Hà Nội sau lần điều chỉnh địa giới hành chính năm 1978 và yêu cầu xác định lại địa giới hành chính thành phố

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 55 - 58)

Chương 3. ĐẢNG LÃNH ĐẠO THU HẸP ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 1991

3.1. Chủ trương thu hẹp địa giới hành chính thành phố Hà Nội

3.1.1. Hà Nội sau lần điều chỉnh địa giới hành chính năm 1978 và yêu cầu xác định lại địa giới hành chính thành phố

Tháng 4-1981, Bộ Chính trị và thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã thông qua quy hoạch mặt bằng tổng thể của Thủ đô Hà Nội cùng với luận chứng kinh tế kĩ thuật của Thủ đô, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 100/CP/QĐ (ngày 24-4-1981) giao cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian 20 năm (1991-2000). Sau đó HĐND thành phố Hà Nội có đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng kéo dài thời gian thực hiện đến 2010. Tuy vậy, đến ngày 21-3-1983 Bộ Chính trị mới ra Nghị quyết 08/NQ/TW để xác định vai trò, vị trí, chức năng và định hướng mục tiêu phát triển mọi mặt của Thủ đô. Nghị quyết nêu rõ: “Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị và văn hóa, khoa học kỹ thuật đồng thời là một trung tâm kinh tế và một trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước” [59, tr. 25].

Sau gần một nửa thời gian ấn định triển khai thực hiện quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ/TW, Thành ủy Hà Nội nhận thấy, Hà Nội đã đạt được những thành tích đáng kể về phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật cũng như trên mặt trận xây dựng và quản lý đô thị.

Đến năm 1987, qua hai lần mở rộng, diện tích nội thành Hà Nội tăng lên 4.300 ha (tăng 3,5 lần so với năm 1954), dân số nội thành lên tới 90 vạn người, diện tích ngoại thành là 208.800 ha (tăng 14,9 lần so với năm 1954). Hà Nội có trên 2000 cơ quan trung ương với hơn 32 vạn cán bộ công nhân viên, chi phối mọi hoạt động chính trị, hành chính và kinh tế của cả nước. Hà Nội cũng tập trung 29% lực lượng cán bộ khoa học kĩ thuật của cả nước làm việc tại 31 trường đại học, 205 vụ viện nghiên cứu, 266 xí nghiệp công nghiệp, 40 xí nghiệp thương nghiệp, 300 xí nghiệp dịch vụ và một số cơ sở y tế, bệnh viện, trường học. Hà Nội cũng đạt 14% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, chiếm 33% giá trị sản lượng công nghiệp phía Bắc, bắt đầu phát huy vai trò trung tâm kinh tế ở phía Bắc (tuy nhiên so với thành phố Hồ Chí Minh đạt 30% giá trị sản lượng công nghiệp phía Nam thì Hà Nội còn ở mức thấp). Hà Nội tập trung đại sứ quán của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức ngoại giao và một số khách sạn du lịch [180, 8].

Tuy nhiên, do Nghị quyết 08/NQ/TW ra sau nên Quy hoạch năm 1981 của Hà Nội khó có thể thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo này. Trong quá trình thực

49

hiện quy hoạch năm 1981, Hà Nội gặp không ít khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là mâu thuẫn giữa những mục tiêu to lớn của quy hoạch năm 1981 đặt ra với điều kiện khả năng kinh tế còn nghèo nàn của đất nước. Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã nhận thấy những hậu quả trong công tác xây dựng và quản lý đô thị:

Các cơ sở hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội xuống cấp nhanh chóng, không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, đi lại và làm việc của nhân dân Thủ đô.

Ví dụ diện tích bình quân đầu người về nhà ở năm 1986 là 3,6 m2/người (trong khi chỉ tiêu quy hoạch năm 1981 là 9 m2). Nhiều hộ gia đình phải sống chung 3 thế hệ trên một diện tích và một không gian được phân từ trước năm 1960. Ở nội thị và ven đô dân cư tăng gấp 4 lần nhưng diện tích xây dựng chỉ tăng gấp đôi.

