Chương 3. ĐẢNG LÃNH ĐẠO THU HẸP ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 1991
3.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện
3.2.2. Đối với Hà Nội và các địa phương liên quan
Sau khi chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội được Quốc hội nhất trí thông qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo Thành ủy Hà Nội khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết trong toàn Đảng bộ, ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cấp làm tốt những công việc liên quan đến điều chỉnh địa giới trên tinh thần tiết kiệm, tránh thất thoát tài sản, đảm bảo cho các đơn vị ổn định và giữ được mọi hoạt động bình thường trong và sau khi bàn giao; khi có vấn đề nảy sinh, cần xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để giải quyết kịp thời.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và các ban ngành, sáng ngày 15-8-1991 Thường vụ Thành ủy, UBND và HĐND thành phố Hà Nội đã họp với các ngành, đoàn thể và các cán bộ lãnh đạo huyện, thị xã trong khu vực điều chỉnh địa giới để phổ biến rộng rãi Nghị quyết của Quốc hội. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cán bộ lãnh đạo các địa phương, các ngành, đoàn thể xác định trách nhiệm, tập trung chuẩn bị mọi mặt để cho việc bàn giao các huyện, thị xã về hai tỉnh thật tốt, chống biện pháp cục bộ, buông lỏng và hết sức coi trọng việc chi tiêu tiết kiệm trong quá trình bàn giao.
Ngày 17-8-1991, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 82 KH/TU chỉ đạo cụ thể công tác bàn giao 6 huyện và 1 thị xã ngoại thành Hà Nội về tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú. Thành ủy Hà Nội yêu cầu công tác bàn giao cần phải thực hiện chu đáo, kịp thời, trong khi tiến hành bàn giao phải bảo đảm sự tin cậy, đoàn kết, nhất trí, tài sản không bị thất thoát, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo cho các đơn vị ổn định và giữ được mọi hoạt động bình thường trong và sau khi bàn giao. Về nguyên tắc tổ chức thực hiện, Thành ủy có kế hoạch chỉ đạo chung; UBND, HĐND, tổ chức Đảng, các đoàn thể, các ngành… có văn bản và kế hoạch bàn giao cụ thể theo chỉ đạo của Thành ủy và Trung ương. Nội dung bàn giao bao gồm:
- Về đơn vị hành chính và địa giới: theo ranh giới hành chính các huyện đang quản lý, thể hiện trên bản đồ và số liệu thống kê;
- Về kinh tế - xã hội: Kế hoạch và ngân sách đã duyệt trong năm 1991, thành phố Hà Nội tiếp tục giải quyết việc thuộc trách nhiệm của mình, thanh toán và bàn giao cho tỉnh mới để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện từ năm 1992 về sau;
- Tổ chức, cán bộ bàn giao theo hiện trạng (bao gồm cán bộ huyện quản lý và cán bộ của thành phố chuyên trách công tác theo dõi các huyện), không điều động cán bộ trước và trong khi bàn giao;
62
- Các đơn vị của thành phố đóng trên địa bàn huyện nói chung được bàn giao cho tỉnh mới và sẽ được bàn giao cụ thể giữa hai bên. Riêng một vài cơ sở có quan hệ nhiều với Thủ đô, thành phố sẽ đề xuất cụ thểvới tỉnh bạn;
- Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Đại hội Đảng vòng 2 các huyện, thị theo kế hoạch cho đến khi chính thức bàn giao sang tỉnh mới [162, tr. 1-2].
Thành ủy cũng chỉ đạo cụ thể về một số vấn đề cấp bách cần được giải quyết như: việc cử các thành viên có trách nhiệm chuẩn bị cho công tác bàn giao; về giải quyết việc chuyển các đại biểu HĐND thành phố công tác ở các huyện thị xã về tỉnh mới; về giải quyết rõ những vấn đề có liên quan đến thành phố và các Bộ, các cơ quan Trung ương (công trình thủy lợi liên tỉnh, rừng quốc gia Ba Vì; các trại xã hội; nhà nghỉ của công nhân…) tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương để bàn giao thuận lợi. Các vấn đề trên cần thống nhất bàn bạc giữa lãnh đạo cấp tỉnh, thành (nếu cần thì xin ý kiến Trung ương), chuẩn bị chu đáo với cán bộ được phân công trước khi ra quyết định. Về phương pháp, bước đi, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo chia làm 3 bước: chuẩn bị, kí biên bản bàn giao và bàn giao cụ thể. Về tổ chức thực hiện, Thành ủy chỉ đạo các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ban ngành vạch kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để thực hiện; tổ chức bộ phận chuẩn bị cụ thể cùng các huyện thống nhất những vấn đề quan trọng để bàn giao; các huyện thị được bàn giao chủ động chuẩn bị các vấn đề cần thiết để báo cáo với tỉnh tiếp nhận và đề xuất những vấn đề cần giải quyết để xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố;
các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể cần quan tâm chỉ đạo cụ thể, hết sức coi trọng công tác tư tưởng, tạo sự nhất trí để triển khai thực hiện có kết quả, đạt được yêu cầu đề ra [162, tr. 2].
