Chương 3. ĐẢNG LÃNH ĐẠO THU HẸP ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 1991
4.2. Chỉ đạo thực hiện
4.2.1. Đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 260/CT - TTg về việc tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng đã chỉ đạo công việc cụ thể cho các cấp ngành, địa phương liên quan:
Thủ tướng chỉ đạo HĐND thành phố Hà Nội và các tỉnh (Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình) và các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện được điều chỉnh về Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cần khẩn trương tiến hành họp bất thường ra Nghị quyết về việc hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định của pháp luật; đồng thời, giám sát các hoạt động của UBND cùng cấp trong quá trình triển khai thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; tập trung làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ và nhân dân nơi hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính về Thủ đô Hà Nội, không ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức và nhân dân của các địa phương này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội [185, tr. 1-3].
Chỉ thị 260/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những công việc cụ thể để tiến hành thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội theo phương án đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phê duyệt, từ việc chuẩn bị ra Nghị quyết của HĐND của các tỉnh thành liên quan về việc hợp nhất điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định của pháp luật, chuẩn bị tờ trình Quốc
82
hội, lập quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội gắn với quy hoạch vùng Thủ đô, rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng thuộc địa giới Hà Nội mở rộng đến những vấn đề ngân sách, cán bộ, trụ sở làm việc của các cơ quan sau hợp nhất.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ngày 17-03-2008, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 1659/VPCP-VN, đề nghị chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đưa đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô vào phiên họp tháng 4 của Ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ cùng các cơ quan có liên quan chuẩn bị tờ trình kèm theo đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội.
Ngày 28-4-2008, trong phiên họp thường kì tháng 4, Chính phủ đã thống nhất phương án và thông qua Tờ trình về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XII, ngày 29-4-2008, Chính phủ đã trình Quốc hội Tờ trình số 60/TTr-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Phương án được chọn là:
Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây với thành phố Hà Nội (sau khi điều chỉnh xã Tân Đức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý); điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc vào thành phố Hà Nội; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội quản lý [44, tr. 8].
Theo Chính phủ, phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội do các cơ quan chuyên môn nghiên cứu nhiều năm đề xuất. Chính phủ đã lựa chọn 2 phương án để thảo luận. Kết quả thảo luận và xin ý kiến cho thấy đa số tán thành phương án 1. Sau khi xem xét Chính phủ thấy phương án 1 có nhiều ưu việt hơn phương án 2 và đã lựa chọn phương án này. Đây cũng là phương án đã được các địa phương có liên quan thảo luận, HĐND các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, thành phố Hà Nội ra Nghị quyết tán thành. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã thảo luận nhất trí thông qua; Bộ Chính trị đồng ý; Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hànhTƯ khóa X, sau khi thảo luận đã có kết luận thông qua chủ trương về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội.
Sau hai tuần thẩm tra, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã đi đến nhất trí tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai. Đối với vấn đề mở rộng địa giới thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chỉ ra một số
83
điểm thiếu sót yêu cầu bổ sung, làm rõ như còn sơ sài về luận cứ khoa học trong việc mở rộng Thủ đô cũng như sự vội vã về thời gian thực hiện; về quy mô mở rộng địa giới hành chính Hà Nội chưa được giải trình một cách thuyết phục; việc xây dựng và phát triển Thủ đô tiên tiến, hiện đại sao nhất thiết phải phát triển theo hướng mở rộng diện tích? Nếu mở rộng thì nên theo hướng nào? Như đề án được trình bày hay còn có phương án nào khác? Đây là những căn cứ quan trọng để quyết định mở rộng không gian Hà Nội như thế nào là hợp lí. Trong đó, khi giải trình lại có những lý luận đơn giản, thiếu thuyết phục; giải pháp, lộ trình chưa rõ, ngoài những Nghị quyết của HĐND các địa phương có liên quan là những văn bản mà theo quy định của pháp luật cần phải có, thì chỉ có Báo cáo tóm tắt và Đề án định hướng quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, theo Ủy ban Thẩm tra pháp luật của Quốc hội, tài liệu này tuy cần thiết nhưng chưa đủ luận cứ khoa học rõ ràng, cụ thể, nhất là nguồn kinh phí cho việc thực hiện đề án; năng lực quản lí, tổ chức đời sống của dân cư cũng chưa được làm rõ. Theo Dự thảo Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội thì Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là một vấn đề cần được cân nhắc lại và phải có thời gian để chuẩn bị mọi mặt [250, tr. 3-5]. Do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị thảo luận lại, nghiên cứu kĩ lưỡng hơn đề án mở rộng địa giới thành phố Hà Nội.
Những sơ sót đó đã được các vị đại biểu Quốc hội phân tích góp ý. Chính phủ đã tiếp thu và có báo cáo bổ sung về quá trình nghiên cứu, sự cần thiết cũng như phân tích rõ hơn phương án lựa chọn mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thay mặt Chính phủ nhận thiếu sót trước Quốc Hội.
Mở đầu ngày làm việc phiên họp tháng 5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII vào ngày 22-05-2008, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thông báo Quốc hội lùi thời điểm thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội để có thời gian cho các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hướng mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, xin phép Quốc hội cho lùi thời gian xem xét, thông qua nghị quyết vào cuối kì họp.