Nhu cầu trụ sở làm việc rất lớn nhưng từ năm 1954 đến 1989 chỉ xây dựng được 6 nhà làm việc mới, đa phần các cơ quan phải sử dụng nhà ở, trường học, kho tàng thành nơi làm việc. Cơ sở cho giao dịch quốc tế cũng nghèo nàn, chỉ có 13 khách sạn, trong đó không có khách sạn nào đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quy mô diện tích và dân số tăng lên gấp 4 lần, trong khi đó, mạng lưới các cơ sở kĩ thuật hạ tầng như điện, nước không được tăng lên, không được thay đổi và cải tạo đáng kể, đã tạo nên sự quá tải trong vận hành và hư hỏng nhiều gây thất thoát lớn (hệ thống nước bị thất thoát 50% đến 60%). Hệ sinh thái ở đô thị ô nhiễm nghiêm trọng.

Công tác quản lý xây dựng đô thị kết quả còn quá thấp, tình trạng xây dựng trái phép, cơi nới bừa bãi, coi thường pháp luật và các quy định, quy phạm, quy tắc xây dựng có chiều hướng tăng lên và ngày càng nghiêm trọng, làm cho cảnh quan đô thị xuống cấp nhanh chóng nhất là các khu vực xây dựng cũ.

Tốc độ tăng dân nhanh, đặc biệt là tốc độ tăng dân số cơ học, năm cao nhất là 70.000 người, năm thấp nhất là 7.000 người, làm phát sinh thêm mọi yêu cầu cho đời sống [180, tr. 2-5].

Trước tình hình đó, tháng 2-1989, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiến hành biên soạn bản dự thảo Tờ trình về chủ trương phương hướng điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1990 - 2010. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức một nhóm chuyên gia do ông Phạm Ngọc Đăng, Hiệu trưởng, chủ trì và ông Trần Bút, Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc làm thường trực tiến hành thực hiện. Trên cơ sở bản dự thảo này, Thường vụ Thành ủy và Thường trực UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí với nhóm biên soạn về sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch Hà Nội giai đoạn 1990-2010, xác định lại địa giới hành chính của thành phố bởi 5 lý do sau:

50

Thứ nhất, cơ sở kinh tế - kĩ thuật - xã hội để thực hiện những mục tiêu của quy hoạch năm 1981 không xuất hiện như dự kiến. Cũng do vậy mà quy hoạch năm 1981 có nhiều mặt chưa phù hợp với tình hình thực tế thời gian qua và trong vòng 20 năm tới. Nghị quyết số 100/CP/QĐ không thể thực hiện được, đặc biệt là vốn Nhà nước đầu tư cho Hà Nội để thực hiện quy hoạch quá thấp.

Thứ hai, quy hoạch năm 1981 qua quá trình thực hiện bộc lộ một số vấn đề không hợp lý và thiếu thiết kế chi tiết, thiếu quy hoạch thời gian và không gian xây dựng.

Thứ ba, quan điểm về cơ cấu kinh tế, chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Nhà nước có nhiều đổi mới, một nền kinh tế nhiều bên và nhiều thành phần đã giải phóng mọi năng lực sản xuất, tạo cơ sở huy động nguồn vốn từ nhiều phía, xuất hiện tính đa dạng trong tổ chức bộ mặt không gian đô thị.

Thứ tư, quan hệ quốc tế về mọi mặt giữa Nhà nước và các nước khác trên thế giới đang có chiều hướng phát triển tốt, đặc biệt là sau vấn đề Campuchia được giải quyết, Đảng chủ trương mở cửa và luật đầu tư từ nước ngoài của Nhà nước đã ra đời. Tình hình đó là động lực thúc đẩy và đặt ra các đòi hỏi mới đối với việc xây dựng thủ đô. Bộ mặt Hà Nội cần được chỉnh trang nhanh chóng, phong cách phương pháp hoạt động trong xây dựng đô thị cần phải thay đổi để đón lấy thời cơ.