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, ngày 23-8-1991, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 82/KH về tổ chức HĐND một số huyện, thị xã về tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú. Theo bản kế hoạch, HĐND thành phố sẽ triệu tập kì họp bất thường để bàn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; làm việc với thường trực HĐND các huyện, thị xã sẽ bàn giao với các nội dung về việc chuẩn bị báo cáo, hồ sơ tài liệu về hoạt động của HĐND các huyện theo lịch cụ thể với các huyện Mê Linh (Vĩnh Phú), Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây) từ 31-8 đến 7-9- 1991; làm việc với thường trực HĐND các tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú để tổ chức công tác bàn giao về bộ máy tổ chức, nhân sự và hoạt động của HĐND các huyện, thị xã, bàn giao các đại biểu HĐND thành phố ứng cử tại các huyện, thị xã được bàn giao theo nguyên tắc cụ thể; làm việc với một số ngành có nhiều liên quan tới việc bàn giao (Tài chính - Vật giá, Kế hoạch, Tư pháp…); hướng dẫn thường trực HĐND các huyện, thị xã thực hiện việc bàn giao về Hà Tây và Vĩnh Phú [83, tr. 3].
63
Ngày 10-9-1991, HĐND thành phố đã họp phiên bất thường để bàn bạc kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. HĐND thành phố Hà Nội đã hoàn toàn nhất trí với Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới Thủ đô Hà Nội và quyết định giao UBND thành phố tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, chu đáo, đầy đủ Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Hà Nội trong đó có việc chuyển giao huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 1500/KH-UB (ngày 26-8- 1991) về bàn giao một số huyện ngoại thành về tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu trong quá trình bàn giao phải đảm bảo đoàn kết nhất trí cao, tiết kiệm, không tăng biên chế, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các huyện, thị xã sớm ổn định tổ chức và phát triển sản xuất; Tiến hành thận trọng, chính xác, khẩn trương, đúng tiến độ, không cục bộ địa phương. Nội dung bàn giao được xác định gồm: địa giới hành chính, đất đai, dân cư; tình hình, số liệu cơ bản của huyện, thị xã; tình hình thực hiện kế hoạch, thực hiện các chỉ tiêu tài chính, ngân sách, thuế đến thời điểm bàn giao và những vấn đề tồn tại đến hết năm 1991; các vấn đề phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đến thời điểm bàn giao và những vấn đề tồn tại đến hết năm 1991; các vấn đề công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ. UBND thành phố Hà Nội cũng phân chia công việc cụ thể cho các cấp, ngành và thống nhất thời gian thực hiện [224, tr. 2].
Ngày 5-9-1991, UBND thành phố ban hành Công văn số 1549/CV-UB bổ sung kế hoạch bàn giao huyện và thị xã cho 2 tỉnh; theo đó, các Sở, Ban, Ngành cần gửi kế hoạch, lịch, nội dung, biểu số liệu bàn giao về UBND thành phố trước ngày 10-9-1991. Từ ngày 21-8-1991 đến 15-9-1991, sau khi chuẩn bị và thống nhất với huyện về hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu bàn giao các ngành của thành phố làm việc với các ngành liên quan của 2 tỉnh (Hà Tây trước và Vĩnh Phú sau) để thống nhất những vấn đề cần bàn giao và ký tắt với nhau trước ngày 20/9/1991; đồng thời gửi báo cáo về UBND thành phố. Từ ngày 21-9 đến 27-9-1991, UBND thành phố và UBND hai tỉnh sẽ ký văn bản bàn giao chung, Ban Tổ chức chính quyền thành phố chuẩn bị nội dung, biểu mẫu, hồ sơ và tài liệu bàn giao. Sau khi thành phố và 2 tỉnh ký chính thức, các Ngành của thành phố sẽ tiến hành ký bàn giao chính thức với các Ngành liên quan của 2 tỉnh [223, tr. 1].
