Yêu cầu về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 36 - 40)

Chương 2. CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO MỞ RỘNG ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI CỦA ĐẢNG NĂM 1978

2.1. Tình hình địa giới hành chính thành phố Hà Nội trước năm 1978 và yêu cầu về mở rộng địa giới hành chính thành phố

2.1.2. Yêu cầu về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội

Từ cuối những năm 1960s, những bất cập trong đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân Hà Nội đã dẫn đến một yêu cầu cấp thiết đó là cần phải mở rộng địa giới hành chính thành phố.

Ngày 24-5-1969, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 191-NQ/TW về nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội sau khi chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kết thúc. Nghị quyết đã đánh giá tình hình cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà nội từ năm 1954: Hà Nội đã có thay đổi căn bản. Các xí nghiệp cũ đã được cải tạo và mở rộng; nhiều nhà máy mới được xây dựng; các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp được phát triển. Những công trình văn hóa cũng được cải tạo và xây dựng thêm nhiều, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong thành phố được cải thiện.

Bên cạnh những thành tích và tiến bộ nói trên, Bộ Chính trị cũng nhận thấy tình hình cải tạo và xây dựng Hà Nội còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết như:

Thiếu nhiều nhà ở, chưa bảo đảm được nhu cầu về nhà ở cho công nhân và nhân dân (còn nhiều nhà ở chật hẹp, hỏng nát); mật độ người ở nhiều khu phố quá cao; đường giao thông trong thành phố còn thiếu và quá hẹp, nhất là các cửa ô, phương tiện giao thông công cộng ít và quá cũ; vệ sinh thành phố còn kém; điện, nước và các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân còn thiếu. [55, tr. 181]

Hơn nữa, theo Bộ Chính trị:

Công tác chỉ đạo cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội chưa được tập trung và thống nhất; kế hoạch cải tạo và xây dựng chưa được toàn diện; vốn đầu tư có hạn, lại phân phối sử dụng thiếu tập trung, thiếu kết hợp cải tạo với xây dựng mới, xây dựng trước mắt với phát triển về sau. Những khuyết điểm và nhược điểm trên đây đã dẫn đến tình trạng cải tạo và xây dựng có phần phân tán, chắp vá, gây lãng phí và hạn chế kết quả phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân và ảnh hưởng đến vẻ đẹp của thành phố [55, tr. 181].

Trên cơ sở đánh giá tình hình cải tạo và xây dựng Thủ đô từ năm 1954, Bộ Chính trị đã đề ra phương châm chung về xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội là phải xây dựng và bố trí cân đối, hợp lý các công trình ở khu vực mới xây dựng, đồng thời phải tận dụng những cơ sở của thành phố cũ còn có thể cải tạo và sử dụng được; phải phục vụ yêu cầu của nhiệm vụ là “trung tâm chính trị và văn hoá của cả

30

nước, phục vụ xây dựng công nghiệp, phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân và phải bảo đảm những yêu cầu về quốc phòng.” [55, tr. 182]

Đồng thời, Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ cải tạo Hà Nội hiện thời song song với việc xây dựng khu vực mới của Thủ đô Hà Nội ở khu đất đồi nằm trong phạm vi của hai huyện Tam Dương, Bình Xuyên và khu vực thị xã Vĩnh Yên, thuộc tỉnh Vĩnh Phú và nối liền giữa khu vực mới này với thành phố Hà Nội hiện thời.

Đối với thành phố Hà Nội hiện thời, Nghị quyết xác định: “cần lấy cải tạo là chủ yếu”. [55, tr. 184]

Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 191-NQ/TW, trước hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam, đứng trước những đòi hỏi cấp bách hiện thời, xét vị trí và lợi ích lâu dài của Thủ đô Hà Nội và nhiều khó khăn trong việc cải tạo và mở rộng Thủ đô ở Hà Nội và Vĩnh Yên, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã hai lần họp (ngày 13-10-1972 và 14-2-1973) để kiểm điểm lại việc thực hiện Nghị quyết 191 NQ/TW về xây dựng Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã gửi Công văn số 89-CV/ĐBHN (ngày 2-3-1973) lên Ban Bí thư Trung ương Đảng báo cáo tình hình thi hành Nghị quyết số 191-NQ/TW ngày 24/5/1969 về xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội và nêu một số kiến nghị của Hà Nội.