Thứ năm, quan điểm và lý luận về quy hoạch xây dựng đô thị hiện thời có những vấn đề mới cần áp dụng vào xây dựng thủ đô hiện đại như: vấn đề sinh thái đô thị, bảo vệ môi trường, trung tâm và hệ trung tâm, phố và phường… [180, tr.2-3]

Trên cơ sở đó, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cho chủ trương, phương hướng và mục tiêu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô, trong đó đưa ra mục tiêu: xác định lại quy mô hợp lý của nội thành; chỉnh trang lại trung tâm thành phố; giảm các chỉ tiêu phục vụ, xã hội, kinh tế, kĩ thuật tính trên đầu người; thu hẹp vùng nông thôn ngoại thành; điều chỉnh về phương hướng coi trọng hơn việc cải tạo các khu phố cũ; điều chỉnh thời gian thực hiện quy hoạch thành 2 giai đoạn là 1990-2000 và 2001 - 2010.

Về vấn đề xác định lại quy mô hợp lý của nội thành, Thành ủy Hà Nội xác định phương hướng chung là thu hẹp quy mô nội thành cả về quy mô dân số và quy mô diện tích, trong giai đoạn 1990-2010, nội thành Hà Nội nằm gọn trong 4 quận nội thành cũ và khu vực thị trấn Gia Lâm với tuyến Chương Dương - Cầu Chui.

Về vấn đề thu hẹp vùng nông thôn ngoại thành, theo Thành ủy Hà Nội, chức năng của vùng nông thôn ngoại thành được xác định là nơi bố trí các công trình đầu mối của hạ tầng kĩ thuật của nội thành như các trạm biến thế điện, đầu mối giao thông, thông tin, liên lạc các loại, nhà ga, bến cảng, các trạm xử lý nước thải và cấp nước, vành đai cây xanh và rau xanh. Với chức năng đó vùng nông thôn ngoại thành

51

không cần rộng lớn như hiện thời, cần thu hẹp lại. Thu hẹp đến đâu, giữ lại vùng nào, bỏ vùng nào thì thành phố Hà Nội sẽ có báo cáo cụ thể sau khi có kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhưng theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, theo kinh nghiệm các nước khác, vùng nông thôn ngoại thành thường chiếm dưới 20% dân số thành phố [180, tr. 4].

Hơn nữa, theo Thành ủy Hà Nội, từ nửa đầu thế kỷ 20, xu thế phát triển siêu đô thị đã chuyển từ Châu Âu sang Châu Á, từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, các cuộc hội thảo quốc tế về đô thị trong những năm 1980s đã thấy nhiều điểm bất hợp lý trong việc phát triển siêu đô thị, nếu các nước Châu Á tiếp tục theo khuynh hướng phát triển siêu đô thị sẽ dẫn tới những tồn tại bế tắc khó giải quyết được. Các cuộc hội thảo đô thị quốc tế đã đưa ra những lời khuyên: đô thị lý tưởng hiện thời chỉ nên ở quy mô từ 50 vạn đến 1 triệu dân. Các siêu đô thị Châu Á không nên mở rộng địa giới hành chính tăng quy mô thành phố mà nên dùng hình thức “vùng” mở thêm các đô thị phụ cận và tổ chức mối quan hệ hỗ trợ tương ứng với các đơn vị hành chính trong “vùng” làm chức năng ngoại thành để hỗ trợ cho mình. Trong khi đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội nhận thấy xu hướng của sơ đồ quy hoạch cải tạo xây dựng Thủ đô và việc mở rộng địa giới hành chính ngoại thành có phần ảnh hưởng của khuynh hướng phát triển siêu đô thị nên đã tạo ra những nhược điểm, mâu thuẫn: cấu tạo thành phố Hà Nội chưa hợp lý (ngoại thành 209.000 ha/

4.300 ha = 49 lần nội thành); những chức năng của ngoại thành xác định trong phương án mở rộng trước đây không còn thích hợp. Mặt khác mức độ đầu tư cho Thủ đô bị hạn chế; theo kế hoạch phải có tỷ lệ đầu tư cho Thủ đô từ 15-25% tổng số vốn xây dựng cơ bản toàn quốc, nhưng thực tế bình quân chỉ đạt 3,6% [181, tr. 2].

Với những nhận thức đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng cần thiết phải điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội để tập trung cải tạo, xây dựng lại thành phố.

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(261 trang)