Kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 141 - 147)

Chương 5. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

5.2.2. Kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện

Thứ nhất, xác định rõ lộ trình, bước đi thích hợp, tránh chủ quan, nôn nóng hoặc trì trệ, kéo dài trong chỉ đạo thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội

Sau khi đề ra chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, Đảng cũng cần xác định rõ lộ trình, bước đi thích hợp để chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên cũng cần hết sức tránh tình trạng chủ quan, nôn nóng hoặc trì trệ, kéo dài gây những ảnh hưởng không tốt lên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Như lần điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008, sau khi thông qua chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cơ quan chức năng của Trung ương đã ban hành một số văn bản chỉ đạo việc triển khai các bước cần thiết để thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội tờ trình và các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, các tài liệu trình lên Quốc hội còn khá sơ sài, ngoài những nghị quyết của HĐND các địa phương liên quan là những văn bản mà theo quy định của pháp luật cần phải có, thì chỉ có Báo cáo tóm tắt và Đề án định hướng quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các tài liệu này tuy cần thiết nhưng chưa đủ các luận cứ khoa học, các chỉ số kinh tế - kỹ thuật cần thiết để đánh giá, cũng chưa xác định rõ lộ trình, bước đi trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa tính toán kỹ càng nguồn kinh phí cho việc thực

135

hiện đề án… Cũng cần phải tính đến chi phí từ ngân sách Nhà nước, không chỉ những chi phí trong khi thực hiện điều chỉnh, mà cả những chi phí nhiều năm sau cho việc cân bằng về lương giữa các vùng miền, cho việc xây dựng cơ sở mới, cho điều kiện hoạt động của các cơ quan mới…

Hơn nữa, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008 cũng thể hiện sự chủ quan, nóng vội không chỉ trong xác định chủ trương mà cả trong quá trình chỉ đạo thực hiện, cụ thể là đối với việc xác định mô hình cho thành phố Hà Nội sau mở rộng. Đô thị Hà Nội sau điều chỉnh địa giới năm 2008 có diện tích là 3.344km2 với dân số 6,5 triệu người, là thành phố rộng thứ 11 trên thế giới, là thủ đô đứng thứ 2 thế giới về diện tích, chỉ đứng sau Tokyo, lớn hơn cả Paris, Matxcơva, London, Kualalampur, Manila, Giacata, Seoul, Bangkok, Bắc Kinh… Với quy mô diện tích và dân số như vậy, Hà Nội cần xây dựng một mô hình đô thị phù hợp. Thực tế hệ thống quản lý đô thị của Việt Nam chuyển đổi chậm, chưa thích ứng kịp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Mỗi hệ thống chính trị có những đặc điểm khác nhau, nhưng quản lý đô thị xét về tư cách là một hệ thống tổ chức và kỹ thuật thì không thể có sự dị biệt nhau quá lớn, như thế sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh và hội nhập. Thành phố của các nước XHCN cũng cần có những điểm tương đồng với các thành phố khác trên thế giới, như thế cuộc sống của người dân mới diễn ra trong tình trạng bình thường. Trên thế giới, có nhiều nước đã áp dụng một số mô hình Thủ đô và đã thể hiện được những ưu thế của nó. Việt Nam là nước đi sau cần lựa chọn, học hỏi, rút kinh nghiệm từ các mô hình ấy. Thủ đô Hà Nội có thể mở rộng về diện tích, nhưng không nhất thiết phải là một Thủ đô đa chức năng, vừa là trung tâm về chính trị - hành chính vừa là trung tâm kinh tế - tài chính, văn hóa, giáo dục, ngoại giao của quốc gia. Có thể lựa chọn một/vài chức năng chính yếu, thuận lợi nhất cho Hà Nội và cho sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, linh hoạt, năng động, quyết đoán và kịp thời trong cách thức, biện pháp chỉ đạo thực hiện