Thành ủy Hà Nội đã báo cáo lên Ban Bí thư một số khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 191-NQ/TW: như việc giảm dân số nội thành, vấn đề lấy ruộng đất ở ngoại thành trên thực tế là không thực hiện được. Với tình hình trên, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kiến nghị Trung ương nghiên cứu kĩ thêm về chủ trương xây dựng mở rộng Thủ đô lên khu vực mới ở Vĩnh Yên, tập trung mọi nguồn lực vào việc cải tạo và xây dựng lại Thủ đô Hà Nội:

Đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư bàn lại chủ trương xây dựng mở rộng Thủ đô lên khu vực mới (Vĩnh Yên)… đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư cho tập trung một số cán bộ nghiên cứu điều tra thêm trong vòng 5 năm để có đủ tài liệu phân tích các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và quyết định.

Đối với thành phố Hà Nội, trước mắt, đề nghị Trung ương quyết định cho tập trung nguồn vốn và mọi khả năng xây dựng để bắt tay vào việc cải tạo và xây dựng với một quy mô lớn để đáp ứng các yêu cầu cấp bách [5, tr. 2].

Tuy nhiên, trong phiên họp ngày 7-4-1973 về xây dựng cầu Thăng Long và xây dựng, cải tạo Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vấn đề xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội: “phải được thực hiện theo Nghị quyết số 191-NQ/TW ngày 24-5-1969 của Bộ Chính trị.” Trước mắt cần “tập trung sức cải tạo thành phố Hà Nội hiện nay theo phương hướng đã nêu trong Nghị quyết ấy” [56, tr. 503].

31

Chấp hành Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã họp bàn và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Một số vấn đề đã được nghiên cứu và sơ bộ xác lập phương án. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Thành ủy Hà Nội tiếp tục nhận thấy tình hình Hà Nội với những mâu thuẫn, tồn tại lớn về quy mô dân số, quy mô đất xây dựng thành phố, tình hình các mức tiện nghi phục vụ đời sống của nhân dân ở Thủ đô ngày càng giảm, nhận thấy nhu cầu bức thiết của thành phố lúc này là cần phải có thêm đất để xây dựng.

Vì vậy, ngày 13-9-1973, Thành ủy Hà Nội trình lên Trung ương Đảng Báo cáo về quy hoạch xây dựng và cải tạo thành phố Hà Nội. Bản báo cáo đã đề ra một số kiến nghị về quy hoạch cải tạo và xây dựng Thủ đô hiện thời và khu mới ở Vĩnh Yên, trong đó có kiến nghị cần lấy thêm đất để xây dựng Hà Nội: “Quyết định cho quy hoạch cải tạo và xây dựng nội thành Hà Nội với quy mô 80 vạn dân và quy hoạch xây dựng các thị trấn ngoại thành với quy mô 35-40 vạn dân. (Để thực hiện vấn đề này thì phải thực hiện đồng thời hai biện pháp: phải lấy thêm đất và điều chuyển đi khỏi Hà Nội một số lớn các cơ quan, các ngành theo nguyên tắc nhất định)” [4, tr. 2].

Tuy vậy, kiến nghị này chưa được Bộ Chính trị nhất trí thông qua. Trong phiên họp ngày 21-9-1974, Bộ Chính trị tiếp tục đưa ra ý kiến về việc cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội, phải được nghiên cứu theo một quy hoạch bao gồm phần cải tạo Hà Nội cũ, phần xây dựng khu mới ở Vĩnh Yên, phần xây dựng các cụm công nghiệp, các điểm dân cư trong vùng có quan hệ trực tiếp với Thủ đô…, chưa có chủ trương mở rộng Hà Nội: Ở khu vực hiện thời của Thủ đô, trong vòng 15-20 năm tới (1975-1995) phải lấy việc cải tạo và xây dựng ở khu vực hiện thời làm chính… Căn cứ tình hình thực tế hiện thời, phấn đấu để có thể khống chế mức dân số nội thành vào khoảng 60-70 vạn người…

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.