Ngày 30-8-1991, Thường trực HĐND và UBND thành phố Hà Nội và đã họp để thống nhất chỉ đạo công tác tài chính phục vụ việc chuyển giao 6 huyện và thị xã Sơn Tây về hai tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú. Căn cứ yêu cầu của các huyện, thị xã và
64
khả năng của ngân sách thành phố, thường trực HĐND và UBND thành phố đã thảo luận và đi đến thống nhất ý kiến về công tác tài chính phục vụ việc chuyển giao 6 huyện và thị xã Sơn Tây về hai tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú, chỉ đạo cụ thể về những khoản chi thuộc ngân sách huyện, thị xã đảm nhiệm nhưng có yêu cầu được ngân sách thành phố trợ cấp thêm; về các khoản thuộc ngân sách thành phố đảm nhiệm chi cho các đơn vị đóng trên địa bàn 6 huyện và thị xã Sơn Tây (các trường phổ thông trung học, tòa án, trại xã hội, bệnh viện thị xã Sơn Tây…); về các khoản thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản (trạm bơm, kênh đập…); về các khoản thuộc chương trình P.A.M (chương trình trồng rừng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em) [228, tr. 1-3].
Tiếp đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1549/CV-UB (ngày 5-9-1991) bổ sung kế hoạch bàn giao huyện và thị xã cho hai tỉnh. UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn bổ sung về thời gian các bước tiến hành. Theo đó, các sở, ban, ngành cần gửi kế hoạch, lịch, nội dung, biểu số liệu bàn giao về UBND thành phố trước ngày 10-9-1991. Từ ngày 21-8 đến 15-9-1991, các ngành của thành phố làm việc với các ngành liên quan của hai tỉnh để thống nhất những vấn đề cần bàn giao và kí tắt với nhau trước ngày 20-9-1991. Từ ngày 21-9 đến 27-9-1991, UBND thành phố và UBND hai tỉnh sẽ kí văn bản bàn giao chung, Ban Tổ chức chính quyền thành phố chuẩn bị nội dung, biểu mẫu, hồ sơ và tài liệu bàn giao. Sau khi thành phố và hai tỉnh kí chính thức, các ngành của thành phố sẽ tiến hành kí bàn giao chính thức với các ngành liên quan của hai tỉnh [223, tr. 1-2].
Đối với tỉnh Hà Tây
Năm 1976, tỉnh Hà Tây sáp nhập với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.
Năm 1979, 5 huyện và 1 thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình (ở tỉnh Hà Tây cũ) được chuyển về Hà Nội. Sang năm 1989, Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, thành phố, trong đó có chủ trương tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây; chuyển 5 huyện, 1 thị xã thuộc Hà Nội về Hà Tây và đã được Quốc hội khóa VIII kì họp thứ 9 (ngày 12-8-1991) ban hành nghị quyết thông qua. Bộ Chính trị giao Tỉnh ủy Hà Sơn Bình sớm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác chia tách tỉnh thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng về công tác chia tách tỉnh, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 22-8-1991) về lãnh đạo thực hiện việc chia tỉnh. Tỉnh ủy Hà Sơn Bình yêu cầu công tác chia tỉnh phải chặt chẽ, chu đáo, đảm bảo các yêu cầu: làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất trí cao và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội; Sắp xếp hợp lý bộ
65
máy và cán bộ theo tổ chức của hai tỉnh mới theo đúng nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc phân chia địa giới, kinh tế - tài chính, tổ chức cán bộ…, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình chỉ thị phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy và sự hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chức năng được ủy quyền. Đối với vấn đề tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vòng hai, Tỉnh ủy chỉ đạo phải thực hiện phù hợp với tình hình chia tỉnh [189, tr. 2].
Tỉnh ủy Hà Sơn Bình coi công tác chỉ đạo việc chia tỉnh là công tác quan trọng đột xuất của toàn tỉnh, cần sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tất cả các cấp, các ngành làm tốt công việc này để hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây chính thức làm việc từ ngày 1-10-1991. Tỉnh ủy giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh ủy để chỉ đạo thực hiện chặt chẽ chu đáo việc chia tỉnh; chủ trương lập một số tiểu ban và phân công các Thường vụ và lãnh đạo các ngành để chỉ đạo thực hiện cụ thể. Tỉnh ủy đề nghị Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh căn cứ vào pháp luật hiện hành, các chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, nhanh chóng cụ thể hóa, chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện đồng bộ và nghiêm túc.
