Chỉ đạo thực hiện

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 45 - 79)

Chương 2. CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO MỞ RỘNG ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI CỦA ĐẢNG NĂM 1978

2.2. Lãnh đạo điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 1978

2.2.2. Chỉ đạo thực hiện

Để hiện thực hóa chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cụ thể các công việc thực hiện theo đúng quy trình của luật pháp.

Sau khi đề ra chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình, Tỉnh ủy Vĩnh Phú chỉ đạo thực hiện tốt các bước tiến hành nhiệm vụ mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội.

Các công việc cần chỉ đạo thực hiện là: chỉ đạo HĐND thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Sơn Bình, tỉnh Vĩnh Phú tổ chức các kì họp bất thường để thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính; trình Quốc hội thông qua; chỉ đạo các cơ quan chức năng Trung ương, ban hành các văn bản thi hành, hướng dẫn thi hành, hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; chỉ đạo các địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc các bước tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính, khi có vấn đề nảy sinh cần xin ý kiến chỉ thị của Trung ương để kịp thời giải quyết.

Cụ thể, ngay khi ban hành chủ trương về việc phân vạch địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Hội đồng Chính phủ “hướng dẫn ngay các tỉnh và thành phố có liên quan làm đầy đủ các thủ tục pháp luật để trình Quốc hội phê chuẩn trong kì họp sắp tới” [124, tr. 1].

39

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trong hai ngày 18 và 19-12-1978, HĐNH thành phố Hà Nội, HĐND tỉnh Hà Sơn Bình, HĐND tỉnh Vĩnh Phú đã tổ chức các kỳ họp bất thường thông qua nghị quyết về việc phân vạch địa giới thành phố Hà Nội của Bộ Chính trị, đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương mở rộng ngoại thành Hà Nội bằng việc sáp nhập một số đơn vị hành chính của tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào Hà Nội. Ngày 22-12-1978, Hội đồng Chính phủ đã trình Quốc hội tờ trình số 5271/TC về việc phân vạch địa giới hành chính một số tỉnh và thành phố. Hội đồng Chính phủ đề nghị Quốc hội xét và phê chuẩn một số vấn đề về chia đơn vị hành chính và điều chỉnh đơn vị hành chính một số tỉnh và thành phố: mở rộng ngoại thành Hà Nội bằng việc sáp nhập một số huyện và thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào Hà Nội [124, tr. 1].

Ngày 29-12-1978, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IV tại kỳ họp thứ tư, đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai. Đối với địa giới hành chính của Hà Nội, Quốc hội đã phê chuẩn sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn sau đây của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội:

a) Tỉnh Hà Sơn Bình: các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và thị xã Hà Đông; xã Tiên Phương, xã Phụng Châu, phần Bắc Đường số 6 thuộc xã Ngọc Hòa và xã Ngọc Sơn của huyện Chương Mỹ;

xã Hữu Hòa và phần Bắc Đường số 6 thuộc xã Phú Lãm của huyện Thanh Oai; các xã Liên Ninh, Việt Hưng, Thanh Hưng và Đại Thanh của huyện Thường Tín; các xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phú và Đại Thành của huyện Quốc Oai.

b) Tỉnh Vĩnh Phú: Huyện Sóc Sơn; các xã Chu Phan, Đại Thịnh, Liên Mạch, Mê Linh, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Châu, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tự Lập, Tràng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê, Vạn Yên, Quang Minh, Kim Hoa và thị trấn Phúc Yên thuộc huyện Mê Linh [133, tr.1].

Sau khi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IV kỳ họp thứ tư ra Nghị quyết phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt theo chủ trương đã được thông qua.

Theo Bộ Chính trị, xây dựng Thủ đô là trách nhiệm của mọi ngành. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng của các bộ, ngành “có trách nhiệm giúp đỡ tích cực và chủ động phối hợp với Thành ủy Hà Nội để xây dựng thành phố theo phương hướng nói trên” [8, tr. 1].