Năm 1976, Hà Nội trở lại thành Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, yêu cầu mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội lại được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô.

Trong phiên họp ngày 7-9-1976 đối với luận chứng kinh tế - kĩ thuật về quy hoạch xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội đến năm 2000, Bộ Chính trị xác định:

Hà Nội - Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, nơi tập trung các cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Viện nghiên cứu khoa học - kĩ thuật, các trường đại học, các công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của cả nước. Hà Nội còn là một trung tâm kinh tế quan trọng, có công nghiệp tiên tiến, hiện đại với trình độ kĩ thuật cao.

32

Hà Nội phải là Thủ đô hiện đại có tính dân tộc, xứng đáng với đất nước ta, dân tộc ta [57, tr. 275].

Với quan điểm về Thủ đô như vậy, Bộ Chính trị nhận thấy cần phải mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, để Hà Nội đáp ứng được đầy đủ vai trò Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam. Vì thế, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng một ban chuyên trách nghiên cứu quy hoạch và cải tạo xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Sang năm 1978, trong quá trình nghiên cứu xây dựng và cải tạo Thủ đô, Ban Chỉ đạo quy hoạch cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội1 nhận thấy:

Ranh giới ngoại thành của Thủ đô Hà Nội hiện thời quá nhỏ không đáp ứng được yêu cầu kết hợp nội và ngoại thành trong một cơ cấu công nông nghiệp vững mạnh và xây dựng phát triển về mọi mặt thành phố Hà Nội theo quy mô và tầm vóc quan trọng của một Thủ đô. Ngoại thành Hà Nội không đảm bảo được 5 chức năng chính đối với một thành phố lớn là: tạo nơi để bố trí những xí nghiệp công nghiệp không cần thiết nằm trong thành phố, xây dựng vành đai nông nghiệp hiện đại để cung cấp thực phẩm tươi sống cho thành phố, nơi để bố trí các công trình đầu mối về kỹ thuật và tổ chức nghỉ ngơi du lịch bảo vệ môi trường của thành phố; tạo điều kiện để tổ chức tốt quốc phòng bảo vệ thành phố [21, tr. 2].

Vì vậy “việc mở rộng ranh giới nội ngoại thành Hà Nội đã trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm sớm đi vào quy hoạch và kế hoạch cải tạo và xây dựng Thủ đô, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức tốt hơn đời sống nhân dân, từng bước xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô hiện đại, văn minh và giàu đẹp”[21, tr. 2].

Như vậy, trước năm 1975, yêu cầu phải mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội xuất phát từ những bất cập trong đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân như: thiếu nhiều nhà ở, chưa đảm bảo được nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, mật độ người ở nhiều khu phố quá cao; đường giao thông trong thành phố còn thiếu và quá hẹp; vệ sinh thành phố còn kém; điện, nước và các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân còn thiếu… Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, vấn đề mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội không chỉ còn là yêu cầu bức thiết của nhân dân Thủ đô nhằm giải quyết những bất cập trong đời sống kinh tế, xã hội; mà còn trở thành yêu cầu của cả nước nhằm xây dựng và phát triển Hà Nội về mọi mặt theo quy mô và tầm vóc quan trọng của một Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa của nước CHXHCN Việt Nam.

1 Ban Chỉ đạo quy hoạch cải tạo và xây dựng Thủ đô Hà Nội trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng do ông Huỳnh Tấn Phát làm trưởng ban và ông Trần Vĩ - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm phó ban Thường trực, ngoài ra còn có một số chuyên viên kiến trúc và xây dựng thuộc Trung ương và Hà Nội tham gia [181, 1]

33

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(261 trang)