Trong ngày làm việc thứ 20, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, trước khi các Đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị Quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Báo cáo đã giải trình về quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, về việc lựa chọn quy mô mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo phương án 1, về lộ trình và các điều kiện thực hiện
84
việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Báo cáo đã giải trình từng vấn đề, từ việc lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng; về việc lấy ý kiến nhân dân; về kinh phí cho việc thực hiện; về tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội mới sau khi được Quốc hội thông qua; về công tác tổ chức cán bộ; về việc giữ gìn những nét văn hóa riêng và di tích lịch sử văn hóa của các địa phương... [43, tr. 4-7].
Sau một thời gian nghiên cứu và thảo luận, chiều ngày 29-5-2008, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội:
Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164,53 ha và dân số hiện tại là 187.255 người. Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội, bao gồm: 1.720,36 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 4.495 người của xã Đông Xuân, 3.457,74 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 6.606 người của xã Tiến Xuân, 2.073,06 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 5.875 người của xã Yên Bình, 1.532,76 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 3.278 người của xã Yên Trung [136, tr. 2038-2039].
Như vậy, với 92,9 % số phiếu tán thành, Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2008.
Thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, ngày 23-6-2008, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 163-TB/TW thông báo kết luận về phương hướng sắp xếp, tổ chức cán bộ của Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 168 - QĐ/TW thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức, cán bộ của thành phố Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính do ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Ban [19, tr. 1]. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức, cán bộ của thành phố Hà Nội (mới) theo kết luận của Bộ Chính trị;
trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề xét thấy cần thiết.
Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức, cán bộ của Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW (ngày 03-7- 2008) về tổ chức thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng sắp xếp tổ chức, cán bộ của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính. Theo đó, công tác
85
sắp xếp tổ chức, cán bộ của Hà Nội sau mở rộng phải được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội;
trên cơ sở đánh giá cán bộ, căn cứ vào tiêu chuẩn, yêu cầu công tác, khả năng cán bộ để bố trí, sắp xếp, đảm bảo sự đồng bộ, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, không để xảy ra tiêu cực, tạo sức mạnh mới của tổ chức. Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung vào chỉ đạo một số công việc:
- Chuẩn bị quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (mới); nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra của Thành ủy Hà Nội (mới), trình bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định; chuẩn bị nhân sự chủ chốt HĐND, UBND thành phố Hà Nội (mới) thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét giới thiệu để HĐND thành phố Hà Nội (mới) bầu theo luật định.
- Chuẩn bị kì họp thứ nhất của HĐND thành phố Hà Nội (mới) theo luật định.
- Sắp xếp tổ chức, cán bộ các cơ quan của thành phố Hà Nội (mới) theo ngành dọc và sắp xếp tổ chức, cán bộ các cơ quan, tổ chức (không thuộc ngành dọc) của thành phố Hà Nội (mới).
- Chỉ đạo việc thống kê, quản lý và bàn giao cán bộ, cơ sở vật chất, trụ sở, tài sản, phương tiện làm việc... của các cơ quan, tổ chức về thành phố Hà Nội (mới), không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực [25, tr. 1-2].
Thực hiện chủ trương của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 633/2008/NQ- UBTVQH12 (ngày 9-7-2008) hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu HĐND thành phố Hà Nội mới và các địa phương được điều chỉnh địa giới theo Nghị quyết 15 của Quốc hội.
Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 956/TTg - NC (ngày 24-6-2008) về việc triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội.
Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2008/NĐ-CP (ngày 30-7-2008) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2004/NĐ-CP (ngày 1-4-2004) của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên UBND các cấp để HĐND thành phố Hà Nội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND thành phố.
86
Bộ Nội vụ ban hành các văn bản số 1950/BNV-CQĐP (ngày 3-7-2008), số 2043/BNV-TCBC (ngày 11-7-2008), số 2113/BNV-TT (ngày 18-7-2008), số 2206 /BNV-CQĐP (ngày 24-7-2008) hướng dẫn các địa phương về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội.
Bộ Tài chính ban hành văn bản số 7982/BTC-NSNN (ngày 9-7-2008) hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận tài sản và các nguồn tài chính nhà nước ở địa phương đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Kho bạc Nhà nước ban hành văn bản số 1453/KBNN-NV (ngày 22-7-2008) hướng dẫn công tác nghiệp vụ liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và các tỉnh có liên quan.
Thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc Hội về việc giao Chính phủ tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu lập “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tuyển chọn tư vấn và triển khai lập Quy hoạch. Liên danh tư vấn quốc tế Perkin Eastmans - POSCO E & C - JINA đã được Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận là tư vấn chính (tại văn bản số 1585/TTg-KTN ngày 23-9-2008) cùng với hai tư vấn trong nước là Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp nghiên cứu lập đồ án.
Quy hoạch chung Hà Nội đã được thực hiện khẩn trương trong hơn hai năm, qua nhiều lần báo cáo và nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc Hội, Chính Phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước, Tư vấn phản biện quốc tế Worley Parsons (Úc) và Vùng Ile de France (Pháp); Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; các Bộ; các Hội nghề nghiệp và ý kiến nhân dân thu (được từ các phương tiên thông tin đại chúng và tại 2 lần tổ chức triển lãm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung quyết định thể hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững: xây dựng cấu trúc đô thị phát triển bền vững;
khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, tiềm năng về tri thức - công nghệ và lịch sử văn hoá truyền thống; tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường thân thiện… và các giải pháp xử lý úng ngập, ách tắc giao thông nội đô, chậm tiến độ cải tạo các chung cư cũ, phố cổ…