40

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 15/TTg (ngày 8-1-1979) hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc chia lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, hướng dẫn cụ thể công tác tổ chức thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính của các tỉnh thành, việc sáp nhập một số huyện, xã thuộc Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Thông tư 15/TTg là văn bản hướng dẫn cụ thể của Nhà nước để thực thi theo chủ trương của Đảng về điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh, thành phố.

Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/CP (ngày 17-2-1979) về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Hội đồng Chính phủ đã đi đến quyết định phương án cụ thể về việc sáp nhập các thôn, xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào các xã, huyện ngoại thành Hà Nội đảm bảo sự thuận tiện cho các địa phương. Các thôn, xã và thị trấn sau khi được nhập vào ngoại thành Hà Nội, sẽ được sắp xếp lại như sau:

1. Sáp nhập các thôn Cao Sơn (phần bắc đường số 6, xã Ngọc Hòa) vào xã Tiền Phương; thôn Ninh Sơn (phần bắc đường số 6, xã Ngọc Sơn) vào xã Phụng Châu; thôn Do Lộ (phần bắc đường số 6, xã Phú Lãm) vào xã Yên Nghĩa thuộc huyện Hoài Đức.

2. Sáp nhập các xã Phụng Châu, Tiền Phương (của huyện Chương Mỹ), Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phú và Đại Thành (của huyện Quốc Oai) vào huyện Hoài Đức.

3. Sáp nhập các xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp (của huyện Quốc Oai) vào huyện Phúc Thọ.

4. Sáp nhập các xã Liên Ninh, Ngọc Hồi (Việt Hưng cũ), Đại Áng (Thanh Hưng cũ), Tả Thanh Oai (Đại Thanh cũ) (của huyện Thường Tín) và xã Hữu Hòa (của huyện Thanh Oai) vào huyện Thanh Trì.

5. Sáp nhập các xã Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Thắng, Cao Minh và thị trấn Xuân Hòa của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh [79, 1].

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã chỉ thị cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Sơn Bình, tỉnh Vĩnh Phú chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã được Quốc hội thông qua. Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình, Tỉnh ủy Vĩnh Phú chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ ở các huyện, thị xã, thị trấn và các xã sẽ nhập vào Hà Nội; chỉ đạo việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở và cấp huyện, thị xã, thị trấn; việc sáp nhập các xã của tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào các huyện trước khi bàn giao về Hà Nội; về việc đảm bảo mọi mặt

41

công tác sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng trong thời gian chuẩn bị bàn giao và tiếp nhận; về thời gian tiến hành việc giao nhận… Bộ Chính trị cũng chỉ thị:

trong quá trình chỉ đạo thực hiện, khi có vấn đề nảy sinh, cần xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương để kịp thời giải quyết.

Đối với thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm: “Xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước; một trung tâm kinh tế quan trọng có công nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; một thành phố xã hội chủ nghĩa tiêu biểu cho truyền thống cách mạng và văn minh của đất nước” [8, tr. 1].

Đối với ngoại thành Hà Nội, Bộ Chính trị chỉ thị: “Phải có kế hoạch củng cố quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất, cải tạo và xây dựng đồng ruộng để sớm hoàn thành thủy lợi hóa và cơ khí hóa, thực hiện thâm canh, tăng năng suất, xây dựng một vành đai thực phẩm, bảo đảm cung cấp một phần quan trọng thực phẩm (rau, thịt, cá, trứng…) cho nhân dân” [8, tr. 1].

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phân vạch địa giới một số tỉnh và thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội, đã được Quốc hội thông qua (ngày 20-12-1978), Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp quán triệt nghị quyết và thảo luận kế hoạch chuẩn bị tiếp quản các vùng mới sẽ nhập vào Hà Nội.