Đối với lần điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 1991, chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đều đi đến quyết định chuyển thị xã Hà Đông về thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình nhận thấy nếu bàn giao thị xã Hà Đông về cho Hà Nội thì sẽ rất khó khăn cho Hà Sơn Bình trong việc di chuyển các trụ sở, cơ quan của tỉnh. Bởi thị xã Hà

136

Đông vốn là nơi bố trí các trụ sở, các cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Do đó, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đề nghị với Hà Nội là sẽ bàn giao Hà Đông khi tỉnh Hà Sơn Bình xây xong trụ sở mới ở Xuân Mai. Trên thực tế, sau đó, tỉnh Hà Sơn Bình gặp khó khăn trong việc xây trụ sở ở Xuân Mai. Vì thế, thị xã Hà Đông vẫn trực thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Đến năm 1991, khi có chủ trương thu hẹp lại địa giới hành chính thành phố Hà Nội, giao trả lại cho Hà Tây 5 huyện và 1 thị xã vốn được nhập vào Hà Nội năm 1978, lúc này Hà Đông tiếp tục trở thành tỉnh lỵ của Hà Tây. Như vậy, với sự linh hoạt trong việc xử lý tình huống trong vấn đề điều chỉnh thị xã Hà Đông đã không phát sinh chi phí trong việc xây dựng các trụ sở, cơ quan mới.

Ngược lại, đối với vấn đề tách - nhập huyện Mê linh vào thành phố Hà Nội lại thể hiện sự lúng túng, thiếu quyết đoán trong công tác chỉ đạo thực hiện. Năm 1978, Đảng chủ trương sáp nhập huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phú) vào thành phố Hà Nội. Sang năm 1991, Đảng lại chủ trương chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú.

Chỉ trong thời gian 13 năm mà có đến 2 lần điều chỉnh huyện Mê Linh, lúc thì nhập vào Hà Nội, lúc lại tách ra. Điều này đã tạo nên sự không ổn định trong đời sống nhân dân, tạo tâm lý dao động. Nên năm 1991, sau khi Đảng có chủ trương, các cấp ủy và chính quyền của huyện Mê Linh đã có những ý kiến xin được ở lại Hà Nội, hoặc tạm hoãn thi hành việc điều chuyển huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này được giải quyết bằng phương án tiếp tục tiến hành điều chỉnh Mê Linh về Vĩnh Phú. Đến năm 2008, 17 năm sau, Mê Linh lại được sáp nhập vào thành phố Hà Nội.

Năm 1991, Đảng chủ trương thu hẹp địa giới hành chính thành phố Hà Nội, nhưng vẫn giữ lại huyện Sóc Sơn, với lý do là cần có sân bay quốc tế Nội Bài trong thành phố. Đây là quan điểm cứng nhắc, bởi Thủ đô không nhất thiết cần phải có mọi thứ. Sân bay quốc tế không nhất thiết cần phải ở trong lòng Thủ đô, mà có thể ở ngoài để giảm tải cho Thủ đô, để thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh Thủ đô, đặc biệt là khu vực có đặt sân bay quốc tế. Ví dụ như ở Hàn Quốc, sân bay quốc tế Incheon cũng không nằm ở thủ đô Seoul, mà ở thành phố khác (Incheon), cách Thủ đô Seoul 70 km. Đây cũng chính là cách Hàn Quốc đã thực hiện nhằm giảm tải cho Seoul, vốn là một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Do đó, kinh nghiệm đặt ra là, cần hết sức linh hoạt, năng động, sáng tạo, quyết đoán và kịp thời trong cách thức, biện pháp chỉ đạo thực hiện, nhằm thực thi có hiệu quả nhất chủ trương của Đảng, tránh tình trạng cứng nhắc, dập khuôn.

