Chương 3. ĐẢNG LÃNH ĐẠO THU HẸP ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 1991
3.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện
3.2.1. Đối với Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chức năng Trung ương
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ngày 15-7-1991, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ đã gửi Công văn số 340/TCCP xin trình lên Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng dự thảo tờ trình và đề án phân vạch địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có đề cập lại vấn đề thu hẹp địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Đề nghị Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xem xét cho ý kiến để kịp tu chỉnh văn bản trình trước Quốc hội khóa VIII trong kỳ họp thứ 9.
Trên cơ sở công văn của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Hội đồng Bộ trưởng đã gửi tờ trình số 2378-TH (ngày 20-7-1991) lên Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng Bộ trưởng đã đề nghị Quốc hội, Hội đồng Nhà nước sau khi có Hiến pháp sửa đổi và một số đạo luật tổ chức bộ máy Nhà nước đi liền theo Hiến pháp, nghiên cứu một cách đầy đủ vấn đề điều chỉnh địa giới, gắn liền điều chỉnh địa giới với việc điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của chính quyền các cấp. Hội đồng Bộ trưởng đã đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh thành, trong đó có kiến nghị việc điều chỉnh thu hẹp lại địa giới hành chính thành phố Hà Nội [78, tr 2-3].
Trước đó, ngày 1-7-1991, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 444-NQ/HĐNN8 về việc thành lập Ủy ban thẩm tra phương án của Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội về việc phân vạch địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thẩm tra phương án của Hội đồng Bộ trưởng về quy mô phân vạch địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm bản thuyết trình để Quốc
59
hội xem xét, quyết định [80, tr.1]. Ngày 23-7-1991, Ủy ban họp để nghe đại diện Hội đồng Bộ trưởng trình bày phương án, đồng thời cũng xem xét văn bản của một số tỉnh và thành phố gửi lên Quốc hội và Hội đồng Nhà nước kiến nghị về vấn đề trên.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (diễn ra từ ngày 27-7 đến 12-8-1991), Ủy ban thẩm tra phương án điều chỉnh địa giới hành chính đã trình Báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh địa giới một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở đã nghiên cứu và thảo luận, Ủy ban thẩm tra nhận thấy trước đây Hà Nội có lấy một số huyện nông thôn sáp nhập vào thành phố để xây dựng vành đai cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thủ đô. Điều này làm cho công tác điều hành của thành phố bị dàn mỏng, vùng ngoại thành tiếng là gần các trung tâm khoa học - kĩ thuật nhưng lại chậm phát triển, còn ở nội thành, thành phố cũng không tập trung được khả năng để xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Hiện thời, khi đất nước đã mở rộng việc giao lưu với thế giới, yêu cầu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh là rất cấp thiết, do đó việc xác định lại địa giới của Thủ đô, tạo cho bộ máy điều hành của Thủ đô có điều kiện tập trung vào việc xây dựng và quản lý đô thị là rất bức xúc. Vì vậy, Ủy ban Thẩm tra đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định: “Chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Phú; Chuyển 5 huyện và 1 thị xã của thành phố Hà Nội là huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây sáp nhập vào tỉnh Hà Tây” [251, tr. 1-3].
Ngày 12-8-1991, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa VIII tại kỳ họp thứ 9, sau khi nghe Tờ trình của Hội đồng Bộ trưởng, ý kiến của HĐND các tỉnh, báo cáo của Ủy ban thẩm tra phương án điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến của các đại biểu, đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính của 7 tỉnh, thành phố: tỉnh Nghệ Tĩnh, tỉnh Hoàng Liên Sơn, tỉnh Hà Tuyên, tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tỉnh Hà Sơn Bình và thành phố Hà Nội. Đối với thành phố Hà Nội, Quốc hội đã ra quyết nghị theo ý kiến của Ủy ban Thẩm tra của Quốc hội: “Chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú; Chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất của thành phố Hà Nội về tỉnh Hà Tây” [135, tr. 1-2].
Thành phố Hà Nội còn lại các đơn vị: 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, hai Bà Trưng và 5 huyện ngoại thành: Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh và Sóc Sơn (có sân bay Nội Bài).
Sau khi chủ trương về điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh thành, trong đó có chủ trương thu hẹp địa giới hành chính thành phố Hà Nội được Quốc hội khóa VIII kì họp thứ 9 (8-1991) ra Nghị quyết thông qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các Ban Đảng ở
60
Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội theo tinh thần tiết kiệm, không tăng biên chế, không thất thoát tài sản XHCN, nhanh chóng ổn định tổ chức và phát triển sản xuất.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Hội đồng Nhà nước đã ban hành hướng dẫn số 129-HĐNN8 hướng dẫn thành lập đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh mới chia tách. Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 254-CT ngày 28-8-1991 về chỉ đạo triển khai cụ thể việc chia tỉnh theo tinh thần Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ đã ban hành Công văn số 411/TCCP ngày 30-8-1991, hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 254/CT. Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ đã hướng dẫn một số điểm cụ thể để các địa phương làm tốt các công việc. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng đến cán bộ các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công nhân viên chức có liên quan, về tổ chức bộ máy, về hồ sơ tài liệu… Theo đó, Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phú có thể thành lập Ban chỉ đạo bàn giao, nhận bàn giao. Giúp việc ban chỉ đạo cần có các tiểu ban chuyên trách công việc cụ thể như: Tiểu ban chính trị tư tưởng, Tiểu ban tổ chức nhân sự, Tiểu ban phân chia tài sản, Tiểu ban chuẩn bị nơi làm việc các cơ quan tỉnh mới.
Thời gian cho đến hết tháng 10/1991 và chậm nhất là tháng 11/1991 các địa phương phải thực hiện làm việc theo tỉnh mới [29, tr. 1-2].
Thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 254-CT (ngày 28-8-1991) của Hội đồng Bộ trưởng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48-TC/NSNN (ngày 31-8-1991) hướng dẫn giải quyết các vấn đề về tài chính đối với các tỉnh, thành phố phân định lại địa giới hành chính. Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về phân chia tài sản và các nguồn vốn tài chính Nhà nước ở địa phương. Đại diện của hai tỉnh mới cần bàn bạc, thống nhất phương thức biện pháp phân chia tài sản và tiền vốn sao cho sau khi chia tách mọi hoạt động kinh tế - xã hội của cả 2 tỉnh đều tiến triển bình thường [39, tr. 1-3].
Như vậy, đến cuối tháng 8-1991, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các ban Đảng ở Trung ương, vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã được trình lên Quốc hội và được Quốc hội thông qua. Sau đó, các cơ quan chức năng của Trung ương đã ban hành các văn bản cụ thể để hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các công việc được thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương theo đúng tinh thần của pháp luật.
61