Trên cơ sở nội dung cuộc họp, Thường vụ Thành ủy đã gửi Công văn số 183- CV/TU (ngày 25-12-1978) lên Ban Bí thư Trung ương Đảng xin ý kiến chỉ thị về:

Các vấn đề phục vụ cho việc tiếp nhận; về phương hướng nhiệm vụ năm 1979 ở các vùng mới nhập vào Hà Nội; về tổ chức bộ máy, cán bộ ở các huyện, thị xã, thị trấn và các xã sẽ nhập vào Hà Nội; việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cơ sở và cấp huyện, thị xã, thị trấn; việc sáp nhập các xã của tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào các huyện trước khi bàn giao về Hà Nội; về việc đảm bảo mọi mặt công tác sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng trong thời gian chuẩn bị bàn giao và tiếp nhận; về thời gian tiến hành việc giao nhận [153, tr. 1].

Ban Bí thư đã nhất trí tán thành phương án của Thành ủy Hà Nội, chỉ thị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện nghiêm túc phương án đã đề ra.

Được sự nhất trí của Ban Bí thư về phương án tiến hành chỉ đạo thực hiện, Thường vụ Thành ủy họp thảo luận kế hoạch chuẩn bị tiếp nhận các vùng mới sẽ nhập vào Hà Nội và ban hành Nghị quyết số 793-NQ/TU (ngày 26-12-1978) thành lập Ban Chỉ đạo tiếp nhận các vùng mới sẽ nhập vào Hà Nội do ông Nguyễn Đông, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng Ban. Ban Chỉ đạo tiếp nhận các vùng mới nhập vào Hà Nội có nhiệm vụ giúp Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Hà

42

Nội: Nghiên cứu xây dựng kế hoạch tiếp nhận các địa phương vào Hà Nội; Triển khai công tác tiếp nhận, bàn giao các địa phương; Đảm bảo mọi mặt hoạt động sản xuất, phục vụ đời sống, công tác ở các vùng mới nhập vào Hà Nội được liên tục, sớm ổn định; Chỉ đạo sự tiếp nhận của các ngành, các đoàn thể; Chuẩn bị đầy đủ điều kiện và thủ tục cần thiết cho Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố khi kí các văn kiện bàn giao, tiếp nhận với các tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú [156, tr. 1].

Ngày 5-1-1979, Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn số 04-CV/TU chỉ đạo các giám đốc, trưởng các ban, ngành, sở trực thuộc về việc phân công cán bộ phụ trách tiếp nhận bàn giao vùng mới sáp nhập vào Hà Nội. Ban Thường vụ Thành uỷ yêu cầu mỗi ban, ngành, đoàn thể cần phân công một người trưởng hoặc phó ban, giám đốc hoặc phó giám đốc chuyên trách công tác này đến khi kết thúc công việc tiếp nhận, bàn giao; đồng thời tùy theo khối lượng công tác của từng ngành mà lập một tổ công tác chuyên trách giúp ban ngành phụ trách công tác này [155, 1].

Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức các cuộc họp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh của Vĩnh Phú và Hà Sơn Bình trong hai ngày 6 và 8-1-1979, về việc thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội sáp nhập một số huyện, thị xã, thị trấn, xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú và Hà Sơn Bình vào Hà Nội. Sau khi nghe Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phú và Hà Sơn Bình giới thiệu khái quát tình hình các vùng mới sẽ nhập vào Hà Nội và một số công việc đã chuẩn bị để tiến hành công tác bàn giao, các bên đã cùng nhau thảo luận và nhất trí giải quyết một số vấn đề về việc sáp nhập các xã lẻ vào các huyện trước khi nhập vào Hà Nội; Những cơ sở hai tỉnh chuẩn bị bàn giao cho thành phố Hà Nội; Việc tổ chức đại hội Đảng bộ cơ sở và cấp huyện, thị xã; Về một số nhiệm vụ quan trọng trước mắt; Về tổ chức cán bộ; Về thời gian bàn giao [158, tr. 2].