137

Thứ ba, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phạm vi hành chính với tổ chức bộ máy chính quyền cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa chung - riêng của các địa phương trong điều chỉnh địa giới hành chính

Trong các nhân tố tác động đến sự phân chia các đơn vị hành chính - lãnh thổ cấp tỉnh, thành phố các vấn đề quy mô diện tích và dân số, địa hình, địa lý tự nhiên, trình độ và điều kiện giao thông liên lạc có vai trò rất quan trọng, vì có liên quan trực tiếp đến khả năng quản lý của cơ quan chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Nhưng điều kiện và khả năng quản lý của cấp tỉnh thành lại liên quan đến một vấn đề quan trọng khác là vấn đề quy mô, cách thức tổ chức của chính quyền cấp đó. Hai vấn đề phân chia lại địa giới và tổ chức lại hệ thống chính quyền là hai mặt của một vấn đề, nhằm tạo ra sự thuận tiện nhất cho công việc quản lý của nhà nước ở địa phương.

Việc phân chia hệ thống hành chính, xác định địa giới các đơn vị hành chính nằm trong một tổng thể rộng lớn là vấn đề tổ chức nền hành chính quốc gia nhằm làm cho bộ máy quản lý Nhà nước có đủ quyền lực và có hiệu lực cao. Tổ chức bộ máy hành chính là một bộ phận của hệ thống chính trị và phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Vì vậy, khi nghiên cứu đề ra chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, cũng cần phải có sự nghiên cứu, điều chỉnh, thay đổi lại hệ thống tổ chức chính quyền trong khu vực điều chỉnh đó. Tuy nhiên, trên thực tế, sau cả 3 lần điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Hà Nội năm 1978, 1991 và 2008 đều chưa có sự thay đổi đột phá về hệ thống chính quyền các cấp cho phép phát huy được mặt lợi thế và chế ước mặt bất lợi của sự điều chỉnh về địa giới hành chính. Sau các lần điều chỉnh này, chưa có sự thay đổi đột phá về hệ thống tổ chức chính quyền, cụ thể, hệ thống tổ chức chính quyền của thành phố Hà Nội vẫn giữ ở mô hình ba cấp: thành phố - quận huyện - phường xã. Sau mỗi lần điều chỉnh không kể thu hẹp hay mở rộng địa giới thì đội ngũ cán bộ của các cấp không những không được tinh giản gọn lại mà thậm chí còn phình ra thêm. Đặc biệt sau lần điều chỉnh địa giới theo hướng mở rộng năm 2008, khi nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội, các cơ quan cấp tỉnh, thành phố tương đương của hai địa phương này được hợp nhất vào Hà Nội. Hai cơ quan hợp làm một, nhưng số lượng cán bộ thì vẫn giữ nguyên. Ở cấp quận, cụ thể là quận Từ Liêm, sau mở rộng năm 2008, một số huyện của tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào quận Từ Liêm. Sau một thời gian hoạt động, quận Từ Liêm nhận thấy địa giới của quận quá rộng, khó quản lý. Năm 2013 quận này lại xin được

138

tách ra thành hai quận lấy tên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Với việc tách ra như vậy, số lượng cán bộ của hai quận thậm chí không giảm mà còn tăng gần gấp đôi so với khi chưa điều chỉnh.

Thay đổi địa giới hành chính cũng cần gắn với công tác an ninh quốc phòng, đây cũng là mặt mà Đảng rất chú trọng, nghiên cứu kĩ lưỡng, cụ thể qua mỗi lần đề ra chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, không kể mở rộng hay thu hẹp. Hà Nội không chỉ là một thành phố mà còn là Thủ đô của đất nước, nơi đóng quân của tất cả các cơ quan đầu não của đất nước, vì vậy, công tác an ninh quốc phòng là vô cùng quan trọng. Trong mỗi lần điều chỉnh, Đảng đều nghiên cứu, đề ra những địa giới với những vành đai bảo vệ xung quanh, những phương án dự phòng khi có vấn đề xảy ra.

Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền cùng là một vấn đề cần phải nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng trong mỗi lần điều chỉnh về địa giới hành chính.

