đường, Vệ Thủy Thần Miếu, Nhân Nghĩa Đường, Liên Hoa, Minh Anh, Thất Sơn Đường, Phi Anh Đường, Am Cô Năm, Chùa Định Long, Miếu Bà Chúa Xứ, Lại Quang Minh, Trung Thiếu Niên… Về thành viên đội hình, các đoàn này lớn nhỏ khác nhau. Đoàn nhỏ có khoảng 35 võ sinh còn đoàn lớn thì từ 100 võ sinh. Có thể nói, chưa một lễ hội nào mà đội hình Lân Sư Rồng lại hùng hậu như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Điều đặc biệt là tất cả họ đều tham gia trên tinh thần tự nguyện với mong muốn được phục vụ Bà trong ngày hội. Phòng Thể dục Thể thao chỉ hỗ trợ tượng trưng từ 2 đến 3 triệu đồng tiền xe, ăn, uống cho mỗi đoàn.

Tất cả 45 đoàn Lân Sư Rồng này đều tham gia biểu diễn trong lễ Phục hiện [Phụ lục 8, Hình 2, tr171]. Họ xếp thành một hàng dài từ miếu Bà đến gần khu vực Nhà bia liệt sĩ. Tuy nhiên, chỉ có vài đoàn trong số đó tham gia múa chính trong lễ Thỉnh sắc và Hồi sắc. Để bắt đầu cho một nghi thức cầu cúng luôn là phần nổi trống sôi động của đội Lân và những điệu nhảy, bước đi rất khỏe của các thành viên trong đội. Họ luôn ở vị trí dẫn đầu trong đội hình lễ nhằm tạo không khí tưng bừng, sôi nổi và long trọng cho ngày hội, tập trung mọi sự chú ý của khách thập phương.

Ngoài việc múa phục vụ lễ, các đoàn còn phục vụ bà con du khách từ 11 giờ đến 19 giờ mỗi ngày trên khu vực sân miếu. Các bài múa chủ yếu có nội dung chào mừng lễ hội và biểu diễn nghệ thuật Mai Hoa Thung (nhảy trên trụ) cho bà con thưởng thức.

Cách đó không xa, sân khấu miếu Bà luôn luôn bận rộn và sôi động bởi sự góp mặt của các đoàn ngũ âm Khơme đến từ Tri Tôn, Trà Vinh, Sóc Trăng. Họ tham gia diễn xướng từ ngày 20 đến 27 tháng 4 âm lịch. Ngoài việc hát xướng, họ còn mang đến những tiết mục giao lưu với du khách qua các điệu múa Khmer truyền thống. Những vũ điệu đơn giản, dễ bắt chước nhưng đậm chất Khmer đã thu hút du khách đủ mọi thành phần dân tộc cùng tham gia. Họ hòa quyện vào nhau trong không khí lễ hội tưng bừng, trong điệu nhạc của dàn ngũ âm đặc trưng và trong tình người hướng đến cái hay, cái đẹp. Từng nhịp chân bước, từng điệu tay đưa, từng nụ cười tươi rạng ngời trên khuôn mặt và từng ánh mắt nhìn đầy thiện chí

giao lưu, tất cả tạo nên một bầu không khí của sự cộng cảm. Cộng đồng lúc này không còn cách biệt về thành phần dân tộc, nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính mà tất cả họ như con trẻ đang trở về với Mẹ, với người nuôi dưỡng, chở che trong không khí lễ hội tưng bừng. Tất cả họ đều có chung ước nguyện là cuộc sống ấm no, hạnh phúc và quên hết những điều không may đã qua, tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp. Có thể nói, sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật của đồng bào Khơme đã mang đến lễ hội một chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc, vừa truyền thống vừa hiện đại, rất trần tục trong không gian thiêng, vui chơi giải trí sôi động xen lẫn thờ cúng trang nghiêm.

Phần hội quan trọng và được nhiều người chờ đợi nhất có thể nói là phần hát bộ sau nghi thức Xây chầu. Ngay khi chánh tế ca công hô to: “Ca công tiếp giá”, cả đoàn hát bộ đồng thanh dạ một tiếng thật to, chương trình hát bộ bắt đầu. Bà con vốn chờ đợi giây phút này suốt cả đêm Túc yết, chỉ cần nghe hiệu lệnh, họ tràn vào ngồi kín cả nền chính điện, hướng mắt về võ ca để xem các tuồng diễn [Phụ lục 8, Hình 38, tr189]. Lúc này, đồng hồ điểm 3 giờ sáng.