Ngày 22-1-1979, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 17/TU thông báo lịch công tác tiếp nhận vùng mới nhập vào Hà Nội (trên cơ sở đã thống nhất với Vĩnh Phú và Hà Sơn Bình) bao gồm ba bước: Bước 1) Nắm tình hình và chuẩn bị phương án tiếp nhận; Bước 2) xây dựng phương án bàn giao và tiếp nhận cụ thể, chuẩn bị các thủ tục cần thiết; Bước 3) Hoàn thành việc chuẩn bị và làm những thủ tục cần thiết để bàn giao và tiếp nhận [160, tr. 1].

Đến cuối tháng 2-1979, đối với công tác chuẩn bị tiếp nhận huyện Mê Linh và Sóc Sơn (Vĩnh Phú) về thành phố Hà Nội, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã hoàn thành các công việc của bước 1 và bước 2.

Đối với bước ba, UBND thành phố đã ban hành Thông báo số 729 TB/UB (ngày 27-02-1979) chỉ đạo cụ thể về việc bàn giao và tiếp nhận kế hoạch năm 1979 như vật tư, tiền vốn, hàng hóa, xây dựng cơ bản; về các cơ sở kinh tế quốc doanh; về các

43

ngành khác như giao thông, bưu điện, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa…; về thời gian tiếp nhận [215, tr. 1].

Đối với công tác chuẩn bị bàn giao tiếp nhận các vùng mới thuộc Hà Sơn Bình vào Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 746 TB/UB (ngày 28-02-1979) chỉ đạo cụ thể về thời gian bàn giao, tiếp nhận chính thức giữa hai tỉnh; về việc tiếp nhận kế hoạch kinh tế, văn hóa của Hà Sơn Bình; việc tiếp nhận các cơ sở vật chất, kĩ thuật, sản xuất kinh doanh, phục vụ; về xây dựng cơ bản [216, tr. 1].

Ngày 14-3-1979, Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã họp với Thường vụ tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Sơn Bình thông báo tình hình chuẩn bị của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Sơn Bình, kiểm điểm công tác chuẩn bị bàn giao và tiếp nhận các huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 1047/UB (ngày 15-3-1979) về việc chuẩn bị bàn giao tiếp nhận các huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào Hà Nội, yêu cầu các ngành của thành phố cần xúc tiến làm việc ngay với các tỉnh của Hà Sơn Bình và các huyện để sớm hoàn thành chuẩn bị các tài liệu xong trước ngày 31-3-1979. UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các vấn đề cụ thể như vấn đề tổ chức cán bộ, vấn đề bầu cử HĐND các cấp [217, tr. 1].

Đối với tỉnh Hà Sơn Bình, thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển giao một số huyện, thị xã và xã của tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào Hà Nội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp quán triệt Nghị quyết và bàn kế hoạch thi hành. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị tại hội nghị cán bộ lãnh đạo toàn tỉnh và đã họp riêng với các lãnh đạo chủ chốt của các huyện, thị xã là những địa phương sẽ chuyển giao về Hà Nội để chỉ đạo kế hoạch tiến hành cụ thể.

Thường vụ Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã cử ra Ban Chỉ đạo chuẩn bị bàn giao của tỉnh do ông Minh Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ giúp cho Thường vụ Tỉnh ủy những công việc chuẩn bị, không có quyền quyết định. Trong quá trình bàn giao có bàn bạc cụ thể với Ban chỉ đạo tiếp nhận của Hà Nội và các cơ quan Trung ương, sau đó báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định [188, tr. 2].

Từ ngày 14 đến 23-1-1979, HĐND các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Chương Mỹ, Quốc Oai đã họp thống nhất với đề nghị sáp nhập một số xã của huyện cắt về thành phố Hà Nội theo đơn vị hành chính mới. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Sơn Bình đã phối hợp chặt chẽ với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội để triển khai công tác bàn giao, tiếp nhận các huyện, thị xã, xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội.

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 45 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(261 trang)