Với lần mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008, tích hợp trong nó cả một địa bàn rộng lớn với nhiều vùng văn hóa khác nhau, trong đó có truyền thống văn hóa của vùng Hà Nội lõi, vùng văn hóa xứ Đoài với những truyền thống văn hóa lâu đời… đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý văn hóa, cần có tầm nhìn xa trông rộng, với nền tảng kiến thức vững vàng, tránh áp đặt văn hóa cứng nhắc cho mọi vùng để phát huy được bản sắc văn hóa của từng vùng miền, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc cho Thủ đô Hà Nội.

Những yếu tố lịch sử, thành phần dân tộc và sắc tộc, tâm lý dân cư cần được xem xét, song không nên coi đây là căn cứ chủ yếu để xác định địa giới hành chính.

Địa giới của một cấp hành chính tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể đảm bảo sự quản lý thống nhất của Chính phủ để thực hiện những nhiệm vụ chính trị trong từng thời kì nhất định, không thể phân vạch địa giới hành chính theo thành phần dân tộc.

Yếu tố tâm lý và truyền thống lịch sử cần được coi trọng, song cần phân tích rõ tâm lý của các đối tượng khác nhau.

Như vậy, bài học đặt ra là cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phạm vi hành chính với tổ chức lại bộ máy chính quyền, giữ gìn an ninh quốc phòng, bản sắc văn hóa chung riêng của các địa phương, tạo đà thúc đẩy phát triển Hà Nội về mọi mặt.

139

Tiểu kết chương 5

Trong 30 năm (1978-2008), thành phố Hà Nội đã trải qua ba lần điều chỉnh địa giới hành chính. Được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Nhà nước trung ương, với tư cách Thủ đô của nước, trung tâm đầu não về chính trị và văn hóa, khoa học kỹ thuật đồng thời là trung tâm kinh tế và trung tâm giao dịch quốc tế, Hà Nội nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ. Nỗi trăn trở về một địa giới hành chính hợp lý cho thành phố Hà Nội luôn là bài toán được đặt ra qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo khác nhau của Đảng, của cấp quản lý vĩ mô. Với ba lần điều chỉnh địa giới hành chính qua các năm 1978, 1991, 2008, Hà Nội đã có những thay đổi trên nhiều phương diện khác nhau về diện tích, dân số, mức độ, tình hình phát triển, quy hoạch phát triển... trên cả hai chiều cạnh tích cực và chưa tích cực. Một mặt, Hà Nội ngày càng đổi mới, phát triển, có diện mạo của một thủ đô hiện đại, năng động, tích cực hội nhập quốc tế, đầu tàu, xung kích trong các kế hoạch kinh tế - xã hội của cả nước; mặt khác, nhiều vấn đề về quản lý đô thị, về xử lý môi trường sinh thái, về quy hoạch và sử dụng quỹ đất, về bình ổn đời sống các tầng lớp nhân dân lao động... vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ, đòi hỏi những biện pháp, giải pháp quyết liệt, kịp thời hơn. Điều đó phản ánh rằng, dù Đảng, Nhà nước luôn giành những sự quan tâm, hỗ trợ quan trọng, đặc biệt cho Hà Nội thể hiện qua chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố, thì bản thân chủ trương ấy cũng như quá trình chỉ đạo thực hiện bên cạnh một số thành tựu vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Từ những thành công và chưa thành công trong sự lãnh đạo của Đảng đối với ba lần lần điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; phân tích một cách toàn diện những nguyên nhân hạn chế, có thể đúc rút một số kinh nghiệm cả trong hoạch định chủ trương và trong chỉ đạo thực hiện nhằm phục vụ hiện tại trong điều chỉnh địa giới hành chính nói chung và các công tác có liên quan nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, bảo vệ Thủ đô nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước nói chung thì việc tham khảo những kinh nghiệm lịch sử đó là bổ ích và cần thiết.

Một phần của tài liệu Đảng cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà nội từ năm 1978 đến năm 2008 (Trang 141 - 147)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(261 trang)