Có nhiều gánh hát tham gia biểu diễn, nhưng thường xuyên nhất, quen thuộc với bà con nhất là công ty TNHH tuồng cổ Ngọc Khanh (nói gọn là gánh hát Ngọc Khanh). Ngoài ra còn có sự góp mặt của gánh Minh Châu đình Mỹ Đức, đoàn Minh Ngọc ở Long Xuyên. Thành phần một gánh hát tối giản nhất cũng phải 17 người, với các vị trí: 5 đào trong đó có 3 đào chính, 7 kép trong đó có 4 kép chính, 1 đờn cổ, 1 đàn organ, 1 trống, 1 âm thanh, 1 phụ họa.

Nếu như các nghi thức cúng tế làm nức lòng người dân bởi nét truyền thống trong từng động tác, mang tính biểu trưng cao, khơi gợi lại lịch sử và tái hiện truyền thuyết, thì hát bộ lại làm mãn nhãn người xem bởi loại hình diễn xướng đặc biệt mà ngày thường họ - những người đi hội ít có điều kiện để thưởng thức. Thực chất, hát bộ là phần trình diễn cho thần xem (mà ở đây chính là Bà Chúa Xứ). Trên thực tế, đây lại là một yếu tố “mở” trong lễ hội Nam Bộ, khi cộng đồng và thần linh cùng là “khán giả” của các nghệ sĩ đang trình diễn ở võ ca. Ranh giới giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh lúc này dường như bị xóa nhòa. Chính việc cùng tham gia thưởng thực nghệ thuật diễn xướng dân gian đã làm nên điều này, hay

chính các nghệ sĩ đến từ các gánh hát đã góp phần tạo nên một không gian - thời gian nối kết đó.

Ngày nay, xã hội phát triển trên mọi phương diện, có quá nhiều phương cách để giải trí, thư giãn. Con người dễ dàng tiếp cận với nhiều hình thức sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi. Việc duy trì được những gánh hát Bộ như thế này quả là một thách thức lớn lao đối với các nghệ sĩ. Chính lòng yêu mến của đông đảo bà con là động lực rất lớn cho họ trong cuộc đấu tranh sinh tồn này. Hoạt động vì đam mê, vì sở nguyện, hay nó là truyền thống gia đình từ bao đời để lại, dù vì lý do gì đi nữa thì họ, những nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu của võ ca, trước mặt thánh thần và bao người thưởng thức như đang “cố níu kéo” để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ một phần vô cùng quan trọng của lễ hội cổ truyền Việt Nam.

Nói đến các tổ chức xã hội tham gia vào lễ hội, còn có một lực lượng hùng hậu các đơn vị là doanh nghiệp, các công ty, nhà hàng, khách sạn... tham gia với vai trò vừa là thành phần khách đi lễ vừa là đơn vị cúng dâng các vật phẩm trong những lễ tiết chính như đêm tắm Bà. Các tổ chức này nhiều đến nỗi BQT phải cho đăng ký và sắp xếp thời gian cho từng đoàn vào nguyện hương khấn Bà để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Năm 2015, chỉ riêng đêm tắm Bà đã có 258 đoàn với 9660 người (năm 2016 là 10.568 người) được chia thành 42 lượt khách có đăng ký vào viếng Bà. Trong đó, đông nhất là du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh với 3.841 lượt người (Phụ lục 3,tr.154).

Từ thực tế cho thấy, vai trò “tác giả kiêm đạo diễn, diễn viên và khán giả”

đối với lễ hội Vía Bà đã không còn gói gọn trong phạm vi cư dân làng Vĩnh Tế (phường Núi Sam) nữa. Từ lâu, chính quyền địa phương và du khách muôn phương đã tham gia sâu vào từng hoạt động của lễ hội, tạo nên tính chất của lễ hội và góp phần không nhỏ vào sự thành công của lễ hội hàng năm. Theo Philip (2004):

“Người tham dự tạo nên những giá trị cao nhất cho tính chất của lễ hội - như tính quần chúng và những thời cơ thông qua những trải nghiệm ngắn ngủi, sự tiếp xúc tự phát và sự giao tiếp với cộng đồng - điều đó tạo nên đặc trưng của lễ hội hơn là đảo ngược cấu trúc của cơ cấu xã hội và môi trường văn hóa của miền Nam Việt Nam”.

[107, tr.21]. Điều đó cho thấy rằng, chủ thể của lễ hội từ cái nhân cốt lõi là cộng

Một phần của tài liệu Lễ hội Bà Chúa Xứ của người Việt ở Nam Bộ (Trang 81 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)