Sau khi tỉnh Hà Tây được tái lập, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo Tỉnh ủy Hà Tây sớm thực hiện công tác tiếp nhận 5 huyện, 1 thị xã thuộc Hà Nội về tỉnh Hà Tây.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tây đã làm việc với Ban Thường trực Thành ủy Hà Nội để bàn thống nhất yêu cầu, nội dung, cách thức thực hiện việc tách 5 huyện, 1 thị xã thuộc Hà Nội nhập về Hà Tây.
Một số các ban ngành của tỉnh Hà Tây cũng đã tiếp xúc và làm việc với các ban ngành của Hà Nội và Trung ương để xúc tiến việc bàn giao hiện trạng, các số liệu cơ bản, tổ chức cán bộ… của các đơn vị Hà Nội chuyển về Hà Tây.
Ngày 27-9-1991, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và HĐND, UBND tỉnh Hà Tây đã tiến hành lễ ký kết bàn giao chính thức 5 huyện và thị xã Sơn Tây về tỉnh Hà Tây. Hai bên đã thống nhất bàn giao chi tiết từng vấn đề cụ thể: về các đơn vị hành chính và địa giới; về các cơ sở kinh tế, văn hóa - xã hội; về các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội năm 1991; về xây dựng cơ bản; về giải quyết công nợ; về tổ chức, biên chế, bộ máy quản lý.
Theo đó, thành phố Hà Nội bàn giao về tỉnh Hà Tây tất cả các nội dung trên của 5 huyện và một thị xã gồm 124 xã, 2 thị trấn, 5 phường. Trong đó phân bố theo các huyện, thị xã: Huyện Ba Vì: 32 xã và một thị trấn; Huyện Phúc Thọ: 22 xã;
Huyện Thạch Thất: 19 xã; Huyện Hoài Đức: 27 xã; Huyện Đan Phượng: 15 xã và 1 thị trấn; Thị xã Sơn Tây: 9 xã và 5 phường; với diện tích tự nhiên 956 km2, dân số 876.394 người [240, tr. 4].
66
Tới ngày 30-9-1991 tất cả các ban ngành của Hà Nội và Hà Tây cũng đã ký kết văn bản bàn giao chính thức. Từ ngày 1-10-1991, UBND tỉnh Hà Tây điều hành, quản lý toàn diện các mặt hoạt động của các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
Đối với tỉnh Vĩnh Phú
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Tỉnh ủy Vĩnh Phú chỉ đạo thực hiện công tác tiếp nhận lại huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình Quốc hội nghiên cứu chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, thì Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh đã có ý kiến về vấn đề này.
Trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết thông qua chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, ngày 8-8-1991, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Mê Linh đã gửi Công văn số 224/CV-HU lên Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội báo cáo tình hình tư tưởng nổi lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc để quyết định phù hợp với nguyện vọng của nhân dân huyện Mê Linh.
Ngày 14-8-1991, sau khi Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện đã họp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quần chúng để nghe ý kiến phản ánh về tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xung quanh quyết định của Quốc hội tách huyện Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú. Sau cuộc họp, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh đã gửi Công văn số 233/CV-HU lên Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, các đại biểu Quốc hội khóa VIII khu vực Mê Linh - Sóc Sơn; Công văn số 234/CV-HU gửi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ kiến nghị xem xét lại việc điều chỉnh địa giới ở Mê Linh. Ban thường vụ Huyện ủy, thường trực HĐND, UBND huyện Mê Linh đề nghị Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng:
- Cử Ban Tổ chức Chính phủ, các chủ trì đề án và Ban thanh tra đề án hoạch định địa giới của Quốc hội về xem xét và khảo sát thực tế Mê Linh để cân nhắc lại việc để huyện Mê Linh ở thành phố Hà Nội có lợi nhiều hơn về các mặt hay về Vĩnh Phú có lợi hơn. Trên cơ sở đó tham mưu lại cho Chính phủ và Quốc hội ra quyết định sao cho chính xác, có lợi và hợp lòng dân trong tình hình hiện thời.
- Trong khi chờ các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội về khảo sát, Mê Linh xin phép được tạm hoãn việc thực hiện quyết định của Quốc hội. Mặt khác đề nghị Quốc hội, Chính phủ về nghe và cho ý kiến giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện để cùng Mê Linh ổn định tình hình các mặt trong